HV122 - Cái Tết nhớ đời (Hồi ký)

Giữa năm 1955, tôi bị chế độ Diệm-Nhu – mà Ngô Đình Cẩn là người đại diện sắt máu – bắt giam giữ ở Thăng Bình, về hai tội trạng: Lãnh đạo cuộc biểu tình đòi hợp thương hai miền Nam Bắc và tổ chức làm giấy tờ để một số cán bộ ở lại miền Nam có phương tiện hợp pháp mà đi lại. Gần một năm sau, tôi bị bịt mắt, còng tay, đưa ra lao xá Hội An chờ ngày an trí ngoài Côn Đảo. Lần này, như nhiều lần tù về sau, tôi luôn tìm cách để tự giải thoát.

Tình hình xã hội những năm sau ngày Hiệp định Genève rất là nghẹt thở, đặc biệt là ở miền Trung. Vây bắt, lùng sục, tra khảo, thủ tiêu, với đủ hình thức khủng bố, trả thù, tạo một không khí căng thẳng thường trực, quánh đặc những nỗi sợ hãi.

Làm sao sớm ra khỏi tù mà không trả giá bằng nhân cách mình, tôi luôn loay hoay với câu hỏi đó. Tết đã gần kề, một sự kiện mới xuất hiện: Chi trưởng công an ở quận quê tôi – người đã bắt tôi đem về tra khảo dã man với nhiều hình thức do chính ông ta sáng tạo: lột quần áo, trói quặt hai tay ra sau rồi treo ngược lên để lấy đầu súng lục dộng mạnh vào hai mạn sườn cho đến khi tím bầm để mà hỏi cung – nay vì mâu thuẫn với tay quận trưởng nên bị mất chức, sau một thời gian đấu đá giữa phe hành chính và phe an ninh. Ông ta bị rút về tỉnh, đưa xuống làm an ninh phòng ở lao Hội An, tiếp tục theo dõi chúng tôi. Tuy không còn vẻ bậm trợn vênh váo như xưa nhưng sự mặc cảm khiến người ta giữ một vẻ nín lặng hầm hập của kẻ nung nấu oán thù. Nhìn sắc diện ấy và tin chắc rằng mâu thuẫn giữa họ đang còn độ nóng, tôi dự tính một kế hoạch để giải thoát mình. Một buổi sáng nọ, tôi tiến lại gần ông ta:

- Thưa ông chi trưởng…

Ông ta sầm mặt:

- Chi trưởng cái mẹ gì nữa!

- Với tôi, ông vẫn là Chi trưởng. Tôi không thể quên điều này.

Cái này tôi nói theo lối hai nghĩa, để ông ta hiểu lấy nghĩa ưa thích. Rồi tôi nói tiếp:

- Tôi muốn thưa chuyện với ông như sau: tôi vẫn có thể giúp ích cho ông được một phần nào, nếu ông vui lòng chịu giúp đỡ tôi.

- Giúp anh cái gì?

- Ông biết rõ hơn ai hết là tay quận trưởng chỉ dựa vào thế quen thân ông Diệm, nhưng là một kẻ bất tài, tàn ác, giết chết nhiều người vô tội, khiến cho dân chúng địa phương hết sức bất bình. Là người đã được ăn học ít nhiều, tôi càng căm phẫn trước sự tình đó, nhưng tôi chỉ là cá nhân đơn độc, không có lực lượng nên phải dựa vào quần chúng địa phương để tập hợp thành lực lượng mà chống đối lại. Nay tôi viết một lá đơn kể tội quận trưởng, nhờ ông cho thêm tư liệu, chứng cớ, vì ông hiểu rõ gã hơn tôi gấp trăm lần, sau đó nhờ ý kiến ông xác nhận rằng những điều tôi đã viết đúng với sự thực, rõ ràng tôi không phải là cộng sản, để được trả tự do vào dịp Tết này.

Đang mang một mối hận lớn với tay quận trưởng, ông ta chấp thuận ý tôi lập tức. Nhờ đó, tôi hiểu thêm được một số vụ việc về các tội ác ở tại địa phương. Ông Chi trưởng cũ đã không tiếc lời bênh vực kẻ đã bị ông liên tục tra tấn ngày nào, để tấn công vào quận trưởng – “kẻ đã xô đẩy các người trí thức địa phương vào tay cộng sản” v.v… Có lẽ còn một yếu tố tâm lý khác nữa: Sau khi mất chức, mất quyền, bị đẩy xuống làm một nhân viên thường, đây cũng là dịp để tỏ thiện cảm với tôi, giải tỏa bớt những hận thù – nếu có – do sự tra tấn tàn bạo gây nên trong thời gian qua, vì vậy ông đã góp ý rất là tích cực.

Gần Tết, trong đợt ân xá tù nhân vào mỗi cuối năm tôi được tự do. Nhận giấy phóng thích, tôi mới đâm lo: làm sao sống yên ổn được, sau khi trở về? Quận trưởng rồi sẽ trả thù, chưa kể Chi trưởng công an mới đến nhận chức, nghe nói là người hung bạo. Thời đó chính quyền muốn giết người dân cũng dễ như giết gà vịt. Tối đến, xồng xộc vào nhà, bịt mắt, dẫn đi, bóp cổ rồi vùi xác xuống một nơi nào đấy. Có nơi, ở tại Quảng Nam, người ta trói chặt tay chân ném xuống đập nước hàng trăm mạng người trong chỉ một đêm. Và tội ác này, cho đến ngày nay, vẫn chưa có một tổng kết cụ thể.

Tôi thấy phải làm cách nào đánh động các cơ quan tỉnh và công khai hóa vụ việc của mình, để về địa phương tránh sự trả thù. Dầu quyền giết người ở trong tay nhưng tên quận trưởng và bè lũ nó cũng tránh gây chuyện ồn ào, khi chưa thật sự vững vàng sau cuộc đụng độ vừa qua ở giữa hai phe. Ngoài ra, tôi còn phải tìm mọi cách để cho địa phương bớt sự chú ý đến mình.

Tôi viết ngay một lá đơn gởi cho quản đốc nhà lao, xin ở tù lại. Tôi hiểu chẳng ai chấp nhận điều này, song là một kế hoãn binh vừa có tính cách thối động buộc phải có sự quan tâm đối với trường hợp của tôi. Quản đốc là một sĩ quan của chế độ cũ, phần nào có mối thiện cảm với những cán bộ cách mạng.

Ông gọi tôi lên, và hỏi lý do. Tôi nêu trường hợp bản thân, trở về chắc bị quận trưởng trả thù, do đó, thà ở trong tù yên ổn hơn nhiều. Ông nói:

- Đã trả tự do thì phải đi về, không có được phép ở lại. Đi ra khỏi tù người ta mừng thấy bà nội, ai còn ngồi lại làm chi.

- Xin ông cứ chuyển giúp đơn của tôi lên các cấp trên. Trong khi chờ đợi giải quyết, tôi không có chỗ ăn ở, ông cho phép tôi được nán lại đây ít ngày.

Ông ta đồng ý, cho phép tôi được nán lại trong vòng một tuần, ở một căn phòng nhỏ hẹp, riêng biệt, tuy trong khuôn viên nhà lao nhưng cấm mọi sự liên hệ với tù, và được tự do đi lại bên ngoài.

Tôi gởi cấp tốc lá thư về nhà báo tin, nhắn chú em tôi – sau này là ký giả Xuân Trang, ở tờ Sài Gòn Giải Phóng – ra đem tôi về vì “đang đau nặng, kể như gần chết”. Thư chắc là được loan truyền hy vọng địa phương không thèm quan tâm đến kẻ bệnh hoạn đang chờ lết vào hỏa ngục. Rồi tôi tìm đến nhiều cơ quan tỉnh, trình bày trường hợp đã được tự do, yêu cầu được sự bảo vệ khi tôi về nhà. Tòa án, công an, quân đội, bảo an… tôi đều đột nhập. Ai cũng bảo tôi là “cứ yên chí”, song tôi thừa hiểu họ chỉ hứa suông. Chủ yếu, tôi muốn đánh động, gây một dư luận rộng rãi ngăn cản những việc ám muội có thể xảy ra như đã xảy ra quá nhiều. Hồi đó, những cán bộ bị lùng sục hoặc mới ra tù thường tìm cách trốn ngay vào Sài Gòn để dễ lẩn tránh và hoạt động lại. Tôi cũng có dự định ấy, song tôi muốn đi một cách hợp pháp – ít ra cũng là như vậy – vì tôi đã được cấp trên chỉ thị luôn phải giữ gìn cái thế công khai ở trong bất cứ là trường hợp nào. Ngày còn nhốt chung với anh Hùng ở xà lim Thăng Bửu – con người hết sức đáng phục mà tôi có ghi lại trong truyện ngắn Con thằn lằn – anh biết là mình không thể sống nổi đã trao cho tôi cái thứ mật hiệu và khuyến khích tôi vượt ngục, nhưng dầu bấy giờ thừa sức bí mật ra khỏi nhà giam để về ẩn náu ở một vùng núi, tôi không thể nào chối từ vai trò đã nhận và đành ở lại trong tù. Vậy tôi phải trở về quê trình diện, lấy đủ giấy tờ rồi tính sau, đồng thời tránh gây khó khăn thêm cho gia đình. Thời điểm áp Tết cũng như trong Tết có một thuận lợi cần phải khai thác: dầu tốt hay xấu, dầu hiền hay dữ thì người Việt Nam vào thời điểm này đều có tâm lý chểnh mảng, dễ dãi, hơn là ngày thường.

Sau khi gặp được người em và bàn cụ thể kế hoạch trở về, tôi phải giã từ kiểu sống nửa dơi nửa chuột ở tại nhà lao gần một tuần qua. Đáng lẽ cùng với Xuân Trang lên xe đò về thẳng nhà, chúng tôi đi thuyền cho chậm lại để đến Chợ Củi thì vừa xế chiều. Chiếc xe của một người em là Nguyễn Hoàng Cầm – con ông chú ruột – chuyên chở hành khách trên lộ trình này về đến quê tôi, đã chực sẵn đó. Thuyền gần đến bờ, đang cùng người em cười nói trước mui bỗng thấy lố nhố trên bến mấy tay công an ở quận, tôi vội nằm vật trên ghe, làm kẻ ốm nặng. Thể trạng của kẻ ở tù lâu ngày rất dễ thủ diễn vai này. Em tôi nhờ người phụ giúp khiêng tôi lên xe, trong lúc tôi… thiếp mê đi như không còn biết trời đất là gì.

Xe được dặn trước là nên chạy chậm để về đến bến thì trời tối hẳn. Từ đấy về nhà của tôi còn một cây số, nhưng tôi không theo đường lớn mà thừa lúc đêm tối băng theo ngả ruộng đi về sau nhà. Vào bằng ngả bếp, chui thẳng vào buồng, không cho ai thấy, vì chúng có thể thủ tiêu mình ngay đêm đầu cho được gọn nhẹ. Trước kia, ở quận, chúng đã đào huyệt chôn tôi nhưng nhờ cơ sở – anh Nguyễn Hữu Dư, một lính Bảo an tại huyện – báo tin cho vợ tôi hay. Vợ tôi đã đến quận đường gây náo loạn lên, khiến chúng thấy việc lộ liễu bèn đưa tôi ra Hội An, còn các bạn khác cùng ở trong nhóm như anh Võ Thi và Nguyễn Công Được thì bị giết chết, vùi xác đâu đó cho đến ngày nay vẫn không thể nào biết được.

Tôi ở trong buồng nhìn qua kẽ vách thấy bà con và thân hữu ngồi chờ khá đông. Nghe tin tôi về, họ đến từ chiều để mà thăm hỏi, nhưng trời tối đã khá lâu vẫn không gặp tôi, đành phải ra về. Dĩ nhiên, trong số những người rất quý mến đó hẳn có trà trộn đôi tay chỉ điểm vào nắm tình hình. Đợi không còn người khách nào, nhà đã đóng cửa, tôi mới bàn với vợ tôi kế hoạch ngày mai. Vợ tôi cho biết phong trào tố cộng tại địa phương đang phát động mạnh, cán bộ, đảng viên và cả quần chúng từng đã tham gia kháng chiến hoặc có con em tập kết đều phải tập trung học tập nhiều ngày, tối phải ngủ trong lều chợ có lính canh gác. Nửa đêm, những ai tình nghi còn có ý đồ hoạt động bị chúng lôi đi, bóp cổ, vùi xác ngoài bãi cát Hương An. Một số người quá tuyệt vọng vì sợ hãi đã treo cổ lên lều chợ, kết liễu đời mình. Bất cứ giá nào tôi cũng phải kiếm đủ giấy tờ và rời nhà trong ngày mai. Tôi viết tờ đơn xin đi chữa bệnh, dặn vợ kế hoạch ngày mốt sẽ đem lên quận, vì nội ngày mai tôi sẽ tìm cách đi xa…

Sáng sớm hôm sau, đầu giờ làm việc, tôi đi vào xã trình diện để lấy giấy giới thiệu lên quận nhận thẻ căn cước. Chủ tịch xã ông Võ Hưng Khoan, là một nhân vật đặc biệt: vốn là lý trưởng thời Pháp đã từng chữa bệnh cho tổng đốc Ngô Đình Khôi, khi cách mạng thành công ông được đề cử làm chủ tịch xã. Mãi đến 1954, Hiệp định Genève ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, lực lượng gọi là quốc gia kéo đến thì ông vẫn được đề cử giữ chức vụ chủ tịch xã. Nếu ông không quá già yếu, có lẽ sau ngày giải phóng lại làm chủ tịch xã nữa. Ông không ở đảng phái nào, không có ý hướng chính trị cụ thể, chỉ có yêu dân, trung thực và vô vị lợi, rất được quần chúng quý mến. Tóm lại, ông đã vượt mọi chế độ chính trị để mà tồn tại trong các chính quyền.

Vừa bước vào trụ sở xã, tôi đã gặp ngay tên Anh, một công an quận cao lớn, to mập mà anh em tù gọi bằng biệt danh “bao bố sọc xanh”. Y chỉ vào tôi, hét lên:

- Tên này sao lại về đây?

Mặc dầu tôi đưa giấy tờ đã được tự do, y vẫn hầm hầm rút súng giải tôi về quận. Tôi cũng lo lắng, song sự phẫn uất cao hơn mọi nỗi sợ hãi. Dầu chẳng có luật pháp gì trong xã hội đó, song bình tĩnh lại tôi biết đây chỉ là màn uy hiếp – một kiểu trấn lột tinh thần – với kẻ ra tù. Như vậy, có thể hiểu rằng bọn họ sợ tôi hơn là tôi sợ bọn họ.

Vào quận, tên Chi trưởng mới – Trần Lịch – đập bàn, nạt lớn:

- Tại sao anh được trở về? Tội trạng anh còn dẫy đầy, tôi đang thu thập để báo cáo tiếp, thế làm cách nào mà anh được hưởng tự do?

Tôi làm ra vẻ ngạc nhiên, nhã nhặn đáp lại:

- Thưa ông, về đây tôi nghe gia đình cho biết là nhờ ông mới đổi đến nên đã tìm hiểu sâu sát tình hình và đã vận động cho tôi sớm được tự do. Hôm nay, tôi đến trước hết để cảm ơn ông về việc ông đã giúp đỡ, sau xin trình diện cho đúng luật lệ quy định.

Vẻ mặt dịu đi, ông ta gục gặc cái đầu, nói giọng bề trên:

- Anh đã biết rõ như thế là tốt. Chính tôi, chứ không ai khác, đã can thiệp để anh được trở về sum họp gia đình. Nhưng tôi cần nói cho anh biết rõ là tình hình ở địa phương hãy còn lộn xộn. Tết này chưa biết cộng sản còn mưu toan gì, vậy thì về đây anh chỉ được phép ở nhà ban ngày, ban đêm phải ngủ trong đồn Công an.

Tôi làm ra vẻ vui mừng:

- Thưa ông, thế là rất tốt cho tôi. Tôi mới ra tù, ở trên chưa tin cậy được, lỡ xảy ra chuyện gì lộn xộn thì dễ bị sự nghi ngờ chỉ làm phiền cho cấp trên và khổ cho tôi. Được ngủ trong đồn, tôi rất an tâm. Xin cám ơn ông.

Hẳn ông ta không ngờ tôi lại dễ bảo như vậy. Lại gục gặc đầu, ra lệnh:

- Mua một cuốn sổ, đăng ký trình diện.

Tôi ra cửa hiệu gần quận chọn mua quyển sổ đẹp nhất. Ông ta cầm sổ, lật tới lật lui, có vẻ hài lòng. Vừa đặt bút xuống, đã vội ngẩng lên:

- Thôi thì buổi tối, cho phép anh được ở nhà. Chỉ đến Công an trình diện mỗi tuần một lần.

- Rất cám ơn ông. Nếu phải mỗi ngày trình diện, tôi cũng vui lòng.

Ông hí hoáy ghi vào sổ. Chẳng rõ học hành tới đâu mà viết chậm như rùa bò. Rồi ký tên, đóng dấu, ông ta trao sổ cho tôi:

- Thôi, cho anh hai tuần trình diện một lần. Đã có ghi rõ thời hạn trong sổ.

Cái trò dọa dẫm phủ đầu kể như đã qua.Ông ta muốn xô tôi vào một cánh cửa, nhưng cánh cửa đã mở sẵn. Tôi cám ơn xong ra ngoài, lên thẳng văn phòng quận. Khâu quan trọng là ở đây: tấm thẻ căn cước đang bị cất giữ, làm sao lấy để tùy thân? Tay thư ký này là người ở bên Công an chuyển sang, vốn là một gã ác ôn đã từng lùng sục bắt giết nhiều người kháng chiến. Hồi bé gã có tên Cu, lớn lên lấy tên là Hai, nên người ta quen gọi là Hai Cu. Anh ta với tôi trước đây cùng ở trong đội bóng đá của xã – đội bóng kể như nhất huyện. Hai Cu vóc người nhỏ thó, nhanh nhẹn, có mỗi đam mê lớn nhất là môn bóng đá và chơi giỏi hơn tôi nhiều. Tôi nhờ học khá hơn các anh em nên được nể nang mà mời vào đội và nhờ có thể lực tốt nên cho giữ chức trung phong. Thường thì tôi lấy được bóng mang đi ít ai dám vào truy cản – để khỏi sặc máu, gãy răng – nhưng tôi chẳng làm thủ môn đối phương sợ hãi chút nào vì bóng tôi sút ít khi chấp nhận chui vào khung thành chật hẹp mà thường là có khuynh hướng bay lên mây xanh. Nhờ tuần vừa qua, ở Hội An, sống ngoài chế độ tù nhân, tôi có xem báo nên biết được tin sẽ có cuộc đấu bóng đá với đội nước ngoài tại Huế (lâu ngày, tôi không còn nhớ đội nào) nên bèn tươi cười đến gặp Hai Cu. Thấy tôi, y rất ngạc nhiên:

- Ủa? Về hồi nào vậy?

- Hôm qua. Từ sáng tới giờ làm việc với ông Chi trưởng. Ghé đây, trước hết rủ anh đi Huế xem đá bóng chơi.

- À, còn một tuần nữa. Trận này chắc dữ dội lắm.

- Vậy lo thu xếp công việc để mà đi xem, rồi về nghỉ tết.

- Được rồi, bỏ qua dịp này uổng lắm.

- Cho mình nhận lấy cái thẻ căn cước…

- Có giấy giới thiệu bên Công an chưa?

- Cứ giao, rồi mình qua lấy nộp sau cũng chẳng trễ gì.

Rồi tôi nói tiếp, lập lờ:

- Ông Chi trưởng cũng cho phép nghỉ một thời gian rồi mới làm việc.

Rồi tôi tiếp tục nói một cách cởi mở, thoải mái, như chẳng có gì là quan trọng cả. Anh ta lục lọi trong tủ, lấy thẻ, ghi sổ rồi trao cho tôi:

- Nhớ đưa gấp giấy Công an cho phép nhận thẻ.

- Để mình qua ông Chi trưởng ngay bây giờ đây.

Tôi bỏ thẻ vào túi áo sơ mi, vỗ vai anh ta, rồi bước ra cửa làm như là xuống văn phòng Chi trưởng nhưng liền rẽ quặt ra sau giả vờ tìm nơi vệ sinh, và do quen thuộc đường lối, tôi băng qua xóm, đổ ra cánh đồng và phóng một mạch xuống quốc lộ đón chiếc xe đò đầu tiên gặp được để ra Đà Nẵng. Tới đây, thì trời đã trưa. Tôi ghé lại nhà một người bạn thân, anh Trương Văn Thông, nhờ báo tin cho anh Nguyễn Văn Xuân là tôi ra Huế, thăm ông Phan Du và ở lại đó một hôm, trước khi đi xa. Hai anh Thông, Xuân vào loại đàn anh, vì đều lớn tuổi hơn tôi, và cùng là bạn văn nghệ nhiều năm với tôi cũng như với cậu ruột tôi, nhà văn Phan Du. Xong, tôi đón xe đò ra Huế và tối hôm ấy ghé lại nhà cậu tôi ở bên Gia Hội.

Sáng hôm sau, ở nơi quận nhà vợ tôi theo đúng kế họach như đã trao đổi, cầm lá đơn tôi đã viết ngay đêm mới về, lên quận. Nội dung của đơn là tôi bệnh nặng, xin đi chữa trị. Thông thường người chánh văn phòng bao giờ cũng đi tới sớm hơn là ông Chi trưởng. Ông ta xem đơn, và bảo: “Được, để đấy” là vợ tôi đi về ngay. Lát sau, Chi trưởng mới đến cơ quan, coi đơn, quát tháo om sòm rồi bèn cho lính gọi tôi lên gấp thì vợ tôi trình diện. Ông Chi trưởng hầm hầm:

- Chồng chị đâu rồi?

- Thưa ông Chi trưởng, sáng nay chồng tôi quá mệt nên đã viết đơn nhờ tôi đem lên xin phép, được sự chấp thuận nên vội đi ngay.

Chi trưởng đập bàn:

- Ai mà chấp thuận? Chấp thuận bao giờ?

- Thưa, tôi nghe ông chánh văn phòng bảo “được” nên tôi vội vã về tin cho nhà tôi biết.

Người chánh văn phòng trợn mắt:

- Tôi có nói “được”, là “được” để đấy rồi ông Chi xét, chứ có cho phép hồi nào?

Vợ tôi làm bộ lúng túng:

- Tôi đâu có biết. Nghe “được” là tôi tưởng “được”, mừng quá.

Ở trên sân khấu cuộc đời, vợ tôi cũng thuộc vào loại diễn viên xuất sắc. Chi trưởng hầm hè:

- Ở tù về mới trình diện một ngày đã rời địa phương là kể như muốn đào tẩu. Chị phải viết thư gọi chồng chị về ngay, không thì có lệnh truy nã. Tôi cho thời hạn một tuần.

Vợ tôi rầu rĩ:

- Anh ấy nói ra Đà Nẵng chữa bệnh, nhưng không nói rõ ở đâu. Ông cho thư thả để tôi dò hỏi.

- Không được. Chỉ một tuần thôi. Về đi!

Buổi sáng hôm đó, ở Huế, tôi gởi ngay một lá thư cho ông Chi trưởng, đại ý như sau: “Trước hết, rất cảm ơn ông đã cho phép tôi được đi chữa bệnh. Ban đầu, tôi định ra ở Đà Nẵng cho gần nhưng bạn bè khuyên ra Huế có bác sĩ giỏi. May thay, ra đây tôi lại gặp ông Nguyễn Chữ, Giám đốc Công an Trung Việt, là bạn học cũ, ông này giúp đỡ tôi vào bệnh viện và có bảo tôi sau khi chữa lành, hãy ở lại Huế làm việc. Dĩ nhiên là tôi không dám nhận lời, vì còn xin phép địa phương. Nếu ông Chi trưởng chấp thuận, tôi sẽ ở lại, bằng không thì sau khi lành bệnh rồi, tôi sẽ về ngay…”.

Tôi tin thư sẽ có tác dụng tốt cho tôi và gia đình tôi, mặc dầu thú thật cho đến ngày nay viết những dòng này tôi cũng không rõ ông Nguyễn Chữ ấy già trẻ ra sao, mặt mũi thế nào, và điều hiển nhiên chưa là bạn học với tôi bao giờ. Tôi đã bịa đặt để hù dọa lại Chi trưởng mà tôi tin chắc ông ta chẳng dám kiểm chứng sự thực.

Lá thư tôi gởi dự trù năm hôm thì đến quê tôi. Bấy giờ hẳn tôi đã vào Sài Gòn từ khuya. Sau này, vợ tôi thuật lại là chừng 5, 6 ngày sau khi tôi rời nhà, Chi trưởng gọi vợ tôi lên và bảo:

- Tôi có nhận được thư của “ông nhà”. Bây giờ “ông nhà” đã được tự do, muốn đi hay ở nơi đâu là tùy ý của “ông nhà”, không cần ý kiến của địa phương. “Bà” cứ tin lại cho “ông nhà” rõ.

Có lúc nghĩ lại cái thời đó, tôi thấy ngạc nhiên về sự nói dối liên tục của mình. Tôi không nghĩ mình ưa sự dối trá, trái lại tôi vẫn thù ghét điều đó, nhưng chính vì bắt buộc phải đối phó lại sự tàn ác mà tôi phản ứng như thế để được tồn tại một cách công khai trong nhiệm vụ mình. Và chỉ trong một xã hội thật sự có mối tương quan tốt đẹp của những con người thì cái tốt mới có đủ điều kiện tồn tại và phát triển, nếu không thì ngay thần thánh cũng phải dựa vào quỷ dữ để mà lý giải cho sự có mặt của mình.

Điều thật cảm động là tối hôm ấy tôi ra đến Huế thì sáng hôm sau anh Nguyễn Văn Xuân và anh Trương Văn Thông đã có mặt ở nhà ông Phan Du. Ba người góp tiền lại mua sắm quần áo, mua vé máy bay cho tô. Cậu Phan Du đưa tôi lên phi trường Phú Bài để vào Sài Gòn.

***

Tôi vào Sài Gòn đúng vào dịp Tết. Thành phố mênh mông, xa lạ. Tôi gõ cửa các người quen. Vừa kịp thấy tôi, họ đã quay đi, có người đóng sập cửa lại vội vàng, có người lẩn tránh và bảo người nhà ra nói với một bộ mặt hết sức lạnh lùng là đã đi vắng không biết bao giờ mới về.

Liên tiếp tôi bị ba nơi chối bỏ, không muốn nhìn là chỗ quen thân. Ít nhiều tôi đã cảm thấy buồn lòng nhưng tự nghĩ không thể phiền trách họ. Các người ấy từ miền Trung chạy vào, hẳn chưa hoàn hồn về sự khủng bố của mật vụ Cẩn. Vừa tự an ủi rằng những người tốt hãy còn đông đảo trên cuộc đời này, tôi đi lang thang khắp các phố phường ngắm nhìn thiên hạ ăn tết, nhờ vậy mà thuộc đường phố khá nhiều. Số tiền của ba người thân cho tôi ở Huế đã dùng mua vé máy bay, sắm những vật dụng cần thiết, chỉ còn rất ít đủ ăn vừa no một cách thanh đạm trong vài tuần lễ – dĩ nhiên không được ăn tết, dẫu ăn ngoài đường. Đó là cái Tết thực sự cô đơn, thật sự không Tết mà tôi đã gặp. Tôi càng thấm thía ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ gia đình, và nếu thiếu cơ sở ấy cái Tết sẽ thành vô nghĩa.

Bấy giờ, Sài Gòn cũng như Thủ Đức rất nhiều hàng quán bán các thức ăn, đồ nhậu, gần như thức trắng về đêm. Dầu không biết đến ăn nhậu và không có tiền ăn nhậu, tôi cũng đã thức với họ, rồi ban ngày vào Sở Thú làm một giấc ngắn trên các ghế đá, ở nơi khuất lấp, hoặc mua một vé xi nê hạng chót để có chỗ ngồi làm một giấc dài. Từ thực tế đó tôi nghĩ ra một vế đối: “Đêm Thủ Đức, năm canh thức đủ”, nhưng mãi đến nay chưa gặp ai đối cho được vừa lòng, vì đêm đã là năm canh, và tiếng “thức đủ” nói lái thành ra Thủ Đức.

Cuối cùng, tôi đến gõ cửa nhà người bà con là anh Phan Ngô, bấy giờ là trung úy không quân chế độ cũ. Anh là con ông Phan Khoang, cậu tôi, tác giả nhiều sách biên khảo, cùng một lứa tuổi, và anh đã có thời học chung một lớp, nhưng chúng tôi ít thân nhau. Anh vốn là người nhỏ nhẹ, hiền lành rất mực. Ban đầu, do một kiêng kỵ về mặt quan điểm chính trị khác biệt tôi không muốn gặp nhưng khi thấy tôi, anh đã mừng rỡ một cách chí tình. Nhà hẹp, anh dọn ga ra để tôi có được chỗ nằm, và anh tâm sự rằng: “Chúng ta có chính kiến riêng, cứ việc giữ lấy, nhưng là anh em phải đùm bọc nhau, anh đừng e ngại gì hết”.

Những năm đầu dưới chế độ Diệm-Nhu đời sống hết sức khó khăn, cả về chính trị cũng như kinh tế. Dầu anh Phan Ngô luôn rất ân cần nhưng tôi không muốn phiền đến cơm nước nhà anh nên suốt ngày đi tìm kiếm việc làm, chỉ mãi tối mịt mới về đặng có chỗ mà ngả lưng qua đêm. Tôi còn thất nghiệp dài dài suốt một năm trời. Cả năm dài ấy, anh Trương Văn Thông dạy học từ ngoài Đà Nẵng hằng tháng gởi tiền vào nuôi sống tôi. Trong thời gian này, nhờ một người bạn là Trần Công Diếu – sau này anh là bạn cột chèo với tôi – giới thiệu, tôi được quen anh Phạm Hoài, công nhân điện lực. Dẫu nghèo, anh đã vui lòng cho tôi mượn chiếc xe đạp để rong ruổi khắp Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Chiếc xe cà tàng, không thắng, không chuông, không có đôi vè nhưng quí hơn con xích thồ, trong hoàn cảnh đó. (Sau ngày giải phóng không lâu, tôi rất vui mừng khi nghe tin anh Phạm Hoài được phong Anh hùng Lao động của ngành điện lực). Rồi tôi được một người bạn giới thiệu đến làm gia sư ở nhà ông Nguyễn Văn Điệt, anh của ông Nguyễn Văn Bổng – tác giả tiểu thuyết Con trâu – bấy giờ đang ở ngoài Hà Nội và về sau này, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ mở rộng, anh đã có lúc vào chiến đấu ở miền Nam với một cái tên khác là Trần Hiếu Minh, và đã có dịp về ngay Sài Gòn ở cạnh nơi tôi, với một hầm nước làm chỗ ẩn náu mỗi khi cảnh sát đi lùng. Cuối cùng, tôi gặp được anh Trương Lâm – anh bà con của anh Trương Văn Thông – trốn vào Thủ Đức đổi tên là Nguyễn Văn Hai. Rất nghèo, nhưng anh là mạnh thường quân cho nhiều anh em từ ngoài Trung chạy vào tị nạn, và tôi tá túc nơi anh một thời gian dài. Ở đây, tôi được gặp lại anh Nguyễn Hữu Dư, ân nhân của tôi khi còn nằm trong nhà lao Thăng Bình.

Năm sau, vợ tôi cũng đã lập mưu – bởi lẽ chính quyền địa phương không cho di chuyển ra ngoài khu vực – để đưa con vào sum họp.

Vào Sài Gòn chẳng bao lâu, tôi nghe được tin quận trưởng ở quê tôi bị ra tòa về các tội ác, và bị giam giữ. Chi trưởng Trần Mịch, đổi vào Quảng Ngãi, mua một xe Vespa mới, chạy húc đầu vào một chiếc xe tải, tương quan lực lượng quá sức chênh lệch nên đã giã từ cuộc sống không kịp trối trăng. Hai Cu, nhân viên Công an tích cực thì cũng nối gót theo sếp mình. Anh ta mua một chiếc xe gắn máy hiệu Sachs mới toanh, chạy vượt qua mặt một cách trái luật chiếc xe chở khách mà trước đây con của người chú ruột tôi đã đưa tôi về nhà ngày rời lao xá Hội An, bị em tôi cán vỡ sọ. Em tôi không bị sự trừng phạt nào, vì đúng luật và xe đã được bảo hiểm.

Nhìn lại quá khứ, tôi thấy hầu hết những kẻ xử tệ với tôi đều đã chuốc lấy hậu quả bi thảm. Thật tình, tôi không chờ đợi những con người ấy lại gặp những đoạn kết thúc như thế. Nhưng đã xử tệ với tôi, nghĩa là họ đã xử tệ với nhiều người khác. Phải chăng, ở vào thời đại chúng ta, tất cả quả báo đều được thể hiện nhãn tiền theo đà siêu tốc.

VŨ HẠNH