HV122 - Kỷ niệm về một người cha

Tôi có nhiều kỷ niệm về người cha thân yêu của mình - nhạc sĩ Văn Cao. Một trong những kỷ niệm đó, cho đến bây giờ tuy đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi, mà mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt.

Đó là một ngày của tháng 9 năm 1967, tôi học trường trung học tại Thái Nguyên được nghỉ phép hai ngày về Hà Nội thăm gia đình. Những năm tháng đó máy bay Mỹ đang đánh phá ác liệt. Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác của miền Bắc chịu nhiều tổn thất lớn. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tất cả đều sống nhờ vào tem phiếu do Nhà nước bao cấp. Nhiều khi gạo không đủ cung cấp phải độn thêm sắn, thêm ngô hoặc hạt bo bo. Để nuôi năm đứa con đang tuổi ăn học là điều không dễ, cha tôi phải bươn chải vẽ minh họa, vẽ bìa sách cho các báo, các nhà xuất bản để lấy những đồng tiền nhuận bút ít ỏi nuôi anh em chúng tôi.

Sau một ngày vui chơi với bạn bè, sáng hôm sau tôi mới có thời gian ngồi với cha tôi. Ông lặng đi nhìn tôi rồi hỏi “Trông con xanh và gầy quá. Đói lắm phải không?” - “Vâng. Gạo không đủ, học sinh phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa, có khi cả tuần mỗi bữa được một nắm bột mì luộc bằng nắm tay. Thức ăn quanh đi quẩn lại là canh rau muống lõng bõng với muối và mấy con cá khô thối”. Cha tôi khẽ thở dài quay mặt đi. Tôi thấy đôi mắt ông như phủ một lớp sương. Lát sau ông lấy chai rượu lên, trong chai chỉ còn chưa đầy một ly, ông nhấp một chút vừa đủ thấm ướt môi rồi quay lại hỏi tôi “Bao giờ con lên trường?” - “Tối nay con đi tàu đêm” - “ Mẹ cho con tiền chưa?” - “Mẹ cho con 15 đồng để đóng tiền học, 2 đồng tiền mua vé tàu đi về”. Cha tôi không hỏi gì thêm nữa, ông lặng lẽ nhâm nhi nốt ly rượu, nét mặt suy tư như đang ngẫm ngợi điều gì đó. Bất ngờ ông đứng dậy bảo tôi “Con đèo bố đến Nhà xuất bản Thanh niên gặp chú Vũ Gia Ngọc”. Tôi vác chiếc xe đạp xuống đường. Một chiếc xe nam không chuông, không phanh, không gác đờ bu giống xe của họa sĩ Nguyễn Sáng. Nguyễn Sáng thường cười và bảo với mọi người “Ở Hà Nội chỉ có tao và Văn Cao đi xe ‘cởi truồng’ mà thôi”. Sau này cha tôi cho tôi chiếc xe “cởi truồng”, tôi đem lên trường. Cả lớp chỉ mình tôi có xe đạp. Nhiều bạn bè trong lớp nhờ chiếc xe của tôi mà biết đi xe đạp. Thời đó xe đạp phải có đăng ký và được cấp biển số như xe máy bây giờ.

Tôi đèo cha tôi đến Nhà xuất bản Thanh niên. Vũ Gia Ngọc là họa sĩ của nhà xuất bản, cha tôi rất quý ông, coi ông như một người em thân thiết. Ông bảo Vũ Gia Ngọc “Chú ứng trước cho anh tiền nhuận bút để anh cho cháu ít tiền đóng tiền học. Tối nay nó phải lên trường rồi. Mà cấm không được nói với chị đấy”. Vũ Gia Ngọc cười “Anh yên tâm đi”. Vũ Gia Ngọc chạy vào lĩnh tạm ứng ra đưa cho cha tôi, “Nhuận bút bìa của anh được 15 đồng”. Cha tôi bảo “Lâu lắm không ăn thịt chó, anh em mình ra chỗ thằng Khánh ở Đồng Nhân làm một bữa, nhân thể có cháu Thao nó về”.

Thịt chó là một món ăn khoái khẩu của dân ta từ ngàn xưa. Một món ăn dân dã mà từ nông thôn đến thành thị, từ những người dân chân lấm tay bùn đến các vị quan chức đều thích. Người ta có thể ăn thịt chó bất cứ lúc nào, trong bất cứ thời tiết nào. Tuy nhiên nếu ăn thịt chó vào những ngày mát giời hay những ngày mưa se lạnh thì giá trị của bữa thịt chó ngon gấp bội lần. Mà đã ăn thịt chó thì phải có rượu và phải là rượu quốc lủi nút lá chuối sủi tăm thì mới hợp với thịt chó. Bây giờ nhiều anh cậy có tiền, đi ăn thịt chó đem theo chai rượu tây hàng mấy triệu đồng để uống. Họ khoe giàu, khoe sang, tưởng thế là oai. Các cụ nhà ta ngày xưa sành ăn lắm, món nào thì gia vị ấy, đâu có ăn uống lộn xộn tạp pí lù như bây giờ. Chả thế mà ngạn ngữ có câu “Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. Như vậy đã ăn thịt chó thì phải có riềng là đầu vị, kèm theo phải có lá mơ tam thể, lá húng chó… Đây là những loại gia vị không thể thiếu được. Riềng có vị cay nồng, nóng, lá húng có vị thơm cay, lá mơ có vị chát. Theo đông y, thịt chó nhiều chất đạm, tính hàn lạnh, nên những gia vị này là một bải thuốc khắc chế lại tính hàn lạnh của thịt chó, giúp cho những người yếu bụng yên tâm thoải mái thưởng thức món ăn khoái khẩu này, không bị “Tào Tháo đuổi”. Ăn thịt chó thì phải chấm mắm tôm. Mà phải là mắm tôm đen của Thanh Hóa, vắt chanh vào, thêm vải giọt rượu cho dậy mùi rồi đánh lên đến khi bát mắm tôm sủi bọt, thêm vào dăm bảy lát ớt cay, thế là ta đã được một bát nước chấm tuyệt vời chỉ có ở Việt Nam. Mâm thịt chó được bày ra với năm món chủ đạo mang tính truyền thống: một đĩa dồi, một đĩa chả, một đĩa thịt luộc (hoặc hấp), một bát rựa mận, một bát xương nấu măng chua và bát mắm tôm nằm giữa mâm, kèm thêm một đĩa rau gồm có lá mơ tam thể, lá húng chó, rau ngổ, mấy lát riềng, mấy củ hành tươi, mấy củ sả và một chai rượu sủi tăm nút lá chuối. Thế là chúng ta đã có một bữa nhậu hoành tráng. Chỉ cần ngắm nhìn mâm thịt chó bày ra nằm giữa một chiếc chiếu cói trên cái sập gụ cổ là ta đã thấy khứu giác bị kích thích, nước miếng ứa chân răng…

Một lần, nhà văn Nguyễn Tuân cùng cha tôi lững thững đi bộ đến nhà ca sĩ Trần Khánh. Đi qua quán thịt chó cổ truyền ở phố Bông Nhuộm, mùi chả chó nướng thơm lừng bay ra lọt vào cái mũi to đùng của nhà văn, ông hừ lên một tiếng rồi buông ra một câu “Đường đến mũi thì ngắn, đường đến mồm thì xa”… Có lần, nhà văn Nguyên Hồng từ Hà Bắc về đem theo một bi đông rượu cùng Nguyễn Tuân đến nhà thăm cha tôi. Nhìn bi đông rượu, cha tôi cười “Có rượu quê ngon rồi, hôm nay chúng mình phải làm một chầu thịt chó”. Tôi chạy ra chợ mua về một bọc thịt chó vừa dồi vừa thịt luộc bày ra hai cái đĩa. Cha tôi rót rượu, Nguyên Hồng cười hà hà uống một hơi hết chén rượu rồi bốc ngay một miếng dồi chó bỏ tọt vào mồm nhai lấy nhai để, vừa nhai vừa nói “Dồi ngon, dồi Hà Nội ngon thật”. Nói xong ông lại bốc một miếng thịt chó bỏ vào mồm. Nhìn Nguyên Hồng ăn, Nguyễn Tuân hừ lên một tiếng rồi nói “Cái thằng này, ăn thịt chó thì phải nhấm nháp từ từ mới cảm nhận được cái ngon của nó chứ”. Nguyên Hồng bật người lên cười hô hô “Ngon hay không thì cũng ở cái mồm của mình. Ông là chúa hay vẽ chuyện”. Nguyễn Tuân cười “Các ông có biết không? Thịt chó ngon nhất là ở cái anh dồi chó, nên các cụ nhà ta mới có câu ‘Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không’. Nhưng vì sao dồi chó lại ngon đến vậy? Nó ngon chính là ở cái hỗn hợp của nhân để nhồi. Nhân của dồi chó chủ yếu là tiết, mỡ chài, dọc hành hoa thái nhỏ với lá mơ tam thể, vài búp lá ổi, cùng với một nắm đậu xanh rang và một nắm gạo nếp để dồi có độ dẻo không bị khô. Tất cả được bóp đều với nhau cho thật nhuyễn rồi mới nhồi vào ruột của con chó đem luộc. Luộc vừa lửa cho đến khi dồi nổi lên thì phải lấy que nhọn châm vào từng đoạn để không khí thoát ra, dồi không bị vỡ. Dồi sau khi luộc chín được vớt ra để nguội, sau đó cuốn vào ống bương bôi mỡ và nướng trên bếp than cho vàng. Cả một quy trình công nghệ phức tạp như vậy mới cho chúng ta một món dồi chó ngon đến mê hồn. Để cảm nhận được hết cái ngon của dồi, ta cũng phải biết cách ăn… Để tôi ăn cho các ông xem”. Nguyễn Tuân cầm đũa thong thả gắp một miếng dồi chấm vào bát mắm tôm, bỏ vào miệng nhai chậm rãi, kiểm tra bằng thính giác, vị giác xem mùi vị của miếng dồi chó có còn cần phải bổ sung thêm gia vị hay không. Rồi ông đặt đũa xuống mâm, lấy tay nhón một ngọn rau húng, một lá mơ tam thể vẩy nhẹ cho ráo nước, bỏ vào mồm, lấy miếng riềng cắn một mẩu và bắt đầu tập trung ăn một cách thong thả, bình tĩnh. Khuôn mặt ông thanh thản trở lại. Ông cầm chén rượu lên uống một ngụm rồi buông ra một tiếng “Ngon!”. Cha tôi tủm tỉm cười. Nguyên Hồng bắt chước ăn thử theo cách Nguyễn Tuân. Ăn xong, ông bảo “Kể cũng có ngon hơn thật. Nhưng ăn cái kiểu này mà ngồi mâm các cụ ở nhà quê thì có mà chết đói”. Nói xong Nguyên Hồng lại cười hô hô, chiếc kính bật ra rơi xuống đĩa dồi chó. Một lát sau bỗng nhiên thấy Nguyên Hồng ôm mặt khóc tu tu. Cha tôi hỏi “Có chuyện gì mà vừa mới cười hô hố nay lại khóc?”. Nguyên Hồng vừa khóc vừa nói “Tao nhớ thằng Nam Cao. Nó viết truyện Lão Hạc hay quá. Tao thương con Vàng của lão Hạc quá… hu… hu…”. Nguyễn Tuân nhìn cha tôi cười “Cái tính thằng này lạ thật. Cười đấy lại khóc đấy. Cứ hồn nhiên như trẻ con”.

… Tôi đèo cha tôi cùng đi với họa sĩ Vũ Gia Ngọc đến ngõ Đồng Nhân. Ba người vào hàng thịt chó của tay Khánh bán trên vỉa hè. Cha tôi gọi một đĩa dồi, một đĩa thịt luộc, một đĩa chả, một bát sáo măng, một đĩa bún với nửa lít rượu. Ông rót ba chén rượu, đưa tôi một chén. Tôi từ chối, vì tôi đâu đã biết uống rượu. Cha tôi cười “Thanh niên 20 tuổi rồi cũng phải biết uống rượu chứ. Hôm nay bố cho phép. Uống thì uống nhưng đừng có nghiện là được”. Tôi nhắm mắt nhắm mũi uống một hơi, thấy cổ họng cay xè, mặt nóng ran lên, nhăn nhó. Cha tôi cùng Vũ Gia Ngọc nhìn tôi cười phá lên.

Bữa thịt chó hôm đó hết có 5 đồng. Phải hơn hai tiếng sau mới tan cuộc. Tôi đèo cha tôi về. Mẹ tôi vẫn chưa đi làm về. Cha tôi cho tôi 5 đồng, ông dặn tôi “Không được nói cho mẹ mày biết đâu đấy. Lên trường cố gắng học cho tốt con nhé”. Cha tôi lặng lẽ đi vào buồng, tôi nhìn theo cái dáng mảnh khảnh của ông… Mắt tôi nhòa đi.

Kỳ Sơn, tháng 12-2017

VĂN THAO