HV121 - Một trung đoàn bị lãng quên?

Sau 30-4-1975 tới nay, rất hiếm khi nghe nhắc chuyện Trung đoàn Hải ngoại trên các lĩnh vực văn đàn, báo chí, đền ơn đáp nghĩa… Trung đoàn Hải ngoại có phẩm giá cao, có công lớn với nước, đặc biệt là với Nam Bộ. Đó là những người chiến đấu dưới lá cờ “Quân kỳ quyết thắng” trong phong trào cách mạng của Việt kiều ở nước ngoài, là các đơn vị bộ đội hải ngoại từ Thái Lan, Lào và Campuchia về nước tham gia kháng chiến. Đây là một nét độc đáo của quân đội ta. Hiện nay, người biết chuyện Trung đoàn Hải ngoại còn rất ít, tôi xin viết lại đôi điều.

Theo chỉ đạo của đồng chí Phan Trọng Tuệ(1), đồng chí Phạm Văn Xô(2) giao 25kg vàng - quyên góp được từ nhân dân sau Tuần lễ vàng cứu nước - cho đồng chí Dương Quang Đông lên đường sang Thái Lan với 3 nhiệm vụ: 1. Dựa vào Việt kiều, vận động nhân dân và Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta; 2. Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái Lan tới Nam Bộ ngang qua Campuchia để đưa vũ khí về; 3. Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn.

Sang Thái Lan được vài ngày, Dương Quang Đông bất ngờ gặp Trần Văn Giàu. Thì ra, khi ra miền Bắc nhận công tác, Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao nhiệm vụ sang Campuchia và Thái Lan lập một căn cứ hậu cần mua sắm vũ khí tiếp tế cho quân dân Nam Bộ. Hai người họp bàn và phân công nhiệm vụ. Vì là bạn học chung tại Pháp, Trần Văn Giàu lo việc tiếp xúc với Thủ tướng Priđi Phanômyông, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Thái Lan. Dương Quang Đông lo thực hiện những nhiệm vụ của Xứ ủy Nam Bộ giao phó. Hai đoàn gặp nhau, hợp lực cùng vận động Việt kiều ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Thủ tướng Thái Lan Priđi Phanômyông có cảm tình với nhân dân Việt Nam và đặc biệt ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Chính vì thế, khi tiếp xúc với Trần Văn Giàu, người bạn học thời sinh viên bên Pháp, Priđi Phanômyông đã hết lòng ủng hộ và tạo mọi điều kiện. Nhờ vậy, chúng ta mua được vũ khí gửi về nước. Nhưng không chỉ vậy, mà còn làm thêm được một việc lớn. Đó là vận động được gần 2.000 Việt kiều về quê hương bảo vệ Tổ quốc.

Chuyến vũ khí đầu tiên về Nam Bộ

Đồng chí Dương Quang Đông xúc tiến ngay việc chuyển vũ khí về nước theo chỉ thị của Xứ ủy. Đặc biệt Thủ tướng Thái Lan Priđi Phanômyông tặng lực lượng kháng chiến Việt Nam 50 tấn súng đạn và hóa chất. Số tặng phẩm vô cùng quan trọng này được bí mật chuyển tới nhà riêng của ông Bộ trưởng Thông In (Bộ Nội vụ) và Nai Tiêu (Bộ Ngoại giao). Đặc biệt là ông Thông In cho anh em tổ chức một công xưởng ngay trong nhà riêng của mình. Công xưởng này sản xuất hầu hết các loại vũ khí, kể cả súng cối 60 ly. Thậm chí Thông In còn cử một sĩ quan cảnh sát giúp ta áp tải vũ khí từ kho ra bến thuyền Bangkok một cách kín đáo, an toàn.

Số lượng vũ khí vừa xin vừa mua vừa làm được bí mật đưa về chùa Thi Oa Thi. Đích thân Hòa thượng Bảo Ân ngồi trên xe chở vũ khí xuống bến. Dương Quang Đông liên lạc với Bông Văn Dĩa điều hai ghe buôn 10 tấn và 20 tấn ở Phú Quốc đậu sẵn tại bến Klong Tơi chờ tiếp nhận hàng đặc biệt. Về phía chính quyền Thái Lan, Thủ tướng Priđi Phanômyông cũng cho Thiếu tướng Luang Thạt, Đại úy công an Xàviểng túc trực tại hai tư dinh Bộ trưởng Thông In và Nai Tiêu cùng các chùa Thi Oa Thi, Năng Lớn và Bang Phổ để hộ tống các xe chở vũ khí xuống bến.

Chiếc ghe 10 tấn chạy cặp bờ, nhờ thuận buồm xuôi gió nên về tới Nam Bộ an toàn. Còn chiếc ghe chở 20 tấn vũ khí, ngày 13-7-1946, khi tới vàm Rạch Gốc nhằm đêm tối trời, lại gặp nước ròng nên ghe không đi được, nếu chờ trời sáng, máy bay địch phát hiện thì vô cùng nguy hiểm. Bông Văn Dĩa lên bờ tìm đồng bào nhờ đẩy giúp. Nhưng vì trời tối, thuyền bị đẩy lạc vô vàm Ông Trang thuộc xã Viên An. Xã Viên An là nơi địch đóng quân, sợ bị lộ nên Dương Quang Đông tổ chức ngay một đại đội đi đánh đồn Đầm Dơi để bảo đảm tiếp tục hành trình. Tân binh được huy động trong số thanh niên xã Đầm Dơi. Đây chính là Đại đội Cửu Long 1, được Dương Quang Đông lập ra tại xã Viên An, và đích thân chỉ huy đại đội tấn công đồn Đầm Dơi. Trận đánh thắng lợi, tất cả số vũ khí được chuyển về địa điểm quy định trong niềm vui khôn xiết của Xứ ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9.

Sau chuyến hàng đầu tiên thành công mỹ mãn, tại căn cứ Bộ Tư lệnh Khu 9, Chỉ huy trưởng Dương Quang Đông lại nhận vàng trở qua Thái Lan tiếp tục mua súng đạn và tổ chức bộ đội hải ngoại đưa về nước cùng quân và dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp.

Bộ đội hải ngoại và vũ khí chi viện cho Nam Bộ

Đoàn công tác của Dương Quang Đông có một sĩ quan đào tạo tại Pháp, đó là Nguyễn Thới Trọng. Nguyễn Thới Trọng sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở Vĩnh Long, được cha mẹ đưa sang Pháp học Trường Võ bị Saint Cyr. Tốt nghiệp với lon thiếu úy, Trọng theo kháng chiến và được giao huấn luyện tân binh. Thanh niên Việt kiều tình nguyện tham gia đông, ta mở thêm chiến khu nữa ở Ubôn. Sau khi được huấn luyện bài bản, kết hợp với các đơn vị Việt - Lào, ta phiên chế thành 3 đơn vị: Bộ đội Độc lập số 1, Bộ đội Quang Trung, Bộ đội Trần Phú. Nhiệm vụ then chốt của Dương Quang Đông khi sang Thái Lan lần thứ hai là phối hợp với Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ tổ chức các đơn vị bộ đội trên lần lượt về nước, chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

Tháng 8-1946, Dương Tấn và Ngô Thất Sơn đưa Bộ đội Độc lập số 1 là đơn vị bộ đội hải ngoại đầu tiên về nước. Đơn vị bộ đội thứ hai về Nam Bộ là Bộ đội Quang Trung với Bộ chỉ huy gồm đồng chí Võ Hoành, đồng chí Thuận. Hoàng Xuân Bình đảm nhiệm vai trò chính trị viên. Đơn vị tiếp theo được lệnh về nước là Bộ đội Trần Phú. Đây là đơn vị bộ đội hải ngoại có số quân đông nhất với 470 người mà nòng cốt là liên quân Việt - Lào đã từng chiến đấu trên mặt trận Lào từ đầu năm 1946. Trong số cán bộ tiểu đoàn có Đỗ Huy Rừa sau là Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 307 nổi tiếng ở Nam Bộ. Chính phủ Priđi Phanômyông đã giúp trang bị vũ khí cho bộ đội bằng các loại súng tốt như cạc-bin, tôm-xông… và trợ cấp cho 180.000 bạt làm kinh phí trên đường.

Khi về tới Sa Đéc, Bộ đội Trần Phú được đổi tên là Bộ đội Hải ngoại 4. Các chiến sĩ trong Bộ đội Hải ngoại 4 về sau dần dần được điều động đi các trung đoàn, trở thành cán bộ nòng cốt của nhiều đơn vị. Phần lớn quân số được giữ lại đưa vào Tiểu đoàn 307 do Đỗ Huy Rừa làm chỉ huy.

Sau khi các đơn vị bộ đội Độc lập 1, Quang Trung, Trần Phú lần lượt hành quân về Nam Bộ, Thủ tướng Thái Lan Priđi Phanômyông cho phép mở một chiến khu huấn luyện tân binh nữa tại vùng Aranyaprathet. Ta đã lập một đơn vị bộ đội mới với quân số 200 người, lấy tên là Cửu Long 2. Ban chỉ huy gồm: Dương Quang Đông, Bông Văn Dĩa. Đây là một đơn vị bộ đội được huấn luyện bài bản và được trang bị như quân chính quy nhờ Chính phủ Thái tặng một số vũ khí hiện đại như tiểu liên tôm-xông, cạc-bin và nón sắt Nhật. Chính vì vậy, mỗi khi Bộ đội Cửu Long 2 tác chiến, dân chúng cứ tưởng lính Nhật (!) Ngay cả thực dân Pháp cũng tin là Việt Nam có một trung đoàn “lính Nhật” đang đóng tại Thái Lan! Gặp địch là đánh, đã đánh là thắng, tiếng tăm Bộ đội Cửu Long 2 vang danh khắp nơi, là nỗi ám ảnh của quân Pháp mỗi khi nghe nhắc đến.

Có một sự việc rất đáng nhớ trong thời gian Cửu Long 2 chiến đấu tại Campuchia, có hai lính Nhật đang bị kẹt ở núi Tà Lơn xin tình nguyện theo bộ đội Việt Nam chiến đấu chống Pháp. Hai lính Nhật được Dương Quang Đông đặt tên Việt Nam là Công và Bộ. Rất tiếc là vài tháng sau Công hy sinh. Khi mất đi người bạn thân, cũng là người đồng hương duy nhất, Bộ càng chiến đấu hăng say để trả thù. Thấy tinh thần chiến đấu cao của Bộ, chi bộ quyết định kết nạp anh vào Đảng, sau đó cưới vợ cho anh. Hai vợ chồng theo kháng chiến đến năm 1954, Bộ tập kết ra Bắc được ta giúp đỡ trở về Nhật. Về quê hương, Bộ gia nhập Đảng Cộng sản Nhật.

Suy ngẫm mà thấy tinh thần yêu nước tuyệt vời của các anh trong Trung đoàn Hải ngoại. Các anh sinh ra và lớn lên bên xứ người, nhiều anh chưa từng về quê quán. Tổ quốc chỉ là hình ảnh các anh biết qua lời kể, và sống cùng các anh trong truyền thống bất khuất của dân tộc. Còn chúng tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, Pháp đến xâm chiếm, Tổ quốc lâm nguy, theo lời hiệu triệu “Độc lập hay là chết” của Bác Hồ, chúng tôi, nóp với giáo mang ngang vai, ra đi cứu quốc. Chúng tôi đi theo con đường cứu nước là có sự thôi thúc hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc luôn hiện hữu rõ ràng trong trái tim. Còn các anh Trung đoàn Hải ngoại tự chọn con đường từ bỏ cuộc sống an bình, hạnh phúc xông về miền đất lửa, nhiều anh đã hy sinh khi chưa về đến mảnh đất quê hương! Phải có tinh thần yêu nước mãnh liệt lắm, những con người đó mới sẵn sàng rời bỏ nơi yên ấm ở Thái Lan mà trở về hòa nhập vào dòng thác cứu nước của dân tộc. Về nước, Trung đoàn Hải ngoại nhập vào hệ thống của Bộ tư lệnh nước nhà, như dòng máu bổ sung vào huyết quản của hệ tuần hoàn, đoàn kết dưới một ngọn cờ cứu nước của dân tộc .

Các trung đoàn được đưa về tăng cường cho một số đơn vị bộ đội Khu 8, Khu 9 và góp quân số cho Tiểu đoàn 307. Đồng chí Đỗ Huy Rừa, trung đoàn phó Trung đoàn Hải ngoại qua làm tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307. Đồng chí làm nên một chiến thắng lẫy lừng, dùng một trung đội đánh què trung đoàn Âu - Phi ở kinh Dương Văn Dương, giặc buộc phải chấm dứt trận càn, bỏ phương án tìm diệt Tiểu đoàn 307. Và đồng chí Đỗ Huy Rừa đã hy sinh oanh liệt trên đất Mẹ Việt Nam. Chiến thắng thành lời ca “Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang”(3).

Trung đoàn Hải ngoại tồn tại không lâu, mà cống hiến được rất nhiều, rất kịp thời tiếp sức với kháng chiến Nam Bộ xốc dậy sau Hiệp định 6-3-1946, lội ngược dòng giành chiến thắng nhiều trận lớn - trận Giồng Dinh, Giồng Dứa, trận Tầm Vu với chiến công giòn giã của Tiểu đoàn 307… Họ đã để lại một tấm gương sáng: yêu nước nồng nàn, sáng tạo tuyệt vời.

Trung đoàn Hải ngoại ra đời cách đây 71 năm, chắc là các chiến sĩ của trung đoàn đã qua đời hết. Ước gì có cuốn nhật ký, hồi ký của chiến sĩ Trung đoàn Hải ngoại cho hậu sinh đọc để hiểu về những người anh hùng đó…

Cần Thơ, ngày 21-10-2017

 

_______

(1) Từ năm 1945 đến 1948, ông Phan Trọng Tuệ là Ủy viên Liên tỉnh ủy (gồm 10 tỉnh miền Tây Nam Bộ), Chính ủy Khu 9.

(2) Từ năm 1945 đến 1946, ông Phạm Văn Xô giữ chức Ủy viên thường vụ Đặc ủy Đảng bộ Việt kiều và tham gia tổ chức các Chi đội Hải ngoại về Việt Nam chiến đấu.

(3) Lời bài hát Tiểu đoàn 307 của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (thơ Nguyễn Bính).

HUỲNH KIM BẢN tổng hợp