Từ sau khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển ra bưng biền rừng núi để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, hầu hết các thành thị ở trong nước đều thuộc quyền kiểm soát của các chế độ quốc gia tự xưng. Dù bộ máy cầm quyền của các chế độ ấy đã nhiều lần thay đổi nhưng tư tưởng chống Cộng vẫn luôn luôn là quốc sách. Trong vùng quốc gia, những gì biểu hiện tình cảm cách mạng, thân thiện với kháng chiến đều bị coi là thù địch và bị cấm ngặt. Ai vi phạm có thể phải trả giá đắt.
Thế nhưng trong khoảng những năm từ 1947 đến 1957, có một số văn nghệ sĩ kiên trì bám trụ thành phố để sáng tác và chiến đấu chống âm mưu nô dịch văn hóa của địch. Sau này các nhà nghiên cứu văn học gọi họ là nhóm hoạt động văn hóa yêu nước trong vùng địch. Sáng tác của họ bao gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết tâm lý xã hội, truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi, truyện dã sử, truyện đường rừng. Nhân vật trung tâm của họ mang hình ảnh những chiến sĩ du kích, liên lạc, nữ cứu thương, trí thức yêu nước và cả những người yêu nước đang làm việc trong guồng máy của địch. Địch ở đây được các tác giả gọi đích danh là giặc Pháp, là phát xít Nhật hoặc bầy chó đê hèn của chúng. Xin kể một số tác giả và tác phẩm văn học tiêu biểu sau đây:
Lý Văn Sâm (1921-2000): Còn có các bút hiệu Văn Sâm, Huyền Sâm, Ánh Minh, Mộc Tử Lang. Quê ở Tân Uyên, tỉnh Đồng Nai. Ông từng thoát ly theo kháng chiến. Sau năm 1954, được bố trí ở lại thành phố làm công tác địch hậu. Bị tù hai lần. Sau cùng vượt ngục về được với cách mạng và tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng. Tuy thời gian ở nội thành không nhiều nhưng bút lực của ông rất khỏe và có rất nhiều bạn đọc.
Một số tác phẩm nổi tiếng: Sau dãy Trường Sơn, Sương gió biên thùy, Nắng bên kia làng, Ngàn sau sông Dịch, Chiếc vòng ngọc thạch, Thèm một ngọn đèn, Ngoài mưa lạnh, Mưa Sài Gòn, Người đi không về, Lạc loài…
Thẩm Thệ Hà (1923-2009): Tên thật là Tạ Thành Kỉnh. Quê ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Năm 14 tuổi đã làm chủ bút tạp chí Bạn trẻ quy tụ nhiều cây bút như Hường Hoa, Khổng Dương, Vân An, Đoàn Giỏi… Ngoài sáng tác văn học, ông còn dịch sách và viết sách giáo khoa.
Tác phẩm: Vó ngựa cầu thu, Gió biên thùy, Người yêu nước, Bạc áo hào hoa…
Dương Tử Giang (1914-1956): Tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ. Quê ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ở Sài Gòn, ông thực hiện các tờ báo Công lý, Điện báo, Duy tân. Năm 1955, ông cùng các nhà văn Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm, Tô Nguyệt Đình, Tư Mã Việt bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa. Năm 1956 ông tham gia phá khám, vượt ngục nhưng bị trúng đạn và hy sinh.
Tác phẩm: Con gà và con chó, Nửa đêm về sáng, Tranh đấu, Một vũ trụ sụp đổ, Vè Bảo Đại…
Vũ Anh Khanh (1926-1956): Tên thật là Võ Văn Khanh. Quê ở Mũi Né, tỉnh Bình Thuận. Năm 1950, bị chính quyền thực dân lùng bắt, ông thoát ly theo kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Sau, chết ở Quảng Trị. Ông để lại hai tác phẩm được nhiều người ưa thích: Tha La xóm đạo (thơ) và Nửa bồ xương khô (tiểu thuyết).
Lê Vĩnh Hòa (1932-1967): Tên thật là Đoàn Thế Hối. Quê ở Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Sống và sáng tác ở Sài Gòn. Hy sinh ở chiến trường miền Tây Nam Bộ trong một trận đánh vào năm 1967.
Tác phẩm: Vỏ cà rem, Người tị nạn, Lúc chiều xuống, Chiếc áo thiên thanh, Trăng lu, Vắng bóng, Tiếng hú giữa rừng khuya…
Trang Thế Hy (1924-2015): Tên thật là Võ Trọng Cảnh. Các bút hiệu khác: Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm. Quê ở Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Tác phẩm: Nắng đẹp miền quê ngoại, Áo lụa giồng, Một thiếu nữ không đáng kể…
Tô Nguyệt Đình (1920-1988): Tên thật là Nguyễn Bảo Hóa. Còn có bút hiệu khác là Tiêu Kim Thủy. Quê ở Phước Lễ, Bà Rịa.
Tác phẩm: Ải Chi Lăng, Chàng đi theo nước, Bộ áo cà sa nhuộm máu, Bức địa đồ máu…
Ngoài ra còn một số văn nghệ sĩ khác như Truy Phong, Tư Mã Việt, Hoàng Tấn, Khổng Dương, Vân An, Đoàn Giỏi… cũng có những đóng góp nhất định đối với dòng văn hóa văn nghệ công khai này. Tác phẩm Một thế kỷ, mấy vần thơ của Truy Phong (ảnh bên) rất có tiếng vang từ sau Hiệp định Genève. Ở Huế có Vân Sơn Phan Minh Tân với tập thơ Tiếng nói của dân nghèo thường do chính tác giả mang đi rao bán ở các bến xe; Phong Sơn với tập thơ Gánh đất đắp nền; Võ Đình Cường với tạp chí Ngày mai. Buổi đầu tác phẩm của họ thường đăng ở các tờ báo trong Nam, ngoài Bắc như: Tiểu thuyết Thứ bảy, Nhân loại, Đời mới, Tiếng chuông… Các tiểu thuyết thường in ở các nhà xuất bản lớn như Tân Việt, Nam Việt. Về sau Tô Nguyệt Đình và Thẩm Thệ Hà thành lập nhà xuất bản Lá Dâu rồi nhà xuất bản Tân Việt Nam để có thể chủ động trong việc phổ biến tác phẩm.
Đặc biệt họ đã tổ chức thực hiện được Tủ sách Bạn Trẻ với hàng loạt tập truyện ngắn, truyện vừa đặc sắc. Có thể nói, từ trước và cả đến nay, chưa có một nhà xuất bản nào có được một tủ sách dành cho tuổi nhỏ giàu tính văn học và tính giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm như vậy.
Xin kể một số tên các tập truyện trong Tủ sách Bạn Trẻ đã được xuất bản: Thù nhà nợ nước, Khói lửa toàn dương, Con đường nghĩa vụ, Sống mạnh sống hùng, Mười năm nuốt hận, Mây trôi về Bắc, Hoàng hôn sắc tím, Trong quân y viện, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng, Sóng vỗ bờ xa, Nga và Thuần, Cỏ mọn hoa hèn, Trong cơn ly loạn, Thằng con bất hiếu, Đầm Ô Rô, Xóm Hoàng Mai, Ngọn giáo non sông, Con vịt xám, Mẹ cũng chết vì tổ quốc, Hùm thiêng Yên Thế…
Lúc bấy giờ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, thơ ca lãng mạn, âm nhạc tiền chiến vẫn còn chiếm lĩnh từ trong nhà trường đến ngoài xã hội. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện các tác giả và tác phẩm nói trên đã định hình một dòng văn học yêu nước công khai trong lòng địch.
Song song với dòng chảy của văn học, còn phải ghi nhận tinh thần yêu nước nồng nàn từ các ca khúc dành cho thế hệ trẻ. Một trong những ca khúc tiêu biểu được phổ biến rộng khắp là bài Học sinh hành khúc của Lê Thương:
“Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao.
Lúc khắp quốc dân tranh đấu hy sinh cho nền
độc lập.
Học sinh nề chi tuổi xanh chung sức phấn đấu.
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến
lên!
Học sinh là mầm sống của ngày mai.
Nung đúc tâm hồn để nuôi chí lớn.
Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì nước, vì dân mà thôi”.
Hoặc:
“Khỏe vì nước, chí khí cương kiên.
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên.
Trong khốn nguy can trường, sống thác ta coi
thường.
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm”
(Khỏe vì nước của Hùng Lân)…
Hầu hết ca khúc dành cho tuổi trẻ thời ấy đều có nhịp điệu hùng hồn, lời ca trong sáng và thiết tha như tiếng gọi của non sông.
Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn còn gian khổ ác liệt. Thuở ấy tôi chỉ là một thằng cu tí lớn lên trong vùng quốc gia. Nhưng may thay, tâm hồn trẻ thơ của tôi đã được nuôi nấng bằng những tác phẩm của dòng văn hóa văn nghệ yêu nước tiến bộ này, như được nuôi bằng dòng sữa ngọt lành của bà mẹ Tổ quốc anh hùng.
Từ sau Hiệp định Genève, có một đội ngũ văn nghệ sĩ chống Cộng mọc lên nhằm xóa bỏ thành quả của cách mạng trong đời sống văn hóa văn nghệ và vẽ vời những bức chân dung khác cho thế hệ những thằng cu tí của chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Đội ngũ này có đầy đủ binh hùng tướng mạnh, tiền bạc, vũ khí và có cả son phấn ngọt ngào từ bàn tay viện trợ lông lá của Hoa Kỳ. Hoạt động ồn ào của họ cũng thu được những kết quả nhất định - từng lúc từng nơi, làm lu mờ nguội lạnh hào khí của thời chống Pháp.
Nhưng chỉ không đầy mười năm sau đó, trong thời chống Mỹ, sẽ có một dòng văn hóa văn nghệ yêu nước tiến bộ khác xuất hiện trong phong trào tranh đấu công khai của trí thức, sinh viên học sinh miền Nam với thơ, văn, âm nhạc, hội họa, báo chí mang khí thế của Tiếng trống hào hùng, Tiếng hát những người đi tới, Dậy mà đi… Trong ca khúc Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập vào thập niên 1970 có câu: “…Hát cho anh nông dân, bỏ cày theo tiếng loa vang”. Tiếng loa này đã một lần vang lên trong ca khúc Thu khói lửa của Nguyễn Hữu Ba thời chống Pháp: “…Có đoàn nông phu hùng tráng. Buông cày theo tiếng loa vang”. Lời và ý trong hai ca khúc nói trên giống nhau là thế nhưng không thể coi đây là trường hợp đạo văn, đạo nhạc mà chính là một sự nối tiếp. Và nếu nhìn cho kỹ thì sẽ nhận ra trong trận đấu tranh cuối cùng này, không chỉ có chút hơi hướm của Nguyễn Hữu Ba mà còn có sự hiện diện tích cực của những chiến sĩ văn hóa thuộc thế hệ đàn anh như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Thiếu Sơn, Nguyễn Trọng Văn, Phạm Trọng Cầu, Phạm Thế Mỹ…
Từ thời chống Pháp đến thời chống Mỹ, cả hai thế hệ tác giả và tác phẩm tuy có không ít khác biệt nhưng tất cả đều chung một dòng chảy, nối tiếp không ngừng.