HV120 - 2 năm cận kề cái chết để hoàn thành Đề cương cách mạng miền Nam

Anh tên Hoành, tức Năm Hoành mà theo anh kể thì những năm trốn tránh quân địch ở rừng U Minh, thì anh là Năm Đen. Bởi anh có nước da màu đồng.

Với dáng người tầm thước và còn sức dẻo dai ở tuổi trên 80, anh vẫn điều khiển chiếc xuồng một cách tháo vát trên các con kinh xứ U Minh để kể lại cho chúng tôi những gì anh cho là không thể nào quên về “anh Ba Lê Duẩn” trong những năm ở lại trên đất U Minh này.

Anh vào đề một cách tự hào: “Tính ra, tôi ở bên cạnh anh Ba Lê Duẩn khá lâu, từ đầu năm 1947 khi anh Ba từ Hà Nội trở lại Nam Bộ đến năm 1956. Tôi ở gần anh Ba đúng theo nghĩa đen, là chèo xuồng cho anh đi công tác khắp Khu 8 đến Khu 9 này. Cuộc kháng chiến của tôi như thế cho đến khi quân Pháp ký Hiệp định Genève với ta sau khi ta chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

“Khi lịnh ngừng bắn đến Nam Bộ, thì lúc ấy anh Ba được Trung ương điều trở ra Bắc. Ngỡ như vậy là không còn gặp lại anh nữa, nhưng không ngờ anh thừa lịnh chính phủ, có nhiệm vụ đi kiểm tra tình hình thi hành Hiệp định Genève của phía Nam, từ Khu 5 đến Nam Bộ, và anh về lại Cà Mau ở khu tập kết 200 ngày.

“Nhưng, anh Ba sau khi khảo sát tình hình ta - địch, thì cho rằng quân Pháp đang bộc lộ dã tâm là trao Việt Nam vào tay quân Mỹ và Ngô Đình Diệm. Không có tín hiệu gì của kẻ địch hứa hẹn một sự hòa bình ở miền Nam. Vì thế, anh tự nguyện xin Trung ương và Bộ Chính trị cho phép anh ở lại Nam Bộ, nơi sẽ cần đến anh.

“Anh điện xin lần thứ nhất, Trung ương không trả lời. Anh điện xin lần thứ hai cũng vậy. Cho đến lần thứ ba, Trung ương mới chấp thuận cho anh ở lại Nam Bộ.

“Một Xứ ủy mới được bầu ra gồm 11 người. Trong đó có ông Phạm Hữu Lầu - Phó bí thư; các ủy viên là Nguyễn Văn Linh, Lê Toàn Thư, Phạm Văn Xô, Văn Viên, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Minh Đường, Mai Chí Thọ, Phan Đức và Võ Văn Kiệt.

“Cái Hiệp định Genève này, mọi người, kể cả cán bộ lớn cũng nghĩ là chỉ sau hai năm sẽ Tổng tuyển cử lập một nước chung cho cả hai miền Nam - Bắc. Nhưng anh Ba thì không tin. Cho nên, khi chuyến tàu chuyển quân tập kết khu vực tập kết 200 ngày ở Cà Mau, anh Ba cũng lên tàu Kilinsky vừa để tiễn đưa, vừa để cho địch biết rằng Lê Duẩn lãnh tụ cộng sản ở Nam Bộ đã ra đi. Nhưng 12 giờ khuya đêm ấy, anh Ba được đưa xuống chiếc tàu nhỏ chở anh trở lại đất liền Cà Mau. Trước khi chia tay, anh Ba nói với ông Lê Đức Thọ (Phó bí thư Trung ương Cục): ‘Nhờ anh ra thưa với Bác và Trung ương rằng tình hình Nam Bộ vô cùng khó khăn, dễ đến hai mươi năm nữa chúng ta mới có thể gặp lại nhau’.

“Chiếc tàu nhỏ đưa anh Ba và chúng tôi trở lại rạch Bà Đặng, Thới Bình, nơi ông Võ Văn Kiệt đón chúng tôi đến nhà của ông Phó chủ tịch xã Thới Bình.

“Nếu không có gì trở ngại thì có thể chúng tôi ở tại đây một thời gian, nhưng anh Ba bị lộ ngay từ phút đầu tiên. Số là đứa con gái ông Phó chủ tịch xã nói rằng nó biết đây là bác Lê Duẩn. Hỏi ra, cháu mới nói: Con thấy hình của bác treo ở chợ Thới Bình trước đây.

“Vừa đặt chân đến đã phải di chuyển ngay. Ông Võ Văn Kiệt liền cấp tốc đưa chúng tôi và anh Ba đến cơ sở là nhà ông Mười Thọ tá túc một ngày một đêm, để sau đó tiếp tục đưa anh Ba đến gia đình ông Mười Đỏ ở Tân Hưng Tây. Bấy giờ, chính quyền của ta đã tổ chức lại và lặn sâu để bảo toàn lực lượng. Làng xã đông vui trước đây trở nên lạnh lẽo, buồn lắm, vì Ngô Đình Diệm bắt đầu lập bộ máy hành chính lẫn dân vệ để kìm kẹp dân chúng. Không khí bắt đầu căng thẳng ghê người.

“Ở nhà anh Mười Đỏ, anh Ba Lê Duẩn bắt đầu cải trang thành ông Chín - thầy thuốc nam, râu tóc lủ phủ như một bô lão.

“Cuộc sống của anh Ba và chúng tôi di chuyển trên sông rạch, hay dù là lên trên nhà cơ sở đều phải tuân thủ đi vào ban đêm. Bởi vì ban ngày sợ ở trong nhà bị lộ, nên trước khi trời sáng chúng tôi phải lóp ngóp đi ra sau vườn hoặc rừng tràm U Minh. Vườn và rừng là hai yếu tố không thể thiếu mỗi khi ông Kiệt chọn cơ sở, bởi dù nhà cơ sở chí cốt đi nữa mà không một cánh rừng hay một khu vườn rậm rạp phía sau thì cũng đành chịu mà chọn nơi khác”.

Nhà ông bà Trần Văn Giỏi là một trong những cơ sở lý tưởng đó. Anh Năm Hoành đã đưa chúng tôi đến tận nơi mà 58 năm trước anh Ba Lê Duẩn cùng ê kíp bảo vệ và phục vụ đã được cho trú ẩn. Bấy giờ là một khu vườn dừa hoang dại cách nhà khoảng 100 mét. “Chúng tôi phát cỏ, quây thành một cái ổ đủ chứa 5 người rồi chịu trận từ 5 giờ sáng đến khi con bìm bịp gọi triều lên lúc hoàng hôn mới kéo nhau vào trong nhà để ăn cơm tối” - Năm Hoành kể. Ngôi nhà ngói to lớn, vách ván bốn bề gọi là vách bổ kho, mà mấy phòng ngủ của con cháu ông bà Trần Văn Giỏi nhường cho họ hết. “Đó là nơi anh Ba và chúng tôi ở khá lâu, và cũng là năm anh Ba - con chim đầu đàn, cũng là ngôi sao phương Nam dẫn đường mở lối cho cuộc đại cách mạng miền Nam sau này”.

Chúng tôi lặng nhìn ngôi nhà bên bờ con kinh ấp Cái Cám, lòng xốn xang bồi hồi vì được lần dò trở lại từng chặng đường gian truân nguy hiểm của người lãnh tụ tự nguyện dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió, để tìm ra con đường giải phóng cho nửa phần đất nước còn chìm trong bóng đêm.

Anh Năm Hoành vỗ bàn tay vào gốc dừa, với nỗi niềm “có thể cây dừa lão này là nơi 58 năm về trước anh Ba thường ngồi dựa lưng vào đây. Tại đây, trong không khí thâm u của miền U Minh Hạ, anh nói về tình hình thế giới, mà chủ yếu là tình hình Mỹ dựng Ngô Đình Diệm lên để chống cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam ta. Tôi còn nhớ mãi câu nói của anh Ba để động viên anh em chúng tôi: Tổ tiên ta đã dày công khai phá cùng đất Đàng Trong này để có cơ đồ Đất Việt như hôm nay, thì chúng ta hôm nay từ rừng U Minh này có nhiệm vụ phải khai phá để tìm ra con đường giải phóng miền Nam này. Anh còn an ủi chúng tôi: Chúng ta chấp nhận mọi gian khổ để tìm thấy lối thoát cho cách mạng miền Nam - vì chúng ta có niềm tin ở sự sáng suốt của Trung ương và Bác Hồ, cũng như lòng yêu nước của nhân dân ta, nhất định chúng ta sẽ tìm ra lối thoát trong sự bao vây của kẻ thù Mỹ - Diệm”.

Anh Năm Hoành cho biết: “Năm 1955 khi anh Ba và chúng tôi đến nhà ông bà Trần Văn Giỏi là cơ sở thứ ba, anh Ba chỉ suy nghĩ, suy nghĩ suốt thời gian dài, nhưng không hề viết ra, bởi sợ lọt bí mật vào tay địch. Còn nếu cần đánh những bức điện gửi ra Trung ương, hay chỉ thị cho các tỉnh thì anh chỉ nói để anh Châu Quốc Tuấn, tự Hai Quy, thư ký riêng của anh viết ra, anh coi lại và ký vào góc giấy. Sau đó, tôi có nhiệm vụ chèo xuồng đi về cả ngày trời, để trao bức điện cho tổ điện đài đánh đi các nơi, mà tổ điện đài thì cũng như chúng tôi đều phải ở ngoài rừng tràm mịt mù, đến tối họ mới thu xếp để vào nhà cơ sở nghỉ ngơi, rồi hừng sáng lại ôm máy móc ra rừng, trong một cái mùng chống muỗi để đánh moóc [ký hiệu morse] đi các nơi”.

Năm 1956 - thảo Đề cương cách mạng miền Nam

Khi đến cơ sở nhà ông bà Huỳnh Văn Viêm (Năm Viêm) ở ấp Láng Cháo, xã Phú Tân, huyện Phú Tân xa tít mù ở trung tâm rừng U Minh, anh Năm Hoành thắp nhang và quỳ lạy trước bàn thờ ông bà, là người từng cùng các con mình đốn lá dừa nước để cất cho anh Ba một nếp nhà thấp nhỏ, núp trong khu vườn của ông bà.

Nơi đó bây giờ chỉ còn lại khu vườn trống trải, nhưng là nơi đầu tiên những dòng Đề cương cách mạng miền Nam ra đời. Từ trong những tháng năm cực kỳ đen tối ấy, ánh sáng của cuộc đấu tranh bạo liệt đã mở đường cho cuộc đổi đời từ đây.

Năm Hoành hồi tưởng: “Mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam, đến năm 1978, anh Ba trở về thăm lại những cơ sở che giấu anh trước kia, anh mới nói ra rằng không phải đợi đến năm 1956 anh mới nghĩ ra và viết Đề cương cách mạng miền Nam, mà khi anh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ trở vào Khu 5 và Nam Bộ để kinh lý tình hình thi hành Hiệp định Genève, thì anh đã nghĩ ra ngay về đường lối đấu tranh của cách mạng miền Nam, nhưng chỉ là manh nha.

“Anh Ba vừa nói lại vừa cắt nghĩa. Ví như anh vẫn nêu khẩu hiệu là ‘Chống đế quốc Mỹ và phong kiến còn lại đang dựng lại tầng lớp địa chủ’. Khi đến phần phương pháp đấu tranh, thì anh nói rằng ta phải đấu tranh hòa bình, nhưng phải lập lực lượng võ trang. Đấu tranh chính trị phải kết hợp với quân sự để tự vệ. Đồng thời chuẩn bị khả năng đấu tranh cách mạng toàn diện, gồm đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh võ trang. Anh nói rằng đó là bí quyết, là con đường độc đạo mới có hòa bình và độc lập sau này.

“Anh Ba sợ chúng tôi chưa hiểu, lại nói thêm: ‘Do đó, Xứ ủy Nam Bộ mới để lại mấy vạn cán bộ, đảng viên làm nòng cốt đấu tranh và để lại vũ khí và cử hai ông Nguyễn Hữu Xuyến và Lâm Quốc Đăng ở lại phụ trách quân sự. Do đó, mới thành lập hai tiểu đoàn Ngô Văn Sở và Đinh Tiên Hoàng dưới dạng phân tán nhuyễn trong lòng dân Cà Mau’. Đôi mắt anh Ba sáng lên đầy hy vọng trên khuôn mặt gầy gò, và nói như khẳng định rằng: ‘Căn cứ Cà Mau, U Minh này là nơi xây dựng lực lượng võ trang sớm hơn hết ở miền Nam, và nếu nổ súng thì nơi đây - Cà Mau là phát pháo lệnh’. Anh Ba đoán chắc như vậy. Và quả không sai, chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi thấy anh Mai Chí Thọ xuất hiện. Anh cho anh Ba biết bọn bảo an dân vệ ở Cà Mau nói chung cùng bên an ninh của Ngô Đình Diệm đã lùng sục tìm nơi chứa chấp cán bộ đảng viên mà chúng gọi là những người kháng chiến ở lại miền Nam, để bắn giết, trong đó, nhà tù Bình Hưng được mệnh danh là lò sát sinh ở Cà Mau.

“Đồng chí Mai Chí Thọ rồi đến đồng chí Cao Đăng Chiếm phụ trách an ninh và bảo vệ căn cứ báo cáo là lực lượng bí mật đội lốt ‘đội bắt cướp’ đã nổ súng chống trả. Đồng chí Cao Đăng Chiếm báo cáo thêm là chỉ riêng huyện Cái Nước có đến trên 60 đội bắt cướp. Họ đã tuân theo phương pháp trá hình đó để chống lại bọn địch đến làng xóm bắt bớ giết chóc cán bộ, với danh nghĩa chống lại cướp bóc. Nhiều nơi đã đưa bọn đó về đồn để trình báo một cách hợp pháp. Anh Ba có vẻ lo và có vẻ mừng, anh nói: ‘Tình trạng này tôi biết thế nào cũng xảy ra. Vậy là máu đã chảy và súng đã nổ, tuy chưa đều khắp. Nhưng Cà Mau đã nổ súng chống trả thì thôi động cả miền Nam’”.

Chúng tôi xót xa tiếc rẻ, giá mà mái lều nơi anh Ba viết Đề cương cách mạng miền Nam còn đây - chỗ chúng tôi đang đứng sau vườn nhà ông Năm Viêm - thì tuyệt vời biết bao.

Chị Út, con gái ông Năm Viêm, tuổi đã thất thập nhưng trí nhớ còn nóng hổi chuyện nửa thế kỷ qua. Chị kể: “Đám tụi tui thì kiếm cá, lươn nấu cho các anh ăn. Còn phải chèo xuồng cả ngày cả đêm mới tới thị trấn Cà Mau, giả dạng bán cá lươn để mua đồ quốc cấm, như viết, mực, tập giấy học trò, pin đèn và pin cho radio của dượng Chín [Lê Duẩn]. Bọn lính ở Rạch Rập mà xét thấy thì tụi tui tiêu đời”.

Chị nói cái lều thì khó mà còn, nhưng những chén dĩa xưa mà dượng Chín dùng để ăn cơm thì vẫn còn đây. Nói xong, chị dắt chúng tôi trở vào nhà, nơi có bàn thờ cha mẹ chị là ông bà Năm Viêm, mở tủ lấy ra những cái tô, chén, đĩa rất xưa ấy đặt lên bàn. Chị nói: “Lúc cha má tôi còn sống có dặn phải giữ kỹ để sau này đất nước có yên bình thì Ba Lê Duẩn thế nào cũng trở về nơi đây, thì mình đem thứ tô chén này ra dọn cho Ba Lê Duẩn ăn như thuở nào. Cho nên vợ chồng tui chết sống gì cũng giữ làm kỷ niệm”.

“Anh Ba ở nhà ông bà Năm Viêm độ hơn 3 tháng thì một hôm sẩm tối, ông Võ Văn Kiệt đến. Ông trao đổi với anh Ba tình hình địch và ta. Nhưng sau đó, ông Kiệt nói với ông Năm Viêm hãy tạm thời để ông đưa anh Ba và chúng tôi đến một nơi khác. Đó là lúc anh Ba viết khá nhiều về Đề cương, nhưng chưa xong. Vậy là ngay tối hôm đó, theo chiếc xuồng của ông Kiệt dẫn đường, chúng tôi và anh Ba chèo đến 4 giờ sáng mới đến địa điểm mới là nhà của má Bảy Tốt, ở ấp Rạch Tre, huyện Trần Văn Thời” - Năm Hoành kể.

Bây giờ, chiếc tắc ráng của chúng tôi cũng đến. Anh Năm Hoành gặp lại các anh chị, con má Bảy Tốt (má đã qua đời), một cách bất ngờ và khi Năm Hoành ôm anh Năm con má Bảy Tốt:

- Anh không nhớ tôi sao? Tôi là Năm Đen đây.

Anh chủ nhà sững sờ nhìn rồi ôm chầm lấy anh Năm Hoành:

- Trời ơi!

Thế là họ ôm nhau… khóc.

Anh Năm Hoành lại kể: “Má Bảy Tốt nói, tụi con cứ lo làm việc đi, còn việc ăn uống thì gia đình má đủ sức nuôi. Một nửa ngôi nhà khá rộng được giao cho 5 anh em chúng tôi ngủ và làm việc. Có điều, khi di chuyển đến đây thì anh Ba ngưng viết tiếp Đề cương. Anh cứ đi đi lại lại giữa khoảng cách của hai chiếc giường ngủ mà suy nghĩ có phần nặng nề. Đến nỗi má Bảy lo ngại ‘thằng Ba có bị bịnh gì không mà cứ đi tới đi lui hoài vậy?’”. Chi tiết này, anh Năm Hoành mới được nghe anh Ba kể lại cho cán bộ miền Nam sau ngày giải phóng, khi anh Ba vào để đi thăm 13 cơ sở đã liều mình bảo vệ, nuôi dưỡng anh những năm 1955-1956. Anh Ba kể rằng: “Khi đến nhà ở má Bảy Tốt thì việc cập nhật tình hình về đối phương Mỹ - Diệm càng khó khăn. Bởi thiếu báo chí, mà tôi chỉ theo dõi qua chiếc radio nhỏ, không đủ dữ liệu phục vụ cho sơ thảo Đề cương. Tôi muốn làm sao tìm cách tiếp cận Sài Gòn, nơi sào huyệt địch, thì mới hy vọng tập hợp tài liệu qua âm mưu của chúng”.

Cũng theo lời anh Năm Hoành: Một điều bắt buộc là phải rời căn cứ Cà Mau càng sớm càng tốt, vì địch bắt đầu đánh phá cơ sở. Nhiều đảng viên cán bộ ta chấp nhận hy sinh chớ không đánh trả. Duy lúc đó, chỉ tại Cà Mau các nhóm bắt cướp trá hình của ta mới bắt đầu nổ súng, tuy chưa đồng loạt nhưng địch đã tập trung để đánh phá căn cứ Cà Mau - U Minh. Lúc đó, anh Ba bảo anh Cao Đăng Chiếm và anh Mai Chí Thọ phải cấp tốc cho hai anh Nguyễn Hữu Xuyến và Lâm Quốc Đăng, đang ẩn trú nơi cơ sở nào đó, lo tập hợp hai tiểu đoàn đội lốt tôn giáo Ngô Văn Sở và Đinh Tiên Hoàng từ lâu phân tán trong dân lại, để sẵn sàng bảo vệ căn cứ Cà Mau - U Minh.

Ông Võ Văn Kiệt cũng thừa nhận một thực tế đúng như anh Ba nhận định, nên ông Kiệt lại đưa anh Ba một lần nữa trở lại cơ sở nhà ông bà Năm Viêm ở ấp Láng Cháo xa lắc xa lơ.

Ông Kiệt sau đó liên lạc về Sài Gòn mời ông Nguyễn Văn Linh xuống (Xứ ủy 11 người thì chỉ có ông Nguyễn Văn Linh dùi sâu vào Sài Gòn, còn đa số ở Cà Mau quanh anh Ba Lê Duẩn, một số ở các tỉnh).

Ông Nguyễn Văn Linh bí mật từ Sài Gòn xuống gặp anh Ba tại nhà ông Năm Viêm. Ông Linh đồng tình với anh Ba. Ông cho rằng quân địch đã bắt đầu đánh phá cơ sở ta ở nông thôn. Cà Mau trước đây là căn cứ lý tưởng, nhưng bây giờ nó trở nên bị thu hẹp, đường đất không rộng không thoáng bằng Sài Gòn, cho nên ông xin anh Ba cho một thời gian để cùng ông Mai Chí Thọ và ông Cao Đăng Chiếm thu xếp chỗ an toàn cho anh Ba ở Sài Gòn. Nhưng thời gian quá thúc bách, khi ông Linh chưa đưa anh Ba về Sài Gòn được, thì một chuyện nữa xảy đến, buộc anh Ba phải rời khỏi Cà Mau càng sớm càng tốt. Đó là từ bức điện do ông Võ Văn Kiệt mang đến cho anh Ba. Bức điện nói rằng quân địch đã biết chắc là Lê Duẩn - lãnh tụ cộng sản đang có mặt tại Cà Mau. Anh Ba hỏi: “Dựa trên cơ sở nào mà chúng phán đoán như vậy?”. Ông Võ Văn Kiệt trả lời: “Thưa anh Ba, chúng theo dõi gần hai năm nay Lê Duẩn không hề xuất hiện ở Hà Nội”.

Những cơ sở ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Linh thu xếp chưa xong, nhưng anh Ba quyết định phải rời Cà Mau ngay, chưa về được Sài Gòn thì về Bến Tre gặp Phạm Ngọc Thảo. Nhưng muốn sang Bến Tre thì lại phải xuống tận mũi Cà Mau, nhà ông Tiết Văn Phát tự Hắc Hổ ở Tam Giang - Ngọc Hiển. Anh Út Chót, từng ở Côn Đảo với anh Ba, đưa đi. Khi đến nơi thì không ngờ đó là sự tái ngộ trong nước mắt của Lê Duẩn và Hắc Hổ cũng từng ở Côn Đảo những năm 1940 với nhau. Ông Hắc Hổ bảo muốn sang Bến Tre thì phải đến cơ sở của ông Hai Xô (Phạm Văn Xô - Xứ ủy viên Nam Bộ phụ trách kinh tài cho Xứ ủy). Ông Hai Xô có một số ghe chở củi đước bán cho các nơi mới có thể chở anh Ba một cách bí mật được, ở lại nhà ông Hai Xô không được nữa rồi. Lại phải hỏa tốc chèo xuồng ra tận rạch Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, ở nhà ông bà Trần Văn Pháo.

Cũng cần nói thêm, lần ấy, Xứ ủy đề nghị đưa anh Ba trở ra Bắc (bằng đường hàng không Phnôm Pênh - Hà Nội), nhưng anh Ba không chịu. Anh nói: “Trung ương đã giao trách nhiệm nặng nề cho tôi ở miền Nam, tôi chưa làm được gì lại trở ra. Thôi, thà tôi chết tại chiến trường”.

Bấy giờ, một lần nữa ông Ba Pháo đích thân chất một ghe củi đước lớn lên trên, còn ở dưới có chừa hai khoảng trống, một cho anh Ba, một cho Năm Hoành.

Chiếc ghe chở củi đước phải vượt con đường vạn dặm mới lòn lỏi ngược về tận thị xã Bạc Liêu. Phải đúng một tuần lễ anh Ba và Năm Hoành chịu trận chui rúc dưới khoang ghe hết sức thê thảm, nhưng tới Bạc Liêu có được trồi lên đâu, vì ông Ba Pháo còn phải mướn một chiếc tàu để nó kéo chiếc ghe đước đó về tận Sóc Trăng, rồi ra sông Hậu để ra biển, băng ngang qua cù lao Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre. Chấp nhận một lúc hai cái chết: chết nếu địch phát hiện, hoặc chết do sóng biển nhận chìm.

Ông Mười Khước, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, thu xếp nơi ẩn náu cho anh Ba và Năm Hoành, đồng thời đưa Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn đi nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre để anh Ba chỉ đạo phong trào. Anh Ba về Bến Tre năm 1956 tính là để tìm cách liên lạc với Phạm Ngọc Thảo, được gài vào hàng ngũ địch đang là tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre, nhưng tình thế không cho phép.

Bến Tre bấy giờ, ông Mười Khước là Bí thư, bà Nguyễn Thị Định là Phó bí thư. Anh Ba ít nhiều thu thập được những âm mưu của Mỹ - Diệm ở miền Nam để bổ sung cho Đề cương cách mạng miền Nam.

Nhưng bấy giờ địch dồn sức vào đánh phá cơ sở cách mạng của Bến Tre, nên cuối cùng anh Ba quyết định phải rời Bến Tre để về Cần Thơ. Anh Năm Hoành kể: “Khi tôi về ngã tư Cây Dương tìm ông Võ Văn Kiệt để tổ chức cho anh Ba từ Bến Tre về, ông Kiệt tổ chức một ghe chở dừa khô để ém anh Ba về Cần Thơ, nhưng khi tôi trở qua Thạnh Phú, Bến Tre để rước anh Ba, thì đêm đó tôi bị địch bắt, còn anh Ba ở nhà gần đó kịp chạy ra bờ sông và chém vè trong đám cây ô rô thoát thân.

“Sau này, anh Ba kể lại là lúc ấy anh ngỡ bọn địch đã giết chết Năm Hoành rồi. Khi địch đã rút đi, mấy ngày ròng rã, Tỉnh ủy Bến Tre mới tìm anh Ba ẩn núp sau cánh đồng gần đó. Tỉnh ủy liền tổ chức đưa ngay anh Ba vượt sông Cổ Chiên qua làng Vĩnh Kim của huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang). Sau đó, từ Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Linh đi xe hơi riêng xuống Vĩnh Long đưa anh Ba về Sài Gòn”.

Theo lời của bà Ngô Thị Huệ, phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh kể, thì anh Ba ở hai địa chỉ, một là cơ sở ở đường Huỳnh Khương Ninh và một ở chợ Vườn Chuối. Đây là hai cơ sở có vỏ bọc chắc chắn có đủ báo chí, radio để anh Ba theo dõi, cộng với báo cáo tình hình âm mưu của Mỹ - Diệm rất chính xác của ông Nguyễn Văn Linh đã giúp cho anh Ba nắm chắc tình hình ta và địch, nên chỉ một thời gian ngắn bản Đề cương cách mạng miền Nam được hoàn thành. Nó được khai sanh ở ấp Láng Cháo rừng U Minh và kết thúc tại Sài Gòn sào huyệt địch trong năm 1956.

Việc quan yếu tiếp theo là anh Ba cho điện đi bản Đề cương cách mạng miền Nam ra ngay Bộ Chính trị. Cũng là lúc đến lượt cán bộ, đảng viên và các tổ chức cách mạng tại Sài Gòn bị bể. Cán bộ, đảng viên của ta bị chết và tù đày, sự thiệt hại cho cách mạng rất nặng nề.

Và cũng là lúc Bộ Chính trị gọi anh Ba ra Hà Nội. Vì thế, ông Nguyễn Văn Linh tổ chức đưa anh Ba từ Sài Gòn bí mật qua Phnôm Pênh (Campuchia). Với tầm nhìn của một lãnh tụ, anh Ba đã kịp thời tổ chức học tập ngay đường lối cách mạng miền Nam qua Đề cương cách mạng miền Nam, coi như lá bùa hộ mệnh của dân tộc được cấp tốc trao lại cho Đảng bộ Nam Bộ trước tiên. Sau đó, anh cải trang là một doanh nhân người Hoa lên máy bay từ Phnôm Pênh đi Quảng Châu, để từ Quảng Châu về Hà Nội năm 1957.

Anh đã bôn ba khắp miền Nam vào những năm tháng ác liệt nhất để hoàn thành Đề cương cách mạng miền Nam, như ông Jésus cam chịu vác cây thánh giá để chết cho người lao khổ. Đó là anh Ba Lê Duẩn - một lãnh tụ kiệt xuất.

Đạo diễn NGUYỄN KẾ NGHIỆP