HV118 - Từ tính cách Nga đến tính cách Việt Nam

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của ta (31-1-1968), Mỹ phải xuống thang chiến tranh, Tổng thống Johnson tuyên bố cuối tháng 3-1968, Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tôi được cử đi thực tế Hải Phòng và được giới thiệu đến Công ty Vận tải 202, đơn vị anh hùng của ngành giao thông đường thủy. Tiếp tôi là đồng chí Bùi Hồng, Bí thư Đảng ủy công ty, anh cùng lứa tuổi với tôi nên nhanh chóng thân nhau. “Anh muốn biết những gương chiến đấu anh hùng ở đơn vị tôi à? Nhiều lắm, kể không xiết. Nhưng thôi, tôi sẽ kể cho anh nghe một câu chuyện và sẽ bố trí cho anh gặp hai nhân vật chính trong câu chuyện này hiện ở công ty. Chắc anh sẽ ngạc nhiên và thú vị” - Bùi Hồng mỉm cười nhìn tôi bằng đôi mắt biết cười của anh. Câu chuyện là thế này:

… Hồi ấy khoảng năm 1965-1966, không quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng đánh phá ác liệt ngày cũng như đêm. Hằng ngày từ phía Nam Hà Nội độ vài chục cây số dọc theo quốc lộ 1 đến khu giới tuyến Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị luôn có hai chiếc khu trục cơ F-105 bay kiểm tra suốt ngày, gặp bất cứ sự vận động nào, chúng đều bắn phá hoặc ném bom hủy diệt, khiến mọi hoạt động của ta đều phải chuyển về đêm. Trên quốc lộ chiến lược ấy ban ngày không một bóng người, đặc biệt ban đêm xe ô tô vận tải đều chạy bằng đèn ngầm dưới gầm xe phía trước để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện.

Trên vùng biển miền Bắc, nhất là các khu vực có cảng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, máy bay địch vẫn đánh phá dữ dội như trên đường bộ, nhằm ngăn chặn mọi hoạt động tiếp tế của ta cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, tàu vận tải Liên Xô vẫn chở dầu đến viện trợ cho ta. Tàu neo đậu ở vùng biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), ta cho tàu nhỏ kéo sà lan ra lấy xăng dầu đưa về, mỗi tàu chỉ kéo được bốn sà lan và ra vào ban đêm để tránh máy bay Mỹ phát hiện. Thực ra bọn Mỹ vẫn biết chuyện này qua các máy bay trinh sát hoạt động ngày đêm trên vịnh Hạ Long. Chúng không đánh vào tàu Liên Xô để tránh gây phiền phức giữa hai nước, chúng chỉ nhằm đánh tàu lấy dầu của ta lúc rời khỏi tàu Liên Xô chừng vài trăm mét. Nhiều lượt tàu kéo sà lan ra lấy dầu đều bị đánh như vậy và cũng có những chuyến may mắn không bị phát hiện đưa được dầu về căn cứ. Nhưng lúc ấy chúng ta chưa có cách lấy dầu nào khác để tránh sự thiệt hại và hy sinh đáng kể đó.

Lần này đến lượt tàu VTS 6 do thuyền trưởng Lâm, người gốc Nam Bộ chỉ huy, kéo theo bốn chiếc sà lan. Các thủy thủ trên tàu đều còn rất trẻ, trên dưới hai mươi và do Phương - nhân vật chính trong câu chuyện này - là Bí thư Đoàn Thanh niên của công ty phụ trách.

Khi chiếc VTS 6 cặp tàu Liên Xô neo đậu gần một hoang đảo trên vịnh Hạ Long thì các thủy thủ ta được các thủy thủ Liên Xô đón tiếp nồng nhiệt như những người anh em lâu ngày mới gặp. Một cuộc liên hoan nhỏ diễn ra trên tàu Liên Xô, các bài hát Nga nổi tiếng thời đó như Chiều Mátxcơva, Cachiusa, Đôi bờ, Triệu đóa hồng v.v… được các thủy thủ hát bằng hai thứ tiếng Nga, Việt theo nhịp vỗ tay không ngớt.

Dầu xăng bơm xong sang bốn chiếc sà lan thì trời đã tối. Thủy thủ tàu Liên Xô mặc lễ phục đứng nghiêm dọc theo thân tàu chào những thủy thủ anh em trên chiếc VTS 6 đang rời khỏi tàu Liên Xô trở về căn cứ, mà họ cảm thấy những người anh em này có thể không tránh khỏi máy bay Mỹ bắn phá và trong cuộc chiến đấu không cân sức này họ có thể hy sinh như những đồng đội của họ trong các chuyến lấy dầu trước.

Quả đúng như cảm nhận của họ, khi chiếc VTS 6 chạy khỏi tàu Liên Xô chừng 300m thì bầu trời đen trên vịnh bỗng rực pháo sáng rồi sau đó máy bay Mỹ nhào xuống bắn phá ném bom vào mấy chiếc sà lan đầy dầu. Lập tức các thủy thủ trên chiếc VTS 6 vừa nổ súng bắn trả quyết liệt, vừa tăng tốc kéo sà lan chạy nhanh. Đúng lúc ấy một chiếc sà lan trúng bom bốc cháy dữ dội. Phương cùng một thủy thủ trẻ là Quang xách búa chạy tới chặt đứt xích tách chiếc sà lan bị cháy ra để bảo vệ ba chiếc sà lan còn lại. Cùng vừa lúc ấy một quả bom nổ trúng vào chiếc sà lan hất tung Phương và Quang bay xuống biển mà dầu xăng chảy đã tạo ra một mặt nước đầy lửa. Hai thủy thủ ta ngụp lặn trong biển lửa đó. Và hành động dũng cảm của họ đã cứu chiếc VTS 6 kéo được hai chiếc sà lan còn lại chạy tránh vào các hoang đảo trong đêm tối vịnh Hạ Long.

Sáng sớm hôm sau, chiếc tàu tuần tra của Công an vũ trang chạy đến khu vực chiếc VTS 6 bị đánh tối qua, và họ phát hiện hai thủy thủ nằm lịm trên bãi cát một hoang đảo gần đó. Có lẽ lúc họ ngụp lặn trong biển lửa thì bị sóng đánh trôi dạt vào bãi cát. Lập tức hai thủy thủ được cấp tốc đưa về bệnh viện thành phố Hạ Long với hy vọng may ra cứu sống họ được chăng. Cũng ngay trong buổi sáng hôm đó, máy bay Mỹ quần đảo trên vùng trời thành phố Hạ Long, có thể là nó tìm đánh chiếc tàu mà tối qua nó chưa diệt được. Lúc ấy chiếc VTS 6 đậu nép dưới chân núi Bài Thơ với hai chiếc sà lan chưa kịp bơm xăng dầu lên kho. Và lúc này máy bay Mỹ đã nhìn thấy chiếc VTS 6. Nó đảo quanh một vòng rồi bắt đầu nã súng trước khi trút bom xuống.

Để bảo vệ hai chiếc sà lan neo đậu sát chân núi khỏi bị phá hủy, thuyền trưởng Lâm quyết định cho anh em thủy thủ lên bờ, còn anh và máy trưởng nổ máy chiếc VTS 6 rời bến Hòn Gai, vừa bắn vừa ra khơi dụ địch bám theo để không chú ý đến hai chiếc sà lan nữa. Nhưng anh em thủy thủ trên tàu không nỡ bỏ người chỉ huy dũng cảm của mình trong tình thế một mất một còn với Mỹ, mà tất cả đều tình nguyện ở lại tiếp tục chiến đấu với Lâm. Thế là chiếc VTS 6 vừa nổ súng bắn trả máy bay Mỹ vừa chạy ra khơi hướng về căn cứ hải quân ở phía Bãi Cháy trước sự chứng kiến của nhiều tàu treo cờ nước ngoài ngạc nhiên và khâm phục sự dũng cảm của thủy thủ Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức đó. Pháo phòng không ở Bãi Cháy cũng bắt đầu bắn yểm trợ cho chiếc tàu nhỏ anh hùng đang chống trả hai chiếc máy bay Mỹ thay nhau nhào lộn bắn phá. Một số lớn thủy thủ đã hy sinh bên khẩu súng máy của mình, rồi đến lượt thuyền trưởng Lâm và máy trưởng cũng trúng đạn tử thương. Trên chiếc tàu lúc này chỉ còn một thủy thủ là Trần Văn Kiểu, anh chạy đi chạy lại vừa bắn vừa lái tàu chạy về hướng căn cứ hải quân Bãi Cháy được an toàn. (Trần Văn Kiểu sau này được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang, và chúng ta rút kinh nghiệm, tìm cách khác lấy dầu xăng an toàn tuyệt đối, không phải hy sinh xương máu như anh em thủy thủ chiếc VTS 6 anh hùng).

Ù

Sau khi được tàu tuần tra Công an vũ trang đưa về cấp cứu ở bệnh viện Quảng Ninh, Phương và Quang đã hồi tỉnh. Nhưng họ bị những cơn đau nhức dữ dội do lở loét khắp người, nhất là vùng đầu mặt, may mà cả hai không bị mù mắt. Riêng Phương nặng hơn, mất cả hai vành tai, nói rất khó nghe nhưng thay vì rên xiết, anh lại hát những bài hát cách mạng như Lên đàng của Lưu Hữu Phước, Lá xanh của Hoàng Việt, Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng v.v… và mỗi khi bác sĩ đến chăm sóc vết thương, Phương nói trong hơi thở mệt nhọc: “Bác sĩ cố gắng cứu em, em không chết đâu!”. Còn Quang thương tích nhẹ hơn Phương, nhưng luôn bi quan lúc nào cũng rên rỉ sợ chết. Và Quang đã chết thật sau mấy ngày cấp cứu ở bệnh viện, dù được các y bác sĩ hết lòng chạy chữa chăm sóc vết thương.

Một hôm, lúc này Phương đã đỡ hẳn, anh nói với cô y tá cho anh mượn cái gương soi để nhìn xem mặt mũi mình ra sao, nhất là hai tai không còn nữa. Cô y tá trao chiếc gương cho anh rồi đi nhanh ra ngoài để giấu sự xúc động. Lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt mình méo mó đầy sẹo phát khiếp, Phương bật khóc: “Ôi, có thể nào như vậy sao. Nếu nay mai Quỳnh ra đây thăm, thấy mình như vầy, liệu Quỳnh có còn yêu như hồi hai đứa mới cưới không?”. Đúng lúc ấy cửa phòng mở, bác sĩ bước vào. Ông ngạc nhiên khi thấy nước mắt ướt cả hai má đầy sẹo của Phương. Ông cười an ủi: “Sao lại khóc? Vết thương liền da hết rồi, hết chết rồi đó!”. “Không, em không sợ chết đâu - Phương nói với giọng lo lắng - Nhưng em sợ…”. “Sợ gì?”. “Sợ vợ bỏ khi cô ấy nhìn thấy em mặt mũi như thế này”. Bác sĩ chưa kịp nói gì để động viên Phương thì đúng lúc ấy Quỳnh và bà mẹ Phương bước vào. Đó là một cô gái còn rất trẻ, xinh xắn trong bộ quần áo công nhân. Cô chạy lại ôm lấy Phương trong ràn rụa nước mắt: “Ôi anh sống rồi! Em mừng quá!”. Phương ngỡ ngàng vì quá bất ngờ xúc động, nhìn Quỳnh nói giọng nghẹn ngào: “Anh bị thế này, em có bỏ anh không?”. Quỳnh vội bịt miệng chồng: “Đừng nói vậy. Anh như thế này chứ hơn thế này nữa em vẫn yêu anh trọn đời!”. Rồi như quên hết mấy người có mặt trong phòng, Quỳnh hôn tới tấp lên khuôn mặt đầy sẹo còn đẫm nước mắt của Phương, điều mà chưa bao giờ Quỳnh dám làm trước mặt người khác, và cũng như Phương, má Quỳnh cũng đầm đìa nước mắt.

Trước cử chỉ và lời nói của Quỳnh, người ta chợt nhớ đến cô gái Nga Cachia Malưsêva trong truyện ngắn Tính cách Nga của nhà văn Nga Xô viết nổi tiếng Alexei Tolstoy. Đó là một cô gái Nga xinh đẹp và là người yêu của trung úy xe tăng Êgo Đrêmốp, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Liên Xô trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức (1941-1945). Trong chiến dịch Cuốcxcơ (1943) sau khi tiêu diệt nhiều xe tăng Đức, chiếc xe tăng do Đrêmốp chỉ huy bị trúng đạn bốc cháy, anh được đồng đội kéo ra khỏi chiếc xe đang ngùn ngụt lửa. Anh bị thương làm khuôn mặt biến dạng méo mó đến mức khi lành vết thương anh được nghỉ phép đặc biệt về thăm nhà, cha mẹ anh và cả cô Cachia đều không nhận ra. Anh buồn quá nên trở lại đơn vị sớm hơn thời hạn được nghỉ. Vậy mà khi bà Maria, mẹ Đrêmốp, cùng Cachia đến thăm anh ở hậu cứ, Đrêmốp nói: “Cachia, cô tới đây để làm gì? Cô hứa sẽ đợi một người khác, chớ đâu phải một người như thế này!”. Và Cachia ôm lấy Đrêmốp, giọng nghẹn ngào: “Êgo, em sẽ sống với anh trọn đời. Em sẽ yêu anh chung thủy, em rất yêu anh. Đừng gạt bỏ em!”. Trước cử chỉ và lời nói của Cachia, nhà văn A. Tolstoy đã phải thốt lên: Đấy, tính cách Nga là như thế. Một con người chừng như là bình thường, nhưng khi gặp thử thách gay go dù lớn hay nhỏ, ở con người ấy sẽ trổi dậy một sức mạnh vĩ đại - vẻ đẹp một con người! (trích).

Hơn hai mươi năm sau trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại (1954-1975) của nhân dân ta đã xuất hiện chuyện một người con gái Việt Nam cũng gặp người chồng trong chiến đấu đã bị thương tật như Đrêmốp và cũng đã thốt lên: “Đừng nói vậy. Anh như thế này chứ hơn thế này nữa em vẫn yêu anh suốt đời!”. Ôi, đó cũng là tính cách Việt Nam, tính cách của một dân tộc suốt bốn ngàn năm lịch sử đã vượt qua biết bao thử thách ác liệt vẫn giữ tròn vẹn khí tiết và đạo lý: “Anh hùng, bất khuất, nhân hậu, thủy chung”!

Tháng 8-2017

DƯƠNG LINH