Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả Nguyễn Hoài Vũ trong bài viết Nguyên nhân nào khiến đạo đức học sinh xuống cấp? (Hồn Việt số 114, tháng 5-2017). Trong bài báo này, tác giả cho rằng nguyên nhân khiến đạo đức học sinh xuống cấp là do rất nhiều “người lớn” từ trong gia đình đến ngoài xã hội không chịu trau dồi đạo đức, giữ gìn nhân phẩm của mình để làm gương cho con cháu. Từ gian lận, ăn cắp, nói tục, chửi thề, xả rác… đều do người lớn mà ra!
Theo tôi, nguyên nhân khiến đạo đức học sinh xuống cấp là do hiện nay cả nhà trường, gia đình và xã hội đều xem thành tích học tập, thi cử, đỗ đạt, bằng cấp, kiếm được nhiều tiền… quan trọng hơn vấn đề giữ gìn và trau dồi đạo đức. Khi chúng ta quá thiên về cái này, hoặc quá coi trọng cái này thì tất nhiên cái kia sẽ bị coi thường hoặc bị lãng quên.
Trong đa số các gia đình hiện nay, khi đứa trẻ đi học về, thay vì bố mẹ hỏi hôm nay con chơi có vui không, có ngoan không, có giúp đỡ bạn bè không… thì bố mẹ lại hỏi hôm nay trả bài kiểm tra con được mấy điểm, lớp của con đứa nào điểm cao nhất, sao con không cố để được điểm cao hơn nó... Một khi chính những người làm cha làm mẹ quá coi trọng thành tích học tập của con cái, vì sự sĩ diện và hám danh của bản thân, mà quên đi việc rèn giũa đạo đức, dạy dỗ về ý thức làm người lương thiện cho con em của mình thì tất nhiên những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình như vậy sẽ bất chấp tất cả để có được điều mà bố mẹ nó đòi hỏi. Nó sẵn sàng quay cóp, gian lận khi thi cử để đạt điểm cao, sẵn sàng mua bằng để có được bằng cấp, sẵn sàng hối lộ để “mua” một chỗ làm, sẵn sàng ăn trộm, ăn cắp… mà không cảm thấy xấu hổ vì từ nhỏ tới lớn nó không được người lớn trong gia đình dạy dỗ về lòng tự trọng, về danh dự của bản thân, về những điều đáng hổ thẹn… của một con người. Rất nhiều em học sinh tâm sự rằng bố mẹ cứ mải miết làm ăn, lo kiếm tiền, rất ít khi trò chuyện với con cái, nếu có nói chuyện thì cái câu được lặp lại nhiều nhất vẫn là “Lo học đi, kỳ này bài kiểm tra mà điểm kém thì nghỉ học luôn đi, tốn bao nhiêu tiền cho mày học thêm đủ các môn mà điểm số chả nhích lên được tí nào…”. Các bậc phụ huynh khi gặp nhau, thay vì hỏi thăm con cái của nhau có ngoan không, có hiếu thảo, lễ phép không, có biết giúp đỡ bố mẹ không… thì lại toàn hỏi xem “cháu nó” đạt danh hiệu học sinh gì, điểm tổng kết cuối năm được mấy phẩy, có đứng nhất lớp, nhất trường không, thi đại học đạt bao nhiêu điểm, có mấy bằng đại học, đã học tới thạc sĩ, tiến sĩ chưa, đi làm lương có cao không, đã lên chức chưa… Qua cách “khoe con” của phụ huynh cũng đủ hiểu tại sao đạo đức học sinh ngày càng đi xuống.
Cách giáo dục của gia đình đã sai lầm rồi nhưng cách giáo dục của nhà trường hiện nay cũng sai lầm nốt. Hầu như trường nào cũng trưng cái câu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng trưng lên cho vui vậy thôi chứ có làm theo đâu. Ngoài miệng thì cứ nói “dạy chữ phải đi đôi với dạy người”, “luyện tài phải đi đôi với rèn đức”… nhưng nói một đằng làm một nẻo. Không ở đâu mà bệnh thành tích lại nặng như trong nhà trường hiện nay. Ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, rất nhiều học sinh có học lực rất yếu, đạo đức quá kém nhưng cuối cùng các em vẫn cứ được đẩy lên lớp đều đều, mỗi năm một lớp, đa số học sinh đều đạt danh hiệu học sinh khá, học sinh giỏi. Nhiều giáo viên tâm sự rằng bản thân họ cũng muốn đánh giá kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh đúng thực chất nhưng họ đã bị hiệu trưởng nhà trường khiển trách, ép họ phải “bơm điểm” và xếp loại hạnh kiểm tốt cho học sinh nhằm đạt chỉ tiêu đã đề ra đầu năm học. Trong lớp, khi trả bài kiểm tra, nhiều giáo viên cứ khen ngợi những bài đạt điểm cao (dù có khi bài đạt điểm cao là do học sinh quay cóp hoặc chép bài của bạn khác), còn những học sinh bị điểm kém (dù trung thực, thật thà) thì bị la mắng, chê bai, phê bình đủ điều. Đến cuối mỗi học kỳ, nhà trường lại mời những em học sinh đạt danh hiệu học sinh khá, học sinh giỏi lên lãnh phần thưởng (mặc dù trong số những em lên lãnh phần thưởng đó vẫn có nhiều em thường xuyên nói tục, chửi thề, gian lận trong kiểm tra, thi cử, vô lễ với cha mẹ, thầy cô… nhưng vì thành tích nên giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng vẫn nhắm mắt cho qua, cho các em đạt hạnh kiểm tốt để các em khỏi bị mất danh hiệu), nhưng chẳng bao giờ thấy nhà trường tuyên dương và phát thưởng cho những em học sinh thật thà, trung thực, biết giúp đỡ bạn bè, biết giữ gìn vệ sinh trường lớp sạch sẽ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, lễ phép với người lớn… Ở trường trung học phổ thông thì học sinh lớp 12 được giáo viên bộ môn “bơm điểm” để tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm sau phải cao hơn năm trước, còn giáo viên chủ nhiệm lớp 12 thì xếp loại hạnh kiểm cho tất cả học sinh đều tốt hết để học bạ của các em được “sạch sẽ”! Nếu những giáo viên dạy lớp 12 mà không “phù phép” cho học sinh về điểm số và hạnh kiểm thì lại bị hiệu trưởng phê bình. Giáo viên khi nói chuyện với nhau về vấn đề trường lớp cũng chỉ hỏi nhau xem lớp nọ, lớp kia có bao nhiêu học sinh giỏi, học sinh khá, bao nhiêu học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học chứ chẳng bao giờ quan tâm đến việc có bao nhiêu học sinh thực sự “nên người”. Dường như tất cả giáo viên đều bị ám ảnh bởi hai chữ “thành tích” nên bao nhiêu tâm trí và sức lực của họ cũng chỉ dồn vào việc dạy làm sao để cho học sinh thi đỗ và đạt điểm cao, mà quên mất một điều cốt yếu là lẽ ra phải dạy sao cho học sinh nên người thì mới đúng. Chừng nào mà nhà trường, thầy cô, phụ huynh và xã hội còn đề cao điểm số, thành tích, danh hiệu, bằng cấp… hơn cả đạo đức thì chừng đó đạo đức học sinh nói riêng và đạo đức người dân nói chung còn đi xuống mãi.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, giáo viên và học sinh lớp 12 chọn môn thi khối xã hội cũng “hết lòng, hết sức” với môn Giáo dục công dân (cũng ôn, cũng luyện không thua gì các môn Toán, Lý, Hóa, Văn…). Nhìn bề ngoài thì môn Giáo dục công dân lâu nay bị “xem nhẹ” nay cũng được “coi trọng” rồi đấy, nhưng “coi trọng” ở đây là “coi trọng một môn thi tốt nghiệp”, phải cố học để làm bài thi đạt điểm cao chứ chưa phải là “coi trọng đạo đức”. Rất nhiều em học sinh có điểm số của môn Giáo dục công dân rất cao nhưng hành vi đạo đức của em đó lại rất kém (thường xuyên nói tục, chửi thề, đánh nhau, vô lễ…). Chuyện vận dụng kiến thức sách vở của môn học đó vào cuộc sống còn là cả một vấn đề! Vì vậy, nguyên nhân đạo đức học sinh xuống cấp không chỉ nằm ở chỗ “việc dạy môn Giáo dục công dân còn bị coi nhẹ” mà là do “người lớn” trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội không biết cách dạy dỗ và “làm gương” nên các em không phân biệt được “phải - trái”, “đúng - sai”, “thật - giả”…, từ đó dẫn đến việc các em có những hành vi không đúng với chuẩn mực đạo đức.