Lời nhận xét
Hồi trẻ Bernard Shaw từng làm nhà phê bình âm nhạc cho một tờ báo ở Luân Đôn (Anh). Bài viết của ông về dàn hợp xướng của các bác sĩ chỉ gồm vẻn vẹn hai câu:
“Hôm qua các thầy thuốc đã hát. Họ một lần nữa cần phải ghi lòng tạc dạ lời thề của người thầy thuốc là giữ im lặng”.
Đề phòng giả mạo
Khi lâm chung, nhà văn kiêm triết gia Voltaire hỏi:
- Ngài mục sư, ai gọi ngài đến đây?
Mục sư đáp:
- Thưa ông Vontaire, tôi được thượng đế sai đến cầu nguyện cho ông.
Vontaire nói:
- Vậy thì, thưa ngài mục sư, xin ngài cho xem chứng minh thư để đề phòng sự giả mạo.
Kẻ bất tài
Một nhà văn mới vào nghề đem bản thảo đến một tờ tạp chí. Chủ bút một mực từ chối in tác phẩm đó:
- Chúng tôi không có ý định nâng đỡ những người mắc bệnh cuồng viết. Anh có thể làm bất cứ nghề gì tùy thích như bán mù tạt hoặc nơ lụa, có điều chớ động đến giấy bút. Anh không bao giờ có thể trở thành nhà văn. Chúc anh may mắn!
Người chủ bút nghiêm khắc đó là Georges Clemenceau, sau này hai lần làm Thủ tướng Pháp (vào những năm 1906-1909 và 1917-1920), còn nhà văn “bất tài” nọ là đại văn hào Émile Zola.
Hồi ký
Trong những cuộc phiêu lưu tình ái của mình, nhà văn Ý Casanova không phân biệt ranh giới giữa những phụ nữ trẻ và những phụ nữ đứng tuổi. Trong bộ Hồi ký nổi tiếng của mình gồm 12 tập viết từ năm 1791 đến 1798, ông viết:
“Chỉ cần tắt đèn là ta thấy rằng tất cả những người đàn bà đều giống nhau!”.
Truyện ngắn
Có lần nhà văn Pháp Daudet gặp tay chủ bút một tờ báo lá cải ở Paris.
- Ông có thể kiếm được mấy nghìn franc nếu đồng ý viết cho tôi một truyện ngắn nhiều kỳ về một gã vô lại nào đó.
Daudet liếc nhìn người tiếp chuyện một cách đầy ý nhị và đáp:
- Liệu có cần thiết không? Ông có thể trả rẻ hơn nhiều nếu cho đăng những ghi chép của các cộng tác viên thân tín của ông.
Ba mươi franc
Một số người kéo đến chỗ nhà văn Dumas xin ông giúp đỡ một món tiền để lo việc ma chay cho một viên mõ tòa.
- Thưa ông Dumas, chúng tôi cần ba mươi franc.
- Ba mươi franc cho một viên mõ tòa! - Dumas thốt lên - Đây, tôi xin biếu các vị sáu mươi franc để chôn cất hai viên mõ tòa luôn một thể.
Nhường đường
Goethe thường đi dạo chơi trong công viên tại thành phố Weimar ở Đức. Trên con đường mòn, nơi chỉ một người mới có thể đi qua, nhà thơ bất ngờ chạm trán với một nhà phê bình vốn không ưa ông. Khi hai người giáp mặt nhau, nhà phê bình vênh váo nói:
- Ta không bao giờ nhường đường cho lũ ngốc.
- Còn tôi thì ngược lại! - Goethe đáp với nụ cười giễu cợt và tránh sang một bên.