Hợp tác làm phim phải có sự bình đẳng…
Từ 20 năm trước, chúng ta đã từng đặt viên gạch đầu tiên để làm phim bằng quỹ tài trợ của các nước như Trở về (1994), do Truyền hình Anh quốc và Thương nhớ đồng quê (1996) do Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) tài trợ. Những năm 2000 trở đi, cách làm phim nhận tài trợ này ngày càng tăng lên.
Về phim hợp tác liên doanh, trước năm 2000 chỉ có chừng vài ba phim. Những mảnh đời rừng (1987) - đạo diễn Trần Vũ, phim hợp tác với CHDC Đức; Bông Sen (1998) - đạo diễn Trần Đắc, hợp tác với Algeria. Từ năm 2000, có các phim: Mùa len trâu (2004) - đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hãng phim Giải Phóng liên doanh với điện ảnh Pháp, Bỉ; Mười (2007) - Hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc. Một số phim như: Hà Nội, Hà Nội, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải hợp tác với điện ảnh Trung Quốc…
Gần đây, chúng ta có chương trình hợp tác làm phim truyền hình với Nhật Bản và Hàn Quốc và có những phim khá nổi cộm như Người cộng sự (Nhật Bản) và Tuổi thanh xuân (Hàn Quốc). Đây là hai phim gây chú ý trong công chúng vì được chiếu vào giờ vàng của VTV và cũng là hai phim cho thấy rõ sự bất bình đẳng giữa Việt Nam và nước bạn. Phim Người cộng sự thể hiện hình ảnh cụ Phan Bội Châu, một nhà chí sĩ cách mạng rất được yêu kính ở Việt Nam, nhưng không hề trung thực với lịch sử Việt Nam. Cụ Phan Bội Châu trong phim được thể hiện như một người rừng, vượt biển đến Nhật bị chìm tàu, ngất trên bờ biển và được người Nhật cứu giúp, nhưng vì không biết tiếng Nhật nên đã có hành xử như kẻ vũ phu (cầm cây đập cô y tá muốn băng lại vết thương cho mình). Trong khi sự thực Phan Bội Châu đến Nhật có người phiên dịch là Tăng Bạt Hổ. Tại Hoành Tân, Phan Bội Châu đã hai lần gặp gỡ và đàm đạo (bằng bút đàm) với Tôn Trung Sơn và Lương Khải Siêu, và được ông Lương giới thiệu với hai chính khách có thế lực nhất ở Nhật lúc bấy giờ là ông Đại Ôi (Okuma Shigenobu) từng hai lần làm Thủ tướng, ông Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) - Đổng lý của đảng Tiến bộ ở Nhật. Chính những nhân vật này đã giúp đỡ ông hết lòng để ông có thể đưa 200 du học sinh sang Nhật, còn Kashiwabara Buntaro và sau này còn có bác sĩ Asaba Sakitaro là những người giúp đỡ về phương tiện vật chất. Là một nhà cách mạng có học thức, con đường cứu nước của ông được hoạch định và tổ chức rất quy củ. Duy tân hội do ông và các đồng chí thành lập có ban kinh tài để lo kinh phí và được sự ủng hộ nồng nhiệt của các hào phú trong nước. Những bức huyết thư ông viết gửi về nước trong giai đoạn này đã trở thành luồng sóng lớn cổ vũ thanh niên cả 3 kỳ lên đường Đông du. Đây là một tổ chức cách mạng có cương lĩnh hẳn hoi, chứ không phải liều chết mà đi không định hướng như nhân vật trong phim. Vì sao ta chịu hợp tác để làm một bộ phim không trung thực như vậy? Tôi tin rằng nếu có sự góp ý với biên kịch người Nhật từ phía Việt Nam, phía Nhật sẽ hiểu ngay, nhưng tại sao ta lại chấp nhận một bộ phim như thế? Trên mạng Internet có nhiều bài viết phản ứng về bộ phim này, như bạn Thành Nguyễn, thuộc cộng đồng Việt - Nhật đã đòi vất phim vào sọt rác! Ấy thế mà Người cộng sự đã đoạt giải Bông sen vàng lần thứ 18 mới kinh!? Đó chính là sự bất bình đẳng. Cũng giống như phim Tuổi thanh xuân, vì sao dù quay ở Việt Nam, trong một nhà hàng ở Đà Nẵng mà tiệc tùng luôn uống rượu sôchu và ăn toàn thức ăn Hàn Quốc? Hàn Quốc luôn luôn có ý thức giới thiệu bản sắc văn hóa Hàn từ thắng cảnh, ẩm thực đến con người. Đó là điều chúng ta phải học tập khi làm phim, nhưng ngay cả trên đất nước Việt Nam mà ẩm thực Hàn Quốc cũng được giới thiệu tận tình trong khi ẩm thực Việt thì biến mất tăm? Vì sao? Đó chính là sự bất bình đẳng!! Và nếu chúng ta cứ tiếp tục hợp tác làm phim theo kiểu này thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận đánh mất bản sắc của dân tộc mình trước đối tác…
Làm dịch vụ cho phim nước ngoài - những vướng mắc cần tháo gỡ
Trong vài chục năm qua có một số phim nước ngoài như Điện Biên Phủ, Đông Dương, Người tình, Mùa hè chiều thẳng đứng (Pháp); Người Mỹ trầm lặng (Mỹ); Tạm biệt sông Ba (Hàn Quốc) chọn bối cảnh Việt Nam vì nội dung có liên quan đến Việt Nam, điện ảnh Việt Nam chỉ tham gia làm dịch vụ. Và với phim nổi tiếng như Đông Dương, từng đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, từ đó thế giới mới biết đến vịnh Hạ Long của Việt Nam, số lượng du khách tăng lên gấp 15 lần. Hai phim Điện Biên Phủ và Người tình cũng đã làm dấy lên làn sóng người Pháp đến thăm lại Điện Biên và Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chợ Lớn để tìm lại dấu tích xưa từng làm bối cảnh cho phim Người tình. Tiếc rằng, giai đoạn này ta chưa biết làm du lịch, cho nên đã không biết gìn giữ những cảnh quan đã quay trong phim để hấp dẫn du khách. Vì thế, khi họ đến Đồng Tháp, họ không thể tìm thấy gì ngoài dòng sông Hậu và chiếc phà trôi trên sông, còn những cảnh quan khác hoàn toàn đã bị hủy bỏ.
Với loại hình này, năm 1998, chúng ta từng từ chối phim James Bond là loạt phim nổi tiếng hàng đầu thế giới. Nhân vật điện ảnh bất tử này tồn tại đã trên nửa thế kỷ mà vẫn luôn ăn khách. Đặc điểm của phim James Bond là quay ở nhiều nước. Họ đến quay ở đâu, danh tiếng của bộ phim là đảm bảo bằng vàng cho du lịch ở đó phát triển. Việc James Bond 007 “mở hàng” cho một bộ phim Mỹ đầu tiên quay tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của cả Hollywood, bởi lúc ấy việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sẽ mở ra một cơ hội tốt cho các bên và điện ảnh là cú hích hàng đầu. Họ dự định sẽ quay 3 tuần và chuẩn bị trong 3 tháng, chỉ cho một trường đoạn hấp dẫn nhất của phim: cảnh rượt đuổi bằng xe máy BMW phân khối lớn giữa Pierce Brosnan, Dương Tử Quỳnh và những kẻ xấu. Ngoài ra còn thêm một vài cảnh quay ở vịnh Hạ Long. Dự kiến họ sẽ tiêu tốn khoảng 5 triệu USD ở Việt Nam, và họ biết rõ Việt Nam luôn luôn có an ninh theo sát đoàn phim nên đã tính luôn chi phí trả lương cho 10 công an Việt Nam trong suốt thời gian quay. Nhưng cuối cùng Việt Nam đã bất ngờ từ chối dù mọi thủ tục giấy phép Cục Điện ảnh đã làm xong. Có nguồn tin từ phía công an, lý do là kịch bản phim bài xích nước Nga, nhưng buồn cười thay James Bond 007 vẫn được chiếu bình thường ở nước Nga! Sự kiện Việt Nam từ chối James Bond 007 đã gây chấn động Hollywood và cả châu Á phải tiếc nuối, trừ Thái Lan... Một nhà sản xuất phim người Philippines bình luận về sự kiện này: “Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới “dám” nói không với James Bond. Nếu chỉ cần biết Bond có quan tâm đến Philippines một chút thôi, nước chúng tôi chắc chắn sẽ trải thảm đỏ để rước họ vào”. Việc chuyển bộ phim sang Thái Lan là chuyện nhỏ đối với đoàn James Bond 007 dù thiệt hại của họ là rất lớn, nhưng tác hại của nó với Việt Nam là vô cùng lớn! Hàng loạt dự án chuẩn bị triển khai có liên quan đến Việt Nam lập tức bị hoãn vô thời hạn với lý do mà bất cứ hãng phim nào của Hollywood cũng phải ngán: Không một ngân hàng hay tập đoàn tài chính bảo hiểm nào trên thế giới dám nhận bảo hiểm cho một bộ phim triển khai tại Việt Nam, vì rủi ro quá lớn!
Và cũng ít ai biết cách đây gần 30 năm (khoảng 1990), đạo diễn Oliver Stone đã sang Việt Nam để xin chính thức quay bộ phim thứ ba của ông về đề tài chiến tranh Việt Nam, Heaven & Earth (Trời và Đất). Lúc ấy danh tiếng của Oliver Stone đang ở trên đỉnh cao, vì ông vừa mới đoạt giải Oscar lần thứ 2 với phim Sinh ngày 4 tháng 7. Phim Trời và Đất phỏng theo truyện Đảo ngược đất trời của Phùng Thị Lệ Lý, bối cảnh hầu hết là ở miền Trung Việt Nam, nhưng trong kịch bản có chi tiết Lệ Lý bị một Việt Cộng hãm hiếp, đúng như những gì Lệ Lý đã trải qua trong cuộc đời bà… Cơ quan duyệt kịch bản đã đề nghị Oliver Stone cắt bỏ chi tiết này, ông đã nói đùa đại ý: Ngay cả tổng thống Mỹ cũng còn không được phép duyệt cắt kịch bản của tôi! Nhưng vì thiết tha được làm một bộ phim tại Việt Nam, Oliver đã nhượng bộ đề nghị sửa lại chi tiết này chứ không cắt. Tuy nhiên đề nghị này của ông không được chấp nhận. Thế là Oliver Stone, cùng các nhà sản xuất quyết định chuyển dự án khổng lồ hơn 30 triệu USD sang Thái Lan để thực hiện toàn bộ cảnh Việt Nam, mặc dù Oliver Stone không hề muốn điều đó. Xảy ra tình trạng khe khắt này vì trước đó vài năm, điện ảnh Việt Nam vừa bị một cú sốc với bộ phim xuyên tạc của Hong Kong: Yêu tiếng hát Việt Nam. Trời và Đất lại là bộ phim Mỹ đầu tiên muốn quay ở Việt Nam sau 1975, nên việc cấp phép và duyệt kịch bản càng gắt gao hơn bao giờ hết! Nhưng chúng ta đã không phân biệt được đâu là thiện chí của người làm phim, đâu là sự giả trá, bởi vì với một đạo diễn như Oliver Stone, người đã có hai bộ phim lên án chiến tranh vô nghĩa của người Mỹ trên đất nước Việt Nam, thì có lý do gì ông lại nói xấu Việt Nam? Hơn nữa, với phim Yêu tiếng hát Việt Nam, ta đã từng duyệt kịch bản rất gắt gao, đã cắt công an theo sát từng cảnh quay của họ, nhưng ta lại không hiểu rằng phim truyện là dàn dựng. Công an là người ngoại đạo làm sao hiểu được phép phù thủy của điện ảnh? Kịch bản anh cứ duyệt, nhưng với những cảnh quay rất lành này tôi vẫn có thể bôi đen hoàn toàn đất nước anh trên bàn dựng…
Gần đây nhất, phim Kong: Đảo Đầu lâu của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chọn bối cảnh ở Việt Nam, và dù không phải là phim nổi tiếng như James Bond 007, nhưng hiện nay sau hơn nửa tháng phát hành, Kong cũng đã cán mức 500 triệu đôla. Con số ấy có thể cho ta vững tin rằng Kong sẽ cuốn hút được khách du lịch trên thế giới đổ về Ninh Bình, nơi đang được dàn dựng bối cảnh y như trong phim. Và ở thời điểm 2016, mọi thủ tục đều rất thoáng, Việt Nam bây giờ gần như mở rộng cửa đón các đoàn làm phim quốc tế, nhất là Hollywood. Bởi đó chính là cách tốt nhất để quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch. Chỉ có điều khi ta đã vỡ ra và bước qua khỏi giai đoạn ấu trĩ ngày xưa thì bây giờ ta lại nhảy từ cực này sang cực khác. Ý tưởng dựng tượng con khỉ đột trong phim Kong: Đảo Đầu lâu bên hồ Hoàn Kiếm là một ý tưởng điên rồ, may là cuối cùng trước sự phản đối dữ dội của công chúng và dư luận xã hội, nó đã không thành hiện thực. Chứ nếu không nó sẽ trở thành một trò hề trong mắt người nước ngoài…!!
Làm sao mời gọi được các nhà sản xuất phim lớn đến Việt Nam?
Vấn đề của chúng ta hiện nay không phải là ngồi chờ sung rụng mà phải có chiến lược từ cấp nhà nước. Trước khi mời gọi được nước ngoài tới làm phim và chọn bối cảnh ở Việt Nam, chúng ta phải có ngân hàng bối cảnh để giới thiệu cảnh đẹp ở Việt Nam qua các trang web và phải có hành lang pháp lý rõ ràng khi nhận làm dịch vụ cho nước ngoài. Phải rõ ràng và minh bạch từng con số và đáp ứng đủ mọi yêu cầu của đối tác. Việc này xưa nay do các hãng phim đảm nhiệm, và các hãng phim với quy mô nhỏ chỉ cử được người của mình đi theo đoàn phim, và tất nhiên nếu gặp một ê kíp xấu sẽ gây phiền hà cho đối tác rất nhiều với tâm lý chém chặt, đập đổ, ăn chặn tiền diễn viên quần chúng… Đây là chuyện vẫn thường xảy ra đến nỗi khi đoàn phim nước ngoài chuẩn bị rời đi họ đã bị chặn lại kêu cứu vì không được trả tiền sòng phẳng. Những vết nhơ này chúng ta liên tục mắc phải vì cách làm không chuyên nghiệp, làm các đối tác nước ngoài dù rất muốn đến Việt Nam, nhưng vấp phải những rào cản này đã chọn những đất nước khác. Vì các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines… đã rất chuyên nghiệp khi làm việc với đối tác nước ngoài. Chỉ cần được bắn tiếng là họ đã mời chào từ ngân hàng bối cảnh và dịch vụ xin giấy phép, thủ tục cần có trong từng phân đoạn phải quay. Có nơi như New Zealand còn có sẵn toàn bộ máy móc hiện đại cần thiết cho một đoàn phim lớn để không phải chuyên chở các thiết bị tốn kém…
Khoảng 3 năm trở lại đây, các hãng phim lớn nhất thế giới đã thống nhất đưa ra một quan điểm đầu tư điện ảnh mới. Sẽ không có chuyện các dự án triệu đô tự động “nộp” cho các nước như trước đây. Mà chính các nước được chọn làm bối cảnh sẽ phải đưa ra những ưu đãi, và cam kết đặc biệt của chính phủ về chính sách thuế (Film Production Incentive) khi họ đổ hàng triệu đôla vào nước đó để sản xuất phim, nước nào đưa ra chính sách ưu đãi kinh tế tốt nhất, họ mới tới. Chính sách này hiện đang rất phổ biến trên thế giới (ngay cả trong nước Mỹ, mỗi bang đều đưa ra những chính sách khác nhau để lôi kéo các đoàn phim). Ở châu Á, đã có nhiều nước tham gia, Thái Lan cũng đang chuẩn bị lộ trình để nhanh chóng gia nhập Incentive. Hiện nay, chính sách hoàn thuế lên đến 40% do New Zealand thực hiện đã đánh bạt hết các quốc gia châu Á khác. Theo thông tin từ đạo diễn Charlie Nguyễn khi anh đi theo một đoàn phim Hollywood thì khi Malaysia chào mời con số 30% hoàn thuế đã mất đi cơ hội làm phim với đối tác vì con số 40% của New Zealand. New Zealand không phải là đất nước có nền điện ảnh lớn, họ chỉ làm phim với dự án nhỏ chỉ khoảng 150.000 đôla đổ lại, nhưng họ lại có một nền công nghiệp điện ảnh lớn để có thể chào mời mọi dự án làm phim từ Hollywood với một cách làm việc cực kỳ chuyên nghiệp. Và vì thế, đây là đất nước mà Hollywood đến nhiều nhất, và tất nhiên du lịch của họ cũng rất phát triển dù là một nước nhỏ chỉ có chừng 5 triệu dân.
Chúng ta đã mất khoảng 20 năm để có đủ niềm tin hội nhập với thế giới điện ảnh. Nay cơ hội đó càng khó khăn hơn gấp nhiều lần với quy chế Incentive đang áp dụng trên toàn cầu. Bởi dù những người trong ngành quản lý điện ảnh có biết đến quy chế này, nhưng để vận dụng được ở Việt Nam có lẽ sẽ phải mất rất nhiều thời gian… Nhưng dù thế nào, vấn đề của Việt Nam hiện nay là nhà nước, cụ thể hơn là Cục Điện ảnh và Bộ Công an, phải nắm lấy vai trò hoàn toàn chủ động với một ngân hàng bối cảnh hấp dẫn, với hành lang pháp lý rõ ràng, thủ tục đơn giản để mời gọi, bởi vì ta vẫn có thế rất mạnh về bối cảnh với niềm tin rằng trên thế giới, vịnh Hạ Long và hang Sơn Đoòng chỉ duy nhất có tại Việt Nam…