HV120 - Nhân đọc “Nguyễn Bính toàn tập” kỷ niệm 100 năm tuổi của nhà thơ

Tôi vốn yêu thơ Nguyễn Bính từ những năm tuổi học trò cho đến khi tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, rồi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như đến tận bây giờ tình cảm đó vẫn không thay đổi, dù sau này tôi đọc nhiều thơ hơn của các nhà thơ tên tuổi khác. Bởi với tôi, thơ Nguyễn Bính đậm chất ca dao của dân tộc Việt Nam nhè nhẹ đi vào tâm hồn con người rất tự nhiên như hơi thở, nhưng cũng không kém phần rung động tế nhị và sâu lắng.

Trong kháng chiến chống Pháp, tôi quen một anh bạn trong đội du kích ở huyện Duyên Hải - tỉnh Trà Vinh, anh cũng rất yêu thơ Nguyễn Bính, nhất là bài Lỡ bước sang ngang mà anh cho là bài thơ tình hay nhất trong những bài thơ tình của các nhà thơ nổi tiếng thời trước Cách mạng tháng Tám. Anh cũng chép cho tôi bài thơ Xuân lại tha hương mà anh nói là một trong bộ ba “trường thiên độc vận”, thơ nói về những ngày lưu lạc đón xuân đất phương Nam trước năm 1945 của nhà thơ Nguyễn Bính. Đó là các bài Xuân tha hương, Xuân lại tha hương, Xuân vẫn tha hương, tiếc rằng hai bài xuân kia anh chưa có dịp đọc, không biết đăng ở báo nào. Tôi học thuộc lòng bài Xuân lại tha hương và cũng có ý tìm hai bài kia, nhưng cũng như anh, tôi tìm chưa được. Mãi đến nay - năm 2017 - nhân kỷ niệm 100 năm tuổi nhà thơ, trong tay tôi có hai tập Nguyễn Bính toàn tập đồ sộ do con gái lớn nhà thơ là Nguyễn Bính Hồng Cầu sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. Khi sách gởi đến, tôi đọc liền một mạch các bài thơ và rất sung sướng được đọc hai bài Xuân tha hương (trang 242), Xuân vẫn tha hương (trang 303) như hằng nhiều năm mong ước. Nhưng tôi tìm mãi không thấy trong toàn tập bài thơ Xuân lại tha hương, tôi rất tiếc và không hiểu sao lại thiếu vắng bài thơ này, mà theo tôi, đó là bài thơ hay nhất trong bộ ba “trường thiên độc vận” về mùa xuân phương Nam của nhà thơ họ Nguyễn. Tôi xin chép lại bài thơ Xuân lại tha hương(*) để tặng cho những người yêu thơ Nguyễn Bính mà chưa có dịp đọc. (Đây là bài thơ chép theo trí nhớ, có thể đôi chỗ sơ sót. Kính mong quý vị nào có bản gốc bổ sung cho).

Xuân lại tha hương

Gửi chị Trúc

Quê người nấn ná gặp xuân sang

Thép rỉ non mòn dạ ngổn ngang

Em viết thư này riêng gửi chị

Một đêm trăng khuyết đối đèn tàn

Một đêm trăng khuyết đầy thương nhớ

Đất Bắc xa vời không tiếng vang

Cát bụi ngập trời lo ngại quá

Nhạn về không thấy nhạn bay sang

Em vốn đường dài thân ngựa lẻ

Chị thời sông cái chiếc thuyền nan

Quê người đứng ngắm mây lưu lạc

Bến cũ nằm nghe sóng nhỡ nhàng

Quản bao khấp khểnh mà ngao ngán

Dù một lênh đênh cũng bẽ bàng.

Em ở miền Nam trời nắng lắm

Sài Thành không biết có xuân sang

Dưa hấu chất cao hơn nóc chợ

Mà bông mai nở cũng huy hoàng

Cái tết miền Nam vô vị thế

Quê nhà em chẳng nhớ sao đang?

Ôi vườn dâu cũ ai cười đó?

Xào xạc bên sông tiếng chợ tàn

Xuân này chắc chị không buồn chứ?

Chị đốt trầm lên lựa tiếng đàn

Em mơ thấy chị trong hoa nở

Lã chã tay ngà gieo phiếm loan

Khúc gì đấy nhỉ? Nhưng em biết

Nhất định không là khúc “quá quan”

Xuân này đất Bắc ra sao nhỉ?

Đào có hây hây, cúc có vàng

Câu đối có còn ôm đỏ cột

Nêu dài tiếng khánh có khua vang

Chị về lễ Tết hôm mồng một

Em khối tiền tiêu chị mở hàng

Sang xuân đình đám vui như Tết

Hết đám làng bên lại đám làng

Em nhớ đào Nhâm phường Đặng Xả

Đóng bà Thị Kính mắc hàm oan

Thị Mầu chòng ghẹo mà không chuyển

Nhâm có đôi bàn tay đến ngoan!

Kể từ xa chị lìa phương Bắc

Hồng nhạn lên đường sang xứ Nam

Chị ạ! Biển đời đang sóng gió

Sá gì say đắm một hoa lan

Gió ư, mặc gió! Mưa thây kệ

Bình tĩnh mà đi đến khải hoàn

Rượu ngon thiên hạ vui thì uống

Nhan sắc trần gian đẹp chẳng màng

Em chẳng bao giờ em chịu nói:

“Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”

Mấy “mỹ nhân quan” thì cũng “quá”

Chuyến này đánh rẻ cái hồng nhan!

Cố nhân buổi trước khinh gương vỡ

Đành phụ không chờ em quá giang

Trăng thề khuyết đó, sông thề cạn

Vàng đã phai rồi đá cũng tan!

… Đã mấy xuân rồi nơi đất khách

Xuân này ai biết lại tha hương

Em ra bến nước trông về Bắc

Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng.

***

Trong Nguyễn Bính toàn tập xuất bản lần này tôi cũng tiếc là không thấy in bài thơ Tiểu đoàn 307 được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc (hình như cũng giống như Tạ Thanh Sơn, tác giả bản nhạc Nam Bộ kháng chiến nổi tiếng: “Mùa thu rồi ngày hăm ba…”, cũng chỉ sáng tác có một bài). Theo tôi, đây là bài thơ tiêu biểu nhất cho khí phách của nhà thơ trong thời ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (1945-1954). Và không có gì ngạc nhiên khi bài hát Tiểu đoàn 307 ra đời, qua giọng hát trầm hùng sôi động của danh ca Quốc Hương (cũng là anh “bộ đội Cụ Hồ” hồi đó) đã được nhân dân Nam Bộ - cũng như nhân dân cả nước sau này - nhiệt liệt hoan nghênh và phổ biến rộng rãi.

Có lẽ so với những nhà thơ cùng thời với Nguyễn Bính từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, hiếm ai có thơ được phổ nhạc nhiều như thơ ông, mà nổi bật nhất chính là bài thơ Tiểu đoàn 307 đẹp như một khúc tráng ca.

Đối với những người yêu thơ văn đất Việt thì Nguyễn Bính toàn tập được sưu tầm và biên soạn công phu ra mắt nhân kỷ niệm tròn 100 tuổi (1917 - 2017) của nhà thơ Lỡ bước sang ngang nổi tiếng… là một món quà tặng có ý nghĩa đặc biệt dành riêng cho những người yêu mến thơ ông.

Đầu thu Đinh Dậu 2017

 

_____

(*) Có tài liệu cho biết Nguyễn Bính viết bài thơ này ở Sài Gòn những ngày Tết Nguyên đán năm 1942 hay 1943 (H.V)

DƯƠNG LINH