HV123 - Người Việt cao quý

Cách đây ít lâu người Hà Nội vừa tiễn đưa bà Hoàng Thị Minh Hồ về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà vừa là chứng nhân vừa là người có đóng góp to lớn vào những biến cố diễn ra trong hơn một thế kỷ qua ở Việt Nam. Tôi luôn nghĩ rằng bà Hoàng Thị Minh Hồ là một người Việt cao quý đích thực, người mang cốt cách cao quý của người Hà Nội ngày xưa.

Và cũng vừa đây thôi, Nhạc viện Hà Nội và gia đình bàThái Thị Liên có tổ chức buổi hòa nhạc Trăm mùa thu vàng vinh danh nghệ sĩ piano, nhà giáo Thái Thị Liên nhân dịp bà bước vào tuổi 100. Cả thính phòng lớn không một chỗ trống, không một tiếng động, lặng nghe tiếng nhạc Chopin tuôn chảy từ đôi bàn tay điêu luyện của người phụ nữ bé nhỏ, mái tóc bạc phơ, chìm đắm trong thế giới âm thanh mà bà gắn bó gần trăm năm qua.

Một bữa tiệc âm nhạc tuyệt vời của đại gia đình những người yêu thích âm nhạc cổ điển, những người hâm mộ bàThái ThịLiên và bạn bè của gia đình bà. Một bữa tiệc âm nhạc của trăm năm. Có lẽ đây là lần cuối cùng người Hà Nội có diễm phúc được nghe tiếng đàn của người phụ nữ Sài Gòn ấy, một trong những người phụ nữ Việt Nam đáng quý trọng và ngưỡng mộ nhất.

Có lẽ phần đông chúng ta chỉ biết tới bàThái Thị Liên như đấng sinh thành của nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới Đặng Thái Sơn, mà không biết tới cuộc đời vinh quang đầy hy sinh của bà, biết tới những đóng góp to lớn của bà cho nền âm nhạc cổ điển nước nhà. Cũng như bà Hoàng Thị Minh Hồ và các bà mẹ Việt Nam khác, bà là người Việt cao quý đích thực.

Bà Thái Thị Liên sinh năm 1918 ở Sài Gòn trong một gia đình trí thức nổi tiếng ở Nam Bộ. Cha bà là ông Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp ở Pháp, một người ưa chuộng văn hóa châu Âu. Chị bà là một trong những nghệ sĩ piano, nhà soạn nhạc đầu tiên ở Sài Gòn và trên cả nước Việt Nam. Cả bảy anh chị em bà đều được học nhạc từ khi còn rất nhỏ. Bản thân bà được học piano với các bà sơ từ năm 4 tuổi.

Vào những năm 1944-1945, ngôi nhà của gia đình bà ở đường Phan Kế Bính (Sài Gòn) là nơi tụhọp của giới thanh niên trí thức Nam Bộ bất hợp tác với Pháp, bao gồm các ông Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Thủ, Kha Vạng Cân, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Ngô Tấn Nhơn, Trần Công Tường, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và những người khác.

Họ đều là bạn bè và đồng chí của người anh kế trên bà, luật sư Thái Văn Lung, một cựu trung úy quân đội Pháp tham gia thế chiến II trong hàng ngũ quân đội Pháp, một trong những thủ lĩnh Thanh niên tiền phong Nam Bộ lúc bấy giờ.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, bàThái ThịLiên đã theo gia đình sang Pháp và vào học ở trường Conservatoire de Paris. Trong khi đóở Việt Nam xảy ra những biến cố “long trời lở đất”. Tháng 8-1945, chính quyền Sài Gòn đã về tay Việt Minh một cách thuận lợi dưới sự lãnh đạo ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, và các đồng chí của ông dựa vào Thanh niên tiền phong.

Tháng 9-1945, người Pháp dưới sự yểm trợcủa quân đội Anh đã gây hấn đểquay lại tái chiếm Sài Gòn. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ dưới lãnh đạo của ông Trần Văn Giàu đã tổ chức nhân dân Nam Bộ chống trả quyết liệt. Phía lực lượng Kháng chiến Nam Bộ đã xây dựng hàng loạt tổchức quân sự địa phương mà nòng cốt là Thanh niên tiền phong.

Tháng 7-1946, ông Thái Văn Lung, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1, lúc đó là Chủ tịch huyện Thủ Đức, Chỉ huy trưởng Bộ đội Thủ Đức, đã bị thương, bị bắt trong một cuộc phục kích của quân đội Pháp. Sau đó, ông bị người Pháp tra tấn dã man đến chết vì không chịu khai báo và vì “phản bội” nước Pháp.

Vào thời gian đó số phận đã đưa đẩy bàThái Thị Liên gặp và sau đó kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, khi ấy làTrưởng Phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris. Ông Trần Ngọc Danh là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1, từng tốt nghiệp Đại học Phương Đông Moskva, một nhà cách mạng chân chính, ngồi tù Côn Đảo đến năm 1945. Sau này khi tôi hỏi bà tại sao một tiểu thư khuê các như bà lại “đổ” vì ông, bà hồn nhiên cho biết “lm sao mkhông đổ hả cháu, ổng nói rất hay, rất thuyết phục, ổng có khí chất đặc biệt của người cách mạng”.

Năm 1948, chiến tranh Việt - Pháp ngày càng leo thang, thái độ của chính quyền Pháp và các thành phần dân tộc chủ nghĩa Pháp đối với người Việt ở Pháp ngày càng cực đoan, bà Thái Thị Liên chuyển sang sống và làm việc ở Praha (Tiệp Khắc). Tại đây, con gái của hai ông bà, Trần Thu Hà- Giám đốc Nhạc viện Hà Nội tương lai - đã ra đời.

Đồng thời, bà Thái Thị Liên tiếp tục học và năm 1951 đã tốt nghiệp loại ưu Nhạc viện Praha, trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học âm nhạc.

Năm 1951, bà Thái Thị Liên về chiến khu Việt Bắc, đúng vào thời kỳ cuộc chiến tranh Việt - Pháp bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Sau khi bay từ Praha về Bắc Kinh và đi xe lửa xuống phía Nam Trung Quốc, bà đã phải địu con gái 2 tuổi đi bộ hơn 100km xuyên rừng về ATK Việt Bắc.

Bà Liên về ATK Việt Bắc đúng vào lúc ông Danh đang ốm nặng. Bà đã phải vừa chăm con nhỏ vừa làm vườn, nuôi gà lợn và cả nuôi dê lấy sữa bồi dưỡng cho ông. Nhờ sự chăm sóc kịp thời của bà, ông Danh đã khỏe lên nhiều. Bà cũng đã mang thai người con thứ hai.

Nhưng rồi tai họa vẫn ập đến. Do hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến khu, do thuốc men cực kỳ thiếu thốn và do sức khỏe đã bị hao mòn từ nhà tù Côn Đảo, ông Danh đã không qua khỏi được khi bệnh tái phát. Ông đã ra đi trước khi người con trai là Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế các trường đại học Bộ Đại học tương lai - ra đời ít lâu.

Đến nay, mỗi khi nói chuyện với bà, một người phụnữ nhỏbéthanh tú, tôi vẫn khó hiểu tại sao một người phụ nữ cả đời chăn ấm nệm êm như bà có thể đứng dậy được sau khi chồng mất, một mình với hai con nhỏ ở Việt Bắc gian khó. Bà cho biết là ngoài bản năng mẫu tử, tình đồng chí kháng chiến, lòng tin mãnh liệt vào chiến thắng, trên hết là tình yêu âm nhạc đã giúp bà vượt qua tất cả.

Giai đoạn 3 năm ở ATK Việt Bắc cũng là khoảng thời gian duy nhất trong đời bà không được tiếp xúc với đàn piano. Nhưng tình yêu âm nhạc đã đưa bà đến với Đoàn Ca múa nhân dân trung ương, nơi lần đầu tiên bà gặp thi sĩ- nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, người lãnh đạo Đoàn. Những năm này bà dạy ký xướng âm cho các đội văn nghệ và chỉ huy hợp xướng.

Hạnh phúc chỉ quay lại với bà năm 1954, trong dịp cùng Đội Hợp xướng Hòa bình sang Trung Quốc thu đĩa chuẩn bị cho Lễ tiếp quản HàNội tháng 10-1954. Ở Thượng Hải lần đầu tiên sau 3 năm, bà lại được chạm vào phím đàn piano. Hôm đó bà đã chơi đàn suốt đêm.

Sau khi về Hà Nội, bà đã dành toàn bộ tình yêu âm nhạc cho ngành sư phạm âm nhạc Việt Nam. Năm 1956, bà đã cùng với các ông Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Doãn Mẫn, Vũ Đức Tuân, Lều Thọ Hợp lập nên Trường Âm nhạc Việt Nam (sau này là Nhạc viện Hà Nội).

Họ đã bắt đầu mọi việc từ số không: không nhạc cụ, không sách nhạc, không đội ngũ giảng viên. Vì là người duy nhất được đào tạo đại học âm nhạc bài bản, bà Liên bắt tay ngay vào việc xây dựng khoa Piano của trường, trực tiếp đào tạo những giảng viên và lứa học sinh đầu tiên, soạn giáo trình và viết nhiều tiểu phẩm trên chất liệu dân ca. Bà là chủnhiệm khoa Piano đầu tiên và làm chủ nhiệm khoa lâu nhất đến khi về hưu năm 1978.

Tình yêu âm nhạc to lớn cũng đưa bà trở thành nghệ sĩ piano đầu tiên của Đoàn Ca múa nhạc nhân dân trung ương (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Năm 1957, vượt qua mọi thị phi cuộc sống, bà Thái Thị Liên kết hôn với thi sĩ- nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và họ trở thành một đôi đẹp nhất của giới nghệ sĩ Việt Nam lúc đó.

Nhưng số phận thật trớtrêu, năm 1958 trong lúc bà mang thai người con thứ ba là Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ piano xuất chúng của Việt Nam và niềm tự hào dân tộc tương lai - bất hạnh to lớn lại ập đến gia đình bà. Ông Đặng Đình Hưng do liên quan đến vụ Nhân văn Giai phẩm đã bị gạt ra khỏi công việc, bị đẩy ra ngoài đời sống xã hội. Từ đó, ông Hưng chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Trong khoảng gần 10 năm sau đó, gia đình bà Liên rơi vào một hoàn cảnh rất cực khổ. Đó cũng là thời gian tôi bắt đầu được biết đến gia đình bà. Bà thường phải dậy từ rất sớm và liên tục làm nhiều công việc: dạy học, giải quyết công việc ở khoa Piano Trường Âm nhạc, biểu diễn, dạy thêm piano kiếm tiền nuôi gia đình và tất nhiên là chợ búa cơm nước. Cả gia đình 6 người (kể cảcon riêng của ông Hưng) gồm 4 người chơi piano vẫn phải ở trong hai phòng nhỏ trên gác hai phố Tống Duy Tân.

Trong nghề giáo của mình bà nổi tiếng về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Môn piano từ xưa vốn luôn được coi là một sở thích quý phái. Vì vậy, rất nhiều người trong giới tinh hoa và quan chức Hà Nội muốn gửi gắm con cái cho bà. Tuy nhiên, bà đã từ chối nhiều trường hợp, nếu thấy học trò không có năng khiếu hoặc không thiết tha.

Là một người bộc trực thẳng thắn, có nền tảng văn hóa cao và tinh tế, nhưng bà Thái Thị Liên lại luôn giản dị, chân thành và dễ gần. Đặc biệt bà hoàn toàn xa lạ với thói đố kỵ. Vì vậy, bà luôn được sự tôn trọng và quý mến sâu sắc của đồng nghiệp nói riêng, giới tinh hoa Hà Nội gốc và mọi tầng lớp Hà Nội nói chung.

Trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, cả gia đình bà theo Trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán về Bắc Giang, chia sẻ mọi gian khổ và hiểm nguy của cuộc chiến, như tất cả mọi gia đình miền Bắc Việt Nam lúc đó. Đặng Thái Sơn ngoài chuyện tiếp tục học piano, còn là một “chuyên gia” nuôi gà và một “thợ” mò cua bắt ốc.

Có thể nói rằng, thành công kỳ diệu của Đặng Thái Sơn trong âm nhạc cổ điển thế giới bao gồm rất nhiều yếu tố và cơ duyên. Tài năng thiên bẩm may mắn được phát hiện sớm, được mẹ và thầy giỏi Liên Xô vun đắp phát triển, một tình yêu âm nhạc vô bờ và những nỗ lực phi thường đã giúp ông Sơn đoạt được giải nhất trong cuộc thi piano quốc tế Chopin năm 1980. Và như ông Sơn cho biết, đó mới chỉ là một tấm bằng cao cấp, một giấy phép để ông bước vào giới âm nhạc cổ điển đỉnh cao quốc tế.

Tuy nhiên, để thành công bền vững trong nền âm nhạc cổ điển đỉnh cao quốc tế, một lĩnh vực nổi tiếng kiêu kỳ, khó tính và bảo thủ, theo tôi có lẽ Đặng Thái Sơn còn nhờ vào một cơ duyên khác nữa – đó là ông đã phần nào thừa kế được khí chất cao quý tự nhiên từ người mẹ Thái Thị Liên.

Tôi viết những dòng này đểtỏlòng kính trọng sâu sắc và ngưỡng mộ đối với bà Thái Thị Liên nhân dịp bà bước vào tuổi 100. Cầu mong bàan hưởng tuổi giàtrong sựyêu thương của người thân, học trò, trong tiếng đàn “mẹ truyền con nối” của các thế hệ cháu con đông đúc của bà.

TRẦN CÔNG TÂM