HV121 - Viết tiếp về “Quốc gia Việt Nam”

Kết thúc bài viết về “Quốc gia Việt Nam” trên tạp chí Hồn Việt số 119, tháng 10-2017 (Thực chất quan trọng hơn tên gọi), chúng tôi có nhắc lại ba câu hỏi mà một sinh viên Sài Gòn đã đặt ra năm 1970 sau khi đọc cuốn Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ.

Từ Paris (Pháp), tác giả cuốn sách nói trên gửi thư trách chúng tôi “đã bỏ quên” mấy câu trong đoạn “Để thay thế cho một kết luận” ở trang 375 (ấn bản năm 1970):

“Chiến tranh Đông Dương bùng nổ từ cuối năm 1946, khi đầu được coi như là một sự tranh chấp giữa hai chủ nghĩa đế quốc và quốc gia, nhưng các biến cố xảy ra về sau này đã sửa đổi quan điểm ấy (…). Chính phủ Pháp đã có thể lợi dụng sự cộng tác của Hoa Kỳ bằng cách nhấn mạnh lên vai trò của xứ Đông Dương như là một chiến tuyến của thế giới tự do trước sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản. Vì vậy, chiến tranh Đông Dương càng ngày càng gột bỏ tính chất của một cuộc chiến để tái chiếm thuộc địa và trở thành một chiến tranh chống Cộng sản”.

Mấy câu trên - được tác giả cuốn sách xem như “lời giải đáp” cho ba câu hỏi của sinh viên - lại đặt ra một đề tài mới để chúng tôi trao đổi với bạn đọc Hồn Việt.

Chiến tranh của Pháp ở Đông Dương là chiến tranh tái chiếm thuộc địa

Mặc dầu phần lớn lãnh thổ nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng (1940- 1944) và chính quyền thuộc địa ở Đông Dương bị phát xít Nhật lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, tướng Charles de Gaulle, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, vẫn luôn nuôi mộng tái chiếm Đông Dương.

Hay tin Nhật đầu hàng Đồng minh, ngày 15-8-1945, tướng de Gaulle cử ngay đô đốc Thierry d’Argenlieu sang làm Cao ủy Đông Dương với “sứ mệnh hàng đầu là lập lại chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Liên bang Đông Dương”(1).

Nhưng lực bất tòng tâm: “nước Pháp sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề không có cả trang bị quân sự lẫn nguồn tài chính để có thể tiến hành một nỗ lực quân sự lớn ở Đông Dương”(2). Vì vậy, ngày 21-8, de Gaulle khăn gói sang Washington gặp những người cầm đầu nước Mỹ.

Sau chiến tranh thế giới II, Mỹ tiến hành chính sách ngăn chặn Cộng sản (the Containment Policy), trước hết là tại châu Âu (chủ trương Europe First). Vì vậy, ngày 24-8, Tổng thống Harry S. Truman cam kết với de Gaulle: “Trong mọi trường hợp đối với Đông Dương, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy”(3). Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara giải thích: “Mỹ chấp thuận cho Pháp quay trở lại Đông Dương vì sợ rằng một rạn nứt giữa Pháp và Mỹ sẽ khiến việc ngăn chặn Liên Xô bành trướng ở châu Âu trở nên khó khăn hơn”(4).

Không chỉ hứa suông, Truman còn nhiệt tình giúp Pháp bằng cách xóa món nợ 1 tỉ 800 triệu đôla mà Pháp đã vay trong thời chiến, cho vay thêm 1 tỉ đôla, cung cấp nhiều vũ khí, cho mượn tàu chở quân Pháp sang Sài Gòn v.v… Nhà báo Mỹ David Schoenbrun viết: “Ở Việt Nam, Mỹ đã liên kết với ngọn cờ đế quốc của Pháp và với nỗ lực của nước này muốn chiếm lại thuộc địa”(5).

Nước Việt Nam vừa thoát khỏi 80 năm Pháp đô hộ, nên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tìm mọi cách để đẩy lùi bóng ma chiến tranh. Trong năm 1946, Việt Nam mở ba cuộc thương thuyết với Pháp (ở Hà Nội, Đà Lạt và Fontainebleau). Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tận Paris để đàm phán với những người cầm đầu nước Pháp. Tuyên bố với phóng viên báo Paris - Saigon, Hồ Chủ tịch nói: “Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm, thì chúng tôi sẽ làm… Dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do”(6). Chiến tranh nổ ra ngày 23-9-1945 tại Sài Gòn, sau đó lan ra cả nước từ ngày 19-12-1946.

Trước đó, Hồ Chủ tịch đã gửi cho tổng thống và ngoại trưởng Mỹ 10 bức thư, khẳng định “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”(7). Tiếp thiếu tá Mỹ Archimedes L.A. Patti tại Bắc Bộ Phủ tối 30-9-1945, Hồ Chủ tịch “bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ kiềm chế ý đồ thực dân của Pháp. Ông nói rằng nếu Mỹ chỉ cần dùng ảnh hưởng của mình đối với de Gaulle thì cũng có thể đạt được một thỏa hiệp tạm thời ở Việt Nam mà trong đó không chỉ riêng Pháp mà tất cả các nước bạn bè đều có lợi từ nền độc lập của Việt Nam”(8). Giữa tháng 11-1945, Hồ Chủ tịch nói với Frank White (thuộc tổ chức OSS) “không biết Mỹ có nhận thức đúng quyết tâm giành cho được độc lập của người Việt Nam hay không?”(9).

Khước từ khát vọng độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam, Mỹ quyết định ủng hộ Pháp. Hồ Chủ tịch tâm sự với nhà báo Mỹ Harold Isaacs: “Chúng tôi tiếc rằng Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người chúng tôi, phá phách xứ sở chúng tôi”(10).

Tuy thất vọng trước hành động của Mỹ, Hồ Chủ tịch vẫn khẳng định “Việt Nam muốn giữ mối liên hệ với nước Mỹ”(11) vì, như ông đã nói với nhà báo Mỹ S. Elie Maissie hồi tháng 5-1948, “dân tộc Mỹ đã từng chiến đấu anh dũng để được độc lập và đã có độ lượng công nhận nền độc lập của Phi Luật Tân [Philippines], tất nhiên phải đồng tình với nước Việt Nam tranh đấu giành độc lập”(12). Qua một nhà báo Mỹ, Hồ Chủ tịch “gửi tới nhân dân Mỹ vĩ đại tình hữu nghị tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và hy vọng nhân dân Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập”(13).

Các nhà sử học Mỹ ghi nhận: Hồ Chủ tịch kêu gọi Mỹ “làm trung gian [để chấm dứt] cuộc xung đột giữa Việt Nam và Pháp. Tháng 4 và tháng 5 [năm 1947], những cuộc tiếp xúc bí mật giữa đại diện Việt Minh và viên chức Sứ quán Mỹ ở Bangkok được tổ chức [tại Thái Lan]… Đầu năm 1948, một báo cáo gửi về Washington viết: Hồ Chí Minh đề nghị Mỹ gửi các quan sát viên đến thăm tổng hành dinh của ông”(14) ở chiến khu Việt Bắc v.v…

Nhiều người Mỹ - kể cả những người ủng hộ Pháp chống lại Việt Nam - đánh giá cao tinh thần yêu nước của Hồ Chủ tịch. Chẳng hạn:

Abbot Low Moffat, trưởng Ban Đông Nam Á (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ), nói: “Tôi chưa từng gặp một người Mỹ nào, dù là quân nhân, nhân viên [tình báo] OSS, nhà ngoại giao hay nhà báo, mà không tin tưởng rằng Hồ Chí Minh trước hết và trên hết là một người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc”(15).

Charles Reed, lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, báo cáo ngày 14-6-1947: “Chính phủ Hồ Chí Minh là lực lượng chính trị duy nhất được quần chúng ủng hộ và có tính tổ chức… Người Việt Nam nghĩ rằng Hồ Chí Minh là lãnh tụ hợp pháp duy nhất”(16).

Trên tạp chí Life (Mỹ) ra ngày 26-12-19467, William C. Bullitt, nguyên đại sứ Mỹ ở Liên Xô, viết: “Hiện nay, hàng triệu người Việt Nam đang đi theo Hồ Chí Minh vì ông là biểu trượng của cuộc kháng chiến chống Pháp”(17).

Trong bản Tuyên bố về chính sách ở Đông Dương ngày 27-9-1948, Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận: “Hồ Chí Minh là nhân vật mạnh nhất và có lẽ là có năng lực nhất ở Đông Dương”(18).

Thậm chí, có người như Raymond Fosdick, Chủ tịch Tổ chức Rockefeller, đề nghị “công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, xem đó là “chính sách duy nhất có tính thực tế”(19).

Về quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc, các nhà sử học Mỹ cho biết: “Moskva bận tâm với tình thế ở châu Âu và không thích làm mất lòng nước Pháp nếu công khai ủng hộ Việt Minh… Còn lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang kẹt trong cuộc nội chiến gian khổ với Tưởng Giới Thạch và đang ở trong cái thế không thể giúp đỡ được gì cho lực lượng của Hồ Chí Minh ở xa tít về phía nam”(20). David Schoenbrun viết: “Người Việt Nam chiến đấu trong nhiều năm mà không có sự giúp đỡ nào của Nga hay của Trung Quốc… Việt Nam là trường hợp cách mạng chống thực dân diễn ra trên cả nước mà không có sự hiện diện của một người lính Nga hay lính Trung Quốc nào hết”(21). Mùa thu năm 1948, Cơ quan Tình báo và nghiên cứu (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) cũng thừa nhận: “Không hề tìm ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy hiện nay Hồ Chí Minh nhận lệnh từ Moskva”(22).

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ lập trường trung lập trong lúc chiến tranh lạnh đang diễn ra giữa hai phe. Trả lời nhà báo Mỹ S. Elie Maissie tháng 9-1947, Hồ Chủ tịch khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(23).

Chiến tranh của Pháp ở Đông Dương có trở thành “nội chiến” hay “chiến tranh ý thức hệ” hay không?

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Việt Nam phải “chiến đấu trong vòng vây” - hiểu về mặt địa lý cũng như trên phương diện ngoại giao. Tuy nhiên, nhờ theo đường lối “trường kỳ, toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh”, cuộc kháng chiến liên tiếp giành nhiều thắng lợi. Ta càng đánh càng mạnh. Giáo sư sử học Mỹ George McTurnan Kahin nhận xét: “Sự trưởng thành nhanh chóng của sức mạnh quân sự Việt Minh và hàng loạt thất bại mà Việt Minh đã giáng xuống lực lượng của Pháp trong năm 1949, khá lâu trước khi Việt Minh có được số vũ khí quan trọng từ chính quyền cộng sản mới thành lập ở Trung Quốc”(24). Trong bản đánh giá tình hình tháng 10-1949, Cơ quan tình báo CIA của Mỹ nhận định quân Pháp đang lâm vào thế bế tắc: “Nếu tình hình hiện nay cứ tiếp tục mà không có sự thay đổi một cách căn bản, những người Việt Nam yêu nước [chỉ lực lượng kháng chiến Việt Nam] có lẽ sẽ có thể đẩy Pháp ra khỏi Đông Dương trong hai năm nữa”(25).

Giữa lúc đó, hai sự kiện xảy ra ở vùng Viễn Đông:

Một là cuộc nội chiến ở Trung Quốc giữa hai phe Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu từ 26-6-1946, đến năm 1949 thì ngã ngũ: quân đội của Mao Trạch Đông lần lượt chiếm Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải rồi tiến thẳng xuống phía nam. Tưởng Giới Thạch dẫn chính phủ và quân đội chạy ra đảo Đài Loan. Ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập.

Hai là chiến tranh nổ ra giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên (25-6-1950). Mỹ gửi quân đội sang giúp Nam Triều Tiên. Sau đó Trung Quốc cũng gửi chí nguyện quân đến “kháng Mỹ, viện Triều” (giúp Bắc Triều Tiên chống Mỹ).

Tuy chính phủ Truman (Đảng Dân chủ) từ năm 1945 đến 1949 đã viện trợ cho chế độ Tưởng Giới Thạch 3 tỉ đôla, nhưng sau thảm bại của chính quyền Quốc dân đảng, vẫn có nhiều chính khách đối lập (thuộc Đảng Cộng hòa) lớn tiếng chỉ trích chính phủ Mỹ là quá chú trọng việc ngăn chặn Cộng sản ở châu Âu nên để mất Trung Quốc. Vì vậy, ngày 30-12-1949 Truman phải chủ tọa phiên họp của Hội đồng An ninh quốc gia thông qua văn kiện NSC.48/2: “Phải định hướng chính sách của Mỹ nhằm ngăn chặn Cộng sản bành trướng thêm ở châu Á… Đặc biệt chú ý tới vấn đề Đông Dương thuộc Pháp”(26).

Lợi dụng chuyển biến tình hình đó, Pháp tìm cách thay đổi màu sắc của chiến tranh Đông Dương để vòi thêm viện trợ Mỹ. Họ cố che đậy bản chất của “cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa” bằng những bức màn “nội chiến Quốc - Cộng”, “chiến tranh ý thức hệ” nhằm “ngăn chặn làn sóng đỏ” ở châu Á để “bảo vệ thế giới tự do”, đưa chiến tranh Đông Dương vào quỹ đạo “chiến tranh lạnh” của Mỹ. Một bộ trưởng Pháp tuyên bố: “Cuộc chiến đấu của Pháp ở Đông Dương không phải nhằm chống lại chủ nghĩa dân tộc mà là một cuộc chiến đấu chống lại Cộng sản quốc tế”. Ông ta khuyên: “Mỹ phải quyết định dừng cuộc nam tiến của Cộng sản ở đâu. Mỹ phải giúp Pháp vạch ra một lằn ranh và hy vọng lằn ranh đó ít ra cũng phải nằm ở phía bắc của biên giới giữa Trung Quốc và Đông Dương”(27).

Tại Hội nghị các ngoại trưởng Mỹ - Pháp - Anh tổ chức tại Washington D.C. đầu tháng 9-1949, Ngoại trưởng Pháp Robert Schuman kể công: “Nước Pháp đã chi phí cho chiến tranh Đông Dương mỗi năm gần 500 triệu đôla, chiếm một nửa tổng ngân sách quân sự của Pháp”(28). Nhà ngoại giao Maurice Couve de Murville thì than thở: “Nước Pháp không thể tiếp tục chiến đấu một mình”, trong khi một quan chức khác lên tiếng dọa: Nếu không được Mỹ tăng thêm viện trợ, “nước Pháp có thể bỏ rơi Đông Dương cho Moskva”(29).

Sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, tướng Jean de Lattre de Tassigny, Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, luôn “nhấn mạnh tính thống nhất (oneness) trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản ở Triều Tiên, châu Âu và Đông Dương”(30). Ông nói: “Đông Dương và Triều Tiên là hai mặt trận của cùng một cuộc chiến chống Cộng sản, cuộc chiến mà Pháp có thể thắng ở Đông Dương với sự giúp đỡ của Mỹ”(31).

Mỹ đang vướng vào cuộc chiến tranh Triều Tiên nên quyết định tăng thêm viện trợ cho Pháp ở Đông Dương. Nhà nghiên cứu Pháp Jules Roy nhận định một cách chua chát: “Nếu Mỹ cho Pháp đôla, đó là để trả tiền cho máu mà Pháp đã đổ” ở Đông Dương(32)! Ngày 27-6-1950, Tổng thống Truman còn gửi sang Đông Dương một Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự (Military Assistance Advisory Group) “để có những mối quan hệ công tác mật thiết” giữa Mỹ và Pháp(33).

Từ đầu năm 1950 đến lúc chiến tranh Đông Dương kết thúc vào giữa năm 1954, Mỹ đã viện trợ cho Pháp 2,763 tỉ đôla(34). Nếu tính cả giai đoạn từ giữa năm 1945 đến cuối năm 1949, Mỹ đã chi cho Pháp 4,714 tỉ đôla.

Trong thực tế, bản chất cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương vẫn không thay đổi: trước sau đó vẫn là chiến tranh thực dân. Dù cho Pháp có dựng lên “Quốc gia Việt Nam” và 18 lần ban nền “độc lập”, thì - như nhà sử học Pháp Philippe Devillers viết - đó chỉ là “cái giả vờ độc lập” (le semblant d’indépendance), “độc lập của một nước chư hầu” (l’indépendance d’un satellite”)(35). Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lên Tổng thống Eisenhower giữa năm 1953 viết: “Tuy năm 1949 Pháp ban độc lập trong Liên hiệp Pháp cho ba nước Lào, Campuchia và [Quốc gia] Việt Nam, một số biểu tượng của thời kỳ thuộc địa trước đây vẫn tồn tại và chính quyền Pháp vẫn còn nắm quyền tối cao trong các vấn đề ngoại giao, quân sự, ngoại thương, hối đoái và an ninh trong nước. Pháp tiếp tục giữ hầu như độc quyền trong đời sống kinh tế của các nước liên kết [tức ba nước nói trên]”(36). Thời Pháp đô hộ không kết thúc ở năm 1949 mà kéo dài - dưới hình thức “bảo hộ kiểu mới” (néo-protectorat) như Philippe Devillers gọi(37) - cho đến lúc quân viễn chinh Pháp thảm bại ở Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève (ngày 21-7-1954).

Nhà sử học Mỹ George McTurnan Kahin bác bỏ cái gọi là “nội chiến Quốc - Cộng”: “Hoàn toàn rõ ràng rằng trải nghiệm Bảo Đại không cung cấp một cực của chủ nghĩa quốc gia có thể cạnh tranh với Việt Minh. Cái “nội chiến” (civil war) ở Việt Nam về cơ bản vẫn còn là một trường hợp ngoại bang can thiệp, với nước Pháp - nay được Mỹ ủng hộ -cố gắng thực hiện ý định quân sự và chính trị chống lại đối thủ Việt Nam của họ. Cả những lời hứa hẹn của Pháp lẫn những thứ trang sức mới của Bảo Đại cũng không che đậy được sự thật đây vẫn là một cuộc chiến tranh thực dân (a colonial war)(38).

Đối đầu với đạo quân viễn chinh nhà nghề của Pháp được Mỹ vũ trang đến tận răng, Việt Nam phải tìm nguồn giúp đỡ từ bất cứ nước nào. Đó là lẽ tự nhiên, không có gì phải bàn luận. Nhưng so với những gì mà Việt Nam nhận được, viện trợ của Mỹ cho Pháp phong phú và đa dạng hơn nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Mỹ là nước có nền công nghiệp quân sự phát triển nhất thế giới. Jules Roy viết: “Máy bay, vũ khí, thợ cơ khí và các toán dân sự - đó là tất cả những gì Mỹ có thể giúp Pháp. Việt Minh nhận được từ Trung Quốc không đầy 1/10 sự giúp đỡ như thế: Việt Minh không có xe tăng, bộ đội phải đi bộ và các dân công phải đẩy hàng nghìn xe thồ để tăng gấp 10 lần sức chở”(39) so với gánh trên vai. Có thể nói thêm: Việt Minh cũng không có máy bay, tàu chiến… như Mỹ đã viện trợ cho Pháp!

Yếu tố chính quyết định thắng lợi của một cuộc chiến tranh không phải là vũ khí, mà là tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh đó, là tinh thần yêu nước và quyết tâm chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân. Báo cáo nói trên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Việc đa số dân chúng địa phương không hoàn toàn ủng hộ nỗ lực chiến tranh [của Pháp] là một trong những nhân tố tiêu cực chính… Sự bất mãn [của họ] cản trở việc phát triển tinh thần chiến đấu trong lực lượng vũ trang bản xứ [chỉ Quân đội Quốc gia Việt Nam] đang xây dựng”(40). Jules Roy đặt câu hỏi: “Phía bên nào có niềm tin và chấp nhận chết vì một cái gì đó?” và trả lời ngay: “Hoàng đế Bảo Đại không phải là cái tên mà người ta kêu lên để chiến thắng đói khát hay đau đớn. Tên của ông Joseph Laniel [Thủ tướng Pháp] cũng không phải vậy”(41). Tên của tổng thống Mỹ, lãnh tụ của “thế giới tự do”, lại càng không phải. “Trong một chuyến đi thanh tra, ông Adlai Stevenson [một quan chức Mỹ] ngạc nhiên vì, khác với người [Nam] Triều Tiên, không có người [Việt Nam] nào mỉm cười khi thấy ông đi qua, và ông tự hỏi những người lính đánh thuê trong Đạo quân viễn chinh [của Pháp] làm sao có thể hiểu được ý nghĩa của một cuộc chiến tranh vì Việt Nam mà lại chống Việt Minh(42). Năm 1960, thượng nghị sĩ Mỹ (năm sau trở thành tổng thống) John F. Kennedy nhớ lại: “Trong chuyến đến Đông Dương năm 1951, tôi hiểu ngay rằng chúng ta đang liên minh với một chế độ thực dân hoàn toàn không được dân chúng ủng hộ”(43). Ông đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta mong những người Việt Nam [trong quân đội của Bảo Đại] chiến đấu để duy trì đất nước của họ như một phần của nước Pháp?”(44) khiến tướng de Lattre tức giận. Về lại Mỹ tháng 11-1951, ông tuyên bố: “Ở Đông Dương, chúng ta liên minh với nỗ lực tuyệt vọng của chế độ Pháp muốn bám lấy tàn dư của đế quốc. Chính phủ bản xứ [Quốc gia] Việt Nam không được dân chúng ở đó ủng hộ rộng rãi”(45).

Ở Việt Nam, không có “nội chiến”, mà cũng không có “chiến tranh ý thức hệ” chống chủ nghĩa Cộng sản như Pháp tuyên truyền, vì - như nhà sử học Philippe Devillers viết - chủ nghĩa Cộng sản “ở Việt Nam gắn bó khăng khít với chủ nghĩa dân tộc; các lãnh tụ Cộng sản có một quá khứ yêu nước rất đẹp nên người ta không thể công kích họ”(46). Bộ Ngoại giao Mỹ phải thừa nhận: “Người cộng sản Hồ Chí Minh… chắc hẳn đang được đa số đáng kể nhân dân Việt Nam ủng hộ”(47).

Nhiều nhà sử học có lương tri - ở Việt Nam, ở Pháp, ở Mỹ… - đã bác bỏ luận điệu của thực dân Pháp muốn thay đổi màu sắc của cuộc chiến tranh với mục đích vòi thêm tiền viện trợ của Mỹ. Không dừng lại ở hiện tượng bên ngoài, những nhà sử học ấy đã đi tìm bản chất sâu xa của các sự kiện lịch sử, nhờ vậy đã trình bày đúng thực chất của cuộc chiến tranh mà Pháp tiến hành ở Đông Dương từ sau thế chiến II.

 

_____

(1) Thierry d’ Argenlieu, Chronique d’Indochine 1945 – 1947, NXB Albin Michel, Paris, 1985, tr.30.

(2) George McTurnan Kahin, Intervention - How America Become Involved in Vietnam, NXB Alfred A. Knopf, New York, 1986, tr.7.

(3) Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, NXB Plon, Paris, 1959, tập III, tr.467-468.

(4) Robert S. McNamara, In Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam, NXB Times Books, New York, 1995, tr.31.

(5) David Schoenbrun, Vietnam: How We Got In, How to Get Out, NXB Atheneum, New York, 1968, tr.35.

(6) Báo Cứu quốc, số 434, ngày 13-12-1946.

(7) Bộ Quốc phòng Mỹ, United States - Vietnam Relations 1945-1967, U.S. Government Printing Office, Washington D.C, 1971, tập I, tr.C-97.

(8) Archimedes L.A. Patti, Why Vietnam?, University of California Press, 1980, tr.368.

(9) Gary R. Hess, The United States’ Emergence as a Southeast Asian Power 1940-1950, Columbia University Press, New York, 1987, tr.183.

(10) Báo Cứu Quốc, số 1183, ngày 5-3-1949.

(11) Điện trả lời một nhà báo Mỹ, ngày 12-1-1947, Hồ Chí Minh - Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập V, tr.21.

(12) Hồ Chí Minh - Toàn tập, sđd, tập V, tr.430.

(13) Hồ Chí Minh - Toàn tập, sđd, tập V, tr.20.

(14) William J. Duiker, U.S. Containment Policy and the Conflict in Indochina, Stanford University Press, California, 1994, tr.56, 65.

(15) George McTurnan Kahin, sđd, tr.7.

(16) George McTurnan Kahin, sđd, tr.58.

(17) Allan B. Cole (biên tập), Conflict in Indochina and International Repercussions - A Documentary History 1945-1955, Cornell University Press, New York, 1956, tr.64.

(18) William J. Duiker, sđd, tr.67.

(19) William J. Duiker, sđd, tr.81.

(20) William J. Duiker, sđd, tr.38-39.

(21) David Schoenbrun, sđd, tr.35.

(22) The Pentagon Papers (ấn bản của The New York Times), NXB Bantam Books, New York, 1971, tr.8.

(23) Hồ Chí Minh - Toàn tập, sđd, tập V, tr.220.

(24) George McTurnan Kahin, sđd, tr.36.

(25) William J. Duiker, sđd, tr.81.

(26) The Pentagon Papers, sđd, tr.2.

(27) Ronald H. Spector, Advice and Support - The Early Years 1941-1960, Center of Military History xuất bản, Washington D.C.,1983, tr.95.

(28), (29) Stanley Karnow, Vietnam - A History, NXB Penguin Books, New York, tr.76.

(30) Ronald H. Spector, sđd, tr.143.

(31) Jean de Lattre de Tassigny, “Indochine 1951: ma mission aux États-Unis”, La Revue de deux mondes, tháng 12-1951, tr.389.

(32) Jules Roy, The Battle of Dienbienphu, NXB Pyramid Books, New York, 1966, tr.35.

(33) Harry S. Truman, Memoirs, tập II: Years of Trial and Hope 1946-1952, NXB The New American Library, New York, 1965, tr.386.

(34) George McTurnan Kahin, sđd, tr.42.

(35) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, NXB Seuil, Paris, 1952, tr.446, 447.

(36) Dwight D. Eisenhower, Mandate for Change - The White House 1953-1956, NXB The New American Library, New York, 1965, tr.217.

(37) Philippe Devillers, sđd, tr.446.

(38) George McTurnan Kahin, sđd, tr.38.

(39) Jules Roy, sđd, tr.178-179.

(40) Dwight D. Eisenhower, sđd, tr.217.

(41) Jules Roy, sđd, tr.179.

(42) Jules Roy, sđd, tr.37

(43) André Kaspi, “La mission du général de Lattre aux États-Unis (13-25 Septembre 1951)”, La Revue française d’histoire d’outre-mer, tập 79, số 295, quý II năm 1992, tr.224.

(44) Arthur M. Schlesinger, Jr., A Thousand Days - John F. Kennedy in the White House, NXB Fawcett Crest, New York, 1967, tr.300.

(45) John F. Kennedy, The Strategy of Peace, NXB Harper, New York, 1960, tr.60.

(46) Philippe Devillers, sđd, tr.444.

(47) Bộ Quốc phòng Mỹ, sđd, tập VIII, tr.148.

---------------------------------------------------

Cùng bạn đọc

Vì số này dành chỗ cho bài Viết tiếp về “Quốc gia Việt Nam” nên phần tiếp theo của bài Việt Nam Cộng hòa: “Ai chi tiền, người ấy chỉ huy” sẽ dời sang số sau.

H.V.

PHAN VĂN HOÀNG Tiến sĩ sử học