HV119 - Sài Gòn tháng 9-1945 (Trích)

Tình hình nghiêm trọng

Tình hình nghiêm trọng lắm rồi.

Quân đội Pháp đã có mặt trong lãnh thổ Việt Nam, nhiều nhứt là ở Sài Gòn. Bao nhiêu chuyện xảy ra trong những ngày trước đây đã tạo một tình thế vô cùng khó khăn mà ở trong hiện tình, người ta có cảm tưởng Ủy ban Nhơn dân đương cố sức để tìm một lối ra. Muốn giải quyết, nhưng phải dùng phương pháp nào? Tự nhiên phải có một thái độ mới…

Vả lại, mỗi ngày tin của A.P.I. (Agence Presse Indochine)(1) sau này đổi lại là V.N.T.T. (tức Việt Nam thông tín xã), cho hay nhiều tin quan trọng như vầy:

- “Hà Nội 12-9 – Hồi 7 giờ tối ngày 10 tháng chín, bộ đội Giải phóng quân Ký Con đã bắt được sáu thuyền quân thổ phỉ cùng nhiều quân nhu khígiới ở Hòn Gay”.

- “Hồi 12 giờ ngày 8-9, một chiếc tàu Pháp bị quân ta bắt giữ. Trên tàu có 6 người lính và hai võ quan Pháp”.

- “Hà Nội 12-9 – Giải phóng quân Việt Nam đã chận đánh một đám tàn quân Pháp tiến vào biên giới miền Hương Sơn ở Hà Tĩnh (Trung Bộ)”.

Ở khắp nơi tình hình như thế. Còn ở Sài Gòn, quân lính Anh - Ấn đi chật cả nẻo đường. Những cuộc xung đột nhỏ giữa người Pháp và người Việt xảy ra mỗi ngày. Từ sáng đến chiều, trước dinh Đốc lý tức là dinh Hành chánh tạm thời(2) của Ủy ban Nhơn dân, công chúng tựu hợp càng đông dường như họ chờ một mạng lịnh…

Thật ra, dân chúng đã có một cảm tưởng không được tốt lắm đối với quân đội Anh hiện có mặt tại Sài Gòn. Vì từ khi họ đến đây, Sài Gòn phải ép mình vào một tình thế khó liệu. Có lẽ hiểu biết như vậy, và cũng muốn trấn tịnh nhơn tâm nên ngày 16 tháng chín, một phi cơ của Anh bay trên thành phố Sài Gòn và trên các vùng phụ cận, rải truyền đơn, nguyên văn như sau:

“Cùng dân chúng Sài thành

Những đạo binh của Anh - Ấn đã tới đóng ở Sài thành. Nhưng quân đội ấy đến Sài thành có một lý do duy nhứt là kiểm sát các lực lượng của Nhựt Bổn ở Đông Dương, trông nom cho quân đội Phù Tang phải yên ổn mà tước khí giới rồi rút lui và sau nữa để đưa về xứ sở các tù binh và kiều dân của các nước Đồng minh bị giam trong thời kỳ chiến tranh.

Sau đó, quân đội Anh quốc sẽ rời Sài thành.

Người Anh không có ý định gì xen vào thời cuộc Đông Dương hết. Vì các lẽ trên kia, ta mong rằng dân chúng Sài thành nên giúp cho quân đội của ta có thể làm tròn phận sự một cách dễ dàng và nhanh chóng. Vì ở vùng Sài thành có nhiều quân đội Nhựt Bổn đóng, vậy điều cần thiết như là trong khi tước khí giới của quân đội Nhựt, trong dân chúng và lính Nhựt phải thi hành trật tự và quân lịnh triệt để. Lực lượng Anh quốc còn ở Sài Gòn ngày nào còn phải trông nom cho các sắc lịnh ấy được thi hành đến triệt để. Những sắc lịnh của quan Tổng tư lịnh các đạo quân Anh quốc đã truyền ra thì phải tuân theo. Gia đình của các người không sợ nguy hiểm. Sài thành được yên ổn và có trật tự cũng do ở điều đó.

Quan tổng tư lịnh

các đạo quân Anh - n”

Truyền đơn nầy có làm dịu lòng dân chúng không? Thật khó trả lời.

Ủy ban Nhơn dân càng thúc hối kêu gọi đàn bà, trẻ em, người già cả phải mau rời khỏi Sài Gòn. Mỗi ngày, các báo đều đăng đi đăng lại lịnh tản cư. Đồng thời, Ủy ban Nhơn dân Nam Bộ ấn hành quyết nghị về thái độ mới đối với người Pháp.

1 - “Hễ khi nào chánh phủ Việt Nam cấm làm với Pháp, tức thì thầy thợ cũng như phu phen cùng nhau ra khỏi nhà Pháp ngay”.

2 - “Khi nào có lịnh cấm dẫn đường chỉ lối cho Pháp, đi lính cho Pháp thì mỗi người công dân Việt Nam đều có quyền bắt kẻ nào đã đi bên người Pháp, vác súng của Pháp rồi dẫn thủ phạm đến cơ quan kế cận đấy”.

3 - “Khi ra lịnh cấm bán thức ăn và đồ dùng cho Pháp thì ngay đó, các cửa hiệu, các cửa hàng, các buổi chợ đều bỏ, đều đóng cửa”.

“Hỡi các đoàn thể ái quốc!

Trước khi chúng ta đưa đồng bào ra dùng võ lực chống lại lựu đạn của Pháp, chúng ta quyết lập cho được mặt trận tinh thần và mặt trận kinh tế đặng cho quân địch phải kinh hoàng và cho họ thấy rõ sự đồng tâm và đoàn kết của nhơn dân Việt Nam.

Trước hết, chúng ta phải dùng phương pháp trên đây, nhưng rất nguy hiểm đối với Pháp, là cốt để phái bộ Đồng minh thấy rõ thái độ cương quyết nhưng trấn tĩnh của ta, để Đồng minh nhận rằng chúng ta rất thiết tha với nền độc lập và đã kiên nhẫn dùng đủ phương pháp để bảo vệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Điều nên biết là luôn mấy hôm nay, Đại tướng Gracey có tiếp xúc nhiều lần với Ủy ban Nhơn dân. Nhưng cuộc bàn bạc không gì khác hơn là vấn đề trật tự và giúp cho Đồng minh trong công cuộc tước khígiới quân chiến bại Nhựt.

Việc đã đến

Ngày 23 Septembre đã đến. Từ sáng sớm, quân đội Pháp và Ấn kéo đến chiếm các sở Cảnh sát trong châu thành. Sở mật thám Catinat(3) cũng đồng số phận. Các sở khác như Kho Bạc, Nhà Đèn cũng bị chiếm luôn.

Người ta hỏi: Súng đã nổ chưa?

Thật ra quân Pháp - Ấn chưa gặp một sự kháng cự nào dữ dội trong ngày hôm nay, trừ cuộc xung đột trước tổng hành dinh của Thiếu tướng Trương Văn Giàu ở đường Colombert(4). Điều nên biết là hôm nay, các bộ đội chánh thức của dân quân đóng trong thành phố đã được thượng lịnh rút ra đóng ở các vùng ngoại ô, chỉ trừ một số Cộng hòa vệ binh ở lại Sài Gòn và chia nhau canh gác dinh Đốc lý, tức là dinh Ủy ban Nhơn dân.

Hôm nay, 23 tháng chín, ngày quyết định. Về mặt ngoại giao giữa Ủy ban Nhơn dân và phái bộ Anh dường như đứt đoạn rồi. Việc chiếm dinh Hành chánh chỉ là vấn đềngày giờ. Trước dinh, một lần nữa, người ta thấy dân chúng mỗi lúc mỗi đông. Họ tụ họp để làm gì? Chờ mạng lịnh chăng?

Một giờ sau, tình hình thêm thay đổi. Sẵn sàng theo mạng lịnh của Chánh phủ, nhưng không thể chờ đợi mãi và nhịn nhục mãi trong tình trạng báo trước cảnh nguy vong. Có phải vài cuộc xung đột ở các nơi trong thành phố là sự bộc lộ lòng phẫn uất của dân chúng?

Đến 23 rạng ngày 24 tháng chín, thình lình súng nổ đều trong châu thành. Dinh Hành chánh đã lọt vào tay quân đội Pháp sau cuộc chống cự của Cộng hòa vệ binh canh gác tại đây. Tiếp theo đó, một trận đánh đầu tiên xảy ra tại đầu cầu MacMahon(5). Quân Pháp - Ấn chia nhau canh gác các đầu cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu MacMahon, cầu Khánh Hội v.v…

Nhơn viên của Ủy ban Nhơn dân đã rời khỏi Sài Gòn trong đêm, chỉ trừ Ủy trưởng Lao động Hoàng Đôn Văn bị bắt sáng ngày sau, 24-9.

Thế là Sài Gòn đã thất thủ. Nhưng về hành binh, người ta có thể nói rằng quân đội Pháp vì chưa đủ lực lượng nên chưa dám mở rộng phạm vi kiểm sát. Vả lại, người Pháp chưa biết ngoài Sài Gòn có những gì? Sự thật, ở đó, ngoài dân quân chánh thức ở trong hàng ngũ, mỗi tên dân là một người lính.

Kháng chiến.

Hai tiếng nầy đã phổ thông trong dân chúng. Tinh thần kháng chiến đã nêu cao trong nước. Ngoài trận đánh ở cầu MacMahon, người ta nên kể thêm công của các bộ đội ở Khánh Hội trong đêm 23. Chính đêm ấy, sau khi bót cảnh sát Thương khẩu bị chiếm, họ liền phản công dữ dội, dầu bị đánh lui, nhưng trận nầy là một khởi điểm cho công cuộc kháng chiến ở miền Đông Nam Sài Gòn.

Sáng 24, tiếng súng nổ đều tứ phía. Lửa cháy đỏ trời. Dân chúng còn lại trong Sài thành hấp tấp tản cư.

Về mặt chiến lược, lúc bấy giờ, Sài Gòn đương nằm trong vòng vây của dân quân. Vòng vây nầy kết thành bằng tinh thần đoàn kết với tấm lòng phụng sự Tổ quốc.

Nó xây đắp bằng máu và xương.

 

_____

(1) Hãng thông tấn Đông Dương. (BT)

(2) Sau khi phái bộ Anh chiếm Dinh Thống đốc cũ, Ủy ban Nhân dân Nam Bộ dời dinh Hành chính sang dinh Đốc lýcũ. (BT)

(3) Nay là trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao trên đường Đồng Khởi, quận 1. (BT)

(4) Nay là đường Alexandre de Rhodes. (BT)

(5) Nay là cầu Công Lý. (BT)

 

TRẦN TẤN QUỐC