HV121 - Con chim biết nói, biết đọc thơ

Một chuyện kỳ bí được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Chuyện rằng kỷ nhà Hồ năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi Hoàng đế. Các quan lộ Tam Giang dâng tiến ngài con chim lạ. Con chim có màu lông đen lấp lánh ánh kim, đôi chân màu vàng, mỏ đỏ như quả ớt. Điều lạ lùng nhất, con chim có dải da vàng mỏng tang như dải lụa quấn quanh đầu phơ phất hai bên tai. Con chim lạ ấy nguyên là của một người đàn bà nghèo nhà ở bìa rừng. Một hôm trời nổi cơn thịnh nộ, dông gió nổi lên rồi cầu vồng hiện ra trên đỉnh núi, bà nhặt được quả trứng của một con chim lạ đẻ rơi. Quả trứng có lớp vỏ màu xanh, nhìn rõ những vân đỏ, vàng óng ánh. Bà đưa quả trứng ấy về để chung vào ổ trứng gà mẹ đang ấp. Lúc trứng nở, đàn gà con kêu chiêm chiếp chạy theo gà mẹ rúc rích bới cỏ tìm mồi. Còn con chim non nở ra từ quả trứng lạ ấy cứ quấn quýt từng bước bà đi. Lúc cho đàn lợn ăn cám, cho con bò ăn cỏ, bà gọi bò, gọi lợn, con chim lạ ấy bắt chước tiếng bà. Hằng ngày bà nói câu nào, nó cũng ngọng nghẹo nói theo... Vua Nhà Hồ yêu quý con chim lạ. Trăm quan trong triều sủng ái nó, đặt tên cho nó là con chim yểng. Các nhà Hán - Nôm nói yểng là tên Nôm hoặc từ cổ gọi con chim là tu ưởng chăng?

Nhưng rồi Hồ Quý Ly chỉ giữ được ngôi báu 5 năm. Con chim yểng được cả triều đình sủng ái trở thành loài chim hoang dã của non ngàn nước Việt.

... Khi được đọc những tài liệu của các nhà Điểu học nghiên cứu về loài chim yểng, tôi lại bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm với con chim này. Ngày ấy, những năm 1955-1965, chúng tôi là lính biên phòng canh giữ biên cương vùng Cầu Treo - Nước Sốt - Hà Tĩnh. Những chuyến tuần tra, những buổi chặt cây, tìm rau hái nấm trong rừng, chúng tôi đã đùa với các bầy chim này. Những con chim đang nhảy nhót trên cành giữa các âm thanh huyền bí của non ngàn để tìm mồi trong cuộc sống sinh tồn đã ngọng nghẹo nhại theo những câu nói của chúng tôi: “Về thôi”, “Sương xuống rồi”... Chúng theo chúng tôi ra cửa rừng. Chúng tôi dừng lại vẫy tay chào chúng: “Cùng gác biên cương”, “Cùng giữ biên cương nhé”... Hằng ngày vào lúc bình minh chớm nắng nhuộm vàng vầng mây đầu núi và buổi hoàng hôn sương treo “chuỗi ngọc” long lanh trên màng tơ nhện, chúng tôi nghe trong tiếng rừng hoang dã có tiếng chim yểng nhại tiếng khướu hót, nhại tiếng cu gáy, tiếng nai gọi con... Lính chúng tôi đã giăng bẫy, thả mồi... Nhưng loài chim này tinh khôn lắm, không tài nào bắt được nó, chúng tôi đã đặt cho nó tên là “Lũ ma rừng mỏ đỏ”.

***

Theo Bách khoa toàn thư mở, chim yểng có danh tính khoa học Gracula religiola, bà con phía Nam gọi là chim nhồng, thuộc bộ chim sẻ. Nó là thành viên của họ chim sáo đá, cà cưỡng, chim két, chim vẹt, quạ... Họ chim này biết bắt chước tiếng người. Tạo hóa từ thủa hồng hoang như đã ban cho nòi giống nó “linh khiếu” khác thường. Đó là sự thích ứng rất nhanh với môi trường sống, từ thức ăn cho đến sự tiếp nhận bắt chước tiếng động của muôn loài. Điều ấy đã trở thành bản năng hoang dã của nó. Đối với loài người thì mọi hành vi là con đẻ của nhận thức. Còn đối với loài chim yểng thì sự bắt chước của nó thường không qua “cung đoạn” nhận thức mà chỉ bột phát theo phản xạ tự nhiên. Loài chim yểng có khả năng xướng âm đa dạng. Nó có thể bắt chước chính xác tiếng người làm ta ngạc nhiên đến thú vị. Nó cũng có thể nhại được nhiều âm thanh, giai điệu kể cả tiếng còi xe ô tô, tiếng mưa rơi, tiếng gió reo, tiếng huýt sáo có luyến láy với độ rõ ràng đến kinh ngạc. Tập tính của loài chim yểng sống ở vùng đồi núi, vùng nông thôn thoáng mát gần với con người. Nó sống bầy đàn, 9-10 con tụ tập, di chuyển trên cành cây. Yểng là loài chim “lắm điều, ưa thích sự ồn ào”. Nó thuộc vào loài chim tạp ăn với “thực đơn” dễ tìm: các loại quả chín như chuối, vải, nhãn... rừng. Nó rất thích ăn quả ớt cay, mật các loài hoa và các loài côn trùng. Điều khác lạ nhất trong tập tính loài chim yểng là nó thay đổi rất nhanh về phương ngữ. Với khoảng cách ngoài thiên nhiên chừng 15km rừng nơi nó mới di chuyển đến thì tiếng kêu, tiếng gọi nhau của chúng trong bầy đàn cũng đã khác. Đã có nhà điểu học nhiều năm nghiên cứu về loài chim này nói yểng là loài chim có thể được đưa vào để nghiên cứu quá trình tiến hóa tiếng nói của con người.

Ở nước ta, loài chim yểng sinh sống nhiều ở Lạng Sơn, vùng Phong Nha, những nơi có núi đá vôi nguyên sinh Quảng Bình, Hà Tĩnh, các khu rừng Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp... Trên thế giới, yểng sống từng bầy trong các khu rừng tự nhiên, hoang dã ở Ấn Độ, Nepal, chân núi Himalaya, Thái Lan, Philippines và một số hòn đảo khí hậu ấm nóng cận nhiệt đới... Vài thế kỷ gần đây, chim yểng đã du nhập sang châu Âu, châu Phi và Bắc Mỹ. Người dân bản xứ những nơi ấy đã ca ngợi nó là “sáo ngũ sắc”, vì nó có bộ lông đẹp kỳ diệu, óng ánh nhiều màu dưới nắng. Dù loài chim này sinh sống ở vùng đất nào trên thế giới thì vóc dáng thân hình, chân vàng, mỏ đỏ và có dải “lụa vàng”, chiều dài gần 30cm, nặng chừng 340g, tập tính làm tổ trong hốc cây và “hưởng dương” được từ 10 đến 15 năm... vẫn không khác nhiều với con chim yểng nở ra từ quả trứng mà người đàn bà Việt Nam nhặt được ở bìa rừng thuở ấy...

***

Giờ đây - thế kỷ 21, có những chuyện về con chim yểng (nhồng) nghe mà tưởng như trong chuyện truyền kỳ. Đó là chuyện về “Bà chúa yêu thương loài chim”, “Bà phù thủy mê hoặc loài chim nhồng”. Bà đã tạo lập được một cơ sở để nuôi dạy chúng: “Nhồng Vinh Hoa” ở thị trấn Ngải Giao, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi đó bà đã chăm nuôi, rèn dạy những con chim trời nói được tiếng người, đọc được những câu thơ mang “tâm trạng” bà chủ. Những con chim ấy rất thân thiện với con người.

Khi các đoàn khách vào thăm cơ sở Vinh Hoa, những con chim nhồng lông ánh lên màu đen biếc như mặc áo hội, mỏ đỏ như vừa trang điểm, hai bên tai phơ phất “dải lụa vàng” duyên dáng như một đoàn vũ nữ cúi đầu cất tiếng thân tình: “Chào quý khách”, “Tôi là nhồng Vinh Hoa”, “Việt Nam là tổ quốc tôi”. Khách du lịch nước ngoài được nghe chim nhồng chào: “Hê lô, bông giua, nỉ hảo...”(1) và biết nói trọn câu: “How are you?”(2), “Nỉ hảo ma?”(3). Con chim nhồng còn biết lắng nghe, biết hóng chuyện khách đối thoại với nhau. Nó biết lắc đầu, nói chen vào “Không phải, không phải” làm cho nhiều đoàn khách ngạc nhiên thú vị. Một du khách nước ngoài xin lỗi muốn biết danh tính “Bà chúa yêu thương loài chim”. Bà cười hiền hậu: “Tên tôi cũng bình dị như tên những người đàn bà Việt Nam thôi. Tôi là Nguyễn Thị Bé...”. Nghe thông dịch câu đó, cả đoàn khách rộ lên: “Không, không, không đúng với tên bà rồi. Tên bà phải là Bà Lớn, Bà Chúa mới đúng. Bà đã làm được việc lớn thời nay. Bà đã dùng trí tuệ, tình nhân ái, bà đã lấy chuẩn mực điều thiện trong cuộc sống và sự đẹp cao thượng trong tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam thì mới thu phục được lũ chim trời hoang dã như thế này”. Ông khách là một học giả đến từ nước láng giềng phía Bắc nói với bà rằng, ông biết trong lịch sử người Việt Nam đã nuôi loài chim này từ 6, 7 thế kỷ trước. Các nước Á Đông và thế giới thì mới biết nuôi nó vài thế kỷ nay và nhiều nhất từ sau thế chiến II (1939- 1945). Chim yểng là loài chim quý hiếm chỉ được ông hoàng bà chúa nuôi trong cung cấm, nơi lầu son gác tía. Theo nhà điểu học Jecdon thì chim nhồng được coi là con vật thiêng liêng đối với thần Hindu...

Bà Bé nói với các đoàn khách rằng, bà không phải là “Bà chúa”, “Bà phù thủy”, bà chỉ là một người yêu cái đẹp và mê loài chim cảnh. Năm 1990, bà đi xem Hội hoa xuân thi chim cảnh ở vườn hoa Tao Đàn rồi không biết cơ duyên nào đưa bà bén duyên đến mê mẩn những con chim cảnh. Bà nhạt dần với nghề hội họa. Từ đó khi tạo được hình con chim đẹp, ngắm nhìn nó, bà muốn nó biết tung cánh bay và muốn nghe tiếng nó hót. Khởi nghiệp nuôi chim, bà nuôi đôi chim yến phụng nhưng rồi không thỏa được thú mê say, bà bỏ tiền triệu rước đôi chim nhồng về. Bà chăm chút, nâng niu nuôi dạy. Nhưng rồi cả năm trời đôi chim không hé mỏ nói được một tiếng người. Buồn với cơ duyên, bà ngậm ngùi thả nó bay về với trời xanh rừng thẳm. Nỗi niềm đam mê với con chim nhồng của bà cũng gặp lắm nỗi gian truân. Tâm trạng đó bà gửi gắm vào hai câu thơ mà sau này con chim nhồng đọc làm xao động lòng người...

Nỗi đam mê cứ như có con chim nhồng luôn vỗ cánh trong lòng bà. Năm 1996, bà lặn lội lên tận Bình Phước, Bù Đăng... tầm sư học đạo, rồi bỏ ra cả chục triệu mua 20 con giống chim nhồng mang về. Lúc này bà đã biết ra rằng đặc tính của loài chim nhồng khác lạ với các loài chim khác. Nhìn loài chim nhồng bên ngoài ta không thể phân biệt được giới tính của nó. Các nhà sinh vật mổ nó ra nghiên cứu tường tận từng con từ phần đầu, mỏ, ức, bụng, đuôi... nhưng cũng không có một chi tiết dị biệt nào để nhận biết được đâu là con trống, con mái. Người nuôi chỉ ghép “ước lệ” từng đôi, rồi cặp nào “ân ái” với nhau thì ta mới biết con nào là “vợ”, con nào là “chồng”. Lúc đó ta sẽ làm “hôn lễ” cho nó. Và thật kỳ lạ, loài chim này lúc đã thành “vợ chồng” thì nó gắn bó, yêu thương, chiều chuộng nhau, chẳng khác con người. Khi “chim chồng” biết “vợ có thai” thì chúng nó rủ nhau “làm nhà, xây tổ”. Chim chồng giành phần tha vỏ cây, lá cứng; chim vợ tha rác nhỏ, bông mềm. Chim vợ đan chằm lót tổ, chim chồng luôn đứng ở cửa gác canh và cắp thức ăn về đút cho vợ. Vài đêm trước khi sinh hạ, vợ chồng nhà chim thức trắng rủ rỉ, rúc rích với nhau. Những ngày ấy, bà Bé rất vui. Bà khoe với mọi người “Tôi sắp có đàn cháu”. Và, đúng vậy, sáng hôm sau trong tổ chim đã có hai quả trứng màu xanh mát dịu. Những ngày chim vợ nằm ấp trứng, chim chồng luôn túc trực ở bên. Và cứ cuối chiều mỗi ngày nó lại sửa sang tổ và cắp phân bỏ ra ngoài.

Khi chim non lớn, biết tập tính của nó, bà Bé cho từng con ở “riêng phòng”... Mỗi tối bà lại nhẹ nhàng mở cửa phòng vào thăm nó. Bà dạy chim non nói tiếng người từ lúc nó vừa dập “bọng nước” tức là lúc nó bắt đầu bập bẹ hót tiếng gió hoang dã. Muốn dạy chim non nói câu gì, bà phải nhắc đi, nói lại đến năm, sáu lần. Phải đến mười, mười lăm phút bà cứ nhỏ nhẹ dạy con chim học nói từng tiếng, từng câu như thế. Con chim non thuộc câu này bà mới chuyển sang dạy câu khác.

Mắt con chim cứ chăm chắm nhìn vào miệng bà, cái mỏ bé xíu tươi hồng của nó cứ chem chép như nhâm nhẩm lại từng tiếng của bà. Lòng bà càng yêu thương nó, xem nó như con cháu của mình. Bà nói rằng dạy chim non phải chọn giọng, lựa lời, phải dỗ dành ngọt ngào như “rót mật vào tai”. Cái giờ khắc con chim non dễ nhớ lời bà nhất là lúc nó mơ màng vào giấc ngủ. Và, lúc bình minh vừa ló dạng thì bà lại vào phòng nó nhẹ nhàng nhắc lại từng tiếng, từng câu đã dạy đêm qua để trong ngày nó không lãng quên. Mà dạy con chim nhồng khi nó biết nói tiếng người cũng thật là thú vị. Người “thầy” dạy nó nói giọng Nam, giọng Bắc hay giọng Trung... thì “trò” chim cũng bắt chước nói đúng giọng đó.

Con chim nhồng có khả năng thuộc những câu dài đến bảy, tám từ. Những lứa đầu, nhọc nhằn lắm bà cũng chỉ nuôi dạy thành công được hơn chục con chim nhồng học nói được tiếng người. Mà nó cũng chỉ nói được những tiếng, những câu ngắn, đơn giản: “Mẹ ơi!”, “Ai đó?”, “Có khách”, “Hê lô”, “Xin chào”… Những năm sau đó, con chim nhồng của “Bà chúa” đã nói được những câu dài hơn: “Tôi là nhồng Vinh Hoa Việt Nam”, “Việt Nam là tổ quốc tôi”... Đến Hội hoa xuân thi chim cảnh năm 1996 - 1997 - 1998, những con chim nhồng của “Bà chúa” đã thăng hoa - ba năm liền đoạt Huy chương vàng. Hội hoa xuân gần đây (2015), hai câu thơ “Bà chúa” tâm đắc từ ngày khởi nghiệp nuôi chim đã được những con nhồng đọc: “Cay đắng chưa từng sao biết ngọt/ Gian nan chưa trải hiểu chi đời”. “Kỳ tích” đó làm ngỡ ngàng cho khách trong nước và nước ngoài, cho cả giới báo chí truyền thông.

Những con chim nhồng của bà Bé chăm nuôi, luyện dạy nay đã theo du khách bay đến bốn phương trời, sang nước Đức, Pháp, sang Canada, Hawaii...

Khi trao con “nhồng Vinh Hoa” cho ông khách về tận bên kia bán cầu, “Bà chúa” đứng tần ngần, lưu luyến chẳng khác nào tiễn con cháu đi xa. Những điều thiện, cái đẹp trong cuộc sống bao năm nay bà đã dồn vào tần tảo nuôi dạy nó. Nó lớn lên trong bàn tay ấm của bà. Giờ nó xa bà, bà không còn được chọn số phận cho nó nữa mà chính những con nhồng yêu thương này phải tự chọn số phận cho mình. Bà lo cho nó. Bà vuốt nhẹ lưng nó. Bà mân mê hai “dải lụa vàng” và cái mỏ đỏ chót ngoan ngoãn biết nghe lời trước lúc nó xa bà. Con chim nhồng quen hơi ấm bàn tay bà, nó nghiêng đầu về phía bà. Đôi mắt nó lúc này ánh lên như có vành khuyên vàng nhìn bà. Những người có mặt hôm đó và cả ông khách lạ như ngộ ra rằng: “Chuyện nghĩa tình đâu chỉ loài người mới có” - “Bà chúa yêu thương” khẽ nói, giọng bà run run. Và, con chim nhồng lên tiếng: “Tôi là nhồng Việt Nam”, “Việt Nam là tổ quốc tôi”, “Mẹ ơi!”.

Vậy là hơn 7 thế kỷ trước có một người đàn bà nghèo nước ta đưa con chim từ cõi hoang dã vào ngự trị trong cung đình Nhà Hồ, sử sách nước Việt đã ghi chép về nó. Và nay có một người đàn bà thảo hiền nhân ái đã đưa con chim Việt đó vào xếp hạng trong khoảng 1,9 triệu chủng loại hoang dã quý hiếm trên thế giới (Sách Đỏ 2007) của Liên minh quốc tế bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thế giới (IUCN).

Con chim yểng (nhồng) cũng được ghi vào danh mục trong cuốn sách Hướng dẫn những loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ (năm 2010) của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng ta.

***

Trong huyền thoại cổ của nước ta có chuyện một ông võ quan dạy con chim thuộc họ sáo này đọc được thơ. Chuyện không kể rõ con chim đọc được câu thơ gì. Nhưng tôi cứ đinh ninh rằng ông võ quan đã dạy con chim Việt thời ấy đọc câu thơ: “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”. Còn tôi là người lính biên phòng nếu có cơ may trở lại miền biên viễn mây bay dưới chân, gió mài trắng tóc ấy, tôi sẽ tìm gặp bầy chim yểng năm nào và lại nhắc nó nói câu “Cùng gác biên cương”, “Cùng giữ biên cương nhé”. Để từ chim muông, cây lá, vách đá, bờ khe đến mảng rêu xanh, sợi tơ nhện trắng... cùng chung sức giữ yên bình phên giậu Tổ quốc...

Tháng 8-2017

 

_____

* Trong bài có tham khảo thông tin, tư liệu của các đồng nghiệp, các trang thông tin trong và ngoài nước.

(1) Tiếng Anh, Pháp, Hoa: Xin chào.

(2) Tiếng Anh: Bạn có khỏe không?

(3) Tiếng Hoa: Bạn có khỏe không?

TRẦN HỮU TÒNG