HV120 - Trò chuyện với nhà văn MA VĂN KHÁNG

* M.Q.L.: Thưa anh, người ta nói rằng tiểu thuyết là chiếc máy cái của văn học, là anh hùng ca của thời đại. Theo đó, anh đánh giá thế nào về vai trò, thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam trong văn học? Nó đã làm được nhiệm vụ đó chưa? Mặt mạnh và mặt yếu của nó?

- Nhà văn MA VĂN KHÁNG: Tiểu thuyết có vị trí lớn lao như thế, theo tôi hiểu, vì nó là mảnh đất lưu giữ bóng hình cuộc đời một cách đầy đủ trọn vẹn nhất. Hay nói như J.P. Sartre, tiểu thuyết là nơi phóng chiếu hình ảnh con người rõ nhất, đọc nó người ta thấy ở đó dân tộc mình và thời đại mình. Năm 1968, nước Colombia ở Mỹ La tinh sôi nổi tìm mọi cách, dùng đủ mọi phương tiện để được đăng cai World Cup - một vinh dự lớn lao. Đúng thời điểm đó, tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của nhà văn Garcia Marquez được nhận giải Nobel văn học. Lập tức Tổng thống Colombia tuyên bố nước này không cần đăng ký World Cup nữa. Vì đã có Trăm năm cô đơn. Vì với tác phẩm văn học lớn này, thế giới đã có thể hiểu thấu con người và đất nước này! Còn năm 1987 thì Chế Lan Viên đặt Truyện Kiều trong bảng giá trị của dân tộc và thời đại như sau: “Không có Du, thế kỷ này đành tay không” (Kiều, 1987). Tất nhiên ở đây Truyện Kiều được hiểu như là một kiệt tác tiểu thuyết viết bằng thơ.

Tôi đọc không nhiều, nhưng theo thiển nghĩ, thành tựu về tiểu thuyết Việt Nam còn khá mờ nhạt, trong khi truyện ngắn và thơ thì khá nổi trội. Truyện ngắn của ta xem ra có thể ngẩng cao đầu với anh em bạn bè được lắm chứ. Còn tiểu thuyết của ta mạnh về chất liệu hiện thực, nhưng thiếu những hình tượng thẩm mỹ, tư tưởng độc đáo và có tầm vóc lớn.

* Trong những tiểu thuyết của anh, anh yêu thích cuốn nào nhất? Cảm hứng lớn nhất của những cuốn đó là gì? Khi viết những cuốn đó, anh quan niệm và nhìn hiện thực đời sống, nhìn con người thế nào? Tiểu thuyết của anh khác biệt với các tiểu thuyết khác của người khác như thế nào (về giọng điệu, ngôn từ, phong cách, cách nhìn…)?

- Khó nói nhỉ? Với những đứa con mình dứt ruột đẻ ra, có đứa nào mình không quý, không yêu. Thêm nữa, mỗi đứa con một vẻ. Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Chim én liệng trời cao… của tôi hồn cốt sử thi. Dính dáng tới đời tư của tôi thì có Côi cút giữa cảnh đời, Mùa lá rụng trong vườn, Chuyện của Lý, Ngược dòng nước lũ. Vừa có tính tự truyện vừa giàu tính thế sự thì có Đám cưới không có giấy giá thú, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Một mình một ngựa. Tuy nhiên, theo dư luận bạn đọc thì có lẽ, những cuốn sách ở dòng thứ ba này, trong đó đặc biệt là cuốn Đám cưới không có giấy giá thú là những cuốn chẳng những bạn đọc mà tôi cũng rất thích. Nó là một phần máu thịt của cuộc đời tôi. Còn nói về nghiệp viết thì ở những cuốn này, tôi trốn lẩn đi, tôi đeo mặt nạ của nhân vật trong cuốn sách để kể lại chuyện của mình. Cảm hứng chi phối tôi mãnh liệt khi viết tiểu thuyết là cảm hứng bi hùng. Tôi cảm thấy chỉ có cảm hứng ấy mới đưa ta đến với cuộc đời thật sự, mới hiểu cuộc đời một cách đầy đủ nhất. Tôi yêu vẻ đẹp trong đau thương mà bất chấp, mà ngạo nghễ hiên ngang. Tôi thích một giọng điệu văn chương trữ tình và tráng lệ.

* Trong các nhà văn Việt Nam hiện đại, anh thích nhà văn nào (Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…)?

- Tôi đọc gần như tất cả các tác phẩm của các nhà văn kể trên. Tôi thật sự kính trọng và yêu quý họ. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi người cho tôi một lời khuyên, một bài học. Mặc dầu tôi ít có điều kiện gần gụi họ. Với các nhà văn ấy, tôi coi như những tác giả đã ổn định giá trị rồi. Mà với các tác giả loại này, riêng tôi nghĩ, không có chuyện chê bai hoặc thậm chí mổ xẻ phân tích hay dở.

* Những “đổi mới” của văn học phương Tây về nghệ thuật viết tiểu thuyết đang ào tới Việt Nam. Theo anh, trong những đổi mới (cách tân) đó, cái gì anh cho là đáng giá nhất, quý báu nhất, đáng học nhất?

- Nghệ thuật viết tiểu thuyết của phương Tây vào Việt Nam khi tôi đã chẳng còn trẻ, khi tự thấy mình đã định hình một nếp nghĩ, một kiểu tư duy, một lý tưởng thẩm mỹ. Hay dở gì thì cũng đã ăn gần hết bát cơm gạo cũ, còn một góc bát cơm nữa thì ăn nốt thôi. Không mặn mòi gì cũng còn là vì hiểu rằng, tiếp nhận học hỏi được đến đâu còn do cái tạng của mình, cái phần văn hóa nó đã tạo nên con người bên trong của mình nữa. Vả chăng, đã biết thế nào! Tuy nhiên, đọc họ, thành thật mà nói, điều tôi hứng thú nhận ra duy nhất là họ đã thật sự kích thích cảm hứng tự do ở tôi trong cách viết. Mikhail Kundera, nhà văn gốc Tiệp với tiểu thuyết Sự bất tử chẳng hạn, ông là tác giả để lại ấn tượng mạnh nhất về quan niệm tiểu thuyết. Với ông, tiểu thuyết không phải là một thể loại, mà là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể tạo ra hiệu quả chân lý, một hiệu quả chân lý không thể đạt được bằng con đường khác. Tiểu thuyết là một tột đỉnh siêu ngôn ngữ, một thiết bị có khả năng sáp nhập tối đa tất cả mọi diễn từ khác, kể cả triết học. Cho nên, âm sắc dệt nên tiểu thuyết của ông là âm thanh của hai nhạc cụ nhằng nhịt xoắn quyến lấy nhau rồi lại tách rời nhau ra đối kháng nhau, đó là truyện kể diễn từ.

Nói một cách khái quát thì tự do, phóng túng hơn, không hoàn toàn nệ vào cái đã thành cổ điển, hướng tới cái chưa hoàn thành… là những điều tôi có thể đã tiếp nhận được trong khi tiếp xúc với nghệ thuật viết tiểu thuyết của phương Tây. Tuy nhiên, trước sau tôi cũng vẫn khẳng định rằng, dù có vô tình hay hữu ý chịu ảnh hưởng của dòng văn học nước ngoài nào đó, thì tôi về cơ bản vẫn là một tín đồ trung thành và có phần bảo thủ vì tin ở những giá trị cơ bản của tiểu thuyết truyền thống.

* Người đọc đang đợi chờ nhiều ở tiểu thuyết. Nhưng hình như ta có quá ít nhà văn viết ra được những cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng. Theo anh, chỗ yếu của tiểu thuyết của văn học ta hiện nay là gì?

- Khó thật! Viết được một truyện ngắn hay khó như bắt được một con chim. Viết được một cuốn tiểu thuyết chưa nói là hay lắm cũng đã thấy khó như đi săn một con hổ dữ rồi. Đã có những tháng ngày liều lĩnh và điên rồ dấn thân vào thể loại chủ công của văn học này, tôi cũng như nhiều bạn bè đồng nghiệp nhận ra, đây là một việc làm luôn quá sức mình. Viết tiểu thuyết như với tới trời cao. Viết tiểu thuyết là một cuộc độc hành, tự hành hạ mình, tự mình sinh nở ra mình, vô cùng khốn khổ. Có được một cuốn tiểu thuyết để đời là giấc mơ lên thiên đường của cả trăm nhà tiểu thuyết nước ta.

Đúng là tiểu thuyết của ta còn rất ít cuốn gây ấn tượng. Tiểu thuyết ta đang đứng ở quãng lưng chừng giữa cái thật và cái hay. Lại có người nói, ở những cuốn xuất sắc nhất, tiểu thuyết của ta cũng chỉ mới hay ở mức độ hiểu được. Chứ chưa hay đến mức không hiểu, không giải thích được! Trời, cái hay sao mà vô lượng, vô biên mà thăm thẳm vậy!

Để có tác phẩm hay, tác phẩm lớn, Goethe, thi hào Đức, nói cần có 3 yếu tố sau đây: 1/ Dân tộc đó có cái gì đó có thể nói với nhân loại; 2/ Tài năng xuất hiện và có khả năng biến những vấn đề của dân tộc thành hình tượng nghệ thuật; 3/ Tài năng đó được sáng tác trong thời kỳ sung sức nhất.

Đó là nói một cách phổ quát. Còn trong một lần trò chuyện với các nhà văn trẻ, tôi được nghe Nguyễn Đình Thi nói: “Trong các tác phẩm của H. de Balzac, tôi thích Eugénie Grandet hơn cả và nghĩ, có lẽ tư duy truyền thống Việt gần gụi với kiểu dáng tiểu thuyết có đường nét thanh nhã này”. Ý kiến này là của riêng Nguyễn Đình Thi. Và tôi cũng đồng ý kiến với ông. Như vậy, tiểu thuyết hay của chúng ta chắc cũng không phải là quá hiếm hoi. Ví dụ những năm 1930-1945, hiển nhiên có thể kể đến Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo của Nam Cao, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài… Và ở những ngày chúng ta đang sống đây, hẳn là có tên một số tác phẩm của các nhà tiểu thuyết đang sung sức chứ!

* Cảm hứng giảm, người đọc phân tán, phân hóa, nghề viết trong thị trường cực kỳ khó khăn… Làm sao cho văn chương khởi nghiệp? Anh hy vọng gì ở văn học Việt Nam? Nhìn ra thế giới, nhìn ra chung quanh, cũng không thấy có gì đáng phấn khởi lắm về văn học. Nobel cũng không thuyết phục, vì nhiều chính trị, ít văn học. Thời đại thì biến động lớn lao, phức tạp… thế mà nhà văn không được như các thời trước, thời mà người ta gọi các vị ấy là “lương tâm của thời đại”. Anh có thấy bi quan không?

- Thời đại biến động lớn lao, phức tạp…, vai trò nhà văn đã chẳng còn được như ngày nào nữa. Đó là một sự thật. Sự thật là với văn chương hư cấu ngày hôm nay đã chẳng còn mấy mặn mà gì với rất nhiều bạn đọc. Vì xem ra, như nhiều người đang nghĩ, những cuốn tiểu thuyết đọc được, ngoài tác dụng giải trí ra, nó chẳng tạo ra được cái gì cho con người, nó không thay đổi được điều gì, không làm cho cuộc sống tốt hơn hay dở đi.

Thực tế ấy ít nhiều cũng gây nên một nỗi buồn. Nhưng với tôi, chỉ là một chút buồn man mác cần chấp nhận thôi, chứ không đến mức bi quan. Thời đoạn mỗi cuốn tiểu thuyết hay được coi như Thánh Kinh, như trường hợp Thép đã tôi thế đấy với tư tưởng “Người ta chỉ sống có một lần…” đã từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam những năm khói lửa chiến tranh cách mạng vậy là đã mãn! Văn học trở lại vị trí khiêm nhường đích thực của nó. Nó không phải là cuốn sách giáo khoa theo ý nghĩa đi dạy dỗ ai. Nhà văn không phải là nhà sư phạm, nhà truyền bá đạo đức. J.P. Sartre viết: “Văn hóa chẳng cứu vớt được ai, chẳng cứu vớt được cái gì, văn hóa không biện hộ. Nhưng đấy là sản phẩm của con người; con người tự phóng chiếu trong đó, tự nhận ra mình trong đó, riêng chỉ có tấm gương ấy cũng cho con người thấy hình ảnh của mình”.

Và như vậy, kịch Shakespeare vẫn được diễn ở Nhà hát lớn, tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình vẫn liên tục tái bản. Tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương và những cuốn sách tiểu thuyết hay viết về những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc vẫn được viết và in đi in lại. Con người trong chiều sâu tâm hồn vẫn có nhu cầu được nhìn thấy hình ảnh mình trong văn chương. Văn chương nói riêng và tiểu thuyết nói riêng vẫn gắn kết với cuộc sống tinh thần của con người, tuy là đã có sự nhường bước đáng kể cho sự tồn tại của các hình thái văn hóa mới phát triển khác. Và đó là lý do tồn tại vĩnh cửu của văn học. Là niềm an ủi những lúc lao lung, là cảm hứng không hề vơi giảm, là niềm tự hào mãi mãi của nhà văn.

* Có thuyết “văn học đã chết”, “văn học mất thiêng” (do nhiều nguyên nhân), anh nghĩ sao? (ở đây nói cả thế giới). Anh nghĩ sao về “văn học đồng phục”, văn học hư cấu và văn học người thực? Nghe nhìn lên ngôi, mạng lên ngôi, đọc bế tắc, văn học báo chí sẽ đi về đâu?

- Khoảng dăm bảy năm nay, do tuổi đã cao, lại thêm bệnh trọng, nên tôi không còn mấy sức lực quan tâm đến các vấn đề của văn học. Riêng cái mệnh đề “văn học đã chết” thì có nhẽ là tôi nghe thấy đã lâu rồi. Mà trên thực tế hiểu biết của tôi thì nó không phải thế. Trên thế giới, giải Nobel văn học hằng năm vẫn trao đều đều và dẫu có chuyện này chuyện nọ, nhưng xem ra sự hưởng ứng cũng không đến nỗi quá nhạt nhẽo. Còn trong nước, theo quan sát của tôi, số người tham gia hoạt động văn học, đặc biệt là các bạn trẻ thì đâu có vơi giảm. Cái chết của văn học, nếu được hiểu là một cách nói ngoa ngữ, thậm xưng để chỉ sự giảm thiểu ý nghĩa, tầm quan trọng, vị trí và ảnh hưởng của văn học trong đời sống xã hội so với những quan niệm kinh viện lưu hành bấy lâu, thì theo tôi là có lý.

* Là một nhà văn có quan tâm đến lý luận phê bình, anh nghĩ sao về những phạm trù mới của văn học phương Tây mà ở ta đang ồn ào vận dụng: phê bình sinh thái, phê bình phân tâm, phê bình nữ quyền…?

- Năm rồi, có một nghiên cứu sinh thạc sĩ làm luận văn dưới cái nhìn phê bình sinh thái cuốn Mèo con nghịch ngợm và một số tác phẩm khác của tôi, đó là lần đầu tiên tôi biết đến phạm trù lý luận phê bình này, nhưng cũng chỉ biết ở mức lơ mơ. Còn với các phạm trù phê bình văn học khác quả thật tôi “kính nhi viễn chi” và mù tịt cả.

Ngày 4-9-2017

M.Q.L.