Hv122 - Điện ảnh Việt Nam - đâu là bến bờ…?

Nếu ví Điện ảnh Việt Nam như chiếc thuyền giữa biển, chưa thấy đâu là bến đỗ của chính mình, có lẽ cũng không phải là quá đáng. Năm qua, có lẽ là năm nhiều biến động nhất của nền điện ảnh Việt, mà nổi cộm nhất là việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.

 Long đong cả hai hãng phim làm nên diện mạo dân tộc ở hai đầu đất nước

Vấn đề cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn là nỗi đau âm ỉ trong lòng 85 con người đang gắn bó cùng hãng phim. Họ là những nghệ sĩ đã cống hiến cả tuổi trẻ và tài năng cho những thước phim kinh điển để đời của dân tộc. Nhưng bây giờ, giữa cơn lốc của thị trường, một hãng phim suốt hơn nửa thế kỷ qua chỉ sống bằng ngân sách nhà nước và tiền tài trợ làm phim, bây giờ bỗng bị ném ra thị trường và rơi vào tay Công ty Vận tải tàu biển với một ông chủ không biết chút gì về khái niệm của hai từ Điện ảnh… Và cuối cùng thì giọt nước cũng làm tràn ly khi ông ta ngang nhiên mạt sát nghệ sĩ, coi mọi người là kẻ ăn bám và đòi bấm thẻ chấm công nghệ sĩ 8 tiếng mỗi ngày, nếu không thì cắt lương… Hãng phim Giải phóng ở phía Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chỉ có khác là trong Nam không có một đại gia nào dám mua cổ phần để làm chủ hãng phim. Là vì nếu mua thì họ sẽ làm phim chứ không thể nhắm vào đất đai, bởi đất ở Hãng phim Giải phóng không nhiều và đã xây dựng thành cơ ngơi cả rồi, không thể sử dụng để kinh doanh địa ốc được. Nên dù được cổ phần hóa, tỷ lệ vốn nhà nước ở Hãng phim Giải phóng vẫn là 99,7%, ông chủ mới vẫn chưa làm được gì ngoài phim đã được Nhà nước duyệt tài trợ từ trước khi cổ phần hóa: Đường xuyên rừng Mỹ nhân, còn lại cả năm nay phải lo giải quyết vụ kiện tụng vì mâu thuẫn trong gia đình và nợ nần… Hiện nay Công ty cổ phần phim Giải phóng sống nhờ vào tiền cho thuê mặt bằng. Phim trường thì cho thuê dài hạn, còn cả tòa nhà 11 tầng chỉ giữ lại tầng 4 cho hãng phim, tầng 2 làm phòng dựng và phòng âm thanh, còn lại các tầng khác đều cho thuê.

Mới đây, công ty nhận được kế hoạch đặt hàng từ Nhà nước cho 5 phim tài liệu, 1 phim truyện video phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, 1 phim hoạt hình và phim điện ảnh Hợp đồng bán mình (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Trần Ngọc Phong). Tình hình có dấu hiệu khả quan, nhưng đúng lúc này, đơn thưa kiện Công ty cổ phần phim Giải phóng bắt đầu được gửi đi khắp nơi, mà đơn kiện lại đứng tên giám đốc Hãng phim Giải phóng cũ, cũng là anh ruột của Chủ tịch Hội đồng quản trị mới (!?).

Tiêu chí của điện ảnh Việt Nam hiện nay là gì?

Đó chính là vấn đề và là lý do vì sao năm nay, cả Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 và Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam đều không có phim của hãng phim nhà nước tham dự. Giải quyết được chuyện cổ phần hóa và đưa cả hai hãng phim vào hoạt động bình thường xem ra là chuyện không hề đơn giản chút nào… Chuyện thanh tra việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam từ tháng 10 đến nay vẫn chưa được hé lộ kết quả nên mọi chuyện vẫn còn nằm trong tình trạng án binh bất động.

LHP Việt Nam lần thứ 20 vừa tổ chức vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng với tiêu chí: Xây dựng nền công nghiệp Điện ảnh Hiện đại - Nhân văn đã có sự thay đổi so với tiêu chí của hai kỳ LHP 18 và 19: Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, Nhân văn, Sáng tạo, Hội nhập. Sự thay đổi này cho thấy rõ quan điểm làm phim và cũng chính là tiêu chí của nền điện ảnh Việt Nam hiện tại. Bởi nếu như trước kia tiêu chí Dân tộc đứng đầu thì bây giờ được thay bằng hai từ Hiện đại.

Cũng từ quan điểm này mọi người sẽ không bất ngờ khi bộ phim đạt doanh thu gần 170 tỉ đồng Em chưa 18 nhận được Giải vàng. Một bộ phim thuộc dòng giải trí và nội dung không hề liên quan gì đến hai chữ Việt Nam. Bởi nếu như phim được lồng tiếng Hàn hay Đài Loan, Singapore thì phim sẽ trở thành phim Hàn, Đài Loan, Singapore. Phim được khen về tiết tấu, về tay nghề đạo diễn, về diễn xuất diễn viên và câu chuyện được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng là giới trẻ nào? Bởi bối cảnh của phim xoay quanh một trường Quốc tế, và những nhân vật trong đó toàn là những con nhà giàu thuộc giới thượng lưu. Nên không lạ khi không khí học đường trong phim không có gì giống với một trường cấp III của Việt Nam, bởi đó là sinh hoạt của những cậu ấm cô chiêu. Nhân vật trung tâm là cô nữ sinh lớp 12 vì muốn trả thù anh bồ “hot boy” nổi tiếng ở trường khi nhìn thấy anh ta hôn cô gái tình địch, cô gái lên kế hoạch mồi chài một anh chàng tay chơi lịch lãm tuổi đáng bố mình ở một quán bar và đưa về nhà, lên giường với anh ta, quay phim lại và dùng cách đó để buộc anh chàng phải làm theo ý mình, nếu không cô bé sẽ tố cáo và đưa anh ta vào tù, vì em chưa 18… Trò chơi kéo dài đến khi cái đích của cô gái là muốn trở thành Queen của anh chàng King (tức chàng hot boy mà cô mê đắm đuối) đã đạt được khi anh chàng bỏ rơi cô gái kia và quay về với cô trong buổi lễ ra trường Prom thì cô lại không cần nữa, vì cô đã yêu anh bồ hờ già mất rồi… Xem phim, nhiều người không biết buổi lễ Prom là gì mà cô nữ sinh quan tâm đến mất ăn mất ngủ đến vậy, vì thực sự nó hoàn toàn xa lạ với mái trường Việt Nam. Prom (hay còn gọi là prom night), từ viết tắt của Promenade, là buổi dạ hội khiêu vũ sang trọng tổ chức vào thời điểm kết thúc năm học với sự tham gia của đông đảo giáo viên và học sinh trong các trường Quốc tế. Với giới trẻ quốc tế, tiệc prom night là sự kiện trọng đại, là dịp “thử làm người lớn thượng lưu” nên được chuẩn bị vô cùng kỹ càng, đặc biệt là khâu trang phục. Các bạn nam sẽ chọn vest, đôi khi là vest tuxedo và thắt cà vạt hoặc nơ đen. Các bạn nữ sẽ đặt may váy áo lộng lẫy dành riêng cho các dịp dạ hội. Và ở tiệc này sẽ bầu chọn một anh chàng King, chàng King sẽ chọn Queen cho chính mình và là nhân vật trung tâm của buổi lễ. Chính Kaity Nguyễn - nữ diễn viên chính của Em chưa 18 cũng tiết lộ: “Tất cả các trường nước ngoài đều có prom, đó là một truyền thống buộc phải có, nên với mình, prom rất quan trọng”.

Hãy đọc những lời bình luận của giới trẻ trên mạng để hiểu thêm suy nghĩ của các em về bộ phim:

- Em chưa 18 chẳng thấy có bản sắc dân tộc gì cả. Một kiểu bắt chước phim Hàn phim Mỹ ăn dỗ tuổi teen. Các liên hoan phim người ta thường đề cao yếu tố văn hóa, dân tộc, ý nghĩa xã hội. Đằng này... Yen Thi

- Phim Em chưa 18 thuộc thể loại tình yêu mà mình xem tưởng là phim khoa học viễn tưởng ở VN. hải lâm

- Không hiểu luôn. Một bộ phim được đại diện Việt Nam tham dự Oscar lại thua cái phim sặc mùi thị trường. Minh minh

- Mình có đi xem rồi và mình cũng không hiểu tại sao phim này lại gây sốt đến thế luôn. Cốt truyện nhạt, kiểu phim dành cho teen nước ngoài hồi xưa, chả lo học mà toàn trai, gái, prom piếc... Chắc là ăn no mấy phim hack não rồi nên công chúng bây giờ lại thích mấy phim nhẹ nhàng như thế này chăng. Với cả phim này đúng là làm truyền thông tốt. pichan_9x

- Tôi vừa xem 1 đon phim Em chưa 18 trên kênh K+1 thấy cnhiều câu thoi của 2 nhân vật chnh ni về quan hệ tnh dục rất thô thiển, qutrần trụi. Điều ny theo tôi sẽ nh hưởng đến tâm l, suy nghvhnh vi, lối sống của cc em tuổi teen. Tnh gio dục của phim dng ny cần phi xem li! Minh Chiến

Em chưa 18 có một kịch bản mang hơi hướng của dòng phim tuổi mới lớn (teen) Hollywood khoảng hơn 10 năm trước. Một thế giới với smartphone, với party, với prom, với việc học sinh thoải mái đi bar, thoải mái gần gũi với người khác giới và chuyện tình dục chỉ là chuyện nhỏ. Và điều đó có thể hiểu vì sao nó đạt doanh thu cao ngất, bởi vì đối tượng xem phim đã được nhắm tới là giới trẻ, đương nhiên, nhưng phải là giới trẻ có tiền, giới trẻ thượng lưu mới hiểu được những nhân vật thượng lưu trong đó. Phim được mạng lưới phát hành của CJ ưu ái dành cho tỷ lệ suất chiếu và giờ chiếu “vàng” cộng với chiến dịch truyền thông từ khi phim tổ chức chọn vai (casting) cho đến khi đóng máy…

Nhưng bỏ qua hết những chiêu PR, những phương cách phát hành để kéo khán giả tới rạp mà sau này nhiều nhà sản xuất khác sẽ phải học tập, vấn đề chính ở đây là với nội dung một bộ phim như vậy, nó vẫn được trao Giải vàng ở LHP 20! Một bộ phim được một bạn trẻ cho là phim “viễn tưởng” ở Việt Nam, vì nó quá xa lạ với Việt Nam, nhưng nó được tôn vinh có lẽ vì nó đã đáp ứng tiêu chí Hiện đại của LHP chăng?!

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đã giao hết trách nhiệm tạo nên diện mạo và bản sắc dân tộc Việt cho các hãng phim tư nhân, nên Nhà nước cũng không thể mong mỏi gì hơn nữa. Khi đã thả nổi điện ảnh ra thị trường, không có Quỹ hỗ trợ điện ảnh, không tài trợ thì còn kỳ vọng gì cái bến bờ gọi là Dân tộc, là Bản sắc? Và nếu như Em chưa 18 chính là tiêu chí của Điện ảnh Việt Nam, liệu Nhà nước có dám đưa phim này ra thi thố ở các LHP quốc tế dưới bảng hiệu Việt Nam không?

NGÔ NGỌC NGŨ LONG