Sau khi Bộ Giáo và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục cải cách, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc tích hợp một số môn học. Vậy tích hợp là gì và mục đích của nó ra sao?
Mục đích của việc tích hợp thì rất rõ ràng: đó là làm cho số môn học mà học sinh phải học ít đi, ngõ hầu giảm tải cho học sinh.
Trong các môn được tích hợp có hai nhóm: Sử - Địa và Lý - Hóa - Sinh.
Thật ra thì đã từ lâu, từ những năm 1945 và có thể trước đó nữa trong học bạ của học sinh có môn Sử Địa tuy thực tế giảng dạy là hai thầy giáo khác nhau, cũng có trường một thầy giáo, tùy theo khả năng của các thầy, nhưng trong thực tế học hằng ngày thì đối với học sinh vẫn là hai môn riêng biệt. Cũng như vậy đối với môn Lý Hóa. Việc gộp lại để ghi học bạ như thế rõ ràng không phải là tích hợp.
Vậy tích hợp là gì?
Theo tôi, tích hợp là từ các môn học riêng rẽ, chẳng hạn Sử và Địa, ta phải tạo ra một môn học mới tinh giản hơn hai môn riêng rẽ Sử và Địa nhưng nội dung lại phải đạt được nội dung của cả hai môn đó.
Tích hợp không phải là sự ghép cơ học, hình thức; không phải là dạy xong Sử rồi dạy đến Địa hay dạy một chương của môn này rồi dạy một chương của môn kia… cứ thế cho đến lúc hết cả chương trình của hai môn. Tích hợp cũng không phải là in Sử và Địa vào chung một quyển sách giáo khoa để rồi lúc dạy lại phải dùng đến hai thầy giáo!
Theo tôi thì không thể tích hợp Sử và Địa được.
Hai môn này nội dung khác nhau, yêu cầu kiến thức truyền đạt cho học sinh là khác nhau tuy rằng giữa hai môn đó có phần chung nhau.
Trong môn Địa, lúc học địa lý một địa phương nào đó học sinh phải nắm được địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội, còn Sử thì lại khác. Đối với môn Sử, kiến thức của học sinh về địa lý ở một vùng nào đó chỉ cần vừa đủ để hiểu biết các sự kiện diễn ra ở vùng đó mà thôi. Nếu nhấn mạnh quá nhiều về địa lý sẽ làm loãng mất nhiệm vụ chính là truyền đạt các kiến thức về Sử.
Trong khi đó kiến thức về mỗi môn học cần phải được truyền đạt cho học sinh một cách đầy đủ, trọn vẹn và hệ thống.
Lúc đọc Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, nhiều người đã cẩn thận để cạnh mình một bản đồ Trung Quốc thời đó để biết các cuộc hành quân các nơi xảy ra trận đánh nhưng yêu cầu thực sự cũng chỉ có vậy.
Cũng không thể tích hợp Lý - Hóa - Sinh được.
Mối liên hệ giữa môn Lý và môn Hóa lại còn lỏng lẻo hơn nhiều.
Một thầy giáo dạy Sử có thể biết một ít về Địa. Một thầy giáo dạy Địa có thể biết một ít về Sử nhưng với Lý và Hóa thì hoàn toàn khác. Một thầy dạy Lý không biết gì về Hóa và ngược lại một thầy dạy Hóa không biết gì về Lý là điều thường xuyên xảy ra (tất nhiên ở đây muốn nói là các thầy giáo không hiểu biết gì hơn ngoài các điều thầy đã học được lúc còn là học sinh, sinh viên). Nói như vậy để nhấn mạnh rằng nội dung hai môn này hoàn toàn tách biệt nhau.
Khó khăn của việc tích hợp không phải là hiện nay các giáo viên chỉ dạy được đơn môn, không dạy được đa môn. Nếu sau khi có những quyển sách giáo khoa mà hiện nay ta nói cần hai thầy dạy (Sử - Địa) hay cần ba người dạy (Lý - Hóa - Sinh), nhà trường có các thầy giáo dạy được cả Sử và Địa hay dạy được cả Lý - Hóa - Sinh thì các quyển giáo trình đó vẫn là giáo trình của hai môn hay của ba môn riêng biệt chứ không phải là của một môn. Và như tôi nói ở trên thì điều đó từ giữa thế kỷ trước người ta đã làm rồi. (Thời đó có rất nhiều thầy giáo dạy được nhiều môn, và trong học bạ của học sinh ở mục Môn học có môn Sử Địa nhưng trong thực tế dưới con mắt của mọi người thì đấy vẫn là hai môn).
Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, một trường đại học ở Hà Nội cũng đã có chủ trương tinh giản chương trình nhưng rồi cũng thất bại. Chủ trương của họ nhỏ hơn, hẹp hơn, chẳng hạn chỉ là tìm các điểm chung giữa Lý và Toán để chỉ dạy một lần các phần đó cho cả hai môn nhưng rồi cũng vẫn không đạt được kết quả gì.
Tích hợp chỉ có thể làm ở các lớp trình độ thấp hoặc trình độ rất cao.
Ví dụ trước đây ở tiểu học có môn Khoa học thường thức trao cho học sinh kiến thức mỗi thứ một tí. Hay như làm luận án Tiến sĩ Y khoa thì may ra mới tích hợp được Lý - Hóa - Sinh.
Để luyện cho học sinh có ý kiến tổng hợp, ta còn có nhiều biện pháp. Chẳng hạn giữa học kỳ, giáo viên có thể cho học sinh làm các bài tập lớn, trong đó muốn giải quyết vấn đề đặt ra phải sử dụng kiến thức của nhiều môn.
Không phải cứ ít môn là giảm tải, thực chất phải tính theo khái niệm môn nhỏ nhất.
Tôi còn nhớ, cũng vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước và cũng ở một trường đại học ở Hà Nội, trước yêu cầu giảm tải cho sinh viên, một số khoa đã quy định mỗi tuần giáo viên (môn Toán chẳng hạn) chỉ được ra một số nhất định bài tập. Nhưng như thế thì không đảm bảo sinh viên nắm vững nội dung môn học, nên các giáo viên đã thêm các câu a, b, c… vào từng bài! Việc tích hợp các môn thành một môn có ba người dạy thì cũng như thế.
Đấy là chưa kể đến các khó khăn nhà trường và giáo viên gặp phải nếu ta dùng một quyển sách giáo khoa mà cần phải có nhiều người dạy, như ta đã thấy ý kiến của các giáo viên đương dạy đưa lên báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua.
Làm thế nào để tạo ra một môn chuyển tải đủ nội dung của môn Sử và môn Địa mà lại nhẹ nhàng trong sáng, các chương các mục gắn kết nhau một cách hài hòa?
Làm thế nào để tạo ra một môn chuyển tải đủ nội dung của ba môn Lý, Hóa, Sinh mà lại nhẹ nhàng trong sáng, các chương các mục gắn kết nhau một cách hài hòa?
Tôi thấy rằng rất khó nếu không nói là không thể.
Theo tôi, giảm tải không phải chỉ là học ít môn đi (tất nhiên điều này cũng rất quan trọng), mà cái chính là nội dung từng môn phải nhẹ nhàng trong sáng phù hợp với trình độ tiếp thụ của học sinh và đáp ứng đủ yêu cầu để học sinh có thể học các lớp tiếp theo.
Và tôi nhắc lại, nếu làm như vậy (ghép cơ học) thì từ năm 1945 người ta cũng đã làm rồi.