* PV: Hiện nay văn xuôi viết về chiến tranh nửa sau thế kỷ 20 đóng một vai trò như thế nào? Nó cần thiết cho độc giả ở mức độ nào?
- Nhà văn JURI BONDAREV: Vào nửa sau của những năm 1990, sự quan tâm đến văn học viết về lịch sử và chiến tranh có phần suy giảm, mà đối với văn học viết về lịch sử nói chung cũng vậy. Bởi lẽ, văn xuôi của chúng ta viết về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đối với độc giả hiện nay, thực ra, đó là tiểu thuyết lịch sử. Những loạt đạn cuối cùng đã được viết ra cách đây chừng 35 năm. Walter Scott đã viết những cuốn sách của mình về các sự kiện bốn mươi năm về trước và gọi chúng là tiểu thuyết lịch sử… Vào những năm đó, sự quan tâm đến văn học viết về chiến tranh quả là ghê gớm, tất nhiên trong số đó có cả những cuốn sách của tôi. Giới phê bình đã viết về hiện tượng ấy như về một sự bùng nổ của văn học. Những cuốn sách đó được gọi là “văn xuôi của lớp trung úy”, nhưng các nhà phê bình rõ ràng đã nhầm - dòng văn học đó rộng hơn nhiều - trên thực tế đó là văn xuôi của nhân dân viết về chiến tranh.
Vào thời kỳ ấy ở nước ngoài hầu như không có sách viết về chiến tranh. Mãi về sau mới xuất hiện tiểu thuyết Và từ đây đi vào vĩnh cửu của James Jones (Mỹ)… Những cuốn sách viết về chiến tranh ở ta hay ở chỗ là chúng mang trong mình sự thật vốn gần chân lý, bởi lẽ sự thật có thể có nhiều, còn chân lý thì chỉ có một.
* Hiện nay thấy rõ sự quan tâm đến văn học viết về chiến tranh từ phía thế hệ trẻ. Họ khám phá lại những tác phẩm văn xuôi kinh điển viết về chiến tranh và không có sự thúc ép nào từ phía nhà nước cả.
- Đúng vậy, hiện nay chúng ta thấy có sự bùng nổ của hứng thú đối với văn xuôi viết về chiến tranh ở thanh niên. Khi tôi bắt đầu viết thì sự quan tâm đó rất lớn, nhưng nó có thể giải thích được – thời hậu chiến và những năm sau chiến tranh - những năm 70 - đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Như tôi đã nói, vào cuối những năm 90, ta thấy có một sự suy giảm nào đấy, nhưng hiện nay người ta hăng hái xuất bản không chỉ văn xuôi nghệ thuật mà còn cả hồi ký, các công trình khoa học. Những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh của tôi chỉ riêng trong những năm gần đây đã được tái bản nhiều lần. Về sự quan tâm của độc giả đến văn xuôi của tôi, tôi có thể suy xét vào những bức thư và vào số khán giả đến dự rất đông trong các buổi nói chuyện của tôi, mặc dầu hiện nay, tôi không nói chuyện nhiều như những năm gần đây.
* Có thể điều đó có liên quan đến việc là với thế hệ trẻ đã xuất hiện cuộc chiến tranh của họ? Dựa trên kinh nghiệm của mình, họ đã cảm nhận được điều đó là thế nào chăng?
- Ở mỗi người, vào những thời điểm khủng hoảng, có thể là bi đát, của lịch sử, thường xuất hiện sự quan tâm đến việc tái tạo lại những sự kiện của quá khứ - để xem tất cả mọi chuyện thực hư là thế nào. Ngoài ra, chung quanh cái đề tài thiêng liêng như đề tài chiến tranh, đã chồng chất hàng đống điều giả dối. Người ta đã bóp méo, đã bịa đặt, đã ngụy tạo biết bao nhiêu điều!... Tôi không nói đến độc giả - tôi nói đến các nhà sử học, các nhà phê bình giảo hoạt, các nhà văn yếu thần kinh mà ngày nay vô tình hay cố ý đã nhầm lẫn hai bên chiến tuyến… Và người ta lại rêu rao về con số tổn thất hoang đường của chúng ta, rằng chúng ta đã rải đầy xác người khắp châu Âu, rằng người Mỹ đã thắng trong chiến cuộc, mặc dầu sự tham gia và đồng tham gia của họ trong chiến tranh chỉ chiếm vẻn vẹn 8%. Về những tổn thất của chúng ta trên các chiến trường, thì số lượng này ai cũng biết: 8.664.400 binh lính và sĩ quan. Tổn thất chung là 27 triệu, gồm những người chết vì đói và bệnh tật, những người chết vì các vụ oanh tạc ở địa phương, những người bị chết trong các trại tù binh, những du kích và các chiến sĩ hoạt động bí mật bị hành quyết…
* Trong số các tác giả hiện đại, ai đang khai thác đề tài chiến tranh?
- Tôi thường nhận được nhiều cuốn sách để viết giới thiệu. Và không có bất cứ một cuốn sách xứng đáng nào viết về chiến tranh từ các tác giả trẻ tuổi. Tôi chỉ có thể nêu tên một tác giả trẻ tuổi, nhưng đáng tiếc là đã mất cách đây không lâu. Đó là Vjacheslav Degtev. Anh ấy sống ở Voronhezh, và mới có 46 tuổi… Nhưng Degtev không viết về cuộc chiến tranh Chesnya. Và rất có tài năng. Anh ấy có khả năng tái hiện cái sự thật về người lính do tính chân thực tạo nên. Tôi vô cùng tiếc là anh ấy ra đi quá sớm.
Thanh niên hiện nay sống rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn chúng tôi vốn là những người từ chiến trường trở về. Chúng tôi đã được chờ đợi, chúng tôi đã được mọi người quan tâm chú ý. Chúng tôi đã được tri ân, thậm chí đã được tiền thưởng vì huân chương, huy chương. Thế mà chúng tôi lúc đó mới 20 - 25 tuổi, và đó hãy còn là tuổi thanh niên… Và hầu như tất cả chúng tôi, những người viết về chiến tranh đều còn trẻ, trừ Viktor Nekrasov là lớn tuổi hơn chúng tôi. Ngày nay, thanh niên của chúng ta sống trong một xã hội phân liệt và điều đó làm nảy sinh nhiều vấn đề. Không chỉ về mặt tâm lý chính trị, mà còn cả về mặt đạo đức - nói chung là sống rất vất vả: muốn được học hành chu đáo thì phải trả tiền, kiếm công ăn việc làm đâu phải dễ dàng, còn về việc sống được bằng lao động thì xin miễn bàn. Trong những điều kiện như vậy, nhiều nhà văn - và không chỉ những nhà văn trẻ - buộc phải bằng lòng với những điều kiện hết sức bất lợi của các ông chủ xuất bản, miễn là sách ra được, miễn là tác phẩm được công bố. Các nhà xuất bản biết tận dụng điều đó và trả nhuận bút hết sức rẻ mạt…
* Ông có cảm thấy khó chịu vì những người hâm mộ ông cuồng nhiệt lẫn những người chống đối ông kịch liệt đều đồng ý gọi ông là “vị văn tướng”? Còn hiện nay trong đời sống văn học, ông vẫn còn có ảnh hưởng chứ?
- Nếu bạn còn nhớ những tác phẩm của tôi, thì trong đó, bắt đầu từ Những loạt đạn cuối cùng cho đến cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi - Nhẫn tâm - không hề có một chi tiết thỏa hiệp, không hề có một quan điểm thỏa hiệp… Tất cả những cuốn sách của tôi đều làm dấy lên những cuộc thảo luận, những cuộc tranh cãi trong xã hội. Điều đó đã khiến cho cấp trên lo ngại, tôi đã hơn một lần được gọi lên những ban có liên quan của Trung ương Đảng, đôi khi phải giải thích đến tận khuya. Nhưng tôi là một người may mắn: tính bướng bỉnh của tôi đã chọc tức nhiều người, nhưng tôi vẫn cứ thoát hiểm một cách dễ dàng bằng cách xóa bỏ ba, bốn câu. Trừ trường hợp với phần kết của thiên truyện Các tiểu đoàn xin chi viện. Về chuyện này, tôi không muốn kể - chính tôi có lỗi là đã đồng ý với Makarov, Tổng biên tập tạp chí Đội cận vệ trẻ. Ông ấy quỳ trước tôi: “Juri này, mình van cậu đấy, chúng mình sẽ bị thải hồi mất. Cậu hãy bỏ cái đoạn kết đi, mình sẽ đưa in truyện đó ngay”. Tôi thấy ông ấy rơm rớm nước mắt. Ông ấy rất thích cái truyện Các tiểu đoàn xin chi viện. Tôi nói: “Trời ơi! Nhưng tôi biết làm gì với lương tâm của mình đây?!” - “Rồi sau này cậu sẽ in cái đoạn ấy vào sách”. Và ở đây tôi đã tỏ ra yếu đuối, bởi lẽ, hiển nhiên là không đời nào người ta in cái kết ấy trong sách, tức là người ta không dám liều lĩnh. Sau đó, không may là trong lúc chuyển nhà, tôi đã đánh mất những trang bản thảo đó, và sau này, dù có cố gắng đến mấy chăng nữa, tôi vẫn không thể phục hồi được văn bản theo trí nhớ. Tôi nhớ rất rõ nội dung của những trang ấy, nhưng về mặt văn bản thì không thể phục hồi được với tâm trạng và nỗi đau ấy.
Sau này, các nhà phê bình viết rằng dòng văn xuôi viết về chiến tranh khởi đầu từ Các tiểu đoàn xin chi viện và Những loạt đạn cuối cùng. Còn Vasil Bykov, một nhà văn xuất chúng viết về chiến tranh, đã phát biểu rằng: “Tất cả chúng ta đều xuất phát từ Các tiểu đoàn xin chi viện của Bondarev. Và nếu như nó là một tác phẩm thỏa hiệp và tác giả đã uốn cong ngòi bút thì nó chẳng có một chút ảnh hưởng nào…”.
* Theo ông, liệu ông đã nói được hết tất cả những điều mình muốn nói chưa?
- Thôi được, ở đây chẳng cần phải ra vẻ làm gì. Những gì khiến tôi đau đớn, vui mừng, cay đắng, những gì đã dày vò tôi - tôi đã nói ra hết. Dù sao thì tôi cũng đã viết được 12 cuốn tiểu thuyết. Còn những điều mà tôi chưa nói ra trong những cuốn đó, thì tôi đã thổ lộ trong thiên tùy bút Những khoảnh khắc. Hiện nay, tôi đã trình làng tập Những khoảnh khắc dày dặn gần 50 tay sách gồm những tiểu phẩm triết lý do nhà xuất bản ITRK ấn hành. Thời gian gần đây, sau tiểu thuyết Nhẫn tâm, tôi chỉ tập trung vào Những khoảnh khắc mà thôi.
* Hiện nay ông có nhìn thấy triển vọng nào cho giới trí thức?
- Mọi người đều biết: tất cả những gì mà giới trí thức có thể cải biến thành nghệ thuật, thành hình tượng nghệ thuật, thành tư duy đều được khai thác từ nhân dân và trả lại cho nhân dân dưới dạng định hình, trong lớp y phục của từ ngữ và của động tác. Nếu không có giới trí thức biết khái quát kinh nghiệm của nhân dân thì không thể có được bất cứ một nền văn hóa nào. Và tôi đau xót vì nền văn hóa hiện nay của chúng ta không phải đang ở trong thế đi lên. Các tạp chí và nhiều nhà xuất bản đang trong tình trạng nguy ngập, số thư viện ngày càng giảm bớt. Tuy nhiều cuốn sách được công bố, nhưng phần lớn đó là những cuốn sách gì?
Và tuy thế, cho dù hiện nay người ta có nói gì chăng nữa, thì giới trí thức vẫn là muối của đất, ngoại trừ những kẻ xu thời, những kẻ phản bội, những kẻ đạo đức giả.
* Ông từng đến thăm nhiều nước, vậy những đồng nghiệp ở nước ngoài đã để lại cho ông những ấn tượng gì?
- Trước cuộc cải tổ, tôi đã có dịp ra nước ngoài nhiều lần - ở nước ngoài người ta sẵn lòng in sách của tôi, mời tôi dự các buổi giới thiệu, các hội chợ, các cuộc hội thảo và gặp gỡ. Ở Mỹ, theo lời mời của Bộ Ngoại giao và theo nguyện vọng của mình, tôi đã tiếp xúc với một đất nước không phải theo con đường du lịch và cũng không phải qua quảng cáo. Tôi đã đến nhiều bang, có điều không hiểu sao bang Texas không được đưa vào chương trình - và tôi đã sốt sắng so sánh giới trí thức Xôviết của chúng ta với giới trí thức Mỹ. Tôi xin nói thực lòng rằng xét theo tầm rộng của nhãn quan, theo khối lượng kiến thức thì giới trí thức của chúng ta vượt xa các đồng nghiệp Mỹ.
Các nhà văn - và các nhà văn giỏi - thậm chí thường không nghe nói đến chuyện gì đang xảy ra trong văn học châu Âu. Còn tôi, tôi đã gặp Saul Bellow, Albee, Irving Stone và hầu như tất cả nghệ sĩ lớn mà bạn có thể nhớ tới. Hồi đó, tất cả họ đều niềm nở, dễ gần, nhưng họ sợ bộc lộ tâm tình.
Trong số tất cả các nhà văn Mỹ, John Steinbeck bằng sự quan tâm đến văn học Xôviết và đất nước Xôviết đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ hơn cả. Thoạt tiên, chúng tôi kết thân với nhau một cách nghịch ngợm. Ông ấy không được uống rượu, và tôi do chứng viêm dạ dày cũng bị các bác sĩ cấm uống. Vợ Steinbeck đã theo dõi chồng rất nghiêm ngặt. Và ông ấy bảo tôi: “Juri, nghe này! Bây giờ, mình biết cách chúng ta sẽ uống!”. Ông ấy trộn lẫn rượt whisky với một thứ nước quả ép nào đó thành một dung dịch tựa như thứ cốc tai “Meri đẫm máu” - và tủm tỉm cười ranh mãnh “còn cô ấy thì tưởng đây là thứ nước sinh tố…”.
* Thế ông gọi cái gì là chủ nghĩa yêu nước giả hiệu hay chủ nghĩa yêu nước tồi tệ?
- Bạn có biết không, một nhà văn Anh đã phát minh ra công thức sau đây: “Chủ nghĩa yêu nước là nơi ẩn náu cuối cùng của kẻ đê tiện”. Ở ta, mọi người đã vớ lấy câu ấy với ý nghĩa là nếu anh là kẻ đê tiện tức là anh là người yêu nước. Song, ý nghĩa đúng đắn của nó thì hoàn toàn ngược lại: người yêu nước không thể trở thành kẻ đê tiện. Tôi để ý thấy, nhiều nhà yêu nước nhiệt thành của chúng ta đã chết sặc trong câu nói huênh hoang về lòng yêu mến đối với nhân dân, đối với nước Nga, đối với tổ quốc - chính họ đã chẳng làm gì cả cho hạnh phúc của nhân dân. Cho nên tôi gọi tất cả những trò đó là chủ nghĩa yêu nước giả hiệu.
LÊ SƠN dịch
(Theo Knhizhnoe Obozrenie, năm 2000)
_____
* Juri Bondarev sinh năm 1924, Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa (1984), Giải thưởng Lenin (1972), Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1977, 1983) và nhiều giải thưởng khác của Liên bang Nga. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng viết về chiến tranh như Các tiểu đoàn xin chi viện (1957), Tuyết bỏng (1969), Bến bờ ( 1975), Lựa chọn (1980)...