Dừng chân trên cầu Cửa Đại, cầu mới xây hoành tráng, uy nghi. Thấy một người đàn ông tóc bạc đứng nhìn sông nước trời mây, vẻ mặt đầy hân hoan, tôi hỏi chuyện, làm quen, biết tên ông là Trần Văn Xe. “Đi hay đứng đây nhìn cầu?”, tôi hỏi. “Đi đâu?”. “Đi một vòng”. Ông cười, “Đi thì đi”. Đèo ông qua cầu, ghé thăm chợ Nồi Rang ăn cao lầu, ghé xuống chợ Duy Hải mua cá tươi... Vừa đi, trên đường về nhà, ông kể cuộc đời trên sông nước quê ông:
“Ông nội tên là Chạy. Cha tên là Mau. Cha mẹ sinh hạ năm người con trai: Mau, Đi, Cày, Bừa, Bộng. Một lần, dì Bốn dẫn dượng đến thăm nhân dịp vợ chồng sinh đứa con đầu lòng, thấy tôi lanh lợi, siêng năng, dượng nói vui: ‘Đi nè, từ nay con đi xe, không đi cày, đi bừa, đi bộng, cực cả đời!’. Từ đó, dì tôi, dượng tôi, cả mẹ tôi, thỉnh thoảng, không gọi tôi là Đi mà gọi tôi là Xe. Tôi toàn đi bộ rồi đi thuyền vậy mà dần dần ai cũng gọi tôi là Xe. Cái tên Xe bám theo suốt cuộc đời trên sông nước Thu Bồn, qua ba, bốn cuộc chiến tranh giữ nước.
Giặc Tây chiếm Hội An, lệnh tản cư ban ra thì mẹ tôi hối các con chuẩn bị áo quần, gạo, mắm... bỏ lên ghe. Nửa đêm, du kích Cẩm Thanh báo tin Tây qua Hồng Triều, thế là cả nhà leo hết lên một chiếc ghe nặng trĩu, chèo, cha tôi lùa một bầy tám con trâu ra bờ sông bảo mấy anh em tôi cùng ông dìu trâu vượt sông Thu Bồn. Người và trâu lên bờ, lội cát qua chợ Nồi Rang, lại lội cát mỏi chân, dừng lại nghỉ trong khu vườn rộng của ông Chánh Lan ở Cát Cao, Cây Mộc. Đến Cát Cao thì, cha tôi hoàn thành nhiệm vụ giúp gia đình tản cư, chia tay mẹ tôi và anh em tôi, cha bơi qua sông về lại Cẩm Thanh, về với đội du kích. Mẹ con xin ông chủ nhà cho làm cái chòi lợp lá dừa dưới bụi tre, sau chòi là cồn cát, chòi nhìn ra hướng sông nước Cẩm Thanh. Từ đây, mẹ con bám ngã ba sông Thu Bồn - Bà Rén - Trường Giang, với đàn trâu, từ sáng tinh mơ đến tối mịt, nhiều hôm thâu đêm, thả lưới bắt cá, kéo trễ (còn gọi là đi rà, đi sỏng) bắt tôm, ngày ngày phơi nắng dầm mưa với bãi Cát Cao trắng xóa, nắng hè khô khốc, mưa đông ngập nước, học theo tập quán dân địa phương trồng khoai, trồng rau, tỉa đậu, gieo mè, vui sống với dân làng tứ xứ chạy tản cư đến với vùng tự do - vùng đất trải chín năm kháng chiến chống giặc Tây. Lên mười bốn, tôi tham gia du kích địa phương, cùng dân quân đón tre, khiêng sắt đường xe lửa về làm cừ trên sông Trường Giang chống Hải thuyền vào vùng tự do.
Cuối năm 1947 thì có lệnh hồi cư. Mẹ và anh em tôi lại gồng gánh xuống ghe, lùa bầy trâu về lại quê ngoại ở thôn 6 Cẩm Thanh. Về quê, tôi được hai cán bộ nằm vùng là Lâm Cống và Phan Đào giao nhiệm vụ lui vào bí mật làm giao liên hợp pháp. Bên ngoại giàu. Ngoại “gả con bắt rể”. Cha “thà ở chuồng heo, không thèm theo quê vợ”. Cha cùng mẹ xin ông ngoại về thăm quê ở thôn 2, rồi ở luôn bên nội, rồi cha hy sinh trong một chuyến bí mật đưa cán bộ sang sông, bỏ lại mẹ tôi và mấy anh em tôi còn thơ dại. Còn bầy trâu thì bị lính trong đồn bắn chết hết. Thế là, trâu đâu còn mà cày, bừa, bộng!
Sinh năm Giáp Tuất - 1933, năm 1957, hai mươi ba tuổi, tôi xin mẹ lấy vợ. Mẹ kể lại: Sau khi có Hiệp định Genève, ông Quảng Bưng, còn gọi Quảng Na, bị tố Cộng, không trụ lại được, lúc bước xuống thuyền ra Cù lao Chàm để vượt biển ra Bắc, kêu hai con là thằng Bưng và con Điền dặn: ‘Họ xin cưới thì cho cưới’. Thế là, mẹ cưới cô Quảng Thị Điền bấy giờ mười chín tuổi cho tôi. Tính ra, cuộc đời vợ chồng tôi không biết bao nhiêu lần làm nhà, nhà lớn, nhà nhỏ, có khi là cái chòi tôm. Có cái nhà làm ở được ba ngày thì bị đốt. Có cái nhà làm sáng, trưa bị cháy còn cái sườn. Lại cắt lá dừa đan thành tấm lợp lên cái sườn cháy đen gọi là nhà. Vợ chồng quanh năm suốt tháng bám sông nước, bám rừng dừa, làm lụng cùng nhau, ngủ nghỉ bên nhau, thế là cứ năm một, bốn trai, ba gái nối nhau chào đời. Nay, các con đã ra riêng, có việc làm, chỉ thằng Dũng ở với tôi, nói ở mà gửi con cho ông nội còn hắn thì ra làm Bí thư ngoài Cù lao Chàm...
Sau ngày giải phóng 1975, cả nhà ở cái chòi trên vườn ông nội. Ông Thứ, Chủ tịch thị xã Hội An, mua nhà trên phố kêu tôi bán cái vườn ni ba trăm năm mươi đồng. Giải phóng về, mới có tiền phụ cấp không đủ mua gạo, chưa có lương, hai vợ chồng tằn tiện, dành dụm cộng “tiền chiến trường”, dồn được ba trăm, trả trước, còn năm chục làm kiếm tiền trả sau. Suốt nhiều năm vợ chồng, con cái ở cái nhà lợp lá dừa. Được cái mát rượi. Từ ngày Hội An lên Di sản văn hóa thế giới, rồi khởi công xây cầu qua sông, rồi những con đường nhựa mở ra, rồi nơi nơi nhà mới mọc lên, khách Tây, khách Nhật đầu trần đạp xe, lội bộ vào làng..., dành dụm được ít tiền, vợ tôi hối làm nhà. Chần chừ cả năm, ngày nào tôi cũng ra bờ sông xem làm cầu, đến khi người, xe các loại nối nhau chạy qua cầu, tôi quyết định làm nhà. Làm xong cái nhà trên khang trang thì vợ ngã bệnh. Cha con đang tráng nền cái nhà dưới thì, vợ đột quỵ. Tôi bồng vợ lên nhà trên. Bả nằm, ăn được ít, không nói năng chi hết suốt hai trăm bốn chục ngày thì, bả bỏ lại mấy cha con tôi đi luôn... Vợ tôi, có nghe nói từ hồi mới khởi công, mà không được một lần bước qua cây cầu ước mơ ngàn đời - cây cầu mà bà con hai bên bến đò này, không gọi cầu Cửa Đại vì cách Cửa Đại hơn cây số mà gọi cây cầu Thế kỷ, cây cầu Thanh - Nghĩa (Cẩm Thanh và Duy Nghĩa), cây cầu Dân sinh...”.
***
Cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn dài 1,5km, rộng hai làn xe chạy. Chân cầu bên này nằm trên đất Cẩm Thanh với rừng dừa bảy mẫu của thành phố Hội An. Chân cầu bên kia nằm bên bến đò chợ Nồi Rang xanh xanh rừng thông chắn cát thuộc đất Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên. Cầu nối một thành phố Anh hùng Di sản văn hóa thế giới với một huyện Anh hùng. Nhắc đến vợ, biết ông buồn, tôi làm thinh. Ông cũng làm thinh, ngồi nhìn ra rừng dừa từng ngày lấn sông trước mặt nhà. Nhìn ông chặp lâu, bụng nghĩ, đất anh hùng, dân anh hùng, sao ông này không có cái anh hùng? Xét công nhận danh hiệu thành phố anh hùng, thị xã anh hùng, huyện anh hùng thì không khó. Xét cá nhân anh hùng, có phần tế nhị. Tôi tiếp tục gợi chuyện để hiểu hơn một con người mới gặp lần đầu.
Giới thiệu sơ qua ngôi nhà, vừa nói, ông rót nước mời tôi:
“Từ ngày xe thông cầu, dân hai bên bờ sông vui mừng, nói cười, chộn rộn ra vào bàn tính việc làm ăn hưởng lợi từ cây cầu ước mơ... Sống qua tuổi tám mươi, nhìn cầu, nhìn sông nước, nhẩm tính, tôi có năm cái nhất: giao việc chi cũng làm tích cực nhất, ở chỗ ác liệt nhất, lao động giỏi nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, và, lương thấp nhất. Ngày còn ở trong Cát Cao, thằng Cày đi giữ trâu thấy để đồ cúng ngãi những hột vịt, xôi, chè, thèm quá ăn thì to bụng, chết. Hồi đó thuốc thang đâu có mà cứu kịp. Mẹ tôi khóc cả ngày. Tôi thay em Cày giữ trâu, lượm phân, làm du kích... Hồi đánh với tụi Mỹ, có nơi mô ác liệt bằng đoạn cuối con sông Thu Bồn đổ ra Cửa Đại này. Không nói không có, mà nghĩ là ít có. Gọi là ‘sông giảm thọ’. Vậy mà tôi phải nhận hai cái chức Trưởng ban Giao bưu và Trưởng ban Giao vận, ngày đêm thường trực cùng chiếc ghe qua lại trên sông giảm thọ. Có thư hỏa tốc nửa đêm cũng bơi qua sông. Có người bị thương cấp cứu thì bằng mọi cách phải qua sông. Đoạn sông giảm thọ dài chừng cây số mà có hai cái đồn địch. Ớn nhất, cái đồn Hải thuyền ở cửa biển - Cửa Đại, gọi là đồn Gành. Bọn Hải thuyền túc trực trên sông từ Cửa Đại lên Hồng Triều, Bàn Thạch. Bo bo rượt dưới nước nhanh như xe tăng chạy trên bờ. Ban ngày ớn nhất trực thăng Mỹ. Ban đêm, muốn qua sông phải canh chừng bo bo của Hải thuyền. Thuyền của ta bơi tốc lực từ Bến Đình, Cẩm Thanh qua bến Nồi Rang, Duy Nghĩa, mất chín phút. Là chín phút sinh tử! Trừ thương binh, ai ngồi lên ghe thì phát cho cây giầm. Canh chừng Hải thuyền, hô xuất phát thì cắm cổ bơi. Ban ngày bo bo rượt sát bờ, thấy bụi rậm hay đám dừa nước nào nghi ngờ thì chúng rải đại liên vào như trấu. Ban đêm, pháo cối cầm canh khu vực hai bến đò. Anh em tôi chịu cực, chịu khổ là đương nhiên. Thương nhất và cũng đáng biểu dương là mấy đứa con gái mới mười sáu, mười bảy từ trong vùng địch thoát ly ra mà bổ sung cho Giao vận, Giao bưu, tức là, đôi tay ôm cây giầm chèo đò, đôi chân chạy đưa thư. Đứa chết, đứa già, đứa đi đâu không biết, nhớ nay còn con Ba và con Đây. Cuối năm 1964, khi du kích và cán bộ thị xã xuất hiện làm chủ An Bàng, Phước Trạch, Nguyễn Thị Ba mới được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong. Trong chiến dịch xuân Mậu Thân, Ba thoát ly gia đình thì liền bổ sung cho Giao vận, ngày đêm không rời chiếc thuyền trên sông, đưa cán bộ, chuyển thương binh, tải đạn từ Cẩm Thanh về tuyến sau Xuyên Thọ, Xuyên Nghĩa, Bình Dương. Từ một cô gái chèo đò vượt sông dưới làn bom đạn giặc, Ba trở thành Phó bí thư Thị đoàn rồi trụ vững với vị trí Phó bí thư Đảng ủy xã thời Cẩm An gặp khó khăn nhất... Còn, Trần Thị Đây, hồi kéo ra vùng giải phóng là đứa con gái còn sợ ma, đi cũng bám chị Tư nấu ăn, ngủ cũng ôm chị Tư nấu ăn, đến khi phân công chèo đò, chuyển thư thì Đây được phong biệt danh “con Rái”. Các vị lãnh đạo chủ chốt của Hội An thời chống Mỹ khi cần vượt sông bất cứ lúc nào đêm hôm, pháo cối cầm canh, thì có Đây. Chủ tịch Đinh Tư báo đi là bố trí Đây đưa đi, mà đi với ông Đinh Tư thì phải đi đến nơi, ông không chịu bàn giao cho một ai khác. Có vài ba khách thì Đây chèo thuyền, còn một khách thì Đây dìu lội qua sông, vừa nhanh vừa an toàn hơn ngồi trên thuyền dễ bị Hải thuyền thấy rượt theo. Thường đi với Thị đội trưởng, sau này là Bí thư Võ Hiên, thì nhanh và gọn, nhẹ, hai chú cháu xuống sông y như hai con rái. Còn mỗi khi có thư khẩn, thư hỏa tốc, Trưởng ban Xe gọi thì liền có Đây. Đi công tác về, treo cái võng bên miệng hầm, ngủ liền, vậy mà gọi ‘Đây đâu?’ là ‘Dạ, có Đây’. Đây tung ra khỏi võng, bỏ thư từ, công văn, cái áo vào tấm ni lông đùm lại, xuống sông lội từ thôn 4 Cẩm Thanh lên Cẩm Kim, lên Hồng Triều, Bàn Thạch, có khi lội cát từ chợ Nồi Rang lên tận thôn 3, thôn 4 Xuyên Tân... Bây giờ, có được hai cô con gái và hai cháu ngoại, hỏi lại chuyện đưa khách qua sông, Đây cười, rớm nước mắt: ‘Không biết tại răng hồi đó em làm được những việc mà chừ nghĩ lại thấy sợ, kể lại thấy run’. Tôi cười, nói với Đây: ‘Ngày ấy, nhờ những người như em mà giặc Mỹ chịu thua dân mình!’.
Ác liệt nhất, cực nhất là chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 - Trần Văn Xe nhìn ra mặt sông, nheo đôi mắt trầm tư - Nhận lệnh làm cầu phao cho bộ đội qua sông, cả bộ phận tiền phương mất ăn mất ngủ. Công việc quá nhiều, quá nặng và quá gấp. Mà mừng, nghe đi giành chính quyền về tay nhân dân ai không mừng, muốn giành được từ tay địch đang rất mạnh, chắc có đánh lớn. Anh em bí mật chuẩn bị mấy chục chiếc ghe nhỏ và cơ số cọc tre, tấm cốt. Tất cả đều nhận chìm dưới sông. Khi có lệnh thì kéo lên, cứ hai chiếc ghe để song song nhau làm phao, gác mấy cây cọc tre qua làm thanh, đặt tấm cốt tre đan thành từng tấm lên làm mặt cầu, để sát các đôi ghe hàng ngang sẽ có một cây cầu nổi cho bộ đội chủ lực trú ở Cẩm Thanh qua sông Đò, vào đất Cẩm Châu, tiến công quận lỵ Hiếu Nhơn và nhà lao Hội An. Khi đưa hàng ngàn quân đấu tranh chính trị tay cầm dây, giáo, mác ở các xã vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, cùng ba mũi quân của Cẩm Thanh, Cẩm An, Trà Quế, Cẩm Châu, nhập thị ‘khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân’ thì, cực mà khí thế bừng bừng. Bộ đội thọc vô nội thị, đánh một số mục tiêu thì có thắng, nhưng không gọn, nhiều đồn bốt quá, quân đâu mà đánh cho xuể. Khi bị phản kích, lui ra dưới làn bom, pháo phản kích điên cuồng của địch, cực và ác liệt không thể kể. Thương nhất và tổn thất nặng là dân nổi dậy bị đàn áp bằng súng phải lui qua sông Cái (Thu Bồn). Nhiều người bị thương nhẹ ráng chạy. Nhiều người sáng dậy sớm mang cơm bánh theo, chưa kịp ăn, đói khờ cũng phải chạy. Vợ tôi cùng mẹ chị Cẩm Thanh nấu cơm, nấu bắp cho ai đói ăn, đưa người trái bắp hối họ qua sông sợ chúng đuổi theo bắt sống, bỏ tù. Chưa lúc nào phải đưa thương binh, tử sĩ qua sông nhiều như xuân Mậu Thân. Hầu hết các anh lãnh đạo chủ chốt của mũi quân vào Hội An như Bí thư Ngô Xuân Hạ, Chủ tịch Đinh Tư, Thị đội trưởng Võ Hiên, Phó chỉ huy Mặt trận 4 Nguyễn Hoán... đều bị thương... Mười đêm xuân Mậu Thân không ai được ngủ, người tôi đi nhẹ tưng.
Thắng giặc Mỹ, hồi cư về Cẩm Thanh cũng phải làm cật lực mới có ăn, cuốc đất hoang hóa trồng khoai, trồng đậu, chèo thuyền giăng lưới đánh bắt cá, làm nò bắt tôm, lặn hụp mò cua, ngâm bùn phơi nắng trồng dừa nước. Giặc Mỹ phát quang phá trụi rừng dừa bảy mẫu của Cẩm Thanh. Giải phóng về lại trồng dừa nước cho tôm, cua sinh sôi, có lá lợp nhà. Tây, đầm thích ngồi trên thuyền bơi dưới rừng dừa...
Năm 1988, có chủ trương giảm biên chế, tôi đã năm lăm, năm sáu, lọt vào mấy loại bị vận động về nhà: nghỉ một lượt, nghỉ mất sức, hưu non. Phòng Lao động gọi tôi lên bảo về làm đơn xin nghỉ mất sức. Tôi đâu có ưng nghỉ và cũng có mất sức đâu mà biểu tôi làm đơn xin nghỉ mất sức! Bám nhà nước mà sống thì nhục. Về thì buồn... Cuối cùng thằng con nhờ người quen xin được cái hưu vĩnh viễn đến khi chết. Có điều xếp lương thấp quá nên nay lương hưu tháng có ba triệu... Đời sống hiện nay, ngày trước không dám mơ. Chi cũng được, chỉ mong cái công bằng, mong mọi người sống có văn hóa, văn minh...
Năm tám mươi tuổi có người khuyên tôi làm đơn xin không sinh hoạt chi bộ. Khi vào Đảng, tôi đưa tay tuyên thệ phấn đấu đến hơi thở cuối cùng, nay còn làm việc được, hội họp gì bà con bảo tôi phát biểu, sao các người lại khuyên tôi làm đơn không sinh hoạt chi bộ? Gần năm mươi tuổi Đảng. Chiến tranh không sợ chết. Sống phải làm gương! Ăn nói, làm chi cũng nhớ mình là một đảng viên, luôn phải giữ cái danh hiệu đảng viên...”.
Biết câu chuyên khó dứt, tôi xin hẹn ông lần sau. Ông nói: “Tôi cũng đang có việc: Xã và thôn giao cho tôi làm Phó chủ tịch Hội người cao tuổi xã, kiêm cái Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Thanh Tam, còn giao thêm làm Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam. Chức tôi ưng nhất được dân ban cho là Già làng. Từ cái chức vô cùng vinh dự này, dân làng giao cho tôi theo dõi việc thi công đình làng Thanh Tam. Làm xong cái đình làng, thì hết lo, khỏe”. Tôi đưa tay bắt tay chúc mừng ông đã hoàn thành một trọng trách của dân làng giao. Ông vừa đứng dậy đi ra cửa để tạm cắt câu chuyện, vừa bắt tay tôi nói lời tạm biệt: “Tôi đi vào đình đây, hôm nay Người cao tuổi gặp mặt...”. Đi mấy bước, ông quay lại nhìn tôi, cười: “Xuân này, tám mươi lăm rồi. Không đi xe, đi cày, đi bừa, đi bộng... Xe này, Đi này, chỉ còn một chuyến đi xa!”. Cười.