HV122 - Nhậu với anh Năm Sáng

Tôi gặp anh Năm thật tình cờ. Đã trên 20 năm. Chiều bữa ấy có việc đi qua đường Trần Quốc Thảo (quận 3), tôi nghe tiếng lóc cóc của ai đó đánh bóng bàn trong căn nhà lợp lá của khuôn viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. Vốn là dân chơi bóng bàn, như “vắt gặp hơi người”, tôi liền vào xem.

Trước mắt tôi là một người tầm thước dáng khỏe mạnh đang chơi bóng với một thanh niên trẻ. Đường bóng ông đánh khá mạnh, cũng cắt giật, nhưng không điệu nghệ lắm. Đối phương thuần thục hơn. Ông đang chơi với con trai, một vận động viên năng khiếu của đội tuyển Công an. Sau này, anh là đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng.

Ông rủ tôi chơi vài séc, hỏi tên tuổi. Tôi xưng danh và hỏi lại ông, ông nói “mình là Nguyễn Quang Sáng” giọng Nam Bộ. Vài lần giao hữu, ông thua nhiều hơn thắng. Ông nói “tôi trình độ xêm xêm thằng Dũng”.

Dần dà địa điểm trở thành quán nhậu, nơi gặp gỡ của văn nghệ sĩ. Bàn bóng cũng dời mất tiêu, nên anh em ít khi còn đọ vợt.

Thỉnh thoảng tôi đến quán Leng Keng của ông ở Bình Thạnh làm vài ve. Tôi rất mừng khi ông gọi, không chỉ được uống mà là được gần ông, nghe ông kể chuyện đủ thứ. Hỏi chuyện ông về sáng tác văn học - một nhà văn mà từ năm 1963 tôi đã đọc tiểu thuyết Đất lửa của ông khi tôi đang học phổ thông, và sau này Chiếc lược ngà, xem phim Cánh đồng hoang, bộ phim kinh điển Việt Nam. Diễn viên Lâm Tới và Thúy An đóng rất có hồn. Đề tài chiến tranh, mầm sống con người và cây cỏ không thể hủy diệt. Ấn tượng theo tôi mãi là cảnh sông nước Nam Bộ. Sự gặp gỡ của ông và đạo diễn Hồng Sến, cũng là dân Nam Bộ, thật ăn ý. Quê ông ở Chợ Mới (An Giang). Ông bảo tôi, khi có dịp về miền Tây ông sẽ gọi. Được đi với ông còn gì bằng.

Ông kể làng ông hầu hết nhà sàn, dọc theo bến sông, dọc theo hai bên con đường đá, dọc theo hai con kênh rạch chảy qua đồng. Nhà nằm dưới bóng mát cây vườn. Mỗi năm cứ đến tháng 6 âm lịch thì dòng sông Cửu Long chảy qua làng chỉ có một chiều không lên, không xuống, không nước ròng, không nước lớn, mà từ trên nguồn đổ trôi ra biển. Người làng gọi “con nước quay”. Trước ngày con nước quay, dòng sông trong gọi là nước bạc. Mùa nước bạc, dưới bến nước mỗi nhà đều có gáo dừa múc nước sông mà uống. Người đi xuồng trên sông, khi muốn uống nước, lột cái nón lá trên đầu, múc nước rồi úp mặt uống ừng ực. Với người lam lũ, dòng nước con sông quê hương thật ngọt ngào.

- Này anh Năm, ai chả có ký ức dòng sông, nhất là thời thơ ấu? - tôi hỏi ông.

- Đúng rồi. Nhưng mình còn mê thứ khác nữa. Cậu biết không, vào Sài Gòn sau 30-4-1975, tôi chỉ có cái xe đạp. Với sự quen biết, mình có thể mượn chiếc ô tô để về làng. Nhưng không, tôi thích đi xe đò để được nghe đủ chuyện của bà con ngày mới giải phóng và nhất là tìm lại cảm giác thời con nít. Hồi đó mình thấy mấy anh lơ xe dũng mãnh làm sao. Anh nào cũng lực lưỡng, nước da màu đồng điếu, quần cụt lưng trần đứng trên cái vè xe, một tay nắm cánh cửa, ngả người ra trong gió, tóc dựng ngược, miệng tía lia mời đón khách dọc đường.

Tôi nhớ, ông ngồi đó trang phục giản dị, tuềnh toàng như thợ sửa xe, ăn nói rổn rảng, bất kể người đối diện thân hay sơ. Nghe mọi người nói ông tửu lượng khá. Một lần, tại nhà ông, có nhà văn Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà báo Vương Thức - bạn tôi ở báo Hà Nội mới vào công tác. Anh em làm quen. Thấy ông uống nhiều, nhưng chỉ một loại, thường là Chivat.

Khi tôi về công tác ở Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi dịp tổ chức Hội sách, bao giờ tôi cũng mời ông tham gia với tư cách tác giả và diễn giả. Cuộc giao lưu có ông bao giờ cũng xôm trò. Chúng tôi thân nhau từ lúc nào không hay. Có sách mới ông ký tặng. Ông cho tôi cuốn sách mỏng Nhà văn về làng và kể chuyện thành thật, thỉnh thoảng văng tục dân dã, anh em cười thấy sướng.

Giữa năm 2012, ông cho tôi cuốn Những cột mốc lịch sử 100 năm bóng đá Việt Nam (NXB Trẻ) của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, do ông chủ biên. Sách dày 450 trang, nhiều tư liệu quý về phát triển của bóng đá Việt Nam từ năm 1905 đến nay. Đặc biệt có 50 trang giới thiệu bóng đá nữ Việt Nam. Đội bóng đá nữ Cái Vồn - Vĩnh Long ra đời năm 1932, nay còn hai lão bà còn sống. Ông kể ông làm sách “đã lắm”, biết nhiều chuyện thể thao và con người. Thế là ông trúng đậm vốn sống rồi.

Ông kể, cha ông xưa cũng là chân sút giỏi, nhưng một lần bị gãy giò. Còn ông bị gãy tay khi cứu bóng khỏi cầu môn. Sau giải phóng, đội bóng làng ông dám mời đội Cảng Sài Gòn về thi đấu, có cả danh thủ Tam Lang, ra điều kiện đội khách chỉ được thắng 2 trái, nếu không sẽ xịt lốp xe. Y lời, sau trận đấu, cả đám kéo ra bến sông ăn nhậu và nghe đờn ca tài tử.

Ngoài 80 tuổi, ông yếu hẳn. Nhưng bạn gọi uống là ông cố đi. Để gặp bạn bè. Sức uống giảm nhiều, nhìn ông thấy tội như diều ít gió. Có lúc đã phải dìu ông ra taxi, nhưng ông bảo mình vui.

Thỉnh thoảng, tôi và Dũng Nguyên - một người kinh doanh hải sản ở La Gi (Bình Thuận) có viết văn thơ - đến thăm ông tại nhà ở quận 7. Dũng Nguyên tặng tập thơ của mình Yêu em từ hạt bụi. Ông đón nhận và nheo nheo mắt: “Yêu từ khi còn là hạt bụi cơ à?”.

Gần Tết Giáp Ngọ, chúng tôi lại sang thăm. Vợ ông luẩn quẩn bên, ra chiều áy náy: “Các chú uống với anh một chút chứ?”. Chúng tôi tranh thủ chụp với ông vài kiểu ảnh. Hôm 28 Tết, Dũng Nguyên nói với tôi là anh Năm gọi điện kêu “Tao bết lắm rồi”. Có lẽ chúng tôi là tốp cuối cùng chụp hình với ông (tháng 1-2014).

Hơn nửa tháng sau, “con chim vàng vỗ cánh bay xa” (lời nhà văn Đoàn Minh Tuấn, bạn rượu của ông). Thế là nhà văn “chịu uống, chịu chơi, chịu làm” đã ra đi. Bấc khô, dầu đã cạn. 83 tuổi trời cho, ông thế là thọ.

70 năm trước, lúc 13 tuổi ông Sáng cùng cha làm thợ bạc ở thị trấn: quay lò nấu vàng, phân kim. 14 tuổi vào bộ đội, thành nhà văn, đi khắp nơi, cảm thấu nhân tình, bằng câu chữ làm nên trang vàng cuộc sống.

Tết Mậu Tuất 2018 đang tới gần. Mùa khô Sài Gòn còn dễ chịu. Gió mát, nắng vàng. Đã mấy xuân vắng ông. Mỗi lần ngồi cùng Đoàn Minh Tuấn, họa sĩ Trần Quân Ngọc - mấy anh bảo, chắc ông Sáng đang về thăm “Cánh đồng hoang” hay đi thuyền trên “Dòng sông thơ ấu”.

Còn tôi, như vẳng bên tai lời nhắc thân thuộc của ông: “Uống đi mậy”.

TRẦN ĐÌNH VIỆT