* HỒN VIỆT: Xin chào nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà văn vùng đất Tổ Phú Thọ. Ông chuyên viết về nông thôn, với những vấn đề nghiêm trọng, hóc búa của nông thôn, nông dân. Bây giờ 80 tuổi rồi, ông có còn đắm đuối với đề tài ấy nữa không?
Nhà văn NGUYỄN HỮU NHÀN: - Tôi được mọi người gọi là “nhà văn của nông dân” cũng đúng thôi vì tám mươi năm qua tôi đều sống ở làng. Dù công tác ở Việt Trì nhưng nhà tôi vẫn ở trong làng. Một làng đặc quê trung du đất Tổ, giống hệt như quê gốc của tôi ở làng Tứ Xã huyện Lâm Thao đều là các làng cổ từ thời Vua Hùng, đậm đặc dấu ấn văn hóa thời Vua Hùng.
Ở trong đó còn vô vàn những vấn đề mới, cũ, tốt, xấu đan xen cho tôi cả đời cũng không thể viết hết, vì thế suốt đời tôi chỉ theo đuổi một đề tài nông thôn. Giả thử trời để cho tôi sống thêm một kiếp nữa, tôi vẫn chỉ theo đuổi đề tài này.
* Được biết có một bài viết về đất đai ông đăng trên Hồn Việt, được bà con đem photocopy, đi đòi bồi thường đất có kết quả. Chẳng hay chuyện đó có không vậy?
- Tạp chí Hồn Việt đã in bài Nông dân Mộ Hạ mất đất của tôi. Mộ Hạ là quê của nhà thơ Kim Dũng, ông Dũng nhờ tôi về quê ông viết bài cứu nông dân đang sống dở chết dở do nạn mất đất để cho các ông quan chức thực hiện dự án Nhà máy thép trên vùng đất thiêng Bạch Hạc. Bà con hiền lành, thấp cổ bé họng bị ban dự án bắt ép trả cho khoản tiền đền bù di dời nhà cửa để giành đất đai cho họ làm nhà máy một cách rất vô lý. Khi tôi đến thì xóm làng gần như tan hoang nhưng dân thì đã tiêu hết tiền đền bù, không thể di dời nổi. Ban dự án tổ chức đền bù một cách rất vô lý, họ toàn dùng biện pháp lừa dân về giá cả nọ kia. Tôi đã phản ánh trong bài báo. Khi bài báo in ra, dân Mộ Hạ “phô tô” hàng trăm bản gửi đi các nơi. Mấy trăm người dân kéo đến UBND tỉnh để khiếu kiện. Kết cục tỉnh xử Ban dự án phải tính lại mức đền bù cho dân theo mức hiện hành, trừ đi số tiền đã thanh toán còn lại được lĩnh tiếp. Từ đó yên vụ khiếu kiện của dân Mộ Hạ.
* Phú Thọ là vùng đất cổ, linh thiêng, vùng đất Vua Hùng, nơi xuất phát của giống nòi, đất nước… Trên vùng đất ấy có những tập quán, lễ hội đặc sắc. Xin ông cho độc giả Hồn Việt biết một vài lễ hội đặc sắc đó?
- Quê ngoại tôi là làng Dữu Lâu, nay lên phường Dữu Lâu thuộc thành phố Việt Trì. Bên trái nhà tôi là một giàn trầu lớn, tương truyền là giàn trầu của Vua Hùng. Trước kháng chiến chống Pháp, cả cánh đồng này trồng trầu không (tiếng địa phương là giầu không). Nay vẫn có chợ Giầu. Xưa chợ buôn bán giầu không cho thuyền thoi chở đi bán ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng… Cái tên làng Dữu Lâu gợi về thời có giàn trầu của Vua Hùng. Vì các Lầu Thượng, Lầu Hạ đều ở cạnh đây. Bên trái nhà tôi ở hiện giờ là cánh đồng Hương Trầm. Tương truyền là nơi chàng hoàng tử út Lang Liêu trồng lúa nếp để làm bánh chưng, bánh dầy dâng tiến vua cha. Nhờ vậy, dù là con út, chàng vẫn được vua cha truyền ngôi thành Vua Hùng thứ bảy. Nay ở đây vẫn còn ngôi đền thờ Lang Liêu.
Quê nội tôi là làng Gáp hay xã Tứ Xã ở quanh Đền Hùng nổi tiếng, có di chỉ Gò Mun với niên đại trên dưới 3.000 năm, được mang tên cho một nền văn hóa khảo cổ ấy.
Làng tôi có nhiều lễ hội đặc sắc, điển hình là lễ hội Trò Trám mà tôi là một trong những người góp công phục dựng lại để cho cả nước ngày nay đều biết đến. Đó là lễ hội điển hình của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ở lễ hội này mọi nghi thức hội lễ đều để cầu thờ phồn thực, cầu cho con người con của đều sinh sôi nảy nở. Ở miếu Trám được thờ vật linh gọi là nõ nường, tức vật giống nam và nữ. Khoa học gọi là Linga và Yoni. Nửa đêm 11 rạng ngày 12 tháng giêng, người ta đem vật linh ra cúng, làm hèm cho đôi nam nữ cầm vật linh chạm vào nhau, tượng trưng cho sự giao cấu rồi trong đền tắt đèn, trai gái cùng ông từ chạy quanh miếu ngược chiều kim đồng hồ ba vòng sau đó tản ra rừng trám ở sau miếu để thực hiện nam nữ tính giao đích thực. Đôi nam thanh nữ tú nào có chửa vào dịp lễ này còn được làng thưởng bằng lụa là gấm vóc vì coi việc cầu tế đã ứng nghiệm. Tục này còn giữ đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, nay diễn lại chỉ là sự mô phỏng tượng trưng. Quanh vùng có rất nhiều lễ hội đặc sắc. Có điệu múa gà phủ. Từng đôi nam nữ múa trước hương án tượng trưng hai con trống mái đang phủ nhau. Múa để thực hiện nghi lễ tín ngưỡng phồn thực của cư dân Việt cổ v.v…
* Phú Thọ có đồng bào dân tộc Mường. Người Mường - Việt Mường cũng là cội rễ dân tộc. Vậy ông thấy có gì đặc biệt trong văn hóa dân gian Mường (tín ngưỡng phồn thực - vùng Mường Thanh Sơn…)?
- Phú Thọ xưa, người Mường cư trú ở hai huyện Thanh Sơn và Yên Lập. Đây là vùng Mường gốc. Người Mường bắt nguồn từ người Việt Mường hay gọi là người Lạc Việt, chủ nhân của nước Văn Lang. Phú Thọ lại là đất Tổ, nơi các Vua Hùng mở nước. Vì thế tìm hiểu ở vùng Mường Phú Thọ sẽ cho ta thấy nhiều dấu vết của văn hóa Hùng Vương. Người Mường ở đây có bàn thờ “dòng dõi” ở các nhà cái (nhà con trưởng). Bàn thờ này làm sát mái nhà, gần với thượng nương chỉ bằng một tấm ván hoặc mảnh phên đan để vàng hương bằng những bó gỗ trẩu bằng ngón tay cái, và dòng dõi là những vòng làm bằng nan giang nan nứa lồng vào nhau như sợi xích tượng trưng cho dòng dõi đời đời nối tiếp. Hằng năm, trước Tết cúng bàn thờ dòng dõi, người ta khấn từ Vua Hùng xuống Vua Lê và tổ tiên dòng họ từ đời thứ năm đổ đi vì tổ tiên từ đời thứ năm thì con cháu không còn thờ ở bàn thờ gia tiên. Người Mường cũng như người Việt vì thế mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ” (đem chôn thần chủ cụ năm đời).
Địa bàn nước Văn Lang cổ đại từ Phú Thọ sang Hòa Bình, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ vào đến Thanh Nghệ. Vì thế Phú Thọ là bức phên dậu che chắn chống đỡ người Âu Việt từ Sơn La, Yên Bái tràn xuống cướp phá nước Văn Lang của người Lạc Việt.
Ở đất Tổ đặc biệt là vùng Mường còn đậm đặc truyền thuyết, di tích thời Vua Hùng là vì vậy.
Dòng sông Đà là dòng nước xưa thường diễn ra các trận đánh giữa hai liên minh bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt. Cuộc chiến liên miên hàng nghìn năm ấy đã được ông cha ta hóa giải bằng việc hòa hợp dân tộc, khi Thục Phán đánh thắng Vua Hùng, ông đã tự nhận mình cũng là con cháu nhà Hùng, vẫn thờ Vua Hùng, thờ Nguyễn Tuấn (người Mường, con rể Vua Hùng) để muôn dân đoàn kết một mối chống kẻ thù phương Bắc đang lăm le cướp nước và đồng hóa dân ta.
Các tục đánh trống đồng, cồng chiêng vẫn đang được tái hiện ở vùng Mường Phú Thọ. Lễ hội ở vùng Mường Phú Thọ thực ra là để ôn lại lịch sử thời Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Người Lạc Việt xưa làm ruộng nước nên tín ngưỡng cầu thờ phồn thực là tín ngưỡng quan trọng.
Theo cổ sử Trung Hoa thì người Lạc Việt xưa có phương thuật mầu nhiệm. Một người nắm được nhiều phương thuật nhất đã ép được các bộ lạc để xưng vương gọi là Hùng Vương. Phương thuật ấy chính là tục chài, nèm. Người ta có thể nèm chữa bệnh, nèm cho trai gái yêu nhau hoặc ghét nhau. Người ta cũng có thể nèm nhốt muỗi để tối không phải mắc màn. Một ông quan thổ lang làng Mường Lai Đồng huyện Thanh Sơn xưa, nay là huyện Tân Sơn, vốn là xã có nhiều thành tích đánh Pháp, đã dùng thuật nèm để điều khiển khuất phục tên quan ba cùng binh sĩ của chúng khi chúng tiến vào làng mà ngày nay dân làng vẫn còn kể lại.
* Tình hình ruộng đất ở Phú Thọ những năm gần đây liệu có khá hơn? Đây là vấn đề cơ bản của tình hình nước ta. Nếu nông thôn không yên, dân khiếu kiện thì cả nước không yên. Nông dân đã đóng góp phần xương máu, công sức chủ yếu trong chiến tranh giành lại nước. Nhưng đất đai là tài nguyên chủ yếu và vô giá của nước ta. Ông có ý kiến gì đề xuất trong việc giải quyết vấn đề lớn và khó này?
- Tình hình ruộng đất ở Phú Thọ cũng như cả nước ngày nay vẫn còn nhiều nhức nhối. Ở những nơi có đô thị hóa, giá đất đắt đỏ thì ở đó một bộ phận cán bộ tham nhũng lại đang có dịp “đục nước béo cò”. Hồ công viên ở giữa thành phố Việt Trì có những khu đất vàng trị giá hàng nghìn tỉ đồng đã sắp bị mấy vị quan tham chiếm đoạt. Họ khước từ không cho nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Liên vào đầu tư xây dựng công viên, làm cho dư luận địa phương nhức nhối. Gần đây ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, phải bằng mọi biện pháp, mọi nghị quyết mới thu hồi lại những khu đất ấy cho Nhà nước để xây dựng Công viên Văn Lang, được nhân dân đồng tình và ủng hộ.
Việc bảo kê cho nạn “cát tặc” vẫn diễn ra trên các tuyến sông trong tỉnh, đặc biệt là ở sông Lô và sông Thao. Người ta hút cát làm sụt lở những cánh bãi nơi canh tác sinh sống của hàng trăm hộ dân… Nếu như trước đây Đảng đã lãnh đạo cuộc cải cách lấy ruộng đất của người giàu chia cho người nghèo, thì nay ở nhiều nơi những người có quyền có chức lại bằng mọi cách cướp ruộng đất từ tay nông dân để làm giàu riêng. Ở Việt Trì, báo chí thường phản ánh nhiều về vấn nạn này. Nếu như trước đây họ làm cách mạng lật đổ chế độ “phong kiến đen” thì nay họ muốn thiết lập một chế độ “phong kiến đỏ”, rồi bằng mọi mánh lới tham ô tham nhũng để tiến lên bước cao hơn thành anh tư bản dã man. Xã hội công bằng văn minh không thể có nếu ta không dám vạch mặt chỉ tên, không dám sống mái với họ.
Ruộng đất vốn là tài sản quý báu của quốc gia, nhưng ngày nay ở nhiều nơi cán bộ địa chính cùng với chủ tịch phường xã làm mưa làm gió biển thủ, chiếm đoạt nhiều mảnh đất vàng của địa phương. Thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước phải đề ra những biện pháp rắn cấp bách để ngăn chặn tình trạng này, để cứu lấy tài sản của Nhà nước và cứu lấy đạo đức của toàn xã hội.
* Phú Thọ còn lưu giữ nhiều vết tích về những văn nghệ sĩ lớn thời chống Pháp. Ông có thể kể cho độc giả nghe một vài chuyện?
- Phú Thọ vốn là thủ phủ Khu 10 thời chống Pháp. Nơi đây còn nhiều kỷ niệm của vùng văn nghệ kháng chiến. Trụ sở đầu tiên và là nơi mở đại hội thành lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Nơi đây nhạc sĩ Văn Cao đã cho ra đời Trường ca Sông Lô, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết bài Du kích sông Thao. Ở làng Gia Điền huyện Hạ Hòa, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Bầm ơi nổi tiếng. Nhà văn Kim Lân cũng ngồi ở đây để sửa chữa hoàn thành truyện ngắn Làng nổi tiếng. Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi vừa viết văn vừa biên tập cho ra đời những sách báo văn nghệ đầu tiên ở ngôi nhà này. Bên kia sông, có làng văn nghệ kháng chiến Xuân Áng do họa sĩ Tô Ngọc Vân lãnh đạo. Họ vẽ tranh, vẽ huân huy chương, vẽ mẫu tiền cho Chính phủ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cùng vợ ông và nhà thơ Thanh Tịnh lập đoàn kịch ở đây sau phát triển thành Đoàn văn công nhân dân Trung ương.
Họa sĩ Bùi Trang Chước làm cán bộ cho Ty Thông tin Phú Thọ. Ông vừa leo trèo kẻ vẽ vừa soạn giáo án cho Trường Mỹ thuật kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Họa sĩ Bùi Trang Chước là người vẽ quốc huy Việt Nam. Ông cũng là thầy dạy lứa họa sĩ Lưu Công Nhân thành tài. Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, cán bộ sáng tác nhạc được lãnh đạo Ty Thông tin mà ông Bút Tre là thành viên ban lãnh đạo đã mở riêng cho một trại sáng tác để trong một tháng ông hoàn thành bài Nắng Ba Đình nổi tiếng.
Đất Tổ chính là nơi lưu dấu chân bao trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng một thời.
* Sông Lô, sông Thao, sông Đà… đều chảy qua Phú Thọ. Và bây giờ mỗi lần nghe nhạc về sông Lô, sông Thao, biết bao thương mến, tự hào tràn đầy trong lòng. Các con sông đã trở thành bất tử nhờ vào tác phẩm văn nghệ. Ông ở đó, ông có thể kể cho độc giả nghe một chút về các sông ấy ở Phú Thọ?
- Sông Thao là tên đoạn sông Hồng chảy từ Yên Bái về đến Việt Trì. Dọc sông Thao xưa là nơi cư trú của người Tày và người Việt Mường. Họ Ma người Tày do ông Ma Khê là tộc trưởng. Ông theo Vua Hùng chống lại người Tày ở nước Âu Việt thường xuyên xuống cướp phá. Ông được Vua Hùng phong là Phụ quốc, dạy vua lúc còn trẻ và giúp Sơn Tinh đánh Thục. Khi Thục Phán thắng Vua Hùng, ông trở về khai phá lập thành Mè bất hợp tác với triều chính mới. Nay còn thành Mè và chợ Mè là chợ của người họ Ma. Ở Phú Thọ nay có đông đúc họ Mai, họ Mè là gọi chệch từ họ Ma. Con cháu dòng họ Ma được chia ba. Một chi ở Yên Bái, một chi ở Tuyên Quang. Tộc trưởng hiện nay là ông Ma Văn Bảo ở Việt Trì, anh ruột ca sĩ Ma Thị Bích Việt. Khi bài Họ Ma người Tày ở Phú Thọ của tôi in trên báo Nhân dân Cuối tuần, các họ Ma trên đã về Việt Trì khớp lại tộc phả nhận họ nhận hàng với nhau.
Dòng sông vì thế được đặt tên từ ngữ hệ Tày Thái cổ dòng Nậm Tao, gọi chệch theo tiếng Kinh là sông Thao. Sông Hồng chảy về Việt Trì có hợp lưu với sông Lô ở phía tả ngạn. Sông Đà ở hữu ngạn hợp lưu với sông Hồng (sông Thao) ở cầu Trung Hà, cách ở ngã ba Bạch Hạc chừng non 10km. Xưa nay người ta cứ quen nghĩ ngã ba Hạc là nơi ba sông Hồng, Đà, Lô gặp nhau thực ra không phải vậy. Có lẽ vì thế mà sách cổ mới có câu “Đà giang độc bắc lưu”.
Hai con sông Thao và sông Lô nổi tiếng vì nó gắn với những chiến công hiển hách thời kháng chiến chống Pháp, đặc biệt người ta nhớ đến chúng còn nhờ có hai bài ca bất hủ là Du kích sông Thao và Trường ca sông Lô.
* Chuyện chùa Tam Giang thờ Trần Nhật Duật bây giờ chuông (chữ) thì mòn, nhưng người đi lễ đốt vàng mã cầu cho chồng con thăng quan tiến chức đông vô kể… Tệ nạn mê tín với 8.000 lễ hội/năm ở Phú Thọ thế nào? Hai mặt tích cực, tiêu cực của truyền thống?
- Ngã ba Hạc xưa nổi tiếng nhờ có bài phú của cụ Nguyễn Bá Lân. Đây là nơi tướng quân Trần Nhật Duật lập phòng tuyến chống giặc phương Bắc. Ngày nay ở trước đền Tam Giang có làm mũi thuyền sắt nhô ra sông. Trên thuyền tượng tướng quân đứng giơ tay với tư thế hô quân xông lên trước lá cờ tung bay nghe như có tiếng gươm đao đang vung lên diệt giặc. Sau tượng Trần Nhật Duật là cụm di tích đình, chùa, đền Tam Giang lúc nào cũng nô nức người vào ra. Đền Tam Giang thờ Tam Phú, cả ngày cả đêm vợ con quan chức cao cấp đến đây nhảy đồng với vàng mã, nón áo ngựa giấy to như thật để chật sân đền thay nhau vào làm lễ để con nhang đệ tử vào múa đồng cầu cho các “quan tham” thăng quan tiến chức vơ vét được nhiều tiền của hơn. Họ xả lễ, cầu may tiền dương tung ra hàng cục cho dân xô vào cướp. Đây là hành vi rất phản cảm thiếu văn hóa ở các đền phủ nơi thờ các ông Hoàng Bảy, Hoàng Ba, Hoàng Mười diễn ra liên miên thâu đêm suốt sáng.
Việc thờ ở các phủ điện là văn hóa nhưng lạm dụng nó để cầu cạnh làm cho việc thờ phụng không còn nguyên ý nghĩa ban đầu, đó là mặt tiêu cực ở 8.000 lễ hội xảy ra khắp cả nước. Người ta đua nhau đầu cơ trục lợi từ lễ hội, người ta mua thần bán thánh làm cho thần thánh không còn được tôn nghiêm.
Ở lễ hội Đền Hùng, trước đây thường xảy ra nạn chèo kéo khách, gây bức xúc cho người hành lễ, bị báo chí phê phán nhiều. Tình trạng này nay gần như được chấm dứt. Ban quản lý Khu di tích với nhiều biện pháp đúng đắn đã chặn đứng được tình trạng trên để cho con cháu muôn nơi về dự hội, giỗ Tổ được thoải mái hơn.
* Nhân nói đến văn hóa dân gian Phú Thọ, lại nhớ đến Hồ Xuân Hương với Tổng Cóc, một giai thoại hay là chuyện có thật? Còn hiện tượng thơ Nôm Hồ Xuân Hương được coi là “sự đột phá của văn học dân gian vào văn học cung đình” như giáo sư người Nga N.I. Nikulin viết. Ông có chuyện gì hay để nói với Hồn Việt về vấn đề này?
- Bà Hồ Xuân Hương ở làng Gáp đã để lại nhiều giai thoại dân gian. GS Lê Trí Viễn về đây, xem ngôi nhà của ông Tổng Cóc xưa, ông về viết báo nói đại ý trong chuyện tình của Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc là có chuyện chữ nghĩa chứ không vì bắt ép.
Ở Tứ Xã người ta còn nhiều giai thoại ca ngợi ông Tổng Cóc. Ông là thần tượng của dân làng về tính nghĩa hiệp, phóng khoáng. Ngược lại, với bà Hồ Xuân Hương chỉ lưu truyền những giai thoại chê trách bà là người lộng ngôn, ăn trắng mặc trơn, lười nhác, hoang phí ăn cá vứt đầu đuôi, chỉ ăn khúc giữa. Thực ra Tứ Xã xưa là vùng đồng chiêm nước trũng, con gái quanh năm mặc quần đũi, người đen đúa. Mẫu con gái đẹp xưa là người chân ong đùi dế. Da ngăm ngăm bánh mật. Những cô gái trắng trẻo thường bị dân làng, nhất là gái làng, chê ỏng chê eo. Bà Hồ Xuân Hương bị chê trách là đúng trong hoàn cảnh đó. Sống trong sự cô đơn ấy, bà Hồ Xuân Hương vì bức trí mà làm nhiều thơ diễu nhại họ cũng là lẽ đương nhiên.
Rất tiếc bà chỉ còn sống trong các giai thoại dân gian, mọi chứng cứ bị cháy trong trận bom của giặc Pháp nên trong chính sử bà không để lại căn cứ gì.
Làng cổ Tứ Xã có nhiều giá trị văn hóa cổ. Nay làng phát triển nhất tỉnh về mọi mặt làm ăn kinh tế, con cái học hành đỗ đạt. Xưa, sống ở trong làng ấy bà Hồ Xuân Hương làm thơ Nôm nổi tiếng là có lý.