HV120 - Ngày hội cảm ơn

Trong lúc mà hằng ngày trên truyền thông đại chúng, ta được biết quá nhiều những câu chuyện vô ơn bội nghĩa, thì bài viết Chúng ta còn nợ của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Phan, đăng trên tạp chí Hồn Việt số 118 (tháng 9-2017) đã làm mát lòng những ai đọc nó.

Ông bà ta nói: Làm ơn không nên kể, chịu ơn chớ nên quên. Chớ nên không nhất thiết là phải trả ơn cho người đã giúp mình, mà mình sẽ làm ơn cho người khác. Đời sẽ có thêm một người làm ơn, đó là “đáp đền tiếp nối”.

Đất nước ta vừa kỷ niệm 72 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng có nghĩa là ta còn nợ rất nhiều suốt 72 năm qua. Ta được sống và hưởng thụ hôm nay là ta nợ rất nhiều người, mang ơn rất nhiều người. Từ người có công dựng nước, đến cả dân tộc anh hùng trên mảnh đất hình cong chữ S này. Hình ảnh các bia mộ xếp hàng trong các nghĩa trang liệt sĩ và những vong hồn còn đâu đó chưa được tìm thấy đều là những ân nhân của mỗi chúng ta. Và ta còn nợ đối với gia đình, người thân của họ trên toàn thế giới, nghĩa cử to lớn của những ân nhân mà tác giả đã liệt kê trong bài viết.

Suốt ba mươi năm dân tộc ta chiến đấu cho nền độc lập, chúng ta không lẻ loi, bạn bè ta ở khắp năm châu, ở ngay trong lòng đất nước đã đi xâm lược nước ta. Không phân biệt trình độ, màu da, bạn bè ta đã trải lòng, không chỉ bằng tiếng nói, bằng hành động mà còn bằng cả mạng sống của chính mình. Ơn này lớn lắm mà đất nước, gia đình, người thân của họ có kể ơn đâu, nhưng đã là người chịu ơn, chúng ta không thể quên. Nhớ lại những ngày đầu ta giành chính quyền, xuất hiện danh từ “Việt gian” để vạch mặt những kẻ bán nước cầu vinh, làm tay sai cho giặc. Khi trẻ con chơi với nhau lỡ nói cha đứa bé nào đó là Việt gian thì nó sẽ phản ứng bằng cách nhào vô đánh nhau ngay, nếu yếu thế thì chạy về nhà khóc, mách lại với bố rằng bạn ấy nói bố là Việt gian. Đủ để thấy từ Việt gian xấu xa đến mức nào, người là Việt gian nhục nhã đến mức nào.

Ngày nay danh từ Việt gian ít được nói đến. Hại dân, hại nước tới mức nào mới coi là Việt gian, chắc các nhà nghiên cứu còn suy nghĩ?

Bọn này phải xếp vào loại vô ơn bội nghĩa, làm tổn hại đến thanh danh người Việt Nam chân chính, người luôn lấy ơn làm trọng, lấy nghĩa làm trên, lấy tình làm gốc.

Tác giả bài báo đã nêu lên tên người và nghĩa cử những nhân vật một thời đã làm cho người Việt Nam ta xúc động nghiêng mình. Nay nhắc lại, những ai đã sống trong thời kỳ ấy chắc hẳn còn rung động rơi nước mắt.

Chúng ta còn nợ nhiều lắm.

Với tôi, những dòng chữ in đậm gần cuối bài viết của tác giả “Theo tôi cần tìm cơ hội để mời đông đảo anh em bạn bè, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đến họp mặt một lần tại Việt Nam để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chính thức nói với họ một lời CẢM ƠN và có thể, cả những lời XIN LỖI. Dù là quá muộn nhưng còn hơn không” rất đáng lưu tâm. Tôi tán thành. Sự kiện này thực hiện trong tầm tay.

Ngày nay ta có nhiều tổ chức có thể làm được và làm tốt. Ta có nhiều Hội hữu nghị với các quốc gia trên thế giới; ta có Hội người Việt Nam ở nước ngoài; ta có Đại sứ quán ở nhiều nước; ta có nhiều tổ chức phi chính phủ đang làm việc trên đất nước ta; ta có cả phong trào các nước ủng hộ ta trong lúc hoạn nạn. Ta có rất nhiều bạn chân thành đúng nghĩa.

Đây là một dịp rất tốt để nhân dân ta nói lên lời biết ơn đối với bạn bè thế giới. Đó sẽ là sức mạnh, giúp chúng ta đứng vững đấu tranh với kẻ xấu muốn cô lập chúng ta, chèn ép chúng ta, biến đất nước ta thành miếng mồi ngon béo bở nhằm thực hiện mộng bá quyền trên mảnh đất nhỏ bé nhưng vô cùng xinh đẹp này.

Ngày hội cảm ơn, ta có thêm nhiều bạn bè cùng ta tô đậm hai chữ VIỆT NAM trên trường quốc tế.

PHAN BÌNH (Số 17 đường Lý Tự Trọng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)