HV122 - 50 năm Nguyễn Thi ngã xuống trên chiến trường Mậu Thân

Trước khi vào chiến trường miền Nam, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi) đã có một thời gian làm biên tập viên ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đóng tại số nhà 4 Lý Nam Đế - Hà Nội. Tại đây, sau những chuyến đi thực tế, Nguyễn Ngọc Tấn đã thức suốt nhiều đêm, ngồi viết những truyện ngắn về tâm tư tình cảm những cán bộ miền Nam tập kết, về những gương lao động tiên tiến sau này đưa vào hai tập Trăng sáng Đôi bạn nổi tiếng một thời. Nó mãi mãi là những trang văn đẹp của văn học chúng ta vì nó nhuần nhuyễn những tình cảm thiết tha trong sáng, thấm đượm nỗi đau lịch sử của một trang sử bi hùng của dân tộc...

Nhiều bạn bè từng sống với Nguyễn Ngọc Tấn đã kể rằng: anh vốn là một người dữ dội về đời sống bên trong dù bên ngoài có vẻ lặng lẽ khiêm nhường. Anh yêu tột cùng và ghét cũng tột cùng. Nói như ta vẫn nói, anh là người cực đoan: chỉ có hai cực yêu và ghét. Vì thế, đời anh chẳng mấy khi suôn sẻ, bình lặng. Mọi người nhớ đinh ninh rằng: Bữa anh nghe người vợ yêu dấu của anh - họ đã có với nhau một đứa con gái - ở miền Nam đã đi lại với kẻ khác, anh đã lăn lộn từ trên giường xuống sàn nhà, vật vã đấm ngực, đấm đầu khóc và la hét làm ai cũng lo lắng. Thế rồi, khi cơn “điên” đã lên cao độ anh vội vã lấy vợ như để cắt đứt một quá khứ buồn đau. Hình như sau này, anh nghe tin vợ anh vì công tác mà phải “đóng kịch” như vậy thì anh lại lăn lộn vò đầu bứt tóc tự khinh mình là kẻ bội bạc, phản bội và chỉ muốn được chết.

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh kể rằng: Hồi ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Nam, anh Nguyễn Ngọc Tấn đưa một người viết mà anh từng chăm lo giúp đỡ về cơ quan để lo công tác Đảng. Sau này, anh có biểu hiện lấn lướt, đè nén anh em. Thế là anh bực tức tới mức trong cuộc họp, hễ có mặt anh kia là anh không dự. Anh kia ngồi ở một chiếc ghế vừa đi, anh cầm giẻ ướt lau rồi mới ngồi.

Nhưng cũng nhờ tính quyết liệt ấy mà anh được đi chiến trường. Hồi còn sống, nhà thơ Thanh Tịnh có kể với tôi rằng: Vào một ngày tháng 3-1962, nhà văn Nguyên Ngọc được lệnh đi Nam. Nguyên Ngọc với Nguyễn Ngọc Tấn cùng lứa tuổi, vậy mà sao anh không được đi Nam? Thế là Nguyễn Ngọc Tấn đấm ngực, vò đầu, la hét “Tại sao tôi không được đi Nam? Tại sao? Tôi kém mọi người ở chỗ nào?”. Rồi anh chạy đi đấm cửa ầm ĩ hết cơ quan này đến cơ quan nọ. Cho đến một đêm, anh nhẹ nhàng gõ cửa phòng bạn: “Mình được nhận đi B rồi, cùng đi với cậu một chuyến. Thôi ngủ đi. Mình xin lỗi vì mừng quá”.

Nguyễn Ngọc Tấn lên đường đi chiến trường vào tháng 5-1962. Từ đây anh mang bút danh Nguyễn Thi, tên của con trai anh.

Chắc nhiều người chưa biết con người này từng bị ho ra máu vì những năm lang thang khổ cực kiếm sống và đang giấu thầy thuốc về bệnh kiết lỵ để khỏi lỡ chuyến đi, đã vất vả trên con đường hành trình dài ngày như thế nào? Phải nói là anh đi “bằng đầu”, bằng ý chí. Nhưng chuyến vượt Trường Sơn này, cho anh thấy rõ sự chuẩn bị âm thầm của Đảng cho một trận quyết chiến mới như thế nào, được gặp những người giao liên lặng lẽ xuyên rừng, băng qua mưa nắng, bệnh tật, đói khổ để nối hai miền Nam - Bắc. Và con người vốn nhạy cảm ấy thầm lau nước mắt vui sướng vì cái đẹp của nhân dân, của Đảng. Chủ đề về Đảng và nhân dân sẽ in đậm suốt quãng đời sáng tác về sau của anh.

Ở chiến trường, anh được phân công phụ trách tờ tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Nam. Tại đây đã có các nhà văn Võ Trần Nhã, Thanh Giang, họa sĩ Trần Dũng, Bé Nghiệp (thợ khắc gỗ). Ngày ngày, các anh xoay trần cưa cây, đào hầm, cất nhà. Nguyễn Thi đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng” nên anh rất quen việc cưa ngàm, ráp kèo, làm đòn đông đến việc chầm lá trung quân để lợp nhà. Đêm đến, các anh ngồi bên những ngọn đèn làm bằng một cái chai nhỏ, đặt trên những chiếc bàn được bện bằng thân cây gỗ lặng lẽ biên tập, viết bài cho tạp chí.

Nguyễn Thi vốn có tài vẽ. Anh đã học nghề này trong những năm đi kiếm sống lang thang từ quê hương xã Quần Phương Thượng - huyện Hải Hậu - Nam Hà vào tận Sài Gòn. Anh vẽ bìa, minh họa, can giấy khắc gỗ, có khi còn xuống tận nhà in để pha màu. Nguyễn Thi tận tụy với công việc vì anh nghĩ anh mới ở miền Bắc vào, chưa cống hiến được gì. Nhưng làm gì thì làm, ước mơ của anh vẫn là được về các cơ sở để sống, chiến đấu và làm việc với đồng bào và chiến sĩ, những người mà anh yêu quý. Anh nói với anh em ở cơ quan:

- Tiếng là đi chiến trường mà mình ở đây như ở hậu phương. Mơ ước của mình là được sống, chiến đấu với đồng bào Nam Bộ. Nghệ thuật của mình cũng bắt nguồn ở đó. Mình phải đi chiến trường mới được.

Anh năn nỉ Thanh Giang:

- Cậu đi nhiều rồi, biết nhiều rồi, lần này cậu ở nhà để “thủ cơ quan” cho tớ đi nhé.

Mỹ Tho và Ấp Bắc đang hấp dẫn anh.

Vốn tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, những năm tập kết ra Bắc, anh có một khoảng cách xa vùng đất thân quen để có dịp nghĩ suy về nó, để học hỏi thêm nhiều kiến thức về chính trị, chuyên môn. Cho đến khi về lại miền Nam, anh vừa có năng lực hiểu sâu vùng đất quen vừa có độ tinh nhạy của một nghệ sĩ đã chín về nhiều phương diện để phát hiện những cái mới, cái bản chất của vùng đất ấy trong hoàn cảnh mới. Chính vì vậy vốn từng trải của anh được nhân lên so với những người mới đến vùng đất này. Nguyễn Thi vừa tìm hiểu vừa suy nghĩ về cuộc chiến đấu của nhân dân. Khi ở cơ quan, dù có bận đến mấy, có ai đến là anh vui vẻ tiếp chuyện và chú ý lắng nghe họ nói vì anh cho rằng mỗi người sẽ cho anh một thông tin mới, một gợi ý mới về chủ đề, về đề tài. Lúc đi công tác, đến đâu, anh cũng cặm cụi ghi chép.

Trong thời gian công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội (1979-1983) tôi đã được đọc 30 tập ghi chép của Nguyễn Thi. Những tập ghi chép này cùng với những tác phẩm đang viết dang dở của anh như Sen trong đồng, Ước mơ của đất, Cô gái bán dừa đều được đồng đội bọc ni lông, bỏ trong những thùng sắt, chia nhau giữ. Để tránh mất mát vì sợ B-52 dội bom và biệt kích đánh bất ngờ, anh em đã đào hầm chôn. Sau chiến tranh, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã đem bản thảo nguyên vẹn về cho tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nguyễn Thi đã ghi trong sổ ghi chép những trận đánh, những địa phương anh đi qua, những cuộc họp, những nhân vật anh gặp gỡ hay được nghe kể chuyện, những câu ca dao, những cảnh sắc, những cây cối, động vật. Có khi anh vừa ghi vừa vẽ những điều anh trông thấy: những em bé ngộ nghĩnh, những chiếc lô cốt... Anh chia quyển sổ ra làm hai cột. Anh ghi chép một cột, cột kia để ghi ý nghĩ, cảm xúc và những điều anh bổ sung. Anh ghi bằng mực xanh, chỗ nào cần thì viết bằng mực đỏ, có gạch dưới. Có một điều, tôi chưa thấy ở nhà văn khác là cuối mỗi quyển sổ ghi chép, anh ghi mục lục để dễ tra cứu.

Sau chuyến đi ấy, vừa về cơ quan, anh lại bồn chồn xin đi Bến Tre, mảnh đất Đồng khởi. Năm 1964, anh cùng Trần Nam Hương, Hoàng Công Thu (họa sĩ), Thanh Giang (nhà văn) đi Bến Tre. Thanh Giang còn nhớ mãi một đêm băng đồng dưới làn đạn pháo, Nguyễn Thi vốn có dáng người cao, cặp giò dài sải nhanh nhưng đi một lúc lại dừng lại hỏi: “Thanh Giang theo kịp không?”. Thấy Huỳnh Công Thu mang lỉnh kỉnh những dụng cụ để vẽ, anh giục bạn đưa cuộn giấy cho mình mang. Nguyễn Thi vốn hay giúp đỡ mọi người, chẳng những trong sinh hoạt mà ngay cả trong sáng tác. Tại Kiến Tường, Thanh Giang bị đạp địa lôi. Nguyễn Thi vuốt cái chân đau của bạn mà rưng rưng, bịn rịn không muốn chia tay. Ở kênh Nguyễn Văn Tiếp, Huỳnh Công Thu bị trực thăng bắn đã hy sinh. Nguyễn Thi khóc bạn, chôn bạn thề trả thù rồi lao về phía đồng bằng gian lao và nguy hiểm. Tại Bến Tre, anh xin về tìm hiểu ấp chiến lược Thành Thới, một ấp chiến lược mà trung ương ngụy chọn làm thí điểm. Ngày khánh thành chính tay Ngô Đình Diệm đến cắt băng. Đó là nơi tập trung thể hiện mọi chính sách bình định của địch, diễn ra những mâu thuẫn gay gắt và chủ yếu của nhân dân với Mỹ - ngụy, là cội nguồn để cắt nghĩa cho cuộc đồng khởi Bến Tre nổi tiếng. Từ những gì thu nhận được, Nguyễn Thi đã phôi thai tiểu thuyết Ở xã Trung Nghĩa với không khí trầm trầm u uất nặng nề như bầu trời đang chờ một cơn dông bão. Có một đêm ở Minh Đức (Bến Tre), Nguyễn Thi cùng nằm chung giường với Thanh Giang. Bên cạnh họ là dòng Hàm Luông lúc nào cũng sôi lên tiếng máy nổ của tàu tuần tiễu địch. Thỉnh thoảng họ lại nghe những tiếng mõ cầm canh. Nguyễn Thi không ngủ được. Anh nói với bạn:

- Quý biết bao một đêm ở đồng bằng. Nếu mình cứ ngủ ở rừng thì làm sao có cảm xúc như thế này. Chỉ có những cảm xúc chân thật mới rung động lòng người.

Phải sau hai chuyến đi tìm hiểu chiến trường, tìm hiểu cuộc chiến đấu, con người, nhà văn mới bắt tay vào viết những sáng tác văn học đầu tiên trong giai đoạn sáng tác này. Vì thế, anh đi chiến trường năm 1962, đến 1965 mới có tác phẩm gửi ra miền Bắc.

Nhưng anh chỉ viết dang dở hai tác phẩm Sen trong đồng Ở xã Trung Nghĩa, rồi về dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ nhất. Anh được phân công viết về chị Út Tịch. Các nhà văn khác đã lấy tài liệu trong đại hội, riêng anh phải ở lại sau đại hội để gặp chị Út. Bởi chị Út đến đại hội bị chậm ngày. Chị vui vẻ kể rằng: trên đường đến đại hội (chị đi hợp pháp), tới Tây Ninh chị bị địch bắt giữ. Người anh hùng của chúng ta ngồi trong bót đã nghĩ cách lừa địch, cướp lấy súng, cướp bót rồi mới đi đến đại hội. Người mẹ cầm súng viết về anh hùng Nguyễn Thị Út là thiên truyện đầy xúc động thấm đẫm triết lý giản dị và cao đẹp của người anh hùng dân gian được bạn đọc cả nước yêu chuộng. Vào năm 1967, Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền lần thứ 2, anh lại được về dự và sau đó viết tiểu thuyết Ước mơ của đất. Tập bản thảo phải dừng lại ở giữa chừng, vì anh áy náy trước tình hình cách mạng như nước sôi lửa bỏng lúc này:

- Tình hình này mà ngồi viết tiểu thuyết thì nó chướng lắm. Phải xuống cơ sở thôi.

Và Nguyễn Thi lại lao xuống Củ Chi để viết ký Những sự tích ở Đất Thép. Rồi anh lao vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Anh đi với một tiểu đoàn chiến đấu trong nội thành Sài Gòn. Người tiểu đoàn trưởng hy sinh. Anh, với cấp bậc cao nhất đã đứng ra chỉ huy tiểu đoàn chiến đấu. Nguyễn Thi bắn địch đến viên đạn cuối cùng và ngã xuống ngay trên mảnh đất Sài Gòn - nơi đứa con gái yêu dấu của anh đang khắc khoải chờ cha trở về, để lại những tác phẩm dang dở, những dự định dang dở. Nhưng trong những cái còn dang dở ấy, Nguyễn Thi đã kịp xây dựng cho mình một tiếng nói riêng trong văn học mà không phải nhà văn nào cũng làm được. Nguyễn Thi đã kịp nêu ra trong các tác phẩm mình một chủ đề lớn mà chỉ có ở tầm vóc anh mới có. Đó là mối quan hệ giữa quần chúng cách mạng và lực lượng lãnh đạo cách mạng, nói gọn hơn là mối quan hệ giữa quần chúng và Đảng. Tại sao Nguyễn Thi lại quan tâm đến chủ đề này? Tôi nghĩ đó là do cuộc đời lao khổ của anh tạo nên. Anh mất cha, mẹ đi bước nữa từ lúc lên 9 tuổi. Nhà văn tương lai phải quăng quật đi vào đời để kiếm sống. Có lúc anh phải nương nhờ ở những người thân, sơ. Có lúc anh đi theo một gánh hát rong lưu diễn để có miếng cơm qua ngày. Những năm tuổi thơ đã để lại những ấn tượng nặng nề trong đời anh, tạo cho anh một vẻ ngoài lạnh lùng, một nét mặt đăm chiêu. Những truyện ngắn và truyện dài của anh, mà đáng chú ý là Người mẹ cầm súng, Ước mơ của đất, Ở xã Trung Nghĩa, Cô gái bán dừa, đặc biệt là Sen trong đồng đã biểu hiện sâu sắc chủ đề mà anh đã đặt ra cho cả cuộc đời sáng tác của mình. Không hiểu sao, sau này trong các tuyển tập của Nguyễn Thi, các nhà xuất bản không in lại Sen trong đồng. Có phải người ta sợ những vấn đề ở trong đó, khi mà người Bí thư huyện ủy lại đi đầu hàng còn một cô gái giao liên ngoài Đảng lại trung thành?

Nguyễn Thi có một phong cách giản dị mà lại rất trong sáng, rất trau chuốt, rất nhuần nhụy trong việc xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật. Đặc điểm ấy phù hợp với chủ đề, đề tài mà anh đề cập. Chính vì thế, ở anh, những chủ đề ấy, những đề tài ấy bỗng lung linh, sâu sắc thấm đượm trong lòng người đọc. Tôi không thể quên được đoạn mở đầu của Người mẹ cầm súng:

“Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người đàn bà đã 6 con tên là Nguyễn Thị Út. Dáng người nhỏ gọn, có khuôn mặt tròn và đôi mắt trong sáng. Cô bác lớn tuổi quen gọi chị là con Út Trầu vì chị hay ăn trầu”.

Văn của Nguyễn Thi giản dị nhưng rất chọn người đọc. Những độc giả có vốn từng trải trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân mới hiểu hết cái hay cái đẹp của Nguyễn Thi. Ở anh, ta không thấy sự lan man vô ích, cũng không thấy sự khô héo mà tràn đầy cảm xúc lắng đọng. Đó là văn của một nhà thơ, mà văn của nhà văn chân chính nào cũng thấm đẫm chất thơ.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, một lần tôi có đọc bài thơ Thơ tặng một con người của Nguyễn Ngọc Tấn. Thời gian sau đó, chỉ thấy anh viết văn làm tôi cứ băn khoăn có phải đây là thơ của anh, hay một Nguyễn Ngọc Tấn nào khác. Sau này, tôi mới biết Nguyễn Ngọc Tấn, hồi ở Nam Bộ có in hai tập thơ - tập Hương đồng nội và một tập thơ rách bìa chưa tìm ra tên. Tôi nhớ hình như bài thơ mà tôi đã đọc, anh viết về nỗi nhớ người vợ và con gái nhỏ của anh đang ở miền Nam xa thẳm.

Nguyễn Thi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tên anh còn được đặt cho một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng ngã xuống trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cách đây vừa tròn 50 năm.

 

THANH QUẾ