Nước Việt Nam có một nền văn minh lâu đời, và ở vị trí giữa ngã tư đường của thế giới, nên đã sớm có những quan hệ văn hóa với các dân tộc khác. Ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, ngoài chữ Hán, ông cha ta còn biết dùng chữ Phạn, chữ Java. Giao Châu thời đó là một trung tâm Phật giáo lớn, theo tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu gần đây, trung tâm này đã hình thành và phát đạt hơn cả những trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Quốc, nhờ vào đường thủy tiện lợi, các vị sư từ đất Ấn đã có thể đến đây truyền đạo và dịch kinh. Chúng ta chưa có nhiều cứ liệu để đánh giá chính xác nền văn hóa thời đó, trong đó có việc học chữ Hán và việc dịch chữ Hán. Nhưng theo tư tưởng của Mác, thì những người mới học ngoại ngữ thường dịch những tiếng nước ngoài ra tiếng bản ngữ trong tư duy của họ, ta có thể đoán định rằng, việc dịch chữ Hán ra tiếng Việt đã có ngay từ những ngày ông cha ta tiếp xúc lần đầu tiên chữ Hán.
Nhưng phải đợi hàng chục thế kỷ sau, vào lúc tinh thần dân tộc hưng thịnh sau những chiến thắng vĩ đại, khi dân tộc có nhu cầu bức thiết phải xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, việc phiên dịch chữ Hán ra tiếng ta mới được tiến hành. Hồ Quý Ly đã cho phiên dịch thiên Vô dật trong Kinh Thư và phiên dịch Kinh Thi (?) để dạy cho cung nữ. Chắc chắn đó là một thử nghiệm của một nhà chính khách có những ý đồ lớn, và có tinh thần dân tộc - trong bài thơ Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục, họ Hồ đã nói lên đầy tự hào cái tinh thần dân tộc đó: “Muốn hỏi chuyện nước Nam - Nước Nam phong tục thuần - Lễ nhạc như đời Hán - Áo mũ như đời Đường. Hằng năm tháng hai ba, đào lý một màu xuân”. Sự thất bại của triều Hồ do mất lòng dân, vì chỉ dựa vào “khóa sông, xích sắt” để giữ nước, đã kéo theo một thảm họa của lịch sử, một nguy cơ hủy diệt cả một nền văn hóa dân tộc bởi chính sách diệt chủng toàn diện và vô cùng ác độc của nhà Minh. Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc vĩ đại và nhà văn hóa vĩ đại, đã là người có công lớn trong việc phục hưng nền văn hóa dân tộc sau thảm họa đó. Trong bao nhiêu công lao chói lọi của Nguyễn Trãi chúng ta ghi nhớ ông cũng là người - về mặt cứ liệu chính xác còn giữ được - đã dịch chữ Hán ra Nôm đầu tiên. Trong hơn hai trăm bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi còn lại, có những từ Hán đã được ông dịch ra Nôm để dùng vào thơ, và việc dịch này đánh dấu một phong cách dịch của những thế kỷ dịch đầu tiên: trực dịch, dịch sát chữ sát nghĩa; đại ẩn thì dịch là ẩn cả… chẳng hạn Nguyễn Trãi không chỉ dịch từ rời, ông còn dịch cả câu thơ - ở đây là tự dịch thơ mình:
門前一派漕溪水
洗盡人間劫劫塵
Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy
Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần
đã được dịch thành:
Tào Khê rửa ngàn tầm suối
Sạch chẳng còn một chút phàm.
Cách dịch như thế sáng tạo ở chỗ nào, nó báo hiệu điều gì trong tư duy dịch thuật, ta hãy gác lại chưa bàn, mà chỉ lưu ý đến một điều: đây là câu thơ dịch đầu tiên trong lịch sử dịch thuật Việt Nam, nếu xét về mặt cứ liệu chính xác. Trước đó, Trần Nhân Tông, Huyền Quang - những người giỏi Hán giỏi Nôm, những bậc thầy văn hóa dân tộc, có tiến hành dịch - có thể là dịch kinh Phật - không, hiện ta chưa có cứ liệu.
Với bản dịch tập truyện ngắn của Nguyễn Dữ Truyền kỳ mạn lục ra tiếng Nôm, lịch sử dịch chữ Hán ở Việt Nam có thêm một cái mốc rất quan trọng. Ít ra thì bản dịch này cũng cho phép ta khẳng định hai điều: 1) thời bấy giờ có một nhu cầu bức xúc về việc phiên dịch những tác phẩm Hán ra tiếng Việt, một nhu cầu thể hiện quá trình dân chủ hóa toàn bộ nền văn học, thể hiện tinh thần dân tộc đang dâng lên trong văn hóa dân tộc; 2) bản dịch đánh dấu tư duy dịch thuật của thế kỷ ấy: một cách dịch còn thô vụng, mong muốn phản ánh một cách trực tiếp nguyên tắc, nhưng nó đã là một thử nghiệm không thành và bản dịch đã không được phổ biến, truyền tụng vì đi một con đường sai: con đường không chiếm lĩnh tác phẩm về mặt nghệ thuật, mà chỉ chiếm lĩnh nó dưới góc độ ngôn ngữ một cách máy móc và trực quan.
Thế kỷ 18 là một thế kỷ lớn của nền văn học dân tộc. Cũng với sự lớn mạnh và giành được vị trí chủ đạo trong nền văn hóa dân tộc của văn học tiếng Việt, lịch sử dịch thuật cũng ghi nhận những thành tựu mới. Với liên tiếp bốn bản dịch Chinh phụ ngâm, và bản sau cùng - có rất nhiều khả năng là của Phan Huy Ích - lịch sử phiên dịch ghi sự trưởng thành tuyệt diệu của tư duy dịch thuật. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, mà đây là cả một quá trình: quá trình tiếp xúc đến mức nhập thân, chan hòa và sống ở trong nhau của tư duy Việt và tư duy Hán ngữ, quá trình nâng cao sức diễn đạt của tiếng Việt để trở thành một công cụ diễn đạt được tất cả mọi sắc thái tình cảm, và qua bản dịch là sự chiến thắng của tiếng Việt; cuối cùng đây là quá trình thừa kế lẫn nhau giữa các bản dịch. Không có sự thừa kế này không làm gì có bản dịch hiện hành. Ở đây không phải là lúc để đi sâu vào nghệ thuật dịch của bản dịch Chinh phụ ngâm và đưa ra nhiều cứ liệu để chứng minh; dù sao cũng xin phép được cử ra một vài dẫn chứng để làm sáng tỏ một khía cạnh nhỏ của vấn đề vừa nêu. Về câu thơ trong nguyên văn chữ Hán:
鼓鼙聲動長安月
烽火影照甘泉雲
Cổ bề thanh động Tràng An nguyệt
Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân
bản dịch 1 (tạm xem là ra đời sớm nhất) và có thể coi là của Đoàn Thị Điểm đã dịch:
Vang tiếng trống chốn Tràng An nguyệt
Ngoài Cam Tuyền lửa khét rừng mây
bản dịch 2 (tạm xem là của Nguyễn Khản) đã dịch:
Trống Tràng An tiếng xuyên cung nguyệt
Lửa Cam Tuyền rực rệt thức mây
(mờ mịt: có bản chép là rực rệt?)
Vấn đề không phải là ở sự thông minh trong sự sắp xếp thứ tự các từ (trăng Tràng An thành trống Tràng An, mây Cam Tuyền thành khói Cam Tuyền) mà vấn đề là ở chỗ khác. Các câu dịch của bản 1, 2… đã không biết tận dụng hiệu năng của từ láy âm trong tiếng Việt, chữ động trong nguyên tác dịch thành vang, xuyên, kể về khía cạnh ngữ nghĩa thì thế là tạm ổn, nhưng bản dịch hiện hành đã dùng lung lay, một từ láy, và như Nguyễn Tuân đã có lần nhận xét, câu thơ dịch biểu hiện cả nguyên lý vật lý của âm thanh: tiếng trống báo động chiến tranh đánh dồn dập, gấp gáp dưới tòa thành cổ đã tác động một cách vật chất, vật lý đến cái bóng trăng, làm cho vầng trăng, bóng trăng chịu tác động của cái lực ấy cũng phải lay động, dịch chuyển, lung lay… Câu thơ sinh động hơn hẳn nguyên tác, chỉ vì đã bấm đúng huyệt một từ lấp láy đặc biệt dân tộc để dịch một từ Hán: một từ bình thường, chung cho nhiều sắc thái, và do đó là một khái niệm trừu tượng.
Cách dịch của Phan Huy Ích là “suy minh tác giả tâm” và chú ý về nhạc điệu; nhưng để đạt đến những phạm trù rất quan trọng này, phải đi qua phạm trù từ, và từ từ mà đạt đến ý và nhạc.
Nhưng không phải bao giờ bản dịch sau cũng rút được kinh nghiệm của bản dịch trước và thực hiện một sự kế thừa đổi mới sáng tạo thắng lợi. Có những câu mà các bản dịch trước dường như không nhường, nếu không muốn nói là có khía cạnh vượt lên so với những bản dịch sau, câu thơ nguyên tác:
陌上桑陌上桑
妾意君心誰短長?
Mạch thượng tang, mạch thượng tang,
Thiếp ý quân tâm thùy đoản tràng?
bản dịch hiện hành mà chúng ta quen thuộc đã dịch:
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Những tưởng như thế đã là: “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”, nhưng xem lại bản dịch 2 thì thấy dịch:
Ngàn dâu thôi lại ngàn dâu,
Tình chàng ý thiếp so nhau vắn dài?
về mặt sát đúng trong tinh thần và câu chữ so với nguyên tác thì sát đúng hơn. Câu dịch của bản dịch hiện hành nhấn mạnh vào cái màu xanh xanh ngắt (màu xanh nao lòng, đứt ruột của chia ly), câu dịch của bản dịch 2 theo sát cái ý điệp ngữ của nguyên tác đã nhấn mạnh cái mênh mông khôn cùng của ngàn dâu đang trải ra trước mắt hai người chia ly, cái mênh mông của thời gian xa cách. Mỗi bên một cách, và cả hai câu đều hay, đều “mười phân vẹn mười” trong nghệ thuật dịch.
Nói như thế rồi, giờ quay lại điểm xuất phát: với Chinh phụ ngâm, nghệ thuật dịch Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật dịch, song song, tương đồng với giai đoạn hoàng kim trong sáng tác.
Sau đó gần hai thế kỷ nay, việc dịch đặc biệt là dịch thơ Đường và thơ Hán Việt, vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu mới, có những thành tựu về mặt nào đó mà nói ngang tài Chinh phụ ngâm, như bản dịch Tỳ bà hành, tất nhiên với một quy mô nhỏ hơn - nhưng về cơ bản mà nói nghệ thuật dịch thơ các thế kỷ cổ điển đã đạt đỉnh cao và hoàn thiện với Chinh phụ ngâm. Những thành tựu hai thế kỷ sau này tuy rất lớn và nhiều vẻ, nhưng không có tính chất vạch thời đại như vậy nữa.
Dù sao, từ đầu thế kỷ đến nay, việc dịch chữ Hán đã phát triển trên một quy mô lớn, và chúng ta cần nghiên cứu các bản dịch của nhiều dịch giả nổi tiếng xuất hiện rất nhiều, để qua đó có thể tổng kết một số vấn đề về lý thuyết dịch thuật, một vấn đề rất mới nằm giáp ranh giữa nhiều bộ môn: văn học, ngôn ngữ học, ký hiệu học, văn hóa luận, mỹ học v.v… Cũng cần chú ý, trong khi nghiên cứu đến tính chất đặc thù của từng giai đoạn dịch thuật. Kinh nghiệm dịch thuật thế giới cho thấy, mỗi thế kỷ, mỗi thời đại có những tư duy dịch với những đặc trưng tương ứng liên quan đến cách quan niệm của thời đại về quyền của tác giả, quyền của người dịch, quan niệm về sự tham gia của cá tính sáng tạo của người dịch vào nguyên tác v.v… và do đó, không thể đem những chuẩn mực - dù đã trở thành cổ điển - của quá khứ để ràng buộc hiện tại. Kinh nghiệm của quá khứ chỉ có thể có ích cho hiện tại nếu nó thúc đẩy quá trình đi tới, quá trình đổi mới sáng tạo của hiện tại. Thời đại chúng ta cũng cần có những bản dịch mới, kế thừa đầy đủ tinh hoa của nền dịch cổ truyền của ông cha; đồng thời có những sáng tạo táo bạo, những đổi mới sâu sắc tương ứng với tư duy nghệ thuật của thời đại. Tất cả vấn đề là ở tài năng của người dịch.
Người dịch là người sáng tạo. Người dịch, theo ý Lỗ Tấn, nhiều khi quan trọng hơn và khó hơn người sáng tác, đứng về phương diện phát triển văn hóa của một nước mà nói. Người đọc chịu ơn người dịch nào đã dịch thành công Shakespeare, Lev Tolstoy, Đỗ Phủ, thơ phú chữ Hán của cha ông từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đến các thiên tài văn học khác… hơn là “chịu ơn” những người sáng tác tầm thường, nhiều khi đã đẻ ra những tác phẩm mờ nhạt, tầm thường, những tác phẩm không sống quá vài giờ sau khi sinh. Đã vậy thì làm sao có thể coi người dịch như một thứ thợ thủ công, chỉ cần có ngoại ngữ hoặc cổ ngữ là cứ tha hồ dịch hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Dĩ nhiên ở đâu và ở thời nào mà chẳng có những người dịch cũng như những người sáng tác bất tài. Nhưng không thể nào không biết đến giá trị của một người dịch, đặc biệt là dịch cổ ngữ, ở ta là cổ Hán ngữ, có tài. Đó là một nhà bác học kiêm một nghệ sĩ, một người mà tâm hồn và văn hóa có khả năng thâm nhập vào thế giới sáng tạo của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm… để rồi diễn đạt, chuyển đến người ngày nay những giá trị tinh thần, văn hóa biết bao sâu sắc, phong phú, những giá trị làm giàu, làm đẹp, làm tự hào cho dân tộc và cả loài người. Và không thể nào so sánh một con người như vậy với một anh thợ thơ - thợ chữ, chỉ quen bẻ vần, dựng chuyện để rồi đẻ ra những tác phẩm đơn điệu, tẻ nhạt, rồi từ đó nói rằng sáng tác bao giờ cũng hơn so với dịch thuật. Hãy đưa vào tay những con người nghĩ như vậy, một bia Phật đời Lý mất đi vài từ, một bài thơ Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát lấy nguyên từ trong kho dưới dạng chữ thảo lòi tói… và chưa được giám định, để họ biết hết cái khó khăn tột cùng của việc dịch.
Trong bao nhiêu khó khăn của việc dịch chữ Hán, ở đây tôi chỉ xin nêu ra một khía cạnh: vấn đề từ ngữ và từ đó, vấn đề lĩnh hội, thâm nhập vào thế giới riêng, độc đáo, cụ thể lịch sử của nguyên tác chữ Hán để đạt tới một bản dịch tương xứng với nguyên tác. Và ở đây chỉ xin nêu ra dưới dạng kinh nghiệm cụ thể mà khoan vội đi đến quy kết lý luận. Bởi chưng muốn quy kết lý thuyết thì phải xuất phát từ muôn vàn cứ liệu, từ nhiều góc độ, nếu không sẽ rơi vào cực đoan, phiến diện, là cái bệnh thường mắc của các nhà nghiên cứu ở ta hay ở bất cứ đâu.
Tản Đà, một nhà thơ mà ta đã từng biết, một người tưởng không ai nghi ngờ được cái học Hán học và tài nghệ thi sĩ, đã được người ta công nhận tài dịch thơ Đường và đã để lại nhiều bản dịch trứ danh. Thế nhưng có lần Tản Đà đã thất bại. Đó là trường hợp ông dịch bài thơ Độ Tang Càn của Giả Đảo. Nguyên văn bài thơ như sau:
客捨并州已十霜,
歸心日夜憶咸陽。
無端更渡桑乾水,
卻望并州是故鄉。
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Quy tâm nhật dạ ức Hàm Dương,
Vô đoan cánh độ Tang Càn thủy,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
Và Tản Đà dịch:
Tinh Châu đất khách trải mươi hè,
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê.
Qua bến Tang Càn, vô tích nữa,
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.
Giả Đảo là nhà thơ của giai thoại “thôi xao”, là người đã từng tự nói “nhị cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu, tri âm vô thưởng thức, quy ngọa cố sơn thu” (二句三年得,一吟雙淚流, 知音無賞識(如不賞),歸臥故山秋) (hai câu làm ba năm, ngâm lên lệ ướt đầm, tri âm chẳng tán thưởng, núi cũ về cùng thu); như vậy mỗi chữ của ông là một sự chọn lọc và ký thác ghê gớm lắm, Tản Đà hẳn là đã biết thừa điều đó, nhưng vì sao ông đã bỏ qua không chú ý đến điều này, và ông đã phạm sai lầm một cách đáng tiếc.
Chỉ cần để ý đến một chữ ở câu đầu: chữ sương. Mở đầu bài thơ là khách xá (quán trọ), và kết thúc câu thơ là sương (tức thu, tức niên như ta đã biết: nhưng sương khác xuân, mà cũng có khía cạnh khác đông; còn với hè thì trái ngược hẳn). Câu thơ Đường hiện ra trong một cấu trúc hô, ứng nhưng khép kín và cái dụng công của Giả Đảo là thực hiện sự thống nhất về sắc thái từ ngữ (khách xá và sương) để nhấn mạnh nỗi buồn tha hương của mình. Vì thế đem chữ hè dịch chữ sương, Tản Đà đã đánh mất Giả Đảo, chưa nói về vần điệu và ý tứ bản dịch quả thật đã không xứng với tài nghệ Tản Đà.
Dù sao, đây là một bài học nhỏ: một thi sĩ tài danh, một nhà Hán học, nhưng lơ đễnh không thâm nhập vào cái thế giới thơ đích thực của nguyên tác, không nắm từ ngữ trong cái cấu trúc toàn thể và trong sự vận động của nó, trong cấu trúc đó, sẽ mắc sai lầm là dịch ngược lại ý nguyên tác.
Nêu lên trường hợp về từ ngữ như vậy, chúng tôi muốn nói một ý: trong việc dịch chữ Hán, nhất là dịch thơ chữ Hán, những khó khăn từ ngữ không nhiều lắm, vì phần lớn là những từ thông thường dễ hiểu. Cái khó là ở ẩn ý thơ, cấu trúc thơ, mạch ngầm của thơ… được tác giả biểu hiện qua cái hình hài vật chất của từ ngữ. Chỉ cần lơ đễnh một chút, chủ quan một chút, thâm nhập không đầy đủ, “sống” với nguyên tác còn ít… chỉ cần như vậy, bản dịch có thể sai một ly đi một dặm, ít nhất cũng làm thiệt hại đến nguyên tác và đến bản dịch của chính mình.