HV119 - “Những thay đổi về cách nhìn lịch sử”, đôi điều cần nói lại

Gần đây trào lưu muốn “viết lại lịch sử” đang rộ lên, nhất là sau cuộc họp ngày 22-2-2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, trong đó GS-NGND Phan Huy Lê đã trình bày những điểm mà ông gọi là “những thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử”; và gần đây, ngày 20-8-2017, PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nói về “những khoảng trống lịch sử”, về cái mà ông gọi là “thực thể chính quyền” là chế độ “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại và “Việt Nam Cộng hòa” của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu. Các ông cho rằng cần “những thay đổi về cách nhìn lịch sử”. Trong nhiều vấn đề các ông đề cập, trong bài này chúng tôi chỉ xin có đôi điều nói lại cho rõ về vấn đề các ông gọi là “thực thể chính trị Việt Nam Cộng hòa”:

Ông Phan Huy Lê đề ra một phát kiến mà ông coi là hoàn toàn mới: “Lịch sử miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa đã hoàn toàn không được đề cập đến trong mọi sử sách từ năm 1975 cho đến nay”.

Ông Trần Đức Cường thì cho rằng:

“Trên lãnh thổ Việt Nam từng tồn tại những thực thể chính quyền. Thời chống Pháp (1945-1954) ngoài chính thể là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì ở các đô thị lớn thuộc vùng tạm chiếm, Pháp đã thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Sau Hiệp định Genève, ở miền Nam cũng có chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Dĩ nhiên, thực thể này không chính danh, không hợp pháp.

Ngoài nói thẳng tính chất phụ thuộc về mặt chính trị của chính quyền ấy, bộ sử cũng không né tránh khi viết về những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội ở những vùng chiếm đóng. Thậm chí, thừa nhận nền kinh tế hàng hóa miền Nam khi ấy phát triển hơn ở miền Bắc kế hoạch hóa tập trung; hay chính quyền ấy cũng có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khi Trung Quốc ra tay đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974...” (vnexpress.com, 20-8-2017).

Một số người phụ họa như Đinh Khắc Thiện, trong một bài đăng trên tờ Văn nghệ (Hội Nhà văn VN) số 454, nhấn mạnh: (“Lịch sử… đã không đề cập đến) “chính thể ấy [Việt Nam Cộng hòa] đã từng tồn tại nhiều thập kỷ, có những tác động lớn đến chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam trong một thời gian dài. Chính thể này đã được đa số quốc tế thừa nhận… cũng như đã từng tham gia nhiều tổ chức văn hóa, giáo dục, thể thao khác của khu vực và của thế giới” (tài liệu đã dẫn, trang 7)…

Các ông gọi đó là “lấp những khoảng trống lịch sử” (?)

Từ những phát biểu này, các cơ quan truyền thông phương Tây chống Việt Nam đã rộ lên hưởng ứng: cơ quan rfa.org ca ngợi: “…Gọi chính thể này đúng tên cũng là việc sửa sai… Lịch sử phải ghi lại những sự kiện một cách khách quan trung thực như nó đã xảy ra. Đó là thiên chức của người viết sử…” (?) Cơ quan bbc.com.vn đưa tít lớn: “Cáo buộc VNCH làm tay sai Mỹ ‘là thiếu khách quan’” (http://www.bbc. com/vietnamese/vietnam-41068345).

Chúng ta nghĩ thế nào về quan điểm này của các ông Phan Huy Lê, Trần Đức Cường…?

Nghiên cứu lịch sử là một khoa học, không phải là bộ sách viết theo tình cảm yêu ghét. Và tinh thần khoa học chính là thông qua hiện tượng để tìm ra mối quan hệ bản chất đích thực của các sự kiện lịch sử. Sự thật lịch sử đích thực không thể là bản liệt kê những hiện tượng muôn màu muôn vẻ nhưng không phải tất cả đều phản ánh bản chất sự vật - thậm chí xuyên tạc bản chất sự vật - mà trách nhiệm của người viết sử chân chính là phải phân tích và chỉ ra mối quan hệ bản chất của các sự kiện đó. Chế độ Việt Nam Cộng hòa không phải là một hiện tượng tách rời cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ tiến hành tại vùng đất này, vì bởi “Lịch sử là một dòng chảy liên tục”.

Trước đây 4 năm, trong cuộc hội thảo khoa học về Chiến tranh Việt Nam do tổ chức Woodrow Wilson Center (Mỹ) tiến hành ở Washington, D.C tháng 9-2013, trả lời luận điểm của giáo sư Pierre Asselin - Đại học Hawaii Pacific (Mỹ) - cho rằng chiến tranh Việt Nam là sản phẩm của “chiến tranh lạnh thế giới”, một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ và Nga Xô viết, không phải là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc…, chúng tôi đã có bài phản bác tại cuộc hội thảo (Bản tiếng Anh đăng trong Kỷ yếu của Woodrow Wilson Center, và bản tiếng Việt được đăng trong Một thời làm báo, tập XI, tháng 3-2014, CLB Truyền thống kháng chiến, khối Nhà báo cao tuổi). Nội dung bài phản bác xin tóm tắt như sau:

1) Một là, Lịch sử là một dòng chảy liên tục các sự kiện, do đó không thể cắt rời giai đoạn lịch sử 1954-1975 ra khỏi dòng lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ năm 1858- 1859, năm pháo thuyền Pháp bắt đầu đánh chiếm Đà Nẵng - Gia Định, cũng không thể tách rời khỏi giai đoạn kháng chiến chống Pháp lần thứ hai, 1945-1954. Chúng tôi có hỏi GS Asselin và một số vị trong hội thảo:

- Tại sao lịch sử Pháp và Mỹ đều không nhắc tới tuyên bố của Truman, Tổng thống Mỹ, ngày 24-8-1945, tức chỉ một tháng trước khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn: “Trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy” (trích Hồi ức chiến tranh của Charles de Gaulle, tập III, trang 249-250; lúc ấy Charles de Gaulle là Chủ tịch của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, sau chiến tranh thế giới II).

- Tại sao các vị cũng không ai nhắc tới lời khuyên của tướng Mỹ Douglas MacArthur - vị tướng Mỹ lừng danh từng chỉ huy mặt trận Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới II - ngày 2-9-1945 khuyên tướng Leclerc, lúc đó là Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương: “Hãy mang quân sang Đông Dương, mang nhiều quân hơn nữa, nhiều chừng nào mà anh có thể” (trích dẫn theo Philippe Devillers, trong Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, trang 150).

Và chúng tôi không nhận được câu trả lời.

Có lẽ các vị không thể trả lời, nếu không phải là lời thú nhận: Chính Mỹ đã bật đèn xanh cho Pháp tái chiếm thuộc địa sau chiến tranh thế giới II, rồi sau đó cố thực hiện mưu đồ hất chân Pháp, độc chiếm Đông Dương…

Trong thực tế, chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã thú nhận trong hồi ký của ông: “Trong thập niên sau đó, chúng ta [Mỹ] đã tài trợ cho hành động quân sự của Pháp chống lại lực lượng của Hồ Chí Minh” (R. McNamara, Nhìn lại quá khứ, tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, trang 31). Tiến sĩ Daniel Ellsberg, người đã công bố bộ tài liệu chấn động thế giới Hồ sơ Lầu Năm Góc, đã có lý khi nhận định: “Không có hai cuộc chiến tranh lần thứ nhất và lần thứ hai, mà chỉ có một cuộc chiến tranh liên tục trong gần ¼ thế kỷ. Đó là một cuộc chiến tranh của Mỹ hầu như ngay từ đầu: trước tiên là cuộc chiến tranh của Pháp - Mỹ, sau đó là cuộc chiến tranh của Mỹ hoàn toàn” (D. Ellsberg, Screts: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, trang 255).

2) Hai là, bất cứ hiện tượng nào diễn ra trong cuộc chiến tranh đều tùy thuộc vào bản chất của cuộc chiến tranh ấy.

- Về phía Pháp, cuộc chiến tranh 1945-1954 ở Việt Nam là cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa, một thuộc địa mà Pháp đã cưỡng chiếm của nhân dân Việt Nam cách đấy 86 năm. Về phía Mỹ, cuộc chiến tranh 1954-1975 là sự nối tiếp cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, thay thế Pháp thực hiện chủ nghĩa Thực dân mới khi Pháp thất bại. Trên mảnh đất thuộc địa, kẻ xâm lược buộc phải tạo ra bộ máy tay sai, tạo ảo tưởng về độc lập chính trị để đánh lạc hướng đấu tranh đòi quyền tự quyết của các lực lượng yêu nước. Ông Cao Văn Viên, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, đã thú nhận trong Hồi ký về nội dung ông trả lời phái đoàn nghị sĩ và dân biểu đến gặp ông: “Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi!” (trích Sự kiện và nhân chứng, báo Quân đội Nhân dân ngày 14-4-2008). Ông Cao Văn Viên coi lời thú nhận trên chỉ là “lời tâm sự với lòng thành”, nhưng đó là lời thú nhận đầy đủ về bản chất của quân đội Sài Gòn. Đó cũng là bản chất của các “chính phủ Quốc gia” của Bảo Đại, hoặc “chính phủ Việt Nam Cộng hòa” của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu.

Chính John F. Kennedy (sau này là tổng thống Mỹ), khi còn là thượng nghị sĩ, đã nói trắng trợn trong diễn văn đọc tại cuộc họp do “Hội những người Mỹ bạn của Việt Nam”, tổ chức ngày 1-6- 1956 tại khách sạn Willard tại Washington, D.C: “Nếu chúng ta không phải là bố mẹ của nước Việt Nam nhỏ bé thì chắc chắn chúng ta là bố mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta chủ trì khi nó ra đời, chúng ta viện trợ cho nó sống, chúng ta giúp để định hướng cho tương lai của nó. Vì ảnh hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự của Pháp ở Việt Nam đã giảm, ảnh hưởng của Mỹ gia tăng một cách đều đặn và vững chắc. Đó là con cháu của chúng ta - chúng ta không thể bỏ rơi chúng, chúng ta không thể không biết cc nhu cầu của chúng” (Nguồn: http:--www.jfklibrary.org).

Còn Lyndon B. Johnson, năm 1961 lúc là Phó tổng thống Mỹ, nói về Diệm sau khi qua Sài Gòn gặp Diệm, được nhà báo David Halberstam trích dẫn trong sách của ông ta, The Best and the Brightest (xuất bản ở New York năm 1972): “Thằng cứt, nó là thằng bé duy nhất mà chúng ta có ở đấy [ở Nam Việt Nam]” (Shit man, he’s the only boy we got out there” (“shit man” là tiếng chửi thề, tỏ ý khinh thường).

Hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ: Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ họp trong hai ngày 8 và 12 tháng 8-1954 đã ấn định chính sách “3 bước”, loại Pháp khỏi Nam Việt Nam (Văn kiện NSC 5429- 2 ngày 20-8-1954), và Ngô Đình Diệm đã thực hiện đúng các bước trên trong hai năm 1955- 1956 (The Pentagon Papers, NXB Bantam Books, New York, 1971, trang 1 - Trích lại trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tập II, trang 44).

Như vậy, cái mà ông Phan Huy Lê gọi là “một thực thể chính trị”, trong dòng chảy hơn một thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc của lịch sử Việt Nam, mỗi “thể chế” được địch nặn ra trong thời gian đó, bản chất là công cụ tay sai, lệ thuộc ngoại bang về tất cả mọi mặt.

Trong khi viết lịch sử giai đoạn kháng chiến 30 năm (1945-1975) những nhà sử học chân chính của Việt Nam đã không quên phản ánh tình hình chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa… của vùng đô thị do địch tạm chiếm; sự thật lịch sử được phản ánh đã vạch rõ bản chất của chủ nghĩa “Thực dân mới” Mỹ, bản chất tay sai của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa. Thời gian nhiều năm cầm quyền của bộ máy đó cũng không thể gột rửa thực chất bán nước, tay sai cho chủ nghĩa thực dân của nó. Đương nhiên thực trạng kinh tế - xã hội của vùng đất bị quân địch tạm thời quản lý được phản ánh, dù có thể chưa đầy đủ, nhưng trung thực về mặt bản chất. Trên bước đường đấu tranh để tồn tại và phát triển, dù bị hạn chế, hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa của nhân dân trong cuộc sống ở vùng địch tạm chiếm vẫn luôn hiện diện, nhiều khi tiến bộ bột phát bất chấp sự cản trở của địch, trở thành mũi tiến công chính trị sắc bén của vùng chiến lược đô thị mà nhiều bộ sử đã thể hiện. Và hiện nay, những nhà viết sử vẫn tiếp tục làm điều đó, với những dữ liệu mới được “giải mã”, tuy chưa thật đầy đủ.

Như vậy không hề có cái gọi là “khoảng trống lịch sử”, “lấp khoảng trống lịch sử để hòa giải với quá khứ”. Nói thẳng ra là, đối với dòng chảy lịch sử Việt Nam từ hơn một thế kỷ nay, những toan tính phi khoa học và bằng cách viết khác về lịch sử cũng không thể nào rửa mặt cho cái thể chế bán nước buôn dân do địch nặn ra để lừa bịp dư luận.

***

Mặt khác, đối với luận điệu cho rằng năm 1949, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Vincent Auriol đã ký Hiệp ước Élysée với Bảo Đại, đại diện cho “Quốc gia Việt Nam”, trao trả độc lập cho nước Việt Nam; và Ngô Đình Diệm khi truất phế Bảo Đại, dựng lên “Việt Nam Cộng hòa”… là chính phủ được nhiều nước trên thế giới công nhận, đó là một thực thể chính trị hợp pháp, đã quản lý miền Nam một thời gian dài thì không thể bỏ qua khi viết lịch sử Việt Nam.

Thực tế thế nào?

Trước khi Hiệp ước Élysée ra đời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (lúc đó đang tiến hành kháng chiến) đã công báo với toàn thế giới về tính chất phi pháp của cái Hiệp ước và cái Chính phủ Quốc gia Bảo Đại do Pháp dựng lên đó. Vì bởi sau tháng 8-1945 và cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, chỉ có một chính phủ hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các cái gọi là chính quyền Quốc gia của Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa (của Ngô Đình Diệm) do Pháp rồi Mỹ dựng lên sau đó, như trên đã trình bày, thực chất đều là tay sai của Pháp và Mỹ.

Cũng cần nói thêm: Đúng vào năm Tổng thống Vincent Auriol ký Hiệp ước Élysée (1949), đội quân viễn chinh Pháp trên đất nước Việt Nam là gần 210.000 quân, gồm 114.000 Âu Phi + 96.000 số “thân binh” (Partisan, lính người bản xứ do địch bắt vào lính, sau được Pháp gọi là “đội quân quốc gia”); đến năm 1954 số quân Liên hiệp Pháp tăng lên 444.900 quân (124.000 Âu Phi + 320.000 lính bản xứ). Số quân Mỹ và “Đồng minh” Mỹ có mặt ở Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa, năm cao nhất 1969 là 543.400 quân, chưa kể số quân ngụy (gần 1 triệu), và quân của Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương. (Nguồn: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 486 và 503).

Một nước bị quân đội nước ngoài “không mời mà đến” đông như vậy thì quyền tự chủ ở chỗ nào? Sự thật lịch sử đó là điều không thể chối cãi.

Ông Phan Huy Lê cố tình cho rằng sự công nhận quốc tế là bằng chứng tồn tại của “thực thể chính trị” Việt Nam Cộng hòa (thực ra cũng chỉ có số nước theo Mỹ công nhận chế độ Sài Gòn). Là nhà sử học chắc ông Phan Huy Lê thừa hiểu rằng đó chỉ là thứ pháp lý hình thức, che đậy bản chất tay sai cho chủ nghĩa thực dân cũ và mới, và hiện nay chúng vẫn cố dùng chiêu bài đó để lập lại luận điệu “miền Bắc xâm lược miền Nam”, một thủ đoạn vô cùng quỷ quyệt chia rẽ dân tộc của những kẻ chống phá chế độ. Công nhận “thực thể chính trị Việt Nam Cộng hòa” phải chăng là tiền đề cho việc hợp thức hóa luận điệu “miền Bắc xâm lược miền Nam”?

Cho nên, nếu hôm nay nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thống nhất được quốc tế công nhận, thì đó là kết quả của quá trình chiến đấu dài hơn một thế kỷ (1858-1975), với nhiều hy sinh xương máu, một mất một còn giữa nhân dân ta với thế lực thù địch. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam cũng gắn liền với sức mạnh thời đại mà đặc trưng là sựvươn lên của các nước Á - Phi - Mỹ La tinh giành lại độc lập dân tộc, của cả phong trào nhân dân thế giới tiến bộ.

Và những người viết sửViệt Nam chân chính không có nguyên tắc nào cao hơn nguyên tắc: “Thể hiện sự thật lịch sử đúng mối quan hệ bản chất vốn có của các sự kiện lịch sử”, không chạy theo thủ đoạn pháp lý hình thức của chủ nghĩa đế quốc xâm lược, dùng pháp lý quốc tế nặng tính hình thức do chủ nghĩa đế quốc khống chế một thời để lừa bịp công luận, đổi trắng thay đen!

Đương nhiên trong nghiên cứu, người viết sử không thể tránh khỏi những hạn chế ngoài ý muốn vì thời gian lịch sử đã lùi xa, có những sự kiện không thể có tất cả các dữ liệu cần và đủ, nhưng quan điểm phải thật rõ ràng trong cách nhìn lịch sử. Điều đáng nói hôm nay là những lệch lạc trong quan điểm của một số người, đang có tham vọng chi phối dư luận, xuyên tạc sự thật lịch sử chân chính, mà ý đồ nấp đàng sau thật nguy hiểm khôn lường.

_____

* Nguyên Tổng thư ký công trình Lịch sử Nam Bkháng chiến. (HV)

 

NGUYỄN TRỌNG XUẤT*