Cuối tháng 7-1967, tôi được triệu tập về Văn phòng Khu ủy Sài Gòn học Nghị quyết tình hình mới(1). Tôi nghĩ thầm: tình hình mới chắc có nhiệm vụ mới. Trong lòng phấn chấn, tôi cùng hai đồng chí bảo vệ lên đường về trạm trực của Văn phòng Khu ủy ở Thanh An.
Tới chiều tối ngày thứ ba, Sáu Điền nói với tôi: “Anh Sáu chuẩn bị, mai ta đi về nơi học nghị quyết”.
... Gần đến nơi, thấy một cây cổ thụ tàn lá xum xuê sát bên lề đường, bên gốc cây lố nhố một tốp người quấn khăn dù, đầu đội mũ giải phóng.
Bây giờ tôi mới vỡ lẽ, hóa ra ba ngày qua tôi là vị khách Hà Nội không mời mà tới trú chân tại cơ quan Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định (T4), thủ trưởng là anh Tám Chí, bí danh của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Lúc đó anh là Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiêm Tổng thư ký Mặt trận, kiêm luôn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận T4. Tôi xuống xe, bước tới. Bốn chú bảo vệ đứng bên một cán bộ lớn tuổi, trạc khoảng 50, mặc quân phục giải phóng, đội nón sắt, đặc biệt là một khẩu AK bá xếp(2) đeo lủng lẳng trước ngực.
“Chào anh Tám”, tôi lên tiếng trước. Anh bước nhanh đến, miệng mỉm cười như gặp người quen, giơ tay nắm lấy tay tôi. Khuôn mặt vuông tươi tắn, hàm răng trắng đẹp, cặp mắt to hơi khép, bên trên hai hàng mày rậm, đượm vẻ hồn hậu mà cương nghị. “Hà Nội hả? Vào lâu chưa?”, anh nói. Tôi biết ngay lý lịch mình Sáu Điền đã khai báo kỹ với thủ trưởng. “Vâng, tôi dân Hà Nội, vào hai năm rồi”. Vẫn cười mỉm, anh hỏi tiếp: “Bộ đội hả?”. Tôi cải chính: “Không, tôi dân chính, công tác nghiên cứu kinh tế địch”. Anh thốt lên rất tự nhiên: “A, hay nhỉ!”. Tôi vẫn chăm chú nhìn anh, phong thái ung dung đĩnh đạc, dáng dấp rắn rỏi của một quân nhân khiến anh trẻ hơn tuổi nhiều. Nét tươi tắn tự nhiên, nụ cười mỉm thường trực trên môi anh, tất cả tạo ra ở anh một sức thu hút rất độc đáo. Anh thân mật hỏi nhỏ: “Đã nếm mùi Mỹ càn chưa? Cédar Falls(3) ở đâu?”. Tôi đáp: “Khi càn Cédar Falls tôi ở R, nhưng lại dính càn Junction City(4). Xuống đây được chúng đón tiếp nồng nhiệt bằng hai cuộc Manhattan I và Manhattan II(5), được xuống địa đạo tầng hai”. “Thế à?”, anh nói có vẻ khoái chí, cười tít mắt tiếp: “Đủ mùi rồi đấy! Chúng nó hầm hứ dữ dội vậy mà chúng mình vẫn sống khỏe”… Quay lại ra hiệu cho các bảo vệ, anh nói với tôi: “Mình nghỉ đã lâu, bây giờ đi trước nhá”. Chỉnh lại nón sắt, sốc lại khẩu AK, anh nhảy phóc lên xe đạp phóng ào ào. Bốn chú bảo vệ co giò đạp chí mạng đuổi theo…
Bỗng một đoàn xe đạp khác tiến đến, toàn phụ nữ bận bà ba đen, khoác khăn dù. Ba Kiên, Tư Công reo nhỏ: “Cô Năm”. “Cô Năm nào?”, tôi hỏi. Ba Kiên: “Cô Năm Nga, vợ chú Tám”. Tôi ngạc nhiên: “Ủa, thế bà ấy công tác cùng cơ quan à?”. Hai cậu gật đầu. Đoàn xe này đông tới 9 chiếc: hai bảo vệ nam dẫn đầu, tiếp theo là năm phụ nữ khăn rằn quấn cổ, đội nón tai bèo, hai bảo vệ nam bọc hậu. Nhìn gần, rõ là một đoàn nữ binh, giản dị mà rất khí thế: vị phụ nữ lớn tuổi trạc ngoài 40, đeo khẩu súng ngắn nhỏ có lẽ là Browning 6.35(6), bốn thanh nữ mang bốn khẩu cạc-bin(7) quàng sau lưng gọn gàng. Thấy khách lạ, cả năm người đều kéo vành mũ tai bèo sụp xuống che bớt khuôn mặt, đó là quy định “cách ly” đối với những cán bộ hoạt động công khai trong đô thị. Tôi chủ động làm quen: “Chào chị Năm”. Hơi bất ngờ, chị Năm cúi xuống khẽ gật đầu. Tôi nói: “Anh Tám vừa mới đi, giá chị đến nhanh chừng 5 phút thì gặp anh”. “Úi chao, thì cứ để cho ổng đi trước. Tôi quen độc lập rồi”. Biết là có thể trêu đùa được, tôi thủng thẳng đệm luôn: “Chị đi mà escorte(8) bốn cạc-bin - armées jusqu’aux dents(9). Đúng là dòng dõi anh thư!”. Câu nói xen ít tiếng Pháp của tôi khiến chị bật cười, cả bốn cô gái cũng khúc khích, tôi thầm nghĩ số này đều là dân trí thức Sài Gòn biết tiếng Pháp. Từ lúc này thủ tục “cách ly” có vẻ tan biến, tôi thành người quen, chị Năm vui vẻ chậm rãi mở lời: “Hôm nay tôi mới biết vì sao mà hai tối liền sắp nhỏ bỏ hội tu-lơ-khơ chỗ ông Tám. Tôi sợ chúng tổ chức nhậu nhẹt, tra Sáu Điền mới biết thủ phạm dụ dỗ là ông khách Hà Nội”. Tôi phì cười vì bỗng dưng trở thành “kẻ tội đồ dụ dỗ”.
Chúng tôi lại tiếp tục đạp xe trên bãi bồi ven sông, xuyên qua những cánh đồng bạt ngàn trồng bắp, trồng đậu phộng xen lẫn những dàn khổ qua hình tam giác xanh tươi thẳng tắp. Trên triền đất cao là những ruộng khoai lang, các nương sắn chạy dài. Sự sống hiện rõ ở đây. Dân vẫn bám chặt đồng ruộng tăng gia, bất chấp bom pháo ác liệt.
Hết cánh đồng sa bồi lại xuyên vào các khu rừng chồi. Hàng trăm ngàn cây cao chết khô tản mát khắp nơi, thân cây cháy dở đen sạm, trơ trụi vì thuốc khai quang và bom na pan, tua tủa chĩa ngọn lên cao như một biển chông khổng lồ giữa rừng chồi mênh mông… Ba Kiên nhắc: “Đoạn này xa địch nhưng phải chú ý trực thăng”. Qua cánh rừng chồi đến một khu rừng già bạt ngàn chắn ngang, dài cả chục cây số, Tư Công reo khẽ: “Đến cứ trung chuyển rồi”. Phía xa lố nhố các thành viên của đoàn đi trước đang nghỉ ngơi trên võng.
Hai Nhím, đội phó, y sĩ của đoàn, chạy đến đón tôi, nói tôi đưa võng để mắc gần võng chú Tám. Anh Tám vui vẻ bắt tay: “Có mệt không?”. Tôi nói đường đi từng chặng khô ráo dễ đi, tôi thấy khỏe; nhưng thương mấy chú bảo vệ chạy qua chạy lại chốt đường, chắc mệt lắm. Anh gật đầu. Chúng tôi ngồi vào võng uống trà, ăn đường thốt nốt, trò chuyện. Tôi nói: “Tốp chị Năm chắc phải hai mươi phút nữa mới tới, phụ nữ chạy chậm, phải lội sông cũng vất vả”. Anh nghe, lặng im. Rồi như có chủ ý, anh chuyển đề tài liền, hỏi tôi: “Cậu công tác ngành nào?”. Quan hệ trở nên thân mật, anh gọi tôi bằng cậu, vì tôi nhỏ tuổi hơn anh nhiều. “Tôi công tác tại Ủy ban Kế hoạch nhà nước tức là Comité du Plan d’État”. “Trong này có lúc người ta cũng lập cơ quan gọi là Bộ Kế hoạch quốc gia”. Anh lại hỏi: “Thế làm việc ở đâu?”. Tôi đáp: “Khi thành lập năm 1957, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được chỉ định kiêm Chủ nhiệm, để tiện công việc, bảo đảm bí mật quốc gia, ông quyết định đặt cơ quan này trong tòa nhà Phủ Thủ tướng. Chỗ này vốn là nơi làm việc của Phủ Toàn quyền cũ, thời Tây gọi tắt là Gou-Gal tức là Gouvernement Général”. Anh gật gật: “Mình biết rõ mấy chỗ này. Hồi học kiến trúc mỹ thuật ở Hà Nội, nhà trường tổ chức cho đi xem nhiều công trình kiến trúc cổ và hiện đại, đi khắp Hà Nội, xem nhiều đình, chùa, miếu, các tòa nhà lớn như Phủ Toàn quyền Gou-Gal, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ gọi tắt là Ré-Sup (Résident Supérieur du Tonkin)”. Tôi tiếp: “Chỗ Phủ Thống sứ sau Cách mạng tháng Tám 1945, đổi tên là Bắc Bộ Phủ, hồi đó Bác Hồ ban ngày thường làm việc ở đây. Nay là Nhà khách Chính phủ”. Bỗng nhiên anh hỏi: “Trong khu vực tòa nhà làm việc của Gou-Gal, nơi cuối dãy có một ngôi đình cổ khá đẹp, biết không?”. Tôi ngạc nhiên vì ngôi đình này nằm ở khu đất biệt lập giáp vườn Bách Thảo, ít ai biết tới, liền hỏi lại: “Sao anh biết có ngôi đình này?”. “Thì người ta dẫn mình xem Gou-Gal, tiện đưa đi xem ngôi đình”. Tôi kể sơ sơ về ngôi đình: “Năm 1954 khi ta tiếp quản Hà Nội, chính phủ đóng ở đây, ngôi đình được dùng tạm làm nhà ăn tập thể cho cán bộ, công nhân viên... Các cột gỗ làm cột cái chống mái khu đại điện là những cột gỗ tròn hai người ôm mới xuể. Giữa đại điện treo bức hoành phi có hàng chữ Hán đại tự: ĐÌNH ĐỒNG TRIỀU. Chắc đình này do các vị quan cùng phục vụ một triều đại xây dựng vào năm vua Thiệu Trị lên ngôi, khoảng 1841, cách nay cũng 126 năm rồi. Hồi năm 1965 tôi đi B(10), ngôi đình vẫn còn”.
Nghe tôi nói, anh cúi đầu trầm ngâm, rồi như tỏ nỗi niềm tâm sự: “Hà Nội đẹp thiệt, cây xanh bát ngát, hồ lớn, hồ nhỏ san sát, toàn cảnh phong quang, khoáng đãng. Đặc điểm là rất nhiều di tích cổ, nhiều đình chùa cổ, kiến trúc dân tộc rất độc đáo, hiếm nước nào ở Đông Nam Á có thủ đô diện mạo đặc biệt như vậy. Thật đáng tự hào!”. Dừng một lát anh lại nói: “Mong đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước, mình sẽ về thăm Hà Nội cho thỏa…”. Rõ ràng ở anh thể hiện một tình cảm sâu xa, hết sức thiết tha gắn bó với cội nguồn dân tộc, với thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước…
Vừa lúc này đoàn chị Năm Nga đến, cả đoàn hành quân hội tụ đông đủ an toàn. Tôi toan tháo võng để nhường lại chỗ cho chị Năm, chị gạt đi: “Anh cứ ở yên đó. Nữ chúng tôi đóng quân riêng, gần các ông ưa trà lá nghỉ không yên”. Anh Tám nghe vậy cười ha hả. Chị Năm châm thêm: “Ông Hà Nội ngồi đây tôi biết mà, không chừng lại bị “dụ dỗ” nữa!”. Đám đi theo cả nam lẫn nữ cười lăn lộn. Anh Tám ngớ ra, không hiểu tại sao lại có hai tiếng “dụ dỗ”, tôi phải giải thích, bấy giờ anh mới bật cười, nói lớn: “Tôi mê là mê Hà Nội, thủ đô của cả nước, trái tim của cả dân tộc, mà cũng là... của cả bà nữa chứ”. Anh dằn mạnh ba tiếng “của cả Bà” làm chị Năm lúng túng vì chị vốn người gốc Hà Nội, đám nhỏ lại cười òa…
Ngắm hai vợ chồng cùng một lý tưởng, cùng xông pha trên những nẻo đường gian nguy, đồng cam cộng khổ với đồng đội, với chiến sĩ trên những cung đường kề cận cái chết mà vẫn tươi vui, tràn đầy lạc quan, tôi thực xúc động: “Anh Tám, trông anh chị hết sức yêu đời làm tôi nhớ đến câu chuyện giữa Jenny Marx và Karl Marx. Jenny hỏi bố: Bố ơi, điều gì làm bố hạnh phúc nhất? K. Marx đáp: Chiến đấu. Chiến đấu hết mình vì lý tưởng, con ạ!”. Anh Tám nhìn tôi, nghiêm trang nói: “Marx chí lý!”.
***
Ba ngày sau tôi mới về đến địa điểm học nghị quyết tại Văn phòng Trung ương Cục. Anh Tám Hiệp, Phó phòng quản trị của Ban tổ chức học nghị quyết, đón tiếp tôi thân mật. Tối đó có chiếu phim, tôi mắc võng bên cạnh võng Tám Hiệp xem phim. Đi đường bốn ngày liền thấm mệt, xem phim và trò chuyện với Tám Hiệp, rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết… Tờ mờ sáng, tỉnh dậy nhìn đồng hồ 5g30, tôi lấy đài bán dẫn mở nhỏ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc này đang phát thanh bài nhạc tập thể dục. Nhớ Hà Nội quá, treo đài lên một chạc cây, vặn nhỏ rồi tập theo. Đến 6g hết nhạc thể dục, tôi vặn đài nghe tin thời sự. Đang nghe thì thấy có người tiến đến, một ông lớn tuổi mặc bà ba đen dáng quen quen…
“Cậu đến rồi hả?”. “Ô, anh Tám”, tôi mừng reo lên. Vẫn miệng cười mỉm với hàng răng trắng rộng, vẫn cặp mắt nheo nheo không thể trộn lẫn, anh bắt tay tôi: “Tập thể dục hả?”. “Vâng, theo thói quen từ ngày ở Hà Nội”.
Rồi anh đột ngột hỏi tôi: “Cậu có nhớ bài ca Hội nghị Diên Hồng không? Cái introduction(11) thế nào nhỉ?”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng chợt hiểu: có lẽ anh đang dự hội nghị cao cấp của Đảng thảo luận một nghị quyết có tầm chiến lược liên quan đến vận mệnh đất nước dân tộc, tựa như thời Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông nên nhớ đến bài hát này. Tôi nói với anh:
“Tôi nhớ. Thực chất bài hát là một vở ca kịch. Mở đầu có một thị vệ vua sai cầm loa chạy cấp báo (vòng vòng sân khấu) loa lên:
Thần dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến! Hận thù đằng đằng. Biên thùy rung chuyển. Tuôn dày non sông rền vang tiếng vó câu, gây oán nghìn thu…
Tiếp đó một đoàn các cụ phụ lão, râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đi theo nhịp gậy dập mạnh xuống sàn, miệng đồng ca:
Kìa vừng hồng bừng chiếu trên đỉnh núi. Ôi Thăng Long, cõi kinh kỳ phơi phới…
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? - Quyết chiến!
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? - Hy sinh!
Thề liều thân cho sông núi muôn năm lừng uy!”
Tôi hát nho nhỏ, nhìn anh đứng thẳng, ngón trỏ phải búng búng vào đùi theo nhịp bài hát, có lẽ trong anh đang mơ sống lại cái ngày hào hùng của đất Tổ Thăng Long thuở xưa… Hết bài, anh có vẻ hài lòng gật gù: “Bài ca thật hào hùng!”. Vừa lúc đó tiếng kẻng báo giờ ăn sáng. Anh cười tạm biệt tôi.
Sáng hôm sau tôi vẫn dậy sớm tập thể dục, hết bài nhạc tôi đang làm mấy động tác hít thở thì anh đến, có vẻ anh thức giấc sớm hơn tôi nhiều. Anh hỏi luôn: “Cậu có nhớ bài Ải Chi Lăng không?”. Tôi đoán hồi hôm anh đã thức, đã suy nghĩ nhiều về một cuộc khởi nghĩa, một cuộc nổi dậy, kết thúc thắng lợi bằng một chiến dịch có tính quyết định toàn cục như chiến thắng Chi Lăng của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Tôi đáp: “Tôi thuộc cả nhạc và lời”. Anh nói: “Ca thử cho mình nghe”. Và tôi đã hát, cố thể hiện hết tinh thần của bài hát:
“Chi Lăng! Chi Lăng! Tiếng ai hò reo vang trời.
Chi Lăng! Chi Lăng! Bóng ai tranh hùng muôn đời…
Vì nước tuốt gươm xông pha. Lòng trung cứu dân lầm than
Đồng hát khúc anh hùng ca. Bền gan kết tâm cường tráng
Khuất Nam, bình Bắc, oai hùng luôn tiến. Trống chiêng vang rền…”
Tôi hát xong, anh khen bài ca thật hùng tráng, ca cũng hay.
Anh lại hỏi tiếp: “Có một bài ca về Hai Bà Trưng cùng các vị anh hùng tiền liệt, cầu nguyện các vị phù hộ cho dân tộc thức tỉnh, quật cường. Cậu biết không?”. Tôi cố nhớ xem là bài nào: “Về Hai Bà Trưng có bài Hát Giang trường hận, sau đổi tên là Hồn tử sĩ của Lưu Hữu Phước và bài Ngày xưa của Tô Vũ”. Anh nói: “Không, hai bài này mình biết. Bài kia có lời cầu nguyện Hai Bà”. Tôi chợt nhớ: “Đúng rồi, bài Kinh cầu nguyện, thường gọi Người xưa đâu tá, cũng của Lưu Hữu Phước”. Anh gật đầu, hỏi: “Có nhớ lời không, ca thử nghe”. Tôi hát luôn:
“Trời mây u ám, gió cuốn tả tơi hoa cỏ,
Thời xưa lưu dấu, âm vang nỉ non trong gió.
Người xưa đâu tá, có khóc những đêm lạnh lẽo?
Người xưa đâu tá, có khóc những khi trời chiều?”.
Tôi hát xong, anh có vẻ mãn nguyện: “Đúng là bài ca mình muốn tìm, xúc động thật. Hồi hoạt động phong trào thanh niên ở Sài Gòn mình thường cùng anh em đồng ca các bài này, nhưng rồi lao vào công tác hơn hai chục năm qua quên ráo nạo, chỉ nhớ lõm bõm. Sao cậu biết nhiều mà nhớ lâu vậy?”. Tôi cười: “Là nghề của tôi mà. Lúc nhỏ tôi cũng học lỏm được một số bài ca cách mạng của mấy anh lớn là sinh viên. Đầu năm 1947 lúc 12 tuổi, tôi thoát ly gia đình tham gia đoàn Tuyên truyền xung phong ca kịch huyện Thường Tín, tối nào cũng đi diễn hết xã này sang xã khác, nhờ đó mà thuộc lòng, nhớ dai”. Anh cười nói: “Tham gia cách mạng sớm nhỉ. Công tác tuyên truyền, thảo nào kể chuyện Hà Nội sắp nhỏ nghe chết mệt”.
Vừa lúc đó có kẻng báo giờ ăn sáng. Anh Tám chưa muốn rời tôi. Anh trầm ngâm: “Nhớ những ngày hoạt động sôi nổi tại Sài Gòn chuẩn bị cướp chính quyền, ca hát suốt ngày. Giá có cậu thì mình ôn được hết các bài ca cách mạng hồi đó. Hôm nay lại phải xa rồi, lát nữa mình đi làm việc với mấy cơ quan R”. Đã đến lúc chia tay, anh nheo mắt thân mật: “Hẹn gặp lại, khi nào trở về T4 có dịp ghé chỗ mình. Sắp nhỏ mến cậu, cậu đến dạy cho chúng vài bài ca”. Tôi nắm chặt tay anh với tình cảm thân thương, quý mến…
***
Từ ngày đó tôi xa anh. Tôi được điều động về Phân khu 6, đóng ở tây nam Sài Gòn. Còn anh chủ yếu ở tại căn cứ Dương Minh Châu. Xa xôi cách trở, chẳng có cơ hội gặp lại.
Năm mươi năm qua, hình ảnh vị kiến trúc sư - chiến sĩ giải phóng Huỳnh Tấn Phát luôn sống động trong tâm hồn tôi: một trí thức - chiến sĩ bình dị, kiên cường, phẩm chất cao đẹp, một nhân cách lớn, một trí thức cách mạng hiếm có của thời đại Hồ Chí Minh.
Ngày 23-9-2017
_____
(1) Nghị quyết 7/67 chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích - Tổng nổi dậy 68.
(2) Báng xếp, báng bằng sắt của khẩu AK có thể gập lại cho gọn, dễ mang. Quân giải phóng miền Nam thuận miệng gọi là “bá xếp”.
(3) Cédar Falls: “Lột vỏ trái đất”, tên cuộc càn lớn của quân Mỹ vào khu Tam giác sắt Củ Chi tháng 1-1967, huy động 3 vạn quân, hàng trăm tăng, thiết giáp, gây cho ta một số tổn thất về người và cơ sở địa đạo.
(4) Thường gọi là Gian-xơn Xi-ty, tên cuộc càn đại quy mô của Mỹ tháng 2-1967, kéo dài trong 3 tháng, huy động 4-5 vạn quân, hơn 1.000 tăng, thiết giáp, 600 máy bay các loại càn quét vùng Dương Minh Châu, chiến khu C, nhằm tiêu diệt đầu não lực lượng giải phóng nhưng hoàn toàn thất bại.
(5) Tên hai cuộc càn nhỏ hơn của Mỹ tiếp ngay sau Junction City, chà xát các vùng đã càn hồi đầu năm với chiến dịch Cédar Falls.
(6) Súng ngắn bắn đạn 6,35mm của Bỉ, nhỏ, dành cho phụ nữ.
(7) Carbine, tiểu liên của Mỹ, nhẹ, bắn chính xác, thích hợp cho phụ nữ.
(8) Escorte: hộ tống, hộ vệ.
(9) Thành ngữ tiếng Pháp có nghĩa “Vũ trang đến tận răng”, chỉ sự trang bị nhiều vũ khí bén.
(10) Đi vào Nam chiến đấu chống Mỹ, lúc đó còn giữ bí mật, nói là đi B.
(11) Introduction: khúc dạo đầu bài ca.