Sau ngày 25 tháng 8 - ngày Việt Minh nắm chánh quyền toàn Nam Bộ, chúng ta thấy Lâm ủy Hành chánh(1) đặt mình trước hai vấn đề quan trọng: đối nội và đối ngoại.
Về nội tình, nhà cầm quyền phải dùng phương sách tiết chế lòng dân đương sôi nổi và phải dung hòa tất cả đảng phái để nhứt tề đối ngoại.
Vậy tình hình ngoại giao tấn triển thế nào?
Nhựt còn võ trang ở bên trong. Phái bộ Đồng minh sắp đến. Kẻ chiến bại ít được để ý đến. Họ chỉ rộn rịp ngày phái bộ Đồng minh đến Sài Gòn.
Hôm nay, ngày 29 tháng 8. Một thông cáo của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn ấn hành như sau:
“… Phái bộ Đồng minh Anh, Mỹ, Nga, Tàu sẽ đến xứ mình nay mai để sắp đặt việc Nhựt Bổn lui binh.
Nhơn dân phải hiệp với Chánh phủ đặng tiếp rước phái bộ Đồng minh một cách hết sức long trọng và nhứt là mỗi nhà bất luận công hay tư đều phải treo cờ bốn nước Đồng minh (2) kể trên đây chung quanh lá quốc kỳ Việt Nam (cờ đỏ có ngôi sao vàng chính giữa)”.
Như vậy, nay mai phái bộ Đồng minh sẽ đến.
Chỉ còn một câu hỏi mà dân chúng đặc biệt chú ý:
Còn Pháp? Họ có trong phái bộ Đồng minh chăng? Nếu họ đến, ta phải làm sao?
Thật là một câu hỏi quan trọng.
Nhưng, hỏi như vậy là trễ rồi. Đại diện của Pháp đã có mặt tại Sài Gòn mấy hôm nay. Họ có mặt trước ngày 25 tháng 8. Chính họ đã mục kích đoàn biểu tình khổng lồ của hơn nửa triệu người hoan hô ngày chánh quyền về Việt Minh. Người đại diện ấy là ai? Ở đâu đến? Tên gì?
Người ấy chính làđại táCédile, sau này làủy viên Cộng hòa Nam Bộ.
Từ Calcutta, ông ngồi trên chiếc phi cơ Dakota qua nhảy dù xuống Nam Bộ vào chiều ngày 22 tháng 8, cùng một lượt với thiếu tá Messmer nhảy dù ở Bắc. Sứ mạng của ông Cédile là tiếp xúc với Nhựt và thương thuyết về vấn đề tù binh Pháp.
Đại tá Cédile cùng hai bạn của ông nhảy dù xuống một làng nhỏ ở Tây Ninh, gần biên giới Việt - Miên. Trong mình đại tá Cédile có một máy truyền tin vô tuyến điện. Đây là lần nhảy dù đầu tiên trong đời tùng chinh của ông Cédile. Bị dân làng bắt giao cho Nhựt, ông Cédile cùng hai bạn của ông bị đưa về Sài Gòn trong đêm 22 tháng 8.
Sau khi bị cật vấn lâu ngày, Nhựt cho phép ông Cédile dạo thành phố và cho ông cùng hai bạn ông ở tạm trong một tòa nhà nhỏ trong vòng thành của dinh Toàn quyền cũ(3) dưới sự bảo vệ cẩn mật của quân đội Nhựt.
Năm giờ chiều ngày 30 tháng 8 - nghĩa là sau năm ngày nắm chánh quyền, Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ là ông Trần Văn Giàu có triệu tập cuộc hội họp báo chí tại dinh Hành chánh(4). Sau khi nói về sự tổ chức dân quân cách mạng, ông Giàu có cho biết:
Có đại biểu của De Gaulle nhảy dù xuống Sài Gòn, yêu cầu nói chuyện với Ủy ban Hành chánh lâm thời.
Về việc nầy, ông Giàu tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp chuyện nếu đại biểu của De Gaulle chịu đặt sự bàn bạc lên lập trường Việt Nam hoàn toàn độc lập. Nhưng, nếu đại biểu của De Gaulle muốn đặt sự bàn bạc lên lập trường khác thì chúng tôi xin nhường cho… súng đạn trả lời”.
Và, vị đại biểu nầy cũng không ai lạ hơn là đại tá Cédile.
Rồi, không hiểu nghĩ sao, ông CHủ tịch kiêm Ủy trưởng quân sự Trần Văn Giàu tuyên bố một câu nầy để chấm dứt cuộc hội họp: “Nếu một phần đất nào của Việt Nam bị mất thì chúng ta phải dùng máu của chúng ta mà đặt lại vấn đề Việt Nam trên tấm khảm xanh(5) quốc tế”.
Tạm gác vấn đề nội trị, chúng ta thấy Lâm ủy Hành chánh phải đối đầu với những cuộc ngoại giao khó khăn. Muốn thắng lợi về đối ngoại, nội trị phải an bài, dân tâm phải nhứt trí, thiệt lực quân đội phải dõng và hùng.
Nhà du thuyết thường vịn vào những yếu tố kể trên để làm căn bản cho lời nói của mình. Biết như vậy, cho nên khi nhận được một điển tín của chánh phủ trung ương từ Hà Nội gởi vào cho hay để gấp tổ chức ngày lễ Độc lập cử hành vào ngày 2 tháng 9, Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ liền chụp ngay cơ hội nầy để biểu dương sự đoàn kết của dân chúng và đồng thời biểu diễn lực lượng của dân quân.
Tổ chức một cuộc biểu tình không phải khó, trong khi toàn dân đều có một tín niệm phụng sự quốc gia và đương sẵn sàng hy sinh triệt để cho nền độc lập. Nhưng, sự biểu diễn lực lượng dân quân là một vấn đề quan trọng, liên hệ đến việc ngoại giao lúc bây giờ chẳng ít.
Vì vậy mà chương trình tổ chức cuộc biểu diễn lực lượng dân quân được đem ra bàn cãi trong một phiên nhóm họp tại dinh Hành chánh.
Trong cuộc bàn cãi, nhơn viên của chánh phủ chia ra làm hai phái. Một phái tán thành. Một phái phản đối vì những lý lẽ nầy: dân chúng đương hăng hái đến nhiệt độ, sợ e trong cuộc biểu tình võ trang nầy họ không thể nhịn được một vài cử chỉ khiêu khích, nếu có xảy ra. Nhưng đến lúc biểu quyết thì đề nghị của Ủy trưởng quân sự được đa số chấp thuận. Nghĩa là, cùng ngày lễ mừng Độc lập, có cuộc biểu diễn lực lượng dân quân.
Trước một ngày, trong cuộc hội họp báo giới bất thường, ông Trần Văn Giàu có cho biết trước vài chi tiết trong cuộc biểu tình võ trang ngày mai: “Sẽ có bốn sư đoàn dân quân cách mạng biểu diễn. Y phục ô hợp, võ khí thô sơ, nhưng đó không phải là tượng trưng cho sức mạnh. Lực lượng vô song của chúng ta chính là sự đoàn kết và tấm lòng hy sanh cho Tổ quốc”.
Nói trước như thế, cốt ý của Giàu là đón trước sự ngạc nhiên của mọi người khi thấy y phục đơn sơ và võ khí kém vẻ tối tân của dân quân cách mạng biểu diễn chiều mai nầy.
Không ngạc nhiên, nếu chúng ta đã đọc được vài trang sử về cuộc cách mạng ở các nước và cuộc chiến tranh vừa chấm dứt.
Ở Trung Hoa, thừa dịp Tứ Xuyên tạo động, dân quân cách mạng liền khởi nghĩa ở Võ Xương (ngày mùng 10 tháng 10 năm 1911). Chính đám dân ô hợp với võ khí gồm có đao, mác, đoản côn mà lật nổi Thanh triều, đểlập thành Trung Hoa dân quốc.
Ở Pháp, chính đám dân chúng cần lao, đám người quần đùi áo rách đã xô ngã chế độ chuyên quyền hồi năm 1789, đổi thay một thể chế mới với khẩu hiệu muôn đời: Bình đẳng, Bác ái, Tự do.
Đến cuộc chiến tranh đế quốc, Ý huy động tất cả hải, lục, không quân để xua đánh Á(6). Trước lực lượng hùng mạnh của đối phương Á Hoàng HailéSélassié(7) tuyên cáo một câu lịch sử: “Vấn đề sống chết của Á không phải căn cứ vào võ khí mà chính là ở lòng ái quốc của thần dân của Trẫm”.
Như vậy, trong một cuộc cách mạng, đành rằng võ khí là một lực lượng, nhưng sự đoàn kết và nhứt trí lại là một lực lượng vô song.
Bây giờ chúng ta hãy sống lại với ngày mừng Độc lập: mùng 2 tháng 9.
Như các bạn đã biết, mặc dầu có sự phản đối việc biểu diễn lực lượng dân quân - trong số người phản đối có hai ông Huỳnh Phú Sổ tức thầy Tư Hòa Hảo và ông trạng sư Huỳnh Văn Phương ở nhóm “Trí Thức” - hôm nay, trong ngày lễ mừng Độc lập, vẫn có cuộc biểu tình võ trang theo biểu quyết của đa số.
Hôm nay, quang cảnh náo nhiệt lạ.
Từ sởcông, sở tư đến tư gia, tiệm buôn người Việt và Hoa kiều đều rực rỡ những cờ của bốn nước Đồng minh phe phẩy quanh lá quốc kỳ của Việt Nam Cộng hòa Dân chủ(8).
Cuộc lễ Độc lập cử hành đúng 2 giờ chiều. Mới 12 giờ trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở châu thành, từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa (tức đại lộ Norodom vừa đổi tên(9)) tập trung sau nhà thờ Đức Bà.
Điều nên biết là chiều nay, đúng hai giờ, Chủ tịch Chánh phủ trung ương Hồ Chí Minh sẽ đọc diễn văn trước máy truyền thanh trên luồng điện 32 thước.
Hồ Chí Minh!
Người ấy là ai? Thế nào?
Dân chúng muốn nghe lời nói của ông.
Hai giờ.
Tại khoảng đại lộ Cộng Hòa, tại đường Blancsubé(10), chung quanh đô hội, các đoàn thể dân chúng đứng có trật tự theo bốn sư đoàn dân quân cách mạng.
Ta hãy thú thật và nói thẳng ra những gì rạo rực trong lòng ta lúc bấy giờ, trong giờ phút nầy. Ta có cảm động chăng và ta có cảm tưởng gì trong khi ta thấy y phục của dân quân toàn là quần đùi áo ngắn, người mang giày, người chơn không, võ khí thì từ liên thanh nhẹ đến súng hai lòng, từ trường kiếm đến dao găm, trong hàng ngũ ấy có những bạn phóng túng của ta ngày hôm qua, có những cậu thanh niên ở hàng xóm, có những nhà buôn vừa từ giã thị trường, có những “con ông cháu cha” của thời trước?
Ở trên khán đài, gần đủ mặt nhơn viên của Lâm ủy Hành chánh. Không hiểu vì lẽ gì luồng điện 32 thước bắt không được. Dân chúng đứng đón nghe bài diễn văn của ông Hồ Chí Minh, thất vọng la: Phá hoại. Có kẻ phá hoại!
Thì thôi, bây giờ chúng ta hãy nghe bài diễn văn của ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ.
Hỡi quốc dân!
Hỡi tất cả đồng bào tận tâm cứu quốc! Việt Nam từ một nước thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập.
Việt Nam từ một đế quốc(11), đã trở thành một nước Dân chủ Cộng hòa.
Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với hoàn cầu.
Hôm nay, tuân theo mạng lịnh của Chánh phủ trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ Độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên.
Hôm nay, một lần nữa, chúng ta biểu dương cho Đồng minh, cho thế giới, cho kẻ bạn và kẻ thù cái chí cương quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta.
Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi.
Biểu dương chí độc lập, nhưng đồng bào chớ lầm tưởng rằng bao nhiêu lực lượng phô trương đây là đủ.
Còn phải phấn đấu nhiều, nhiều hơn nữa.
Còn phải đoàn kết, đoàn kết đông hơn nữa.
Còn phải trọng kỷ luật, cần lao, cần lao và kỷ luật nghiêm mật hơn nữa.
Vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan, không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ.
Bên trong:
Một số người phản quốc đương kiên cố hàng ngũ, làm hậu thuẫn cho kẻ nghịch. Chúng nó sẽ bị tòa án nhơn dân trừng trị thẳng tay. Phải trừng trị những bọn mãi quốc cầu vinh, những bọn gây rối cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gây rối hầu tìm cho phe nghịch một cơ hội xâm lăng đất Việt.
Bên ngoài:
Kẻ nghịch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên 25 triệu đồng bào. Họ nhảy dù, họ đoạt nhà ga, họ toan qua đèo Lao Bảo; họ đã bị bắt, họ bị đánh lui, nhưng họ chưa chịu đứng yên. Chúng tôi đã bắt được bằng cớ chắc chắn rằng họ toan dùng võ lực, thình lình lật đổ Chánh phủ cộng hòa để đem lại một vị Toàn quyền như thuở trước.
Đồng bào!
Ở đây có ai thừa nhận một vị Toàn quyền cai trị xứ ta không?
- Không.
Thì, chúng ta thề, bên chánh phủ, cương quyết chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng.
Hỡi các dân tộc đã chiến đấu cho nhân quyền và dân quyền, chống độc tài phát xít!
Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập vàtự do.
Việt Nam chúng tôi có sức sống độc lập tự do.
Độc lập và tự do của chúng tôi không trái với độc lập tự do của bất cứ một nước nào khác.
Anh, Nga, Mỹ, Tàu đã đổ máu, có đổ máu đó, nước Pháp được giải phóng.
Thì có lý nào nhờ máu quý bạn, mà nước Pháp lại tròng ách nô lệ lên nước Việt Nam đã được giải phóng rồi.
Từ cựu Hoàng đế Bảo Đại đến đám cùng dân, đồng bào chúng tôi đều chán các ách đô hộ, đều quyết hy sinh cho độc lập và tự do cho đất nước Việt Nam.
Chúng tôi không bạo ngược, không khiêu khích, chúng tôi ôn hòa, cho đến bảo vệ sanh mạng và tài sản cho những người ngoại quốc. Chúng tôi sẵn lòng ký kết bằng giây thân ái với tất cả bất cứ một nước nào trên hoàn vũ, miễn nước ấy thừa nhận quyền sống tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam nầy.
Hỡi người Pháp!
Các anh chớ tưởng tượng rằng dân chúng xứ nầy trìu mến chế độ xưa. Chúng tôi không chịu ách Nhựt và cực lực phản đối ách Pháp, dầu ách ấy có sơn son, phết vàng.
Việt Nam Cộng hòa Dân chủ sẵn sàng ký kết với Pháp Cộng hòa Dân chủ những hiệp ước cộng tác về kinh tế, văn hóa, luôn về binh, bị nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của chúng tôi.
Nhược bằng trái lại, các anh kể chúng tôi như tôi mọi, thì liên hiệp với dân chúng cách mạng Pháp, chúng tôi thề chết không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào.
Quốc dân! Hãy sẵn sàng chiến đấu.
Đồng bào! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước.
Quét sạch đồ phản quốc, quét sạch ách cường quyền.
Anh em chị em!
Trong lúc phái bộ Đồng minh đến xứ ta, anh em chị em chớ để mất thanh danh của một dân tộc đã từng sống vẻ vang.
Đứng lên!
Ngày độc lập bắt đầu từ nay.
Tiến tới! Vì độc lập vì tự do.
Tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng.
Sau bài diễn văn của ông Trần Văn Giàu và những lời thề phụng sự Tổ quốc, cuộc biểu diễn lực lượng dân quân khởi sự. Từ đại lộ Cộng Hòa, một tốp đổ xuống đường Ba-Lê Công-xã (tức Catinat(12)), một tốp quẹo đường Yersin (tức Taberd(13)) đi có trật tự dưới những biểu ngữ giăng ngang đường viết bằng các thứ chữ: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Tàu và Việt:
“Độc lập hay là chết”
“L’Indépendance ou la mort”
“Independence or death”
“Việt Nam dân chủ muôn năm”
“Vive le Viet Nam démocratique”
“Viet Nam democracy for ever”
“Đả đảo thực dân Pháp!”
Thình lình, súng nổ.
Nổ trước nhà thờ Đức Bà, nổ trước hãng Jean Comte(14) và chập sau, tiếng nổ đều trong vùng trung tâm thành phố.
Trời đương nắng bỗng sẩm tối. Mây đen vần vũ. Mưa lấm tấm rơi. Một cuộc xung đột mà có một vài người phỏng định, đã không tránh khỏi. Để hiểu rõ nguyên nhơn, người ta tìm bằng cớ gây ra cuộc xung đột đổmáu. Bên Việt Nam quả quyết cuộc đổ máu này do người Pháp khiêu khích. Bên Pháp, vịn vào vài người Pháp thiệt mạng vànhiều người Pháp bị thương mà đổ cả trách nhiệm cho Việt Nam. Dầu sao, giọt máu rơi trong ngày Độc lập đã làm trở ngại nhiều cho việc ngoại giao của Lâm ủy Hành chánh do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đảm trách.
Luôn mấy hôm, cónhiều tin đồn đãi làm phẫn nộlòng dân chẳng vừa. Nào chiến hạm Richelieu của Pháp lăm le ở hải phận Việt Nam, nào quân đội Pháp đã chực ở biên giới v.v…
Bây giờchúng ta hãy ngoái nhìn xem có gì lạ ở ngoài biên giới?
_____
(1) Tức Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ. (BT)
(2) Bốn nước Đồng minh lúc đó là Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Hoa dân quốc. (BT)
(3) Nay là Hội trường Thống Nhất - Dinh Độc Lập. (BT)
(4) Nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Lý Tự Trọng. (BT)
(5) Có lẽ là tấm thảm xanh. (BT)
(6) Nước Á (tiếng Pháp: Abyssinie), tên cũ của Éthiopie. Các năm 1935-1936, nước Ý xâm lược Éthiopie, Érythrée và Somalie, gộp 3 nước này thành Đông Phi thuộc Ý (Afrique Orientale Italienne). (BT)
(7) Hailé Sélassiéthứ nhất: hoàng đế nước Éthiopie từ năm 1930 đến 1974. (BT)
(8) Đúng ra là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (BT)
(9) Nay là đường Lê Duẩn. (BT)
(10) Nay là đường Phạm Ngọc Thạch. (BT)
(11) Nước có hoàng đế đứng đầu. (BT)
(12) Nay là đường Đồng Khởi. (BT)
(13) Nay là đường Nguyễn Du. (BT)
(14) Nay là Diamond. (BT)