Việt Nam báo nguy
Kết quả cuộc đổ máu trong ngày lễ Độc lập ra sao? Chúng ta hãy trở lại ngày 2-9-1945. Sau tiếng súng dứt nổ, Ủy trưởng Ngoại giao Phạm Ngọc Thạch liền đi tìm vài nhà quan sát Đồng minh trong đó có thiếu tá Dewey của Mỹ đương tạm ngụ tại lữ quán Continental để giãi bày. Ông cũng đến Bộ tham mưu Nhựt để cho biết những tin tức cần thiết về cuộc xung đột hồi xế chiều.
Sáng hôm sau, Lâm ủy Hành chánh ấn hành một thông cáo cho dân chúng biết kết quả, nguyên văn như vầy:
THÔNG CÁO QUAN TRỌNG
Sài Gòn, 3-9 – Chiều hôm qua giữa người Nam và người Pháp có một cuộc xung đột do người Pháp gây ra.
Chúng ta đối phó rất cương quyết và anh dũng. Kết quả, có người Pháp, người Anh, người mình chết và bị thương. Sự thu xếp với nhà binh Nhựt và nhà binh Đồng minh đã ổn thỏa. Phần ưu thắng tự nhiên về phe đi đúng với công lý và lịch sử, về chúng ta.
Từ nay người Pháp không còn dám khiêu khích nữa. Vậy Ủy ban Hành chánh, sau khi thương thuyết có kết quả với Nhựt và Đồng minh, đã ra lịnh cho quân đội và cảnh binh chỉ canh gác các công sở và các ngõ đường quan hệ. Ngoài những người ấy ra thì không ai được xét bắt hay cản xe cộ đi đường.
Trừ những người của Quân đội và Quốc gia tự vệ(1), không ai được phép mang võ khí: gậy, dao, súng. Bọn người Pháp cũng vậy, điều ấy có Đồng minh bảo đảm cho ta.
Ngày nay U.B.H.C. sẽ tha bọn khiêu khích để chứng tỏ cho Đồng minh ý muốn hòa bình của chúng ta, trái với cái dã tâm của bọn thực dân Pháp. Bọn Việt gian bị bắt sẽ đem ra Tòa án nhơn dân trừng trị.
Đồng bào! Sau khi chúng ta đã hăng hái chiến đấu, tỏ cho quân Pháp biết tinh thần dũng mãnh của chúng ta, đồng bào hãy giữ trật tự, yên tĩnh, đừng gây ra những sự rối loạn để giúp cho Chánh phủ được thắng lợi trên đường ngoại giao.
Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Nam Bộ.
Theo thông cáo trên đây, xét ra không phải phần thắng lợi sau vụ đổ máu ngày 2 tháng 9 hoàn toàn về Việt Nam. Cái kết quả ấy chỉ là một sự dàn xếp ổn thỏa cấp thời.
Tình hình Nam Bộ càng khẩn trương. Dân chúng Sài Gòn dường như đương chờ nghe tiếng súng sắp nổ nay hay mai, hoặc trong một giờsau.
Những điện tín đánh liên tiếp về cho Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ báo những tin quan hệ về quân sự:
“Ngày 31-8, lính Pháp nhảy dù xuống Phan Thiết. Có trận xáp chiến giữa quân ta với bọn nhảy dù. Kết quả, quân ta bắt được 7 người và bắn chết được viên chỉ huy. Quân ta không ai thiệt mạng”.
“Ngày 27-8, chiến hạm Pháp “Greyssac” từ hải phận Hạ Long định đổ bộ Cát Bà, bị quân ta đánh lui”.
“Ngày 4-9, một số quân Pháp ẩn trú sau ngày 9-3 ở Lào đương tìm cách vượt biên giới Lào - Việt kéo về Quảng Trị (Trung Bộ)”.
“Một tin điện từ Hà Nội đánh vào Nam ngày 2-9 cho hay quân Pháp dùng dù nhảy xuống nhiều nơi trong lãnh thổ Việt Nam. Dân chúng hãy chú ý”.
“Ngày 4-9, chánh phủ ra lịnh cho dân chúng tản cư…”.
Ở Sài Gòn, mỗi ngày đều có máy bay bốn động cơ lượn trên thành phố, rải truyền đơn cốt gieo sự hoang mang trong dân chúng.
Tình thế đã khẩn trương lắm rồi! Phải đối phó, nhưng đối phó bằng cách nào? Người ta đang chờ mạng lịnh của Lâm ủy Hành chánh. Trong lúc đó có tin cho hay ông Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh sẽ diễn thuyết đúng 7 giờ tối ngày 5 tháng 9 tại rạp Nguyễn Văn Hảo, báo cáo về tình hình nội trị và ngoại giao.
Vậy, chúng ta hãy nghe:
Sau khi thuật lại cuộc đổ máu ngày 2-9, ông Trần Văn Giàu nói:
“Bây giờ cuộc biểu tình đã qua, tôi xin anh em hãy bình tĩnh chung quanh Chánh phủ. Chúng ta phải tỏ cho người ngoại quốc biết rằng chúng ta có tinh thần đoàn kết. Chúng ta chỉ chống đế quốc Pháp chớ chúng ta không chống người Pháp. Toàn thể dân tộc Việt Nam phải sẵn sàng đối phó để bảo tồn nền độc lập. Một nhà hiền triết Tây phương(2) có nói: “Dân tộc nào đi áp bức kẻ khác, dân tộc ấy không thể được tự do”.
Về tình hình kinh tế, tài chánh, Chủ tịch Lâm ủy Hành chánh cho biết:
“Chánh phủ hiện đương đầu với một tình thế nguy nan về kinh tế. Hiện nay, ở Kho bạc thiếu một số nợ 7 triệu đồng. Các sở cao su, các đồn điền đều đóng cửa, sa thải một số nhơn công. Các kho lúa của Nam Bộ xét lại đều cạn, dân sự ở Hà Tiên đã bắt đầu đói”.
Về ngoại giao ông tuyên bố:
“Hiện nay, chúng ta trải qua một bước khó khăn về quốc tế. Nhưng với sự đồng tâm nhứt trí của toàn thể dân tộc Việt Nam thì không một thành trì nào mà trên đường giải phóng, chúng ta không đạp đổ được. Người Pháp có máy bay đi từ Paris sang Huê Kỳ(3), dân ta nghèo chỉ có xe hơi chạy than(4) nên việc ngoại giao chúng ta phải đi chậm. Nhưng chúng ta vẫn có thể ngoại giao được”.
Cuối cùng ông Giàu cho hay 20 ngàn lính Đồng minh sẽ nhảy dù xuống Nam Bộ và ra lịnh cho dân chúng tiếp đón tử tế.
Thật là những tin báo nguy!
Nam Bộ đương bước vào giai đoạn quyết liệt. Tình hình mỗi giờ mỗi nghiêm trọng. Sài thành(5) đã mất vẻ hoạt động của bọn chợ đen trong “trào Nhựt”, không còn là cảnh phóng túng của bọn “tài hoa son trẻ”. Sài Gòn hiện nay có vẻ nghiêm trọng khác thường.
Trong đêm yên lặng, người ta cũng không khỏi giựt mình nghĩ đến ngày mai.
Ngày mai trời lại sáng chăng?
Những bước trở ngại
Luôn mấy ngày qua, người ta đồn đãi nhiều về phái bộ Đồng minh đã đến Sài Gòn. Nhưng sự thật, chỉ có vài nhà quan sát của Anh và Mỹ hiện ngụ tại lữ quán(6) Continental. Đến 6 tháng 9, mới có một phái bộ đầu tiên của Anh từ Rangoon (Miến Điện(7)) đáp trên hai chiếc phi cơ đến Sài Gòn. Phái bộ nầy gồm trên 30 sĩ quan do một vị đại tá Không quân cầm đầu.
Mục đích của phái bộ Anh là dự bị cho quân đội Anh đến Sài Gòn để giải giới quân đội Nhựt. Nhưng bổn phận của Ủy ban Ngoại giao Nam Bộ là phải tiếp xúc với họ. Điều nên biết là lúc bấy giờ, đứng trước tình hình căng thẳng, Ủy trưởng Ngoại giao Phạm Ngọc Thạch lập thêm một ban để cộng tác với mình hầu ứng phó về việc đối ngoại.
Ban nầy gọi “Ủy ban Ngoại giao”, gồm có những nhơn viên nầy: trạng sư Huỳnh Văn Phương (nhóm Trí Thức), giáo sư Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh (nhóm Tranh Đấu), nữ bác sĩ Hồ Vĩnh Ký, tục danh(8) Nguyễn Thị Sương.
Ngoại giao ngày càng khó khăn. Ai cũng nhìn nhận như thế. Nhứt là sau cuộc xung đột đổ máu trong cuộc biểu diễn lực lượng dân quân ngày 2 tháng 9. Bấy giờ, tuy là kẻ chiến bại hiện đóng trong một nước có chánh phủ nhơn dân của nước ấy, Nhựt vẫn còn một trọng trách ở toàn Việt Nam là lo giữ trật tự. Vì vậy, mấy hôm nay, người ta thấy bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thường tiếp xúc với đại tướng Phù Tang(9) Numita, Tổng tư lịnh quân đội Nhựt ở Nam Bộ.
Đến ngày 6 tháng 9, ngày phái bộ Anh đã đến Sài Gòn, cuộc ngoại giao của Lâm ủy Hành chánh đã bắt đầu gặp nỗi khó khăn. Một bằng cớ là ngày sau, 7 tháng 9, Chủ tịch Trần Văn Giàu cho ấn hành một thông cáo kêu gọi quốc dân, nguyên văn như sau:
Sau cuộc chiến đấu can đảm của anh chị em chiều chúa nhựt rồi, ngoài một số đông người bị thương, có một số ít thiệt mạng. Tổn thương, tử trận, ta không buồn, không hối tiếc, chỉ tiếc rằng trong số chết có người Đồng minh.
Lỗi ở bọn khiêu khích.
Lỗi ở những chủ nhà dụ dỗ tù binh lên nhà đãi ăn uống, rồi từ cửa sổ bắn xả xuống nhơn dân.
Câu chuyện rối rắm về ngoại giao vừa mới gỡ xong nhờ sự tận tâm của Ủy ban Hành chánh.
Nhưng, liền đó lại có một nhóm người không trách nhậm(10) kêu gọi nhơn dân biểu tình trước chợ Sài Gòn đòi “võ trang quần chúng”. Nhựt và Đồng minh hay đặng, sợ sanh một vụ đổ máu trăm lần lớn hơn vụ đổ máu vừa qua.
Cần biết: theo hiệp ước quốc tế, Nhựt phải giữ trật tự khi Đồng minh đưa quân tới. Ai lại quên rằng sức Nhựt có muôn, ta chưa có một, mặc dầu Nhựt đã quy hàng. Nay, vì bọn gây rối, cố ý hay vô tình gây rối để cho ngoại quốc có cơ hội xâm phạm đến chủ quyền của chúng ta. Tổng hành dinh Nhựt quyết định:
- Giải tán dân quân
- Tịch thâu liên thanh và một số khí giới khác.
- Cấm sự hoạt động chánh trị phá rối trị an.
- Cấm biểu tình không xin phép trước với quân đội Nhựt.
- Cấm thường dân giữ và mang khí giới (gồm luôn dao, gậy).
Ai khiêu khích làm ra tình cảnh nầy?
Ra tình cảnh nầy, họ có võ lực để đối phó chăng? Họ có miệng lưỡi để đối phó chăng? Tự do dân chủ mà chúng tôi, Ủy ban Hành chánh ban hành cho quốc dân, một bọn khuấy rối không trách nhiệm lợi dụng nó mà làm hại quốc dân, làm hại Tổ quốc.
Vậy, vì quyền lợi của quốc dân, vì sanh tồn của Tổ quốc, Ủy ban Hành chánh kêu gọi đồng bào tỉnh táo, siết chặt hàng ngũ chung quanh chúng tôi, lột mặt nạ bọn khiêu khích ích kỷ, có thế chúng tôi mới gỡ nổi rối rắm trên trường ngoại giao, dắt đồng bào ra khỏi cạm bẫy của kẻ địch.
Ủy ban Hành chánh
TRẦN VĂN GIÀU
Và trước một ngày, Lâm ủy Hành chánh đã ra lịnh cấm thường dân, bất luận là quốc tịch nào, mang súng và khí giới khác có thể dùng làm binh khí.
Lời kêu gọi quốc dân trên đây và lịnh cấm sau nầy, làm núng tinh thần dân chúng chẳng vừa.
Ta thử nhớ lại những ngày đầu, ngày mà dân chúng tuy không được hoàn toàn võ trang, nhưng các đoàn thể bán quân sự, các nhóm ái quốc, nhứt là các đoàn thanh niên vui vẻ ca hát hùng hồn, hăng hái xông pha với võ khí của mình, dầu nó chỉ là khúc tầm vông vạt nhọn.
Thế thì, trước khi bị quân đội Đồng minh tước khí giới, bắt đầu hôm nay, quân đội Nhựt lại đi tước khí giới của người Việt Nam.
Trước tình trạng nghịch thường, trước tình hình nghiêm trọng, dân chúng phải đối phócách nào?
Bấy giờ, tin ở tấm lòng yêu nước, tin nhau ở lời thề của toàn dân trong ngày lễ Độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Thề rằng:
- Kiên quyết một lòng ủng hộ Chánh phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chống mọi sự mưu mô xâm lược dầu phải chết cũng cam lòng.
Lời thề trên đây, một lời thề lịch sử, trước thanh thiên bạch nhựt, mà cả người Pháp có mặt lúc bấy giờ đều biết và đến hôm nay, là người Việt chắc còn nhớ.
_____
(1) Quốc gia tự vệ: tên gọi công an lúc đó. (BT)
(2) Đó là Friedrich Engels (1820-1895), một nhà lý luận kiệt xuất của chủ nghĩa xã hội khoa học. (BT)
(3) Ám chỉ chuyến đi của tướng de Gaulle, chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, sang Mỹ cuối tháng 8-1945 để xin Mỹ ủng hộ và giúp đỡ. (BT)
(4) Do thiếu xăng dầu, ô tô lúc đó chạy bằng than củi. (BT)
(5) Thành phố Sài Gòn. (BT)
(6) Khách sạn. (BT)
(7) Nay là Yangon, thủ đô cũcủa Myanmar. (BT)
(8) Nhũ danh. (BT)
(9) Nhật Bản. (BT)
(10) Trách nhiệm. (BT)