HV123 - Có nên đặt lại vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ?

LTS: Nhân thảo luận về vấn đề tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, Hồn Việt phỏng vấn GS-TS Bùi Khánh Thế: Hiện nay, trong dư luận đang có một cuộc trao đổi ý kiến sôi nổi, có tính thời sự xung quanh vấn đề “những thay đổi cách viết chữ Quốc ngữ” của PSG-TS Bùi Hiền, xin giáo sư cho biết ý kiến? Sau đây là ý kiến của GS-TS Bùi Khánh Thế.

Hiện nay tôi đang hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học do GS-TS Mai Quốc Liên chủ trì về đề tài “Góp phần xây dựng luật ngôn ngữ Việt Nam”. Vì thế, tuy tôi vẫn theo dõi cuộc trao đổi ý kiến sôi nổi trên, nhưng chưa có thời gian suy nghĩ kỹ cách thức mình tham gia trao đổi ý kiến. Nhưng thực ra, về vấn đề này, từ năm 1997, trong cuộc Hội nghị khoa học do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức và chủ trì, tôi đã có bài nghiên cứu “Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của tiếng Việt”. Nội dung bài nghiên cứu có bàn về chữ viết của tiếng Việt, phần kết của bài nghiên cứu có nêu ý kiến “Có nên đặt lại vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ?”. Nội dung đoạn kết ấy có thể đáp lại phần nào câu hỏi của tạp chí Hồn Việt.

***

Có một vấn đề mà khi nói đến tác dụng và chức năng của chữ viết ắt không thể bỏ qua. Đó là mối quan hệ qua lại giữa tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ nói hiện nay và chữ Quốc ngữ là hình thức văn tự của nó. Chính là xung quanh mối tương quan này mà vấn đề cải tiếng chữ Quốc ngữ cứ được đặt đi đặt lại nhiều lần ngót một thế kỷ qua, nếu không tính đến những lần sửa đổi, điều chỉnh vào thời kỳ nó đang hình thành.

Tư liệu sớm nhất mà chúng tôi có trong tay bàn về việc cải tiến chữ Quốc ngữ là bản báo cáo của Tiểu ban ghi âm về dự án cải cách việc ghi âm tiếng An Nam (La commission de transcription sur le projet de reforme de la transcription de l’annamite). Văn kiện này do M. Pelliot trình bày tại phiên họp toàn thể kết thúc Hội nghị quốc tế về Đông phương học lần thứ nhất họp tại Hà Nội từ ngày 3 đến 8-12-1902. Qua báo cáo ta được biết tiểu ban muốn phúc trình để được phiên họp bế mạc thông qua ba nguyên tắc làm cơ sở và khoảng 15 trường hợp được đề xuất để điều chỉnh hoặc sửa đổi trong hệ thống chữ quốc ngữ. Đáng chú ý là bản báo cáo đã được hội nghị thảo luận rất sôi nổi và dự thảo nghị quyết về báo cáo này là bản duy nhất (trong 8 dự thảo) được hội nghị thay đổi cơ bản. Dự thảo viết: “Tán thành báo cáo của Tiểu ban phiên âm và bày tỏ mong muốn các sửa đổi đề nghị trong báo cáo được Phủ toàn quyền Đông Dương chấp nhận”. Nghị quyết được hội nghị nhất trí thông qua sau nhiều ý kiến bàn cãi đã chuyển thành: “Ghi nhận lợi ích của việc trình bày theo quan điểm khoa học một bản phiên âm tiếng An Nam đơn giản và hợp lý. Khuyến cáo Trường Viễn Đông Bác Cổ… xác định một hệ thống thỏa mãn tất cả các điều kiện mong muốn trên cơ sở được Tiểu ban đề nghị”.

Như ta thấy, lời lẽ của bản nghị quyết rất ôn dịu, đẹp và cũng rất linh hoạt. Nhưng nếu đối chiếu với những gì ghi trong đề nghị của Tiểu ban thì chữ viết chúng ta đang có hiện tại về cơ bản vẫn là hệ thống đã được thịnh hành từ thời Tabert (năm 1838), Huỳnh Tịnh Của (năm 1895), J.F.M. Genibiel (năm 1898) và thế có nghĩa là không có một đề nghị cải tiến nào được đụng chạm đến. Mặt khác, nếu theo dõi những ý kiến sau năm 1902 thường thảo luận xung quanh việc cải cách chữ Quốc ngữ ta có thể thấy phần lớn là đã được nêu từ năm 1902. Bởi vậy, có lẽ sẽ không phải là vô ích nếu ta tham khảo các lý lẽ L. Cadière đã phát biểu để phản bác những đề nghị cải cách. Ông nói: về mặt khoa học các đề nghị của Tiểu ban có những điểm mạnh so với hệ thống hiện hành, nhưng xét về quan điểm thực tiễn thì do những khó khăn khá lớn nên ta phải từ bỏ mọi toan tính kiểu đó. Sáu điểm được Cadière nêu lên đại ý là: 1/ Người ta không thể nào loại bỏ những khó khăn vốn có của hệ thống chữ ghi âm tiếng Việt, bởi lẽ mọi thứ chữ ghi âm ắt đều là bất toàn; 2/ Ta không nên gán cho chữ Quốc ngữ những nhược điểm nào đó vốn có của bản thân tiếng Việt. (Tôi hiểu, chẳng hạn, một số âm không giống nhau giữa các vùng, khó lòng phản ánh hết trên chữ viết - BKT); 3/ Hệ thống phiên âm do tiểu ban đề nghị có làm bớt đi một số khó khăn, thì lại tạo ra những khó khăn khác; 4/ Cải cách chữ Quốc ngữ sẽ khiến cho có một số rất lớn sách đã in ấn không còn đọc được nữa; 5/ Rất nhiều người Việt Nam không biết một thứ chữ nào khác ngoài chữ Quốc ngữ sẽ bị biến thành mù chữ; 6/ Một số lớn sách báo, ấn phẩm sẽ trở thành vô ích.

Hãy tạm gác lại những khó khăn thực tiễn, ta thử tìm hiểu vì sao “mọi hệ thống chữ ghi âm đều bất toàn”, kể cả tính bất toàn của chữ quốc ngữ chúng ta. Diễn dịch theo F. de Saussure thì “tính bất toàn” chính là “tình trạng không ăn khớp giữa cách viết và cách phát âm”. Vẫn theo nhà ngôn ngữ học này, đối với loại chữ viết ngữ âm học, vào cái lúc mà một hệ thống chữ cái như vậy được lập ra, nó phản ánh ngôn ngữ một cách khá hợp lý… Nhưng sự hòa hợp này không được bao lâu, bởi nhiều lẽ. Trước hết ngôn ngữ nói biến hóa không ngừng trong khi chữ viết có xu thế đứng yên. Kết quả là cách viết rốt cuộc không còn tương ứng với cái mà nó có nhiệm vụ biểu hiện nữa. Một nguyên nhân khác của tình trạng không ăn khớp giữa cách viết và cách phát âm là khi một dân tộc mượn hệ thống chữ cái của một dân tộc khác, nhiều khi những khả năng của hệ thống này không thích hợp lắm với chức năng mới của nó, người ta buộc lòng phải nhờ đến những biện pháp tạm bợ, chẳng hạn người ta sẽ dùng hai chữ để chỉ một âm thanh.

Tôi đã trích dẫn khá dài, hầu như nguyên văn, từ bản dịch tiếng Việt “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương”. Đó là do tôi cảm thấy những ý tưởng có tính phổ quát như trên hoàn toàn có thể làm chỗ dựa để giải thích cho trường hợp chữ Quốc ngữ của chúng ta. Quả là phổ quát. Bởi lẽ, như nhà ngôn ngữ học Đan Mạch là H.J. Uldall (1907-1957) có nhận xét “người ta có thể thấy trong hầu hết mọi ngôn ngữ châu Âu… con số các âm vị không khớp với con số các tự vị”. Ông đưa ra trường hợp tiếng Anh như một ví dụ tiêu biểu. Và khi L. Cadière nói mọi hệ thống chữ viết ghi âm đều bất toàn hẳn ông có nghĩ đến những trường hợp trong tiếng Pháp. Ví như cách viết của từ Pháp oiseau (chim) không có bất kỳ âm nào của từ nói [wazo] được biểu hiện trên chữ viết, hay do liên tưởng không đúng về từ nguyên nên đưa chữ d và từ poids (trọng lượng) của tiếng Pháp vốn bắt nguồn từ pensum.

Đối với các nhà Việt ngữ học, tình trạng không ăn khớp giữa cách viết và cách phát âm của tiếng Việt thực ra chẳng nhiều nhặn gì nếu so với nhiều ngôn ngữ và chữ viết khác. Và điều này, theo ý tưởng đã giới thiệu ở đoạn trên, ta có thể xem là bình thường, là có thể chấp nhận được về mặt lý thuyết. Bàn về việc nên hay không nên cải cách chữ Quốc ngữ rốt cuộc cần phải tính đến tác dụng thực tiễn của việc này. Những khó khăn được cảnh báo từ đầu thế kỷ chẳng những vấn đề giữ nguyên đó mà còn tăng lên gấp nhiều lần. Các ấn phẩm báo chí được công bố ngót một thế kỷ qua đầy ắp không riêng các thư quán, thư viện trong nước. Không chỉ có các ấn phẩm được viết, được in trực tiếp bằng chính chữ quốc ngữ, mà kho di sản Hán - Nôm của chúng ta cũng đã và đang được dịch và chuyển tự sang chữ Quốc ngữ, từ toàn tập Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu… đến các tập đại thành như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục… Đó là chưa nói đến một khó khăn dây chuyền khác ắt sẽ xảy ra đối với hàng loạt trung tâm nghiên cứu về Việt Nam được xây dựng, triển khai khắp thế giới, hàng nhiều nghìn nhà Việt Nam học tại các nước khác nhau ngày nay bắt đầu giai đoạn nghiên cứu sâu của mình bằng việc tham khảo trực tiếp các sách báo bằng chữ Quốc ngữ.

Bài toán cần phải suy tính là: bao nhiêu kinh phí cần phải đầu tư, bao nhiêu thời gian cần phải trù liệu, bao nhiêu công sức cần phải bỏ ra… để thực hiện công cuộc cải cách, cải tiến ấy nếu nó xảy ra?... Phải chăng, cách giải quyết hợp lý hơn cả là chấp nhận tình hình như hiện trạng: xem ngôn ngữ nói và chữ viết là hai hệ thống tín hiệu tồn tại song song, tuy vốn đầu tiên hình thức chữ viết xuất phát từ hình thức tồn tại kia - tức là tiếng nói - nhưng dần dần hệ thống này hành chức độc lập đối với hệ thống kia. Dù có chỗ này chỗ khác không ăn khớp, nhưng “có nên đưa ra một hệ thống chữ cái ngữ âm học thay thế chính tả thường dùng không?” - F. de Saussure nêu lên câu hỏi. Ông viết tiếp: “chớ nên tưởng rằng sau khi đã nhận ra tính chất lừa dối của chữ viết, việc đầu tiên phải làm là cải cách chính tả”. Bởi vì “ở bên ngoài khoa học, sự chính xác ngữ âm học không đáng mong ước lắm” (tôi nhấn mạnh - BKT) - “Ở đây, chính tả truyền thống có ưu thế” của nó. Vậy, thay vì bỏ thời gian, công sức, điều kiện vật chất… vào việc tranh biện xung quanh chuyện cải cách chữ Quốc ngữ, có lẽ giới ngôn ngữ học chúng ta nên cùng với các nhà văn hóa khác hướng vào nhiệm vụ “thuyết minh cứ liệu chữ viết” (F. de Saussure), làm cho mọi người thấy “hệ thống của tiếng nói và hệ thống của chữ viết… chỉ là hai sự thực hiện rút ra từ vô số hệ thống trong đó không thể nói rằng hệ thống nào là cốt tử hơn hệ thống nào” (H.J. Uldall).

Xây dựng được các quy tắc khoa học, xác đáng về hệ thống chữ viết cũng như hệ thống phát âm hiện hành và làm cho mọi người sử dụng ngôn ngữ tuân thủ đúng, trên cơ sở các nguyên tắc khoa học có giá trị phổ biến, cần được xem như một trong các nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Bởi vì xét cho cùng, chính điều này chứ không phải việc thay đổi cách ghi này hay dùng chữ cái kia - mới có thể tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người viết đúng chính tả. Và điều đó sẽ góp phần hoàn chỉnh tất cả các thành phần của cấu trúc ngôn ngữ, nâng cao tác dụng của nó trong quá trình hành chức.

GS-TS BÙI KHÁNH THẾ