Hv120 - Về tiểu thuyết “Hoa hướng dương”

Nhà văn Đồng Đen (Ngô Bá Chính) là tác giả của các tác phẩm: Quán rượu Bà Điểm (truyện ký, 1983; chuyển thể kịch truyền hình Điểm hẹn vùng ven, 1984), Những anh hùng chưa tuyên dương (truyện dài, 1993), Cô gái Củ Chi (tiểu thuyết, 1994), Bông vạn thọ (truyện ký, 1995), Vượt Côn Đảo (truyện ký, 2005), Chiếc áo màu xanh (tập truyện, 2016). Nhà văn Đồng Đen từng đạt Giải nhất cuộc thi viết về Bà mẹ Việt Nam anh hùng với tác phẩm Bông vạn thọ, do Hội Văn học - Nghệ thuật và Sở Thương binh - Xã hội TP.HCM tổ chức; Giải C cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoa hướng dương (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2016) là tiểu thuyết của nhà văn Đồng Đen (Ngô Bá Chính), dựa theo hồi ký của chính tác giả - một chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa. Tiểu thuyết bao gồm 4 phần: 1) Giữa lòng thành phố, 2) Vùng ven đô, 3) Trận tuyến đặc biệt, 4) Ngày trở về; nhằm tái hiện những trận đánh tiêu biểu của các chiến sĩ biệt động. Qua đó, người đọc sẽ hiểu hơn về quá trình xây dựng lực lượng, hoạt động tác chiến của các chiến sĩ ngay trong lòng nội đô Sài Gòn, với đỉnh cao là trận tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân năm 1968; cảnh tỉnh cho Mỹ nhận ra rằng, họ không thể thắng nổi trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bằng giọng văn đậm chất Nam Bộ, từng chân dung của chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa hiện lên sống động, gần gũi, mến thương. Họ - những chiến sĩ biệt động gan dạ, dám làm những việc phi thường, song lại rất bình dị, đời thường. Này là Hưng Cụt xuất thân từ một đứa trẻ bán báo, rồi mồ côi, sống bụi đời và trộm cắp nhưng nhờ giác ngộ cách mạng mà trở thành chiến sĩ gan dạ dưới vỏ bọc một anh thợ sửa xe gắn máy, đã dám tham gia gài thuốc nổ phá hủy sà lan vũ khí của Mỹ ở cảng Bình Lợi gây chấn động một vùng trời. Này là Lê, cô gái trẻ hiền lành, xinh đẹp bán chè dạo, đã dám giấu thuốc nổ dưới gánh chè tiếp tế cho chiến sĩ biệt động tác chiến. Này là Năm Tài, từng cầm đầu nhóm “xã hội đen” khét tiếng ở Sài Gòn, với biệt danh Tài Đô, sau giác ngộ cách mạng, trở thành đại đội trưởng Đại đội 3, bị chỉ điểm, bị địch bao vây tứ phía nhưng quyết không chịu đầu hàng, với khẩu tiểu liên AK anh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Khi bị thương, anh nằm xuống giả chết và bí mật rút chốt quả lựu đạn giấu dưới bụng. Bọn địch tưởng anh đã chết, chúng xúm lại hất ngửa “tên Việt cộng lì lợm” thì lựu đạn nổ. Năm Tài hy sinh, dù thịt nát xương tan, nhưng anh đã kịp lấy mạng hơn chục tên địch. Này là Chinh Thu, cô gái Sài Gòn, nổi tiếng xinh đẹp, hát hay, có học, đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa tham gia Đoàn văn công thuộc Phân khu 2, góp lời ca tiếng hát cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ cách mạng; bị địch phát hiện hầm trú ẩn, kêu gọi đầu hàng, nhưng cô quyết không chịu lên. Cuối cùng, giặc dùng mìn đánh sập hầm, nhẫn tâm vùi chôn cô gái trẻ. Này là Hương, cô vũ nữ có vẻ ngoài thanh tân, thánh thiện, tuy chưa bao giờ nhận mình là chiến sĩ cách mạng nhưng đã không tiếc thân, dùng mối quan hệ của mình giúp chiến sĩ biệt động đi vào sào huyệt của địch… Hoa hướng dương cho thấy, dù mỗi chiến sĩ biệt động xuất thân từ nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung ở tâm hồn cao đẹp. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, họ cũng như đóa hoa hướng dương tỏa sắc, vươn lên hướng về phía mặt trời.

Hoa hướng dương tuy là tiểu thuyết, nhưng được viết theo hồi ký của chiến sĩ biệt động với người thật việc thật, vì vậy những chi tiết của câu chuyện không đơn thuần là “sáng tác”, mà nó như một chuỗi những hồi tưởng của người trong cuộc đã trải qua với nhiều tình tiết bất ngờ, gay cấn. Và chắc rằng, người đọc sẽ không ít lần phải rưng rưng vì xúc động với những hy sinh của các chiến sĩ cách mạng, hoặc với những tấm gương khí khái, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ gìn khí tiết cách mạng. Đặc biệt là đối với nhân vật “tôi” - Ngô Chinh của tiểu thuyết.

NGUYỄN THỊ BÍCH ĐÀO