HV119 - Một giọng đọc khiến kẻ thù khiếp đảm

Trong những năm chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô, bè lũ phát xít khiếp sợ “Tiếng nói của Đài phát thanh Moskva” không kém gì tiếng nổ của đại bác. Hitler đã ra lệnh oanh tạc, bắt Đài Moskva phải “câm họng”. Song, nhiệm vụ này quá sức đối với bọn phát xít. Các cán bộ nhân viên của đài, trong đó có phát thanh viên Yuri Levitan, làm việc không nghỉ suốt 1.418 ngày có chiến sự.

Yuri Levitan sinh ngày 2-10-1914 trong một gia đình bố làm thợ may, mẹ làm nội trợ tại thành phố Vladimir. Từ nhỏ ông đã yêu thích thơ ca, sân khấu và ca hát, mơ ước trở thành diễn viên. Đặc biệt, ông có chất giọng rất khỏe nên bạn bè tặng cho danh hiệu “Kèn đồng”. Sau khi học hết lớp 9, ông theo giấy giới thiệu của Đoàn Thanh niên Cộng sản đến Moskva để vào học Trường trung cấp Điện ảnh Quốc gia (nay là Trường đại học Điện ảnh Quốc gia, gọi tắt là VGIK). Ông mơ ước trở nên nổi tiếng như nghệ sĩ Vasili Kachalov mà ông vô cùng hâm mộ. Tuy nhiên, do chất giọng còn lơ lớ sắc thái địa phương nên ông bị ban giám khảo loại bỏ. Ông đành ôm hận trở về nhà. Tình cờ, ông đọc được bản thông báo về việc tuyển lựa một nhóm phát thanh viên, và Yuri Levitan quyết định thử vận may một lần nữa. Ông gọi điện đến Hội đồng giám khảo và tự giới thiệu, còn ở đó, khi nghe thấy chất giọng hiếm có ở ông, người ta đã khuyên ông đến ngay thủ đô. Tại Moskva, đích thân Kachalov đã nghe ông đọc. Ông trúng tuyển và được phân vào nhóm thực tập sinh của Ủy ban phát thanh toàn liên bang. Sự kiện đó xảy ra vào năm 1931, và chàng trai Yuri Levitan 17 tuổi đã xuất hiện ở Đài phát thanh.

Tuy nhiên, dù sở hữu chất giọng hiếm có và cách đọc diễn cảm, nhưng điều kiện này chưa đủ để phát triển những khả năng sáng tạo. Để năng khiếu có thể trở thành tài năng, cần phải dốc nhiều công sức và kiên trì hơn nữa. Ông thực sự đã lăn xả vào công việc, tăng cường rèn luyện cách phát âm. Ông học hỏi rất nhiều ở các nghệ sĩ Nhà hát kịch nói, ra sức tập dượt, tranh thủ đọc các văn bản. Ông hay chạy vào phòng phát thanh và xem các nghệ nhân đọc như thế nào. Môi ông mấp máy cùng với họ và có cảm giác là câu từ sắp bật ra khỏi cửa miệng.

Ông sống trong một căn buồng nhỏ cạnh phòng bá âm, suốt ngày đêm có mặt trong tòa nhà của Ủy ban phát thanh, và khi tất cả mọi người đi vắng, ông vẫn tiếp tục ôn luyện các bài tập được đề ra. Với tư cách là một thực tập sinh, ông chưa được chỉ định phát bài, nhưng dần dần đã được đọc những mẩu tin ngắn, giới thiệu các chương trình âm nhạc, thay đĩa hát v.v… Bằng cách đó, ông càng ngày càng nắm vững nghệ thuật phát thanh, và trên sự kết hợp giữa năng khiếu bẩm sinh và sự cần mẫn ghê gớm, đã xuất hiện một hiện tượng độc nhất vô nhị từng đi vào lịch sử phát thanh Xô viết - Yuri Levitan.

Mặc dầu vào những năm 30 ông đã trở thành một trong những phát thanh viên hàng đầu của Đài phát thanh toàn liên bang, song số phận của ông vẫn có thể được định hình theo chiều hướng khác, nếu không có Stalin.

Vào đầu năm 1934, Yuri (hồi đó chưa đến 20 tuổi) được chỉ định đọc trong buổi phát thanh kỹ thuật đêm khuya những bản mo rát của tờ báo Sự thật cho các nữ tốc ký viên của các nhà xuất bản khu vực để chuyển văn bản đã được ghi đến nhà in. Thật bất ngờ, có một lần chính Stalin (vốn hay làm việc vào ban đêm cùng với chiếc loa truyền thanh gắn trong phòng giấy) đã nghe được. Stalin lập tức gọi điện đến Ủy ban phát thanh và nói rằng “cái giọng nói đó” - bởi ông chưa biết tên người phát thanh viên - phải đọc văn bản bài diễn văn của ông trong buổi khai mạc Đại hội XVII của Đảng. Chàng phát thanh viên trẻ tuổi lần đầu tiên đọc trên giấy văn bản vô cùng quan trọng đó của Stalin trong suốt mấy tiếng đồng hồ và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, mà không mắc một lỗi nào, không ngắc ngứ, không nói nhịu…

Sau sự kiện đó, một chỉ thị được ban bố, nói rằng từ nay trở đi chỉ một mình Yuri Levitan được quyền đọc tất cả các văn bản và các văn kiện quan trọng của Nhà nước. Vậy là ông đã trở thành giọng đọc số 1 của Đài phát thanh Liên Xô. Còn từ ngày đầu chiến tranh, ông đã trở thành phát ngôn viên của Cục Thông tin Liên Xô.

Người đầu tiên tuyên bố trên Đài phát thanh về cuộc chiến tranh bắt đầu vào ngày 22-6-1941 là Molotov. Nhưng dường như, chỉ sau khi nghe giọng đọc của Levitan, hàng triệu người Xô viết mới nhận thức được một cách thực sự toàn bộ diễn biến của sự việc. Bảng tín hiệu ánh sáng đã được bật lên: ‘Tại sao lại im lặng thế?’. Để chuẩn bị đọc văn bản, chỉ còn vài giây. Tôi nắm tay lại và đọc tiếp: ‘Thưa các nam nữ công dân Liên bang Xô viết…’. Nhưng theo tiến độ của việc đọc, giọng tôi mỗi lúc một trở nên rắn rỏi hơn và vang lên đầy vẻ hăm dọa: ‘Kẻ thù sẽ bị đánh bại!’”.

Bài nói đầy tự tin đó, tinh thần lạc quan nhuốm màu bi ai đã giúp hàng triệu người xiết chặt hàng ngũ vững vàng trong giờ phút lâm nguy, tin tưởng vào niềm hy vọng. Từ đó trở đi, trong suốt 1.418 ngày, tiếng nói của Levitan đã trở thành tiếng nói của Bộ chỉ huy Xô viết, tiếng nói của điện Kremli, luôn luôn được cả nước và mỗi người dân Liên Xô ngóng đợi.

Trong giọng nói: “Đây là Đài phát thanh Moskva!”, ngữ điệu của ông bao giờ cũng vang lên sự thật tuyệt đối của cảm xúc, và mọi người căn cứ vào những âm thanh đầu tiên đã biết được tính chất của thông báo: vui hay buồn. Và giọng nói bao giờ cũng làm họ yên lòng, thậm chí những thông báo nguy ngập nhất được đọc khiến cho niềm hy vọng vẫn còn lại trong lòng người. Vâng, rất đau đớn. Vâng, rất nặng nề. Nhưng chúng ta sẽ chiến thắng, nhất định chiến thắng bởi lẽ sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa! Và căn cứ vào sức tác động tới hàng triệu người, giọng đọc ấy không thể so sánh được với bất cứ thứ gì.

Không phải ngẫu nhiên một vị nguyên soái nói rằng đối với mặt trận, Levitan sánh ngang một sư đoàn đến chi viện vào giây phút quyết định nhất của trận đánh.

“Đây là Đài phát thanh Moskva!” của ông được các chiến sĩ ngoài mặt trận lắng nghe. “Đây là Đài phát thanh Moskva!” được các du kích trong rừng lắng nghe. “Đây là Đài phát thanh Moskva!” được lắng nghe trong các quân y viện. “Đây là Đài phát thanh Moskva!” được lắng nghe trong thành phố Leningrad bị bao vây.

Đó bao giờ cũng là tiếng nói của “miền đất lớn” thông báo tất cả những bản tin tổng hợp của Cơ quan thông tin Liên Xô và những mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao, văn bản những bài diễn văn lịch sử của các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Đó là tiếng nói của Đài phát thanh được tất cả người Xô viết tiếp thu với niềm xúc động và hy vọng, nó thông báo, hướng dẫn, gắn kết tất cả mọi người trên khắp đất nước Xô viết rộng lớn.

Trong những ngày ấy, Levitan làm việc thâu đêm suốt sáng, ăn ngủ thất thường, nhưng do tình hình chiến sự xấu đi và do việc quân Đức tiến gần tới Moskva, tất cả các chòi phát thanh ở ngoại ô Moskva vốn được xem như những vật định hướng hữu hiệu cho các máy bay ném bom của Đức, đã được lệnh tháo dỡ và việc phát thanh từ thủ đô không thực hiện được. Do đó, trong tháng 8, ông cùng với nữ phát thanh viên Olga Vysoskaya đã bí mật di tản đến thành phố Sverdlovsk, và chỉ mãi nhiều năm sau chiến tranh, người ta mới biết điều đó. Phòng bá âm được bố trí trong một căn hầm, còn những tin tức quan trọng để phát đi thì được chuyển tới đó qua điện thoại hoặc trong phong bì mà không được đọc trước. Đôi khi, Levitan lúc đọc đã phải nhả chữ thong thả trong câu đầu và cố gắng liếc nhìn toàn bộ văn bản để tìm ra ngữ điệu cần thiết. Sau đó, tín hiệu từ đài Sverdlovsk được truyền qua đường dây cáp đến một máy phát có công suất mạnh nhất nước - máy tiếp âm “RV-96” đặt ven hồ Shartash mà không thể định vị được, bởi lẽ tín hiệu sau đó được tiếp âm bởi hàng chục đài phát thanh trên khắp cả nước. Như vậy là mỗi buổi sáng, trên khoảng không bao la của Tổ quốc lại vang lên giọng đọc của các phát thanh viên với những thang điệu và màu sắc khác nhau, “được người ta phỏng đoán” là chất giọng của Levitan và Vysoskaya.

Ngoài ra, tại Đài Sverdlovsk, Levitan cũng thường lồng tiếng cho các bộ phim thời sự - tài liệu vốn được phổ biến linh hoạt khắp cả nước.

Tháng 10 năm 1941, khi bọn phát xít Đức tiến sát đến Moskva, chàng thanh niên 27 tuổi Yuri Levitan được kết nạp vào Đảng Cộng sản.

Ngay cả Hitler cũng “đánh giá” theo kiểu riêng của hắn về tài nghệ cao siêu của Levitan. Hắn tuyên bố Levitan là kẻ thù số 1 của mình (còn Stalin được coi là kẻ thù số 2). Thậm chí thủ cấp của người phát thanh viên Xô viết xuất chúng được treo giải thưởng 200.000 đồng mác Đức quốc xã. Nhưng “giọng đọc chủ yếu của đất nước” được bảo vệ ở cấp độ quốc gia. Người ta đã tung tin, đánh lạc hướng về diện mạo của Levitan, và không ai biết con người từng làm cho Quốc trưởng phát xít phát điên lên, có hình dạng ra sao.

Mùa thu năm 1942, Levitan bất ngờ được gọi đến Moskva để gặp Stalin.

- Đồng chí Levitan này, vậy ra đồng chí trông như thế này đấy, còn tôi thì hình dung đồng chí hoàn toàn khác cơ, như một người khổng lồ ấy - vị lãnh tụ ngạc nhiên - Đồng chí có sức tác động phi thường đến mọi người. Trong các bản tin, đồng chí hãy cố gắng nhấn mạnh những yếu tố của niềm tin vào thắng lợi chắc chắn của chúng ta. Nếu thiếu niềm tin thì con người sẽ chết… Có thể, đồng chí có những đề nghị gì với tôi chăng? Chẳng hạn, liệu có nên đặt ra việc bảo vệ đồng chí hay không? - Tổng tư lệnh tối cao hỏi.

- Thưa, không cần việc bảo vệ đâu ạ, ít người biết mặt tôi lắm; từ chỗ ở đến nơi làm việc không xa, tôi thường cuốc bộ. Còn để khỏi bị mất giọng, tôi luôn luôn đi một đôi ủng rất ấm - người phát thanh viên nói.

Sáng hôm sau, người ta gọi điện đến căn hộ của Levitan, và ngoài cửa xuất hiện một quân nhân, anh ta đưa cho chủ nhà một chiếc ba lô, trong đó có hai đôi ủng nhà binh chắc chắn được may bằng da.

Tháng 3 năm 1943, Levitan được bí mật tạm di chuyển đến thành phố Kuibyshev, nơi đóng đô của Ủy ban phát thanh Liên Xô. Tình hình ngoài mặt trận đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Và giọng đọc của Levitan ngày càng làm nức lòng người bằng âm điệu của kẻ chiến thắng. Các chiến sĩ viết thư cho ông theo địa chỉ: “Moskva. Điện Kremli. Người nhận: Levitan”. Ông đã nhận được hàng trăm bức thư như vậy của họ từ mặt trận: “Thưa đồng chí phát thanh viên! Chúng tôi đã chiếm thêm được một thành phố nữa. Chúng tôi đang đi về phía Tây đến tận hang ổ của kẻ thù. Mong đồng chí hãy giữ giọng. Đồng chí sẽ còn nhiều công việc phải làm lắm đấy”.

Trong suốt những năm chiến tranh, Levitan đã phát đi gần 2.000 bản tin của Cục thông tin Liên Xô và hơn 120 thông báo khẩn cấp. Tuy nhiên, hồi đó những bản phát không được ghi lại mà phát trực tiếp lên sóng, do đó sau này, vào những năm 50, phát thanh viên được yêu cầu đọc lại một số bản tin chiến sự và bản thông báo vào băng ghi âm để lưu giữ cho lịch sử.

Mùa xuân năm 1945, Tổng tư lệnh tối cao được hỏi: “Thưa đồng chí Stalin, bao giờ thì chiến thắng?”. Stalin dõng dạc đáp: “Bao giờ Levitan tuyên bố thì khi đó chiến thắng”.

Và cuối cùng, “lời tuyên bố” đó đã được thực hiện. Yuri Levitan được giao nhiệm vụ thông báo về Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô! Sự kiện đó đã trở thành hồi ức quý báu nhất của ông.

Tối hôm đó, cả nước chào mừng các anh hùng.

Giọng đọc của Levitan đã trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống Xô viết. Ông đã gây được tác động mạnh mẽ về mặt tình cảm đối với thính giả trong suốt gần nửa thế kỷ. Ông đã đọc những lời tuyên bố quan trọng nhất của Chính phủ và những văn kiện chính trị, thực hiện những buổi tường thuật từ Quảng trường Đỏ, từ Cung đại hội Kremli, đã tham gia việc lồng tiếng cho những bộ phim…

Tháng 3 năm 1953, Levitan đọc những thông báo về tình hình sức khỏe của Stalin và việc lãnh tụ từ trần vào ngày 5 tháng 3.

Ngày 12-4-1961, chính ông đã thông báo về chuyến bay đầu tiên trên thế giới vào vũ trụ của một công dân Xô viết là Yuri Gagarin.

Do những công lao to lớn đối với Đài phát thanh Moskva, Levitan được tặng thưởng nhiều huy chương và ba huân chương “Lao động Cờ đỏ”, “Dấu hiệu vinh dự”, “Cách mạng tháng Mười”. Năm 1973, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, còn vào năm 1980, ông trở thành Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô đầu tiên trong số các phát thanh viên.

Ông qua đời vào đêm rạng ngày 4-8-1983 sau một cơn đau tim. Ông được mai táng ở nghĩa trang danh nhân Novodevichy, Moskva. Niềm vinh quang chói ngời và ký ức đẹp đẽ không phai mờ thuộc về giọng đọc độc nhất vô nhị của thời đại Xô viết.

(Theo các báo Nga Sovetskaya Rossiya, F&O, Litgazeta)

LÊ SƠN tổng hợp và giới thiệu