HV121 - Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20: Điện ảnh Việt Nam - Bản sắc và Hội nhập

Những năm chiến tranh ác liệt, Liên hoan phim Việt Nam đầu tiên được tổ chức từ ngày 18 đến 25- 8-1970 tại Hà Nội cho các phim suốt giai đoạn 1965-1968 để vinh danh những tác phẩm điện ảnh kiên dũng dưới bom đạn của quân thù. Ba bộ phim truyện Người chiến sĩ trẻ, Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi đã được trao Bông sen vàng ở LHP này… Từ đó, cứ 2-3 năm một lần, LHP Việt Nam đến nay đã cán mức lần thứ 20. Và cứ theo thông lệ, LHP Việt Nam không tổ chức nơi cố định mà chia đều cho các thành phố từ Bắc chí Nam. Năm nay LHP Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 24 đến 28-11-2017.

Phim truyện Việt Nam đứng trước trào lưu mới…

Trước sự du nhập mạnh mẽ của nhiều luồng văn hóa nước ngoài, văn hóa Việt đang thực sự đáng báo động! Đó không phải là vấn nạn của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa mà chính là nỗi lo chung của hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới hiện nay. Thực tiễn chứng minh cho thấy trong nhiều năm qua văn hóa Việt đã và đang dần bị xâm thực bởi nhiều nền văn hóa du nhập vào nước ta, chủ yếu là từ Âu - Mỹ và Hàn Quốc. Từ con đường nghệ thuật, Hàn Quốc đã mang văn hóa xứ kim chi vào Việt Nam và từng bước trở thành làn sóng mạnh mẽ xâm thực dần vào văn hóa Việt. Trong một số bộ phim Việt, người xem bỗng dưng thấy bối cảnh ngôi nhà Việt không còn như xưa, nhân vật trong phim đã tiếp bạn bè bằng cách thức ngồi xệp dưới đất bên cái bàn thấp như người Hàn Quốc… Trang phục nam nữ trong phim cũng theo thời trang Hàn Quốc, và cốt truyện phim cũng lấy từ Hàn Quốc. May mà mâm cơm Việt vẫn còn bày món ăn truyền thống, nếu không, chắc là người Việt sẽ biến thành người Hàn Quốc mất! Phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc đã có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với giới trẻ Việt, nhất là tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, với sự nhập khẩu phim tràn lan, các rạp chiếu hầu hết chỉ chiếu phim nước ngoài, trong đó phim Hollywood chiếm 80%, vô hình trung giới trẻ Việt gần như đã được định hướng cho một lối sống mới mà họ gọi là “hiện đại” và “thời thượng”…

Những năm kháng chiến, tuy rất gian khổ, nhưng chúng ta có một cuộc sống văn hóa cao, bởi vì lúc đó cuộc sống chúng ta cơ hồ thoát được sự tha hóa của tiền bạc và quyền lực. Vậy làm thế nào trong nền kinh tế thị trường, chúng ta vẫn giữ được nền văn hóa, giữ được con người và cuộc sống có văn hóa? Đó chính là nỗi băn khoăn lớn của nhiều người hiện nay, một câu hỏi day dứt cần được giải tỏa: “Cái giá phải trả cho kinh tế thị trường phải chăng là sự tàn phá văn hóa?”. Có lẽ điều lớn nhất mà Nhà nước phải quan tâm chính là con người của nền kinh tế thị trường. Bởi đồng tiền tự nó không xấu, vấn đề là phải biết sử dụng nó vào những mục đích tốt đẹp. Văn hóa cần tiền nhưng văn hóa không chạy theo tiền, lấy tiền làm mục đích. Đồng tiền chỉ là phương thiện, còn văn hóa mới là mục đích.

Từ câu chuyện cổ phần hóa đáng buồn của Hãng Phim truyện Việt Nam vừa qua, tôi bỗng nhớ nét mặt đau đớn và lời bày tỏ gan ruột của Nghệ sĩ Công huân Sergei Sakurov khi anh đến thăm Hãng phim Giải Phóng cách đây 20 năm (1996), và dường như đó chính là hiện thực của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay:

“Tôi không thể nói khác hơn được và rất đau khi phải nói với các bạn rằng hiện nay mọi thứ trên đất nước tôi đều đảo lộn nháo nhào. Văn hóa và giáo dục là hai lĩnh vực đầu tư ngân sách đặt ở hàng cuối cùng. Và người ta để cho nó được tự do phát triển. Tất cả mọi người đều có thể bỏ tiền ra để làm phim, và phim làm ra hoàn toàn không có bộ phận kiểm duyệt nào. Anh có thể làm phim về mọi thứ: sex, bạo lực, trộm cắp, ma quái... Về tất cả, mà không có bộ phận văn hóa nào quan tâm đến!? Và vì thế, nên các xưởng phim hầu như đóng cửa. Bây giờ chỉ còn lại Mosfilm, nhưng trước kia Mosfilm có 5.000 người, giờ chỉ còn 1.500 người. Nhưng những người còn lại chỉ tồn tại trên danh nghĩa, họ phải chạy ra thị trường để tự kiếm sống, bởi hãng không có việc để làm, không có phim để sản xuất. Trước kia hãng sản xuất 150 phim, giờ chỉ còn lại 15 phim, nhưng vì không tiền nên chất lượng rất yếu. Và vì thế khán giả Nga đã bỏ thói quen đi xem phim nước mình ở các rạp. Hầu như các rạp ở Moskva và đất nước Nga đều chỉ chiếu phim Mỹ. Rạp hát không có khách. Một số đóng cửa, một số chuyển qua cho thuê mặt bằng, làm cửa hàng, buôn bán đồ gỗ, làm salon ô tô, ngay như rạp lớn nhất ở Moskva mang tên ‘Nước Nga’, tầng trệt cũng trở thành sòng bạc… Anh Vlamia Ivasov, người đóng vai Aliosa trong Bài ca người lính, vừa mới mất khi anh chuyển sang làm trong một đội xây dựng…!!”.

Nhưng trước khi chia tay, Nghệ sĩ Công huân đã nói với chúng tôi bằng niềm tin cháy bỏng: “Chúng tôi đã hết sức tự hào với nền văn hóa vĩ đại mà tổ tiên để lại, vì vậy tất yếu sớm muộn gì nó phải trở lại chính mình…”. Hãng Mosfilm của Nga cũng đã từng lao đao trước cơn cuồng nộ của thị trường, dân Nga ào ạt đón nhận Hollywood như một luồng gió mới, nhưng rồi sau đó, họ đã cảm nhận thấm thía sự thiếu thốn và đau đớn từ sâu thẳm trái tim kiêu hãnh của một dân tộc vĩ đại khi chính mình không còn đứng vững trên nguồn cội của mình. Và đúng như thế, cơn bão táp ấy thực sự đã qua khi Tổng thống Putin rót xuống 600 triệu đôla vực dậy hãng Mosfilm và Điện ảnh Nga đã thực sự hồi sinh. Ở Nga hiện nay, mỗi năm có khoảng 60 phim được Nhà nước tài trợ (50%) để sản xuất. Phần còn lại là phim của các hãng tư nhân. Nếu tính tổng cộng đầu phim, kể cả phim do các hãng truyền hình khác nhau đặt hàng, cũng có đến khoảng 120 phim/năm, bằng con số thời hoàng kim của điện ảnh Xô viết dù chất lượng và khán giả thì chưa bằng… Đó cũng chính là niềm tin của chúng ta, những người làm điện ảnh Việt Nam, hãng Mosfilm không thể cổ phần hóa, cũng như Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải Phóng không thể cổ phần hóa vì đó là linh hồn của dân tộc. Đặt linh hồn của dân tộc vào tay những tên trọc phú có nghĩa là tự giết chết chính mình…

Mấy năm gần đây, Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan phim Việt Nam đã vắng bóng phim của các hãng phim nhà nước. Cách đây 15 năm, hầu hết các LHP đều chỉ độc chiếm phim của các hãng nhà nước, cho đến khi Những cô gái chân dài của hãng phim Thiên Ngân đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14 năm 2004, và đây cũng là lần đầu tiên phim của một hãng tư nhân tham gia LHP Việt Nam. Bắt đầu từ đây, cán cân lực lượng đã cân bằng ở hai lãnh vực sản xuất. Và bây giờ sau 13 năm, phim nhà nước đã hoàn toàn vắng bóng. Thực ra, cũng chẳng nên phân biệt phim nhà nước hay tư nhân, bởi với điện ảnh, ta chỉ nên phân biệt phim hay và phim dở, phim đứng đắn hay phim nhảm nhí mà thôi. Và phim được làm từ túi tiền nào không quan trọng, vấn đề là gương mặt điện ảnh Việt Nam hiện nay sẽ như thế nào khi không còn có sự tài trợ từ ngân sách nhà nước?

Thị trường phim tư nhân ngày càng rộng mở, năm 2015 có 40 phim, năm 2016 tăng lên 60 phim, và trong 10 tháng năm 2017 đã có gần 50 phim được sản xuất. Như vậy, nếu không có sự chọn lọc thì LHP Việt Nam lần thứ 20 có thể sẽ nhận đến hơn 100 phim dự thi từ các đơn vị tư nhân. Nhưng chỉ với 16 phim được tham dự, có nghĩa là lần này Ban tổ chức đã có sự sàng lọc kỹ càng để khi khởi chiếu trình làng cùng công chúng, gương mặt điện ảnh Việt Nam sẽ tương đối sạch và không quá nhom nhem vì bị bao vây bởi các loại phim kém chất lượng, nhảm nhí…

Có một giới trẻ tâm huyết với nền điện ảnh dân tộc

Những đạo diễn của các hãng phim nhà nước hiện nay phần lớn đã vào lứa U60, U70, nghĩa là để theo kịp trào lưu mới của thế giới họ phải tiếp cận, học tập và tự làm mới mình. Công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển như vũ bão, đứng lại một ngày là lùi xa vạn dặm… Nhìn vào phong cách làm phim của các đạo diễn Việt kiều từ các hãng phim tư nhân ta có thể nhìn thấy điều đó. Vũ Ngọc Phượng, Phan Gia Nhật Linh, Lê Thanh Sơn là những gương mặt mới và đáng tin cậy với những thành tựu nổi bật hiện nay. Vũ Ngọc Phượng đã thuyết phục được Ban giám khảo Cánh diều 2016 với Giải Đạo diễn xuất sắc; Phan Gia Nhật Linh cũng là cái tên đáng chú ý với hai phim ăn khách Em là bà nội của anh Cô gái đến từ hôm qua; Lê Thanh Sơn nổi bật với Em chưa 18 khuynh đảo phòng vé, đạt con số kỷ lục 170 tỉ... Nhưng nếu điện ảnh Việt Nam chỉ đắm mình vào những con số doanh thu phòng vé, thì liệu chúng ta sẽ còn lại được gì để góp mặt trên trường quốc tế?

Chúng ta hãy đặt câu hỏi vì sao hầu hết những phim châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và cả Việt Nam đoạt giải ở các Liên hoan phim quốc tế đều là những phim đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vì họ biết hơn ai hết đó mới là những gì mà văn hóa hội nhập cần. Mỗi dân tộc có sắc màu văn hóa riêng và phải tự biết gìn giữ để không bị phai nhạt trước luồng sóng văn hóa bên ngoài. Văn hóa dân tộc là đạo lý, tình nghĩa, là tâm hồn, là cách sống của người Việt Nam. Nó phải thấm sâu vào máu thịt của từng người Việt bằng một không khí xã hội trong lành cộng với sự giáo dục lâu dài từ thuở nằm nôi của mỗi tâm hồn Việt Nam. Nó vừa hòa trong cái chung của xã hội vừa được thấm nhuần trong từng mái ấm gia đình.

Và đó chính là lời đáp cho điện ảnh Việt Nam hiện tại… Cũng chính là tâm huyết của Ngô Thanh Vân với Cô Ba Sài Gòn và Lương Đình Dũng với Cha cõng con. Bởi vì phim của các anh chị mang tâm hồn và bản sắc Việt. Nếu như mang hai phim này ra nước ngoài lồng tiếng bất kỳ đất nước nào, người ta cũng nhận ra đó là Việt Nam. Còn những phim có doanh thu phòng vé thì đó là chuyện của kinh doanh, bởi vì đó là phim mà nếu lồng tiếng nước nào thì nó sẽ là phim nước đó!

Tôi được biết chính cô Pilar Alessandra, người từng được đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg chọn là trưởng phòng phân tích kịch bản khi thành lập hãng Dream Works, đã góp ý chân thành khi Lương Đình Dũng trao kịch bản Cha cõng con cho cô. Anh đã chia sẻ với báo chí là cô đã chỉnh sửa tỉ mỉ, rất cảm động khi đọc kịch bản này, và dặn dò anh đừng hướng nội dung theo Hollywood mà làm mất chất Á Đông. Bởi vẻ đẹp văn hóa Á Đông từ tình phụ tử và bối cảnh trong câu chuyện mang tính thuần Việt chính là cái ta đang có, là cái mà mọi người muốn biết và muốn xem. Đó chính là điều ta phải khai thác và làm phim, bởi vì chất liệu ấy trên thế giới chỉ có ta độc quyền, tại sao ta lại đi vay mượn kịch bản nước khác, chất liệu và đời sống nước khác làm phim trong khi chất liệu trong nước thì ngồn ngộn với biết bao vấn đề khắp mọi đề tài từ lịch sử đến đời sống xã hội, văn hóa…

Từ sự kiện này, tôi lại mơ ước có một chính sách rõ ràng đối với lực lượng làm phim trẻ tài năng được đào tạo từ nước ngoài hoặc tự đào tạo cộng với sự nỗ lực tự thân của những người trẻ đam mê nghề, nhưng con đường khởi nghiệp và làm phim của các em khá gian nan, ít cơ hội so với ngành nghề khác. Rất mong sao chúng ta sớm có Quỹ phát triển điện ảnh và có chính sách rõ ràng để đầu tư hiệu quả vào những tài năng. Bởi vì nếu Nhà nước thả nổi những nhân tài vào cơ chế thị trường thì thị trường dần dần sẽ giết chết tài năng. Muốn toàn tâm toàn ý làm phim nghệ thuật mà cứ bị phân tán bởi những chi tiết hấp dẫn theo hướng thị trường thì khó có được những bộ phim nghệ thuật đúng nghĩa. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, khi các hãng phim tư nhân đầu tư thì đồng tiền là khúc ruột, phim không chọc cười, không sex, không người mẫu, không danh hài thì làm sao bán vé?

NGÔ NGỌC NGŨ LONG