HV123 - Nhớ Tết kháng chiến đầu tiên

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Tuất 1947, Tết kháng chiến đầu tiên. Dù ở nơi tản cư về một làng Công giáo thuộc huyện Thường Tín (tức Hà Đông lúc ấy), nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, ông tôi cũng vẫn giữ nếp dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ. Ở đây, đồ đạc không có gì, tuy nhiên mẹ tôi đã mang được chiếc tủ chè - chiếc tủ chè ông tôi vẫn làm ban thờ ở phố Ga, ông bảo cha tôi lấy tro đánh đỉnh đồng, hai cây nến đồng và đôi lọ lục bình được đánh bóng, sáng loáng.

Hôm ấy, là tối 30 Tết, sau khi cúng tết niên xong, ông và cha tôi cùng nhau ngồi uống rượu. Ấm nước chè sen thơm lan tỏa gian nhà cùng với mùi hương trầm cha tôi mang từ quê Bưởi đi khiến cho gian nhà đơn sơ thêm đầm ấm, tưởng như không có chiến tranh ở nơi đây. Nhấp chén trà sen bốc khỏi, ông hỏi cha tôi:

- Nghe đâu ở trong Hà Nội đánh nhau to lắm phải không?

- Dạ, con có nghe tin ta với Tây quần nhau trong từng căn nhà, từng góc phố. Ở chợ Đồng Xuân, chị em bán hàng thịt và tự vệ dùng dao mổ lợn xông vào chém Tây.

Ông hỏi luôn:

- Thế còn ở quê Bưởi mình?

- Dạ, quê Bưởi mình cũng cảnh vườn không, nhà trống, bọn Tây và bọn Việt gian vào phá nhà cửa và lấy những đồ đạc quý đem đi.

Ông ngồi lặng im, người lại tiếc của - “Thế là cả làng mất hết và nhà ta cũng mất hết!”, ông tôi lẩm nhẩm nói. Lát sau ông đọc câu thơ “Thăng Long phi chiến địa”, rồi ông nhìn vào mặt cha tôi hỏi:

- Hình như câu thơ này của cụ Cao Bá Quát phải không?

Cha tôi lưỡng lự, ông tôi nói luôn: “Cụ Quát nói sai, Thăng Long đã có bao cuộc chiến nổ ra để bảo vệ kinh thành, nào là cuộc chiến thời nhà Lê với Lê Lợi chống nhà Minh ở bến Bình Than, Chương Dương..., cuộc chiến chống giặc Thanh với chiến thắng Đống Đa - Ngọc Hồi Tết Kỷ Dậu thời Quang Trung Nguyễn Huệ và bây giờ nữa, thời Cụ Hồ đánh Tây giữa kinh thành Thăng Long - Hà Nội”.

Hồi ấy, ông tôi đã 72 tuổi nhưng vẫn minh mẫn lắm. Thời niên thiếu, ông theo học chữ Nho các cụ đồ có tiếng ở vùng Bưởi và ở kinh thành. Ông học chữ Nho nhưng không đi theo đường khoa cử, mà ông tôi chọn nghề ông lang, bốc thuốc bắc. Ông vẫn từng nói với cha tôi và hai chú tôi là nghề bốc thuốc làm ông lang là nghề “cứu nhân, độ thế” - nghề làm việc nghĩa, việc nhân. Vì vậy ông hướng ba người con trai cũng học chữ Nho để làm thuốc, làm thầy lang. Ông là một thầy lang nổi tiếng ở vùng Bưởi và ở phố Ga Thường Tín, còn có tên gọi là cụ Lang Bưởi.

Cha tôi pha thêm tuần nước chè sen nữa mời ông. Nhấp chén trà nóng, ông tôi chỉ lên tấm ảnh truyền thần cụ Hải Thượng Lãn Ông:

- Phải cố mà học cái đức, cái tài chữa bệnh của cụ Hải Thượng. Cụ là ông Thánh của ngành thuốc ta đấy.

Ngày ấy tuy cha tôi đã gần 50 tuổi, nhưng ông vẫn coi như đứa trẻ nhỏ, ông răn dạy nhiều điều, có khi ông kiểm tra sự học chữ Nho của cha xem còn nhớ hay đã quên. Sau này cha kể lại cũng chiều 30 Tết năm 1946 ấy, ông tôi đột nhiên hỏi cha tôi:

- Anh Cả, anh còn nhớ Đạo làm người của Nho học Việt Nam dạy những gì?

Đường đột quá, cha tôi lặng im một phút, rồi cha ngập ngừng thưa:

- Dạ, con có nhớ chút ít. Con xin đọc ông nghe:

“Làm tôi hết lòng trung

Làm con giữ đạo hiếu

Cha mẹ sửa mình để dạy con

Con em cung kính cha anh

Anh em hòa thuận

Vợ chồng kính yêu nhau làm điều nhân

Thầy trò đối với nhau bằng đạo

Bạn giữ chữ tín mà thương yêu nhau”.

Ông gật đầu, nhưng ông nói luôn: “Anh nói vẫn còn thiếu một điều”. Suy nghĩ một lúc, cha tôi vẫn không nghĩ ra điều gì. Ông gợi ý: “Điều gì mà có liên quan đến anh đấy”.

- Vâng... Có phải câu này không ạ: “Làm trưởng dâng người bằng lễ”.

- Đúng rồi, đúng rồi - ông tôi gật gật đầu, vẻ hài lòng.

Giữa lúc hai cha con đang đàm đạo thì tiếng súng cầm canh ở nơi xa vọng lại, chắc là ở phía Hà Nội. Cha tôi lấy chiếc đồng hồ quả quýt đã cũ ra xem. Đúng 12 giờ đêm! Phút giao thừa đã điểm: Đêm giao thừa của chiến tranh lẳng lặng. Ông tôi ngồi lặng người không nói. Mọi năm còn yên hàn, đêm giao thừa pháo các nhà ở quê tôi thi nhau đốt tưng bừng. Giao thừa năm nào ông cũng giao cho cha tôi đốt một bánh pháo dài. Mùi thuốc pháo thơm lừng, xác pháo đỏ bay tung, phủ đầy sân. Còn giao thừa đêm nay là tiếng súng, là xa nhà, xa quê, ở nhờ nhà dân... Nhìn ông ngồi lặng im, cha tôi rớt nước mắt thương cha già.

Đêm giao thừa ở nơi tản cư, ông tuy buồn vì phải rời quê ra đi, phải từ bỏ đồ đạc, của nả mà cả đời chắt chiu, dành dụm, nhưng ông vẫn giữ đúng nề nếp, gia phong. Đêm 30 Tết, ông bảo mẹ tôi thổi xôi, mổ gà, làm lễ cúng ngoài trời. Sáng mồng 1 làm mâm cơm cúng gia tiên. Ông và cha tôi đứng trước bàn thờ làm lễ cúng, có điều bàn thờ không uy nghi như ở nhà và không có hai chú tôi ở bên. Chú Ba Cương mất trước năm Cách mạng tháng Tám nổ ra, chú Hai Tường mất sau đó. Những năm đó, ông tôi mất liền hai người con trai do bị bệnh tả không sao cứu nổi. Ông gầy tọp hẳn đi.

Sáng mồng 1 Tết, cha tôi về Quán Bóng chúc tết bà và thăm các cô, rồi cùng các cô về làng Vồi chúc tết ông tôi. Ông tôi đến thăm và chúc tết ông Chánh Phiến - chủ ngôi nhà ông đang ở, thăm chúc tết đại diện chính quyền Việt Minh làng Vồi.

VŨ XUÂN VINH