Cây bút công khai Lê Vĩnh Hòa (1954-1958)
Theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bạn học cùng lớp) và anh Hà Mậu Nhai (thầy dạy văn của Lê Vĩnh Hòa), thì Lê Vĩnh Hòa có ý chí đi vào con đường văn học và đã tỏ rõ năng khiếu về văn học từ những năm còn theo học ở trường.
Từ năm 1956 trở đi, Mỹ - Diệm phản bội Hiệp định Genève, bắt bớ, tàn sát những người kháng chiến cũ. Thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Thị ủy Sóc Trăng, Lê Vĩnh Hòa vừa công tác vừa tranh thủ viết, cố gắng phát huy khả năng văn học của mình thành một vũ khí chiến đấu. Truyện ngắn đầu tay của anh là Vỏ cà rem, đăng báo Nhân loại số 1, được bạn đọc hoan nghênh. Trong năm 1956, anh viết thêm 4 bài nữa (lý luận, tiểu luận, thơ), đăng báo Tiến thủ. Năm 1957, anh viết khá lên trông thấy về mặt số lượng và chất lượng (7 truyện ngắn, 5 tùy bút, 2 bút ký, 4 bài thơ và 1 kịch thơ) đăng trên các báo công khai ở Sài Gòn như Công nhân, Bông lúa, Nhân loại, Phụ nữ Diễn đàn, Tiến thủ, Gạo mới…
Năm 1957-1958, tại thị xã Sóc Trăng cũng như ở các đô thị miền Nam, phong trào đòi dân sinh dân chủ lên cao. Lê Vĩnh Hòa cho ra mắt bạn đọc 28 bài viết nữa. Trong loạt bài này, nổi tiếng nhất là các bài: Áo vải tim vàng, Tiếng hú giữa rừng khuya, Trăng lu, Nước cạn, Dằn vặt, Chiếc áo thiên thanh, Bác Năng Cách, Hội banh xóm Giếng… với các thể loại truyện ngắn, tùy bút, thơ, bút ký, tiểu luận phê bình và văn học, đăng các báo nói trên và thêm báo Quyền sống, tạp chí Tiếng hát Dạ Lý. Hai bài anh viết cuối thời kỳ hoạt động công khai là Vấn đề thi cử và Vấn đề văn hóa ngày nay đăng trên báo Quyền sống. Thời điểm này, theo chị Hạnh (vợ anh) thuật lại: bài Sóc Trăng quê hương tôi anh ký tên Nhị Anh, đăng báo Nhân loại. Khi báo phát hành về Sóc Trăng, tên Nguyễn Văn Hồng, trưởng ty cảnh sát Sóc Trăng, kiếm bắt Nhị Anh. Hắn đến nhà sách Thanh Quang hỏi về tác giả bài báo và tịch thu những số báo còn lại. Tên Hồng cho “mời” chị Hạnh ra đồn cảnh sát vì chúng nghi chị công tác học sinh và biết Nhị Anh… Sau đó, nhà văn mới lấy bút hiệu là Lê Vĩnh Hòa.
Tháng 10-1958, anh bị giặc bắt vì “bể” cơ sở, bị khai báo. Anh bị Tòa án quân sự Sài Gòn kết tội xúi giục dân chống chế độ, xử 5 năm tù. Anh bị giam ở các trại Sóc Trăng, Chí Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi, rồi trở lại Chí Hòa. Cuối năm 1963, chúng buộc phải thả anh. Anh về, ở với vợ và đứa con sau 5 năm xa cách chỉ vỏn vẹn 7 ngày, thì tìm cách lên gặp đồng chí Nguyễn Hà Phan và trở lại công tác.
Lê Vĩnh Hòa trong lao tù tra tấn
Trước khi Lê Vĩnh Hòa bị giặc bắt, anh làm việc trong buồng tối của một gia đình cơ sở của ta ở Sóc Trăng. Dù sức khỏe kém, anh móc nối tổ chức cơ sở, nhất là trong thanh niên học sinh, làm nhiệm vụ in truyền đơn (bằng giấy sáp và bột nếp). Tác phẩm của anh như ngọn đèn chiếu thẳng vào quân địch. Chúng tìm mọi cách bắt anh cho kỳ được. Từ lúc anh bị bắt tại Sóc Trăng cho đến khi bị giam ở Chí Hòa, địch dùng nhiều thủ đoạn, phương tiện khai thác anh. Chúng tra khảo anh tàn nhẫn, nhưng anh giữ vững khí tiết, bảo toàn cơ sở.
Vào tù, anh gặp lại các anh chị là thầy, là bạn trong trường kháng chiến cũ và nhiều cán bộ, nhân dân anh từng quen biết. Tại nhà lao khắc nghiệt với sự có mặt nhiều tên ác ôn sừng sỏ, Lê Vĩnh Hòa vẫn cùng đồng chí, anh em hoạt động cách mạng, giữ vững tinh thần cho tù nhân, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi cải thiện đời sống nhà tù. Anh kể chuyện (xuất bản bằng miệng) cho anh em nghe hằng đêm và xây dựng đề cương, giúp nhiều tác giả kể chuyện hoặc soạn kịch bằng miệng, rồi phân vai cho mọi người đóng, diễn trong những ngày lễ lớn của đất nước.
Lúc anh còn trong tù có một sự kiện rất đặc biệt, đó là việc thăm tù của người anh ruột của anh - Võ Phiến (tên thật là Đoàn Thế Nhơn), một cây bút thuộc cơ quan tâm lý chiến của Mỹ, đã từng viết nhiều bài chống Cộng triệt để. Biết em trai mình là người có lý tưởng (Võ Phiến cho là “bị cộng sản đầu độc không phương cứu chữa”), Võ Phiến mang thư gia đình và quà bánh đến “thăm” em. Những lần đầu tiên, Võ Phiến tỏ vẻ quan tâm lo lắng sức khỏe của anh Hòa và hứa sẽ tìm cách xin cho anh Hòa được phóng thích. Võ Phiến nói tài như anh Hòa sẽ thành nhà văn nổi tiếng, được trọng vọng và sống sung sướng như mình. Những lần sau, Võ Phiến lộ rõ ý đồ chiêu hàng nhà văn cách mạng son trẻ. Nhưng anh Hòa nói dứt dạt:
- Những lời anh nói là của anh. Thầy mẹ không bao giờ buộc tôi đi sai con đường mà gia đình ta đã chọn từ đầu kháng chiến chống Tây. Anh là một nhà văn, nhưng trên thực tế dư luận bạn đọc chân chính chỉ khen tài anh, mà kết tội anh là phản động. Anh đến thăm tôi, báo tin gia đình, tôi mừng và cảm ơn anh. Nhưng thú thật với anh, tôi lấy làm xấu hổ khi mọi người biết tôi là em ruột anh, và nghe anh đến thăm, tôi ái ngại hết sức. Đó cũng là lý do, có những lần anh gọi tên thăm nuôi mà tôi nín thinh không lên tiếng. Quà anh gởi, tôi đã nhờ bọn sếp đề lao trả lại cho anh (không biết chúng trả lại hay cuỗm hết rồi). Lần này cũng vậy, tôi xin anh mang quà về đi, và anh có thương tôi như thương một người em ruột thì xin anh đừng đến làm phiền nữa.
- Thôi được, nếu chú nói vậy thì chú cam chịu số phận của chú. Nên nhớ là đừng bao giờ trách tôi. Chú cần địa chỉ và số điện thoại của tôi không? Có khi nghĩ lại hoặc lúc nguy nan thì cần đấy. Tôi ghi cho chú nhé… Thầy mẹ và gia đình mong chú sớm thoát nạn, nên nhờ tôi lo liệu…
- Anh về đi, tôi không bao giờ cần địa chỉ và điện thoại của anh cả, mặc dù có thể tôi sẽ chết gục trong cái nhà lao độc ác này.
- Chú là một tên cộng sản cứng đầu nhất. Vĩnh biệt chú!
Từ lần đó, Võ Phiến không đến gặp Lê Vĩnh Hòa nữa. Cũng sau đó, Lê Vĩnh Hòa bị đưa đi kỷ luật tại “phòng điện ảnh”, còng chung với bác Chín Hanh là thầy của Lê Vĩnh Hòa lúc trong kháng chiến (“phòng điện ảnh” là nơi địch dùng điện chiếu nóng bức để buộc tù nhân khuất phục). Có một lần, đang bưng chén cơm tù, anh Hòa nghe nói có quà thăm nuôi, nhưng anh Hòa không nhận.
Lê Vĩnh Hòa trong vùng giải phóng Tây Nam Bộ
Chúng tôi gặp Lê Vĩnh Hòa trong căn nhà nhỏ bên bờ rừng đước. Anh mặc bộ đồ bà ba màu đọt chuối, có phần quá rộng rãi với thân hình gầy gò của anh. Anh hay kể chuyện vui, chuyện châm biếm và thường ngồi viết vào lúc đêm đã khuya, vắng khách. Chúng tôi thường thấy anh chăm chú ghi chép vào cuốn vở những hình ảnh, những câu nói, những cốt chuyện có liên quan đến chủ đề sáng tác của anh. Những ngày ở đây, anh tranh thủ trị bịnh sốt rét kinh niên (từ những năm tháng ở tù) để đi vào bộ đội. Anh nói:
- Lẽ ra thì chính tôi phải cầm súng trực tiếp chiến đấu. Bằng súng đạn, bằng lưỡi lê, bằng lựu đạn, bằng mìn… Nhưng tôi ốm yếu quá, tôi chỉ có thể ra trận viết bài cổ vũ anh em. Muốn vậy, tôi phải vào các đơn vị bộ đội sống như anh em.
Tháng 9-1964, anh Hòa cùng chúng tôi được Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ phân công vào tiểu đoàn 309, chủ lực Tây Nam Bộ, hoạt động trên địa bàn Cần Thơ - Rạch Giá, Sóc Trăng - Cà Mau.
Để phục vụ cho báo Tết năm đó, Lê Vĩnh Hòa viết truyện ngắn Nắng mùa xuân. Nhân vật Thảo và Liên cùng bối cảnh của truyện được anh rút từ thực tế vùng đất Cần Thơ. Thảo là chiến sĩ của tiểu đoàn 303 (được nhà văn đổi tên). Trên các điểm đóng quân, khi anh em bộ đội nghỉ ngơi chờ lịnh hành quân, anh Hòa tranh thủ đọc cho anh em nghe. Anh lập tức nhận được sự hoan nghinh nhiệt liệt. Bấy giờ, anh trao đổi với chúng tôi rằng: anh đã đi đúng hướng và chọn đúng đối tượng sáng tác của mình. Anh không thể thiếu bộ đội và bộ đội cũng không thể thiếu anh. Từ đó, bộ đội coi anh là một chính trị viên thực sự của đơn vị.
Lê Vĩnh Hòa - nhà văn của bộ đội
- Anh Hai về! Anh Hòa về rồi các đồng chí ơi!
- Trời ơi, anh Hai về, tụi em mừng quá. Anh về đơn vị mình ở luôn nghen anh Hai!
- Đơn vị mình đóng ở giữa xóm kinh Thầy Ngươn, anh về đó nghỉ, tụi em họp xong chạy về nói chuyện đánh đồn Xẻo Bần cho anh nghe…
Đó là một trong những cảnh tượng anh em chiến sĩ và cán bộ các tiểu đoàn 303, 306, 309 reo mừng khi anh Hòa trở lại sau mấy hôm về cơ quan. Và các chiến sĩ thi nhau kể chuyện đánh giặc cho anh Hòa có đề tài để viết.
- Tụi em không viết được, thì tụi em đánh giặc ra trò cho anh Hai viết!
Đó là sự “hợp tác” tuyệt vời giữa nhà văn và cuộc sống mà nhà văn yêu quý. Đó là lý do khiến cho tác phẩm của nhà văn có sức mạnh, không chỉ được riêng bộ đội mà còn được mọi người thừa nhận.
Một điều tế nhị và sâu xa, làm nên chất liệu cho tác phẩm là Lê Vĩnh Hòa không phải chỉ khai thác tư liệu bộ đội để viết, mà anh sống như một thành viên của đơn vị. Anh chia sẻ mọi niềm vui, nỗi lo, mọi điều sướng khổ, sự sống và cái chết như một người lính trận. Anh giúp các tân binh canh gác. Anh ngồi trên nắp công sự vá quần áo cho các chiến sĩ. Các chiến sĩ trinh sát đi thực địa sáng đêm về quá mệt, anh canh gác máy bay cho anh em ngủ, nấu cơm, giặt quần áo giúp. Anh em ra trận, gởi lại cho anh giữ những vật kỷ niệm như khăn tay, thư tình, mấy lọn tóc, chiếc khâu bằng kim loại hoặc bằng ngà, bằng gỗ của người yêu hoặc vợ của các chiến sĩ từ hậu phương trao cho họ. Khi ra trận biết có trở về bình yên? Họ gửi lại cho anh và căn dặn địa chỉ gia đình, nơi người yêu công tác, phòng khi hy sinh thì anh trao về người thân giúp họ… có trường hợp đồng chí Tư Như cán bộ trung đội, gửi anh giữ hơn 40 lá thư của Hồng Cẩm, cô giao liên đường liên tỉnh miền Tây. Tư Như hy sinh, anh Hòa chưa có dịp mang thư ấy trao lại, thì Hồng Cẩm đã hy sinh. Lúc anh Hòa về cơ quan văn nghệ Khu, giao chúng tôi giữ, để anh trở về đơn vị 303 (đóng ở địa bàn Cần Thơ) viết bài phục vụ Tết Đinh Mùi 1967. Chuyến đi này, anh hy sinh.
Những chuyến đi hội nghị hoặc về cơ quan Tuyên huấn khu, hoặc dự đại hội toàn quân khu, anh gọi những chiến sĩ có gia đình ở dọc tuyến đường anh có dịp đi ngang qua, đề nghị anh em viết thư để anh mang về giúp. Phải thương yêu anh em bộ đội chân tình lắm mới chịu cực khổ như vậy, vì có nhiều gia đình ở trẹo đường, phải lội ruộng, lội kinh, qua nhiều bãi chông, bãi pháo… mới chuyển được thư và nhận quà, nhận thư mang về đơn vị cho anh em mừng. Bòng đồ (thay ba lô) của anh Hòa lúc nào cũng rất nặng vì đầy chuối khô, thuốc rê, giấy quyến, mứt gừng… hay quần áo, khăn tắm… của thân nhân gửi chiến sĩ. Nhưng dù sức yếu, anh vẫn cố gắng mang về cho anh em.
Lúc sống với tiểu đoàn 309, được anh Tư Bằng giao việc, anh bám sát Lê Nhâm (nhân vật trong nhiều bút ký và tùy bút của anh) để tạo thuận lợi cho việc Lê Nhâm dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn Khu. Anh cũng đã cùng chi bộ và Ban chấp hành đại hội về xã Trí Phải (Cà Mau) lo việc cưới vợ cho Lê Nhâm, cũng như nhiều chiến sĩ khác.
Khi đơn vị bộ đội vấp phải khó khăn gì với địa phương, anh Hòa được mời đi tham gia dàn xếp. Anh tạo quan hệ với các mẹ, các chị để chăm sóc, giúp đỡ bộ đội. Và anh cũng làm nhiều việc giúp gia đình đồng bào như động viên anh em đào hầm tránh pháo, làm cầu vệ sinh, làm trường học, đắp đường đi trong khu vực đóng quân… Anh làm cho các chiến sĩ trẻ hiểu rõ ý nghĩa công tác quần chúng, để được dân bảo vệ mà đánh giặc thắng lợi. Với thương binh, nhà văn Lê Vĩnh Hòa vào bệnh viện thăm nom, động viên, an ủi anh em, với liệt sĩ thì anh mang vật kỷ niệm của từng đồng chí về tận nhà và tìm lời làm nhẹ bớt nỗi đau mất mát. Với tù hàng binh, anh gần gũi, giáo dục họ. Anh đã cứu nhiều tù binh thoát chết khi các chiến sĩ nổi nóng định bắn họ, trả thù cho đồng đội hy sinh.
Trong hơn hai năm cuối đời của nhà văn Lê Vĩnh Hòa, số lượng 38 bài viết cũng là đã nhiều. Đó còn là sự cố gắng phi thường của anh. Trên bờ kinh huyện Sử, sau khi về đây dự đám tuyên bố cho đồng chí Năm Nhi, đại đội trưởng đại đội 1 (tiểu đoàn 309), anh Hòa vào mùng ngồi chong ngọn đèn (loại chai thuốc Alcool de Menthe nhỏ xíu). Chiếc mùng nhỏ hẹp giăng dưới đất, cạnh gốc cây cốc trước nhà Năm Nhi (vì nhà chật, khách đông, anh Hòa nhường chỗ cho các má chiến sĩ nằm). Anh thức dưới sao trời và tìm ý viết. Chúng tôi “ra lịnh” cho anh ngủ nhiều lần. Anh vị tình, tắt đèn, đợi chúng tôi ngủ xong, anh lại lụm cụm ngồi dậy với ngọn đèn chong và cây viết. Anh ốm gầy, hai vai rút lên như một người già, nhưng chúng tôi biết rằng lúc bấy giờ, tâm hồn anh có một sức mạnh không gì đọ nổi.
Anh cũng thường viết bài vào buổi trưa trên nắp các công sự, khi các chiến sĩ đã ngủ (chỉ còn các đồng chí gác, không được phép nói chuyện). Ở Xẻo Cạn, anh viết bài Vượt dốc ngoài tuyến công sự của tiểu đội 1 và đọc cho chúng tôi nghe để nhờ góp ý kiến. Anh hỏi chúng tôi, Út Chinh (tên nhân vật) anh khái quát như vậy có đúng không. Cán bộ và chiến sĩ đại đội 1 khen hay nức nở. Những trường hợp khác, anh viết ngay trên mũi xuồng (đậu nghỉ, chờ lịnh tiếp tục hành quân). Chúng tôi nhớ có một lần, khi về kinh Chệt Ớt (tuyến kinh xáng Xẻo Rô) nơi báo quân khu đóng quân, lúc thông qua bài anh, các đồng chí ban biên tập báo quân khu có đề nghị anh bỏ bớt một chi tiết về con mắt của một chiến sĩ ta bị địch dùng lê khoét lọt ra đất, tên trung úy địch đạp dính vào gót giày, rồi trét lên tường nhầy nhụa. Ý nhà văn là tả thật chân xác như thế để cho người đọc căm thù. Nhưng các đồng chí cho là in đoạn đó sẽ đem đến kết quả ngược lại, làm cho người đọc ghê sợ. Anh Hòa tâm phục và đồng ý sửa ngay.
Đọc tác phẩm của anh, ta như nhìn thấy sức sống mãnh liệt của “anh bộ đội” miền sông nước đồng bằng. Anh bộ đội không những chỉ gan dạ dũng cảm ôm bọc phá xông vào đồn địch, mà còn phúc hậu, chân tình, thông minh, có một khát vọng tương lai cháy bỏng, vì thế “anh bộ đội” trở thành trung tâm, thành linh hồn các bài viết của nhà văn. Những bài viết của anh, theo như lời anh nói với chúng tôi: đều chưa hoàn chỉnh, đều còn nằm trong giai đoạn phác thảo. Chúng tôi hiện còn giữ đầy đủ tất cả các tác phẩm của anh viết từ năm 1964 đến 1967 (thời kỳ anh trở lại vùng giải phóng đến khi hy sinh). Đây chính là bản thảo do nhà văn viết trên giấy tập vở học sinh. Nét chữ nhỏ nhắn, rõ ràng. Cách bôi xóa của anh cũng chứng tỏ anh là một người cẩn thận, mạch lạc và sạch sẽ.
Hãy nhìn vào nhan đề các bài viết của anh, cũng đủ thấy nó mang nội dung về bộ đội: Trông ra tiền tuyến, Mấy trang nhựt ký bên chiến hào, Trước đêm tập kích, Những đồng chí tân binh, Thép xung kích, Nghĩ về tên tù binh Mỹ, Khóa đít xe bọc thép, Trinh Hữu, Tập bảo vệ chỉ huy sở, Chiến đấu trên đồng bằng, Chuyện một người săn máy bay… Nhưng có những bài mang dạng nhan đề khác, mà nội dung lại chứa đựng sâu xa về bộ đội như Trời không ánh sáng hoa nào nở, Những con người đi qua được, Những dòng tin ngắn… Những bài viết về phong trào du kích, như Xóm cũ, Sống với Đông Phước, Đốm lửa Mặc Đây, Hà Nội, Qua vườn măng…
Khi thâm nhập vào thế giới đầy sinh động và hết sức độc đáo của khối lượng tác phẩm Lê Vĩnh Hòa, chúng tôi nghĩ nhà văn đã rất thật lòng khi nói: tác phẩm hầu hết là chưa hoàn chỉnh. Bởi khi biên soạn để chọn đưa vào tập Qua vườn măng (NXB Tổng hợp Hậu Giang), chúng tôi có dịp nhìn kỹ sự khác nhau giữa hai bản thảo cùng một bài viết mà nhà văn có ghi ý sẽ sửa chữa như thế nào, ở góc giấy. Đó là sự mất mát lớn lao của nền văn học chúng ta. Nếu như anh Hòa còn sống để viết tiếp, để sửa tiếp những bản thảo, thì hiệu quả của tác phẩm sẽ mạnh mẽ đến chừng nào. Có một lần, khi lội qua cánh đồng ngập nước trên bờ đầm Thị Tường, trả lời câu hỏi của chúng tôi về ý định sáng tác lâu dài, anh nói: - Tôi không có ý định viết tiểu thuyết, có lẽ sau này cũng vậy. Tôi xin về làng Vĩnh Hòa dạy học và thỉnh thoảng viết một truyện ngắn.
Trước khi hy sinh, anh hoàn toàn không nghĩ là tác phẩm của anh được chúng ta quý trọng và đánh giá cao như ngày nay. Anh chỉ nghĩ viết về bộ đội là nhiệm vụ xuất phát từ trái tim anh. Anh tự hào về bộ đội, và bộ đội cũng tự hào về anh, biết ơn anh. Và bài viết này chính là để biểu lộ tấm lòng biết ơn với một nhà văn như anh: một nhà văn sát cánh cùng bộ đội Tây Nam Bộ và đã hy sinh ngoài mặt trận.