Đầu năm học 2016-2017, một số trường ở Hà Tĩnh đã không dạy theo mô hình trường học mới VNEN nữa. Tuy vậy, hiện nay trước thềm năm học mới (2017-2018) vấn đề này lại được xới lên, và gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến chỉ đạo: trường nào chưa đủ điều kiện thì chưa triển khai phương pháp VNEN. Nói tóm lại số phận VNEN vẫn chưa được quyết định.
Theo tôi muốn xem nên bỏ hay nên dùng VNEN hãy xét nguồn gốc của nó.
Mô hình EN xuất phát từ Colombia từ năm 1995 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều trình độ khác nhau, sĩ số mỗi lớp ít. Sau đó trong một cuộc hội nghị thế giới mới phổ biến cho các nước áp dụng thử. Nước nào áp dụng thí nghiệm sẽ được tài trợ và Việt Nam ta đã đồng ý thí nghiệm (phương pháp này đến Việt Nam được gọi là VNEN).
Hoàn cảnh phát sinh VNEN là như vậy và phạm vi áp dụng là như vậy.
Ở miền núi hoàn cảnh khó khăn, không phải trẻ em nào đến tuổi đi học cũng đều được đi học và không phải học sinh nào đã đến trường cũng đến trường thường xuyên, nên những em lúc bắt đầu trình độ như nhau nhưng sau một thời gian vẫn có thể khác nhau. Miền núi dân cư thưa thớt nên gom cho đủ 25 học sinh cùng trình độ không phải là dễ. Vì vậy trong một lớp có nhiều độ tuổi và nhiều trình độ là việc tất nhiên. Đó là hoàn cảnh thực tế của Colombia. Để dạy một lớp như vậy, tất nhiên giáo viên không thể đứng trên bục giảng vì không thể giảng theo một trình độ, theo một lứa tuổi, cho nên giáo viên phải chỉ dẫn theo từng nhóm. Đã có trình độ khác nhau trong lớp thì tất nhiên sẽ có hiện tượng em yếu hỏi anh giỏi hơn và người giỏi hơn sẽ chỉ vẽ cho người yếu hơn. Đó là sự hình thành lớp học ở vùng núi khó khăn tại Colombia.
Phương pháp giảng dạy EN ở Colombia xuất phát từ cơ sở như vậy nhằm làm cho việc giảng dạy đạt được hiệu quả cao hơn (giúp nhau học tập, thầy giáo đi sát được trình độ học sinh v.v…). Vậy thì hà cớ gì một lớp nguyên vẹn cùng một trình độ, cùng một lứa tuổi, cùng hướng về bảng đen nơi thầy giáo đứng, thầy giáo nói một lần có thể cho cả lớp nghe, cả lớp hiểu… ta lại chia nhỏ ra ngồi xoay ngang xoay dọc, và mỗi lần thầy giáo nói chỉ nói được với một vài em? Cần nhớ rằng nội dung thầy giáo nói cho toàn lớp và nội dung nói cho vài em không thể là như nhau.
Thật ra phương pháp VNEN mà chúng ta đương bàn cãi đã có từ thời xa xưa và hiện nay vẫn tồn tại một cách tự phát ở một vài vùng núi tại Việt Nam (nhưng lại không được chú ý giúp đỡ). Nhìn vào một lớp học ở nhà các ông đồ xưa: Học trò đứa thì mài mực, đứa thì mài son, đứa thì cầm sách đến hỏi ông đồ, đứa thì hỏi vài anh lớn hơn. Đó là với những đứa trẻ mới nhập môn. Sau khi bày vẽ xong cho lớp trẻ đó (mỗi trẻ tìm một góc ngồi ê a học), ông đồ mới hỏi đến các lớp cao hơn. Ông đồ ngồi trên phản với cái roi mây bên cạnh để điều khiển lớp học. Theo tôi, đó chính là phương pháp VNEN buổi sơ khai.
Còn hiện nay? Thỉnh thoảng các báo vẫn đưa gương các cô giáo, thầy giáo vùng cao dạy một lớp nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi; cô giáo, thầy giáo cùng các học sinh vượt khó đến lớp. Các cô giáo thầy giáo này nếu không phải là đã và đương thực hiện dạy theo phương pháp VNEN thì là gì? VNEN thực chất là như vậy, còn việc yêu cầu tổ chức lớp học thế này, trang trí thế kia chỉ là bày vẽ thêm ra mà thôi.
Quay lại việc dạy chữ Nho ngày xưa. Một lớp có nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, thầy giáo phải giảng cho trình độ này xong rồi lại giảng cho trình độ kia. Thậm chí trong cùng một trình độ có nhiều khi thầy giáo phải lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một ý kiến cho hết em này đến em khác. Đó là nhược điểm, đó là điều không khoa học của phương pháp dạy theo ông đồ xưa. Vì vậy lúc bắt đầu dạy chữ quốc ngữ, ngành giáo dục đã tổ chức thành từng lớp cùng lứa tuổi, cùng trình độ để việc giảng dạy được dễ dàng thuận tiện hơn. Ở nông thôn lúc đó chỉ có tiểu học mà có khi cũng chưa toàn cấp. Có nhiều địa phương chỉ có lớp năm, lớp tư (lớp 1, lớp 2 bây giờ) nhưng vẫn tổ chức thành lớp.
Để thấy rõ ưu điểm và việc cần thiết phải tổ chức thành các lớp cùng trình độ, ta xem lại cách học chữ Nho xưa một lần nữa. Như tôi đã trình bày ở trên, cách dạy chữ Nho xưa ở nhà các ông đồ chính là phương pháp VNEN hiện nay, nhưng với các thư sinh lớn tuổi chuẩn bị thi Hương thì các vị khoa bảng ở các tỉnh thường có các lớp riêng cho sĩ tử để luyện tập văn bài chuẩn bị đi thi, tức là lúc này ở tỉnh có một lớp học thuần nhất chỉ gồm những người chuẩn bị thi Hương.
Tôi dám chắc rằng ngay ở Colombia, không phải tất cả các trường trong nước đều dạy theo EN, mà ở các lớp tại những thị trấn lớn vẫn dạy theo phương pháp chung hiện nay như các nước khác trên thế giới. Tôi cũng dám chắc rằng ngay ở Colombia, tất cả các lớp dạy theo EN cũng không phải đều có điều kiện về trang trí, thiết bị như Bộ GD-ĐT Việt Nam đã đưa ra. Chúng ta cũng không thể bỏ qua kết quả thu được ở Việt Nam sau thời gian thí điểm phương pháp VNEN: số giáo viên và phụ huynh không đồng ý áp dụng VNEN ngày càng nhiều.
Tóm lại để đánh giá VNEN một cách thực sự khách quan và công bằng, tôi thấy nên kết luận như sau:
Không bỏ hẳn VNEN mà cũng không chấp nhận hẳn VNEN, mà hãy ứng dụng VNEN trong trường hợp VNEN phù hợp với hoàn cảnh thực tế, và không áp dụng trong trường hợp ngược lại. Cụ thể: Hãy áp dụng VNEN cho các lớp học ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lớp học nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi. Thực chất ở các lớp này cô giáo, thầy giáo đã và đương áp dụng VNEN một cách tự phát. Bây giờ Bộ GD-ĐT đã có lý luận, vậy hãy tập huấn cho họ nắm được lý thuyết của phương pháp. Mặt khác nên giúp đỡ kinh phí để địa phương có thể tổ chức các lớp đó cho đúng với yêu cầu đề ra của bộ càng nhiều càng tốt. Còn đối với các địa phương đã có các trường các lớp có đủ học sinh cùng lứa tuổi, cùng trình độ thì xin cứ giữ nguyên như trước đây.
12-8-2017
* Vietnam Escuela Nueva, mô hình trường học mới Việt Nam.