HV117 - Sự tri ân muộn màng

Năm học 1960-1961, tôi dạy văn ở Trường phổ thông cấp 3 Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (sau thuộc về Hà Tây, rồi Hà Nội). Trong học kỳ I ở lớp 8 (tương ứng lớp 10 hiện nay), dạy văn học dân gian Việt Nam, tôi phát động học sinh sưu tầm ca dao tục ngữ và thu được một số bài, riêng em Trương Đỗ Thế - lớp 8B chép cho tôi cả một bài dài Bài vè Trương Chi khoảng năm chục câu, tôi thích quá liền bổ sung vào tập hồ sơ giảng dạy của mình. Tháng 6-1963, sau khi hoàn thành khóa dạy ở Ứng Hòa, tôi chuyển về Trường phổ thông cấp 3 Phú Xuyên. Không may trong lúc di chuyển, tôi để mất Bài vè Trương Chi, chỉ còn nhớ được mười câu. Tôi hỏi thăm về trường cũ thì biết em Trương Đỗ Thế đã đi bộ đội. Từ đấy, tôi không sao lấy lại được bài vè, về xem sách thì không thấy mà hỏi các nhà nghiên cứu thì không ai ghi được hoặc cũng đã để mất.

Nhiều năm sau, tôi lại được tin qua các bạn học cũ của Thế là anh đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến đấu diệt xe tăng.

Bỗng tháng 10 năm 2013, tôi đang trên đường từ trại sáng tác Vũng Tàu về Đà Lạt thì nhận được điện thoại của anh Phạm Văn Hoan - giáo viên toán, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội. Anh cho biết đã tìm thấy Bài vè Trương Chi trong truyện ngắn Men lam của nhà văn Trần Thanh Giao. Tôi mừng quá bảo anh gửi cho tôi Bài vè Trương Chi. Anh cẩn thận vừa gửi toàn văn bài ca, vừa gửi toàn văn truyện ngắn Men lam của Trần Thanh Giao cho tôi.

Truyện ngắn kể về một người đang trên hành trình tìm lại bí ẩn men lam của dòng họ anh. Từ Paris, anh về Hà Nội, sang thăm làng gốm, hỏi chuyện lão nghệ nhân nổi tiếng. Ông lão vui miệng kể chuyện thuở xưa cụ tổ làng gốm ông có chiếc đĩa men tuyệt kỹ tên gọi đĩa Trương Chi, nếu nhỏ nước mắt vào đĩa thì sẽ thấy hình Trương Chi chèo thuyền trên dòng nước. Chúa Nguyễn Hoàng tình cờ mua được chiếc đĩa, đem vào Nam cùng người đã chế tác ra nó. Nhưng đến nay, chiếc đĩa mất tăm cùng bí quyết làm men lam.

Anh liền vào Nam và mua một suất du lịch có mục “tham quan phố cổ”. Tại căn nhà cổ, cô hướng dẫn viên tên Hương cho anh xem một chiếc đĩa màu men lam vẽ cảnh người chèo thuyền giữa dòng sông, trên bờ có ngôi lầu với cô gái tay chống cằm ngồi nhìn xuống nước. Cô Hương nói: “Đây là cổ vật rất quý về Trương Chi. Ai khóc đầy chiếc đĩa này thì sẽ thấy Trương Chi chèo thuyền… Nhưng chưa có ai khóc đủ để Trương Chi hiện lên”. Thế rồi cô đọc mấy câu trong Bài vè Trương Chi.

Buổi tối hôm đó, cô Hương đã trò chuyện với anh và đọc cho anh nghe toàn văn Bài vè Trương Chi. Hai người cùng uống trà. Anh nâng chén trà ngang mày rồi đổ vào lòng đĩa. Trong khói trà hương, hình người lái đò hiện lên… Anh và Hương cùng khóc, nước mắt rơi lã chã…

Ba năm sau, anh lại từ Paris trở về và đến ngay hãng du lịch thì người ta nói Hương đã sang Paris bảo vệ luận án tiến sĩ. Anh đến ngôi nhà cổ năm xưa, nơi mà anh và cô hướng dẫn viên xưa đã từng uống trà, đọc thơ thì không thấy ngôi nhà đâu nữa mà thay vào đó là một biệt thự kiểu Pháp. Cô hướng dẫn viên mới lại đưa anh đến một khu mà cô nói rằng đó là nhà của Hương ngày trước. Nhưng đến đây thì không thấy nhà mà chỉ thấy một cây thủy tùng nơi năm xưa anh đã cùng cô Hương ngồi tình tự. Anh khóc. Cô hướng dẫn viên mới cũng khóc và nói: “Ngôi nhà xưa có đĩa men lam đã bị Tây phá bằng địa, chiếc đĩa cổ men lam cũng chẳng biết lưu lạc phương nào”.

Câu chuyện hơi có tính “liêu trai” ấy lại là sự tôn vinh, niềm luyến tiếc và khát vọng bảo tồn văn hóa cổ của dân tộc bằng tình yêu giữa những con người.

Một truyện ngắn trữ tình đầy chất thơ, chất huyền ảo mà riêng tôi, tôi cảm nhận sâu sắc ở đây lòng yêu quý vốn cổ của dân tộc. Chỉ riêng một điều - tác giả Trần Thanh Giao, một con người của Nam Bộ mà nhớ không sót một câu, không sai một chữ nào Bài vè Trương Chi, một áng ca dao dân ca miền Bắc đã làm tôi thán phục và biết ơn.

Tháng 11-2014, vào TP.Hồ Chí Minh, tôi gọi điện thoại liên lạc với Trần Thanh Giao. Anh vui vẻ đến ngay. Một ông già hơn 80 tuổi nhưng còn nhanh nhẹn từ trên taxi bước xuống. Tôi cũng nhớ hồi mới ra dạy học, tôi đã đọc truyện ngắn Dòng sữa của anh, kể lại một thiếu phụ miền Nam có chồng hy sinh, đứa con sơ sinh bị giặc giết. Chị đã dành dòng sữa của mình vắt vào chiếc chén sứ, kỷ vật của gia đình, để cứu sống anh bộ đội bị thương nặng… Câu chuyện Dòng sữa này về sau đã được một nhà văn thời Đổi mới mượn ý nhưng thay đổi đi: Anh bộ đội giải phóng bị thương, được một thiếu phụ vắt sữa cho uống. Thiếu phụ đó là vợ góa của viên sĩ quan ngụy vừa bị ta tiêu diệt cùng với cái đồn của y. Và tác giả đã cho góa phụ và chiến sĩ giải phóng bị thương yêu nhau. Một tình yêu nhục thể rất hiện đại, “hậu hiện đại”.

Tôi không dám nói điều này với anh Giao, chỉ nói rằng tôi đã đọc một số tác phẩm của anh và rất cảm ơn anh về Bài vè Trương Chi mà anh đã lưu giữ và truyền lại qua truyện ngắn rất hay Men lam. Anh Giao tặng tôi một cuốn tiểu luận dày gần 300 trang, cảm ơn tôi rồi ra xe về. Khi đó tôi không hề biết là chị ở nhà đang ốm nặng, cũng không hề biết chị qua đời sau đó 5 tháng và rồi 9 tháng sau khi chị đi, anh cũng đi theo chị.

Tôi cũng đã tự hẹn đọc và viết cái gì đó về anh, nhưng ngày 19-1-2016, được tin anh đã mất khi mới bước sang tuổi 84. Tôi đọc lại kỷ yếu Hội Nhà văn, đọc tư liệu văn xuôi Việt Nam… biết anh đã tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, đã viết từ kháng chiến chống Pháp và cho đến khi mất, đã in hơn 20 đầu sách và đã nhận năm, bảy giải thưởng văn học nhưng chưa được Giải thưởng Nhà nước. Tôi mở Google mục “Trần Thanh Giao”, thấy tác giả Trần Xuân An giới thiệu về cuốn tiểu thuyết Một thời dang dở của Trần Thanh Giao sáng tác và in ở TP.Hồ Chí Minh năm 1988. Qua ý kiến của Trần Xuân An, tôi biết đây là cuốn tiểu thuyết viết về thời kỳ trước Đổi mới, có thể nói là “Sắp” đổi mới, vì những vấn đề đặt ra đã rất bức xúc đòi hỏi phải thay đổi mà nhà văn Trần Thanh Giao với cảm quan nhạy bén của nhà văn đã nhìn thấy được. Hơn thế, nhà văn còn nhìn xa hơn vào những hiểm họa mà cơ chế thị trường thời hậu chiến có thể đưa đến cho con người. Cả những vấn đề do chính con người tự gây ra do hạn chế của chính mình (hạn chế của trình độ, của bản năng…). Trần Xuân An cho rằng Một thời dang dở là một trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất từ sau 1975.

Con trai nhà văn đã gửi cho tôi quyển sách photocopy từ bản chính duy nhất còn lại. Tôi xúc động cầm trên tay một cuốn sách photocopy dày 566 trang, bìa màu cẩn thận, chữ đen trên nền đen, khó đọc nhưng vẫn còn đọc được. Tôi cố gắng căng mắt ra đọc hai ngày liền thì xong cuốn sách.

Cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm đại tự sự, là câu chuyện dài về những số phận người, những nhân cách người, ở đây lại đặt trong một thời điểm là thời mà tác giả gọi là “một thời dang dở”. Vì đó là thời sau chiến tranh, trước Đổi mới ở Nam Bộ. Hiện thực thời kỳ này đặt ra nhiều vấn đề cho xã hội và con người.

Nhiều tàn tích của chiến tranh và chế độ cũ trong xã hội và con người. Đó là sự nghèo khổ, thiếu thốn, là lối sống đã bị tha hóa của một bộ phận người trong vùng Mỹ - ngụy, là lối sống khắc khổ hoặc ảo tưởng của một bộ phận cán bộ đã được giáo dục bằng niềm tin đến mức giáo điều, là cơ chế quan liêu bao cấp vẫn còn trì níu sản xuất. Tác phẩm không chỉ miêu tả sự bế tắc của đường lối quản lý kinh tế cũ mà còn hé mở sự đổi mới đang tới gần.

Mâu thuẫn giữa lý tưởng và bản năng - lý tưởng cao đẹp và bản năng bình thường, thậm chí tầm thường của con người. Lý tưởng cao đẹp dẫn đến chủ nghĩa lãng mạn cách mạng xa thực tế như ở nhân vật Ba Trí; lý tưởng cao đẹp đã được thử thách dẫn đến sự tự tin quá đáng, làm cho con người bất ngờ bị ngã gục trước bản năng như với Lê Quát. Mâu thuẫn giữa lối sống cũ, nếp sống cũ với khát vọng vươn lên một cuộc sống tốt đẹp, trong lành, khi chưa giải quyết được đã đưa đến lầm lỡ, thậm chí là cái chết như Li Li, còn khi giải quyết được có thể dẫn đến cuộc sống bình an như trường hợp Hai Ngàn, Sơn Đầu bò.

Mặc dù đây vẫn còn là một thời dang dở nhưng ở đó, ta vẫn thấy những điều không dang dở: đó là niềm tin vào cuộc sống, vào con người, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa yêu nước không chỉ biểu hiện ở truyền thống mà còn đang diễn ra ở những con người hiện tại đang chung tay xây dựng cuộc sống mới với thiện chí và khát vọng cháy bỏng. Chủ nghĩa nhân văn thể hiện ở lòng thương nhau, lòng bao dung giữa những con người, ngay cả với những con người đã một thời lầm lỡ hoặc đã có lúc sa sẩy.

Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn không chỉ ở chỗ nhiều tình tiết éo le, gay cấn mà còn ở nghệ thuật dẫn dắt dễ theo dõi, nhiều đoạn đi sâu vào tâm tư tình cảm, nhiều đoạn hồi tưởng hoặc phục hiện xen giữa hiện tại. Cách kết thúc tình tiết để lại dư âm. Hai cái chết bi ai cuối truyện là lời cảnh báo sâu sắc cho chúng ta về hiểm họa của cái ác trong tương lai, đối với tất cả mọi người ở tất cả mọi tầng lớp.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật khá đặc sắc, nhân vật nào ra nhân vật ấy, không chỉ bằng quá khứ mà bằng tính cách và hành động trong hiện tại. Mỗi nhân vật có giá trị như một biểu tượng của một phương diện nào đó của cuộc sống của con người - tuy chưa tới mức điển hình… Có một biểu tượng có giá trị tượng trưng là Sấu Bông. Đó là một con vật, con ác thú, không phải nhân hóa nhưng cũng có trí khôn (mưu tính sinh tồn) như người. Nó không chỉ là biểu tượng cái vô thức của thiên nhiên mà còn là biểu tượng của bản năng thú ở con người. Bản năng này khiến cho với con người, chiến thắng bản thân mình là khó nhất vì cái bản năng này lại phù hợp với nhu cầu sống tự nhiên của mỗi cá thể người, và con người có thể kiềm chế nó nhưng không bao giờ chiến thắng hoàn toàn nó vì không bao giờ tiêu diệt được nó, bởi tiêu diệt nó thì cũng là tiêu diệt chính con người. Vậy phải làm thế nào làm chủ nó, không cho nó mặc sức hoành hành và tốt nhất là thăng hoa nó, đưa nó vào quỹ đạo phát triển tốt, quỹ đạo thăng tiến, quỹ đạo hạnh phúc chân chính của con người.

Như vậy, Một thời dang dở phản ánh hiện thực của một thời sau chiến tranh, trước đổi mới nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề cho hôm nay, cho ngày mai và cả sau này nữa.

Tiểu thuyết Một thời dang dở của Trần Thanh Giao cần có chỗ đứng xứng đáng trong văn học Việt Nam đương đại. Đó không chỉ là quyển sách của một thời mà của nhiều thời vì những vấn đề nó đặt ra, những vấn đề nó dự báo về cuộc sống, về con người.

Tôi biết ơn Trần Thanh Giao không chỉ vì bài vè về dân gian mà ông đã sưu tầm, làm cho truyện ký của tôi “không còn dang dở” mà còn vì chính tiểu thuyết Một thời dang dở của ông và có thể còn vì những tác phẩm khác nữa mà tôi mới chỉ được đọc đôi phần.

18-4-2017

ĐẶNG HIỂN