Hv124 - Đọc thơ xưa: “Con bướm chết trong sách” & “Bông hoa nhỏ”

Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du, bên cạnh các bài kiệt tác, thấy có bài Điệp tử thư trung 蝶死書中 cũng là một bài thơ vừa lạ lùng vừa tuyệt diệu.

Đề tài của bài là “vịnh” một con bướm chết trong sách. Nhìn con bướm chết nằm trong sách, trí tưởng tượng và tình cảm của Tố Như phiêu du vào cõi mộng mơ nhưng với những câu hỏi của đời thực. Câu mở đầu:

Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương

蕓窗曾幾染書香

Vân 蕓 là một thứ cỏ để diệt mọt sách nên vân là để chỉ thư 書. Vân song 蕓窗 là thư trai 書齋 (phòng đọc sách). Con bướm ở trong cửa sổ thư phòng đã từng bao lần thấm đượm hương thơm của sách. Bướm chết, từ bỏ phong lưu (vì bướm suốt ngày lượn hoa: phong lưu là thế). Nhưng như thế chưa hẳn là dại.

Vì sao:

Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch

薄命有緣留簡籍

Con bướm mệnh bạc (chết) nhưng có duyên nên được lưu lại trong sách, và:

Hồn tàn không còn nước mắt để khóc cho văn chương

(Tàn hồn vô lệ khốc văn chương

殘魂無淚哭文章).

Hai câu:

Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch,

Tàn hồn vô lệ khốc văn chương

là tuyệt cú. Theo quy tắc của Đường thi, câu thơ thiết lập một sự đối nghịch. Mệnh bạc nhưng hữu duyên, và vì có duyên nên được lưu trong sách (giản tịch).

Câu: Tàn hồn vô lệ khốc văn chương là một câu thơ lạ kỳ, một câu với đầy đủ sự trải nghiệm của Tố Như về văn chương. Thơ ông, thơ thời ông, đẫm nước mắt vì nhân thế.

Chủ đề là một con bướm chết trong sách, mọi tứ thơ phải chụm vào đấy, khai thác ở đấy. Con bướm chết nay đã thành con mọt sách. Đã là con mọt sách thì còn mơ gì giấc mộng giàu sang (phồn hoa), còn đốm lửa của đom đóm (họ hàng với bướm) khó thiêu cháy được tấm lòng gấm vóc của văn chương!

Khổng Tử có câu: Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ (Sớm mà nghe được đạo lý thì chiều chết thỏa lòng rồi). Nguyễn Du là một nhà nho thâm thúy, chữ của thánh hiền, ông biến thành thơ để “vịnh” con bướm chết: nó nằm chết trong sách vở (thường là kinh điển Nho) thế là nó đã nghe được đạo lý thánh hiền rồi, nên nó chết cũng thỏa. Và đây là lời thơ của chính Nguyễn Du:

Mê sách còn hơn bận lòng vì hoa

(Dâm thư do thắng vị hoa mang 淫書猶勝為花忙)

Một câu thơ “tuyên truyền” cho sự đọc của thời nay, thời văn hóa đọc đang xuống dốc!

***

Đọc bài thơ Điệp tử thư trung, tôi bỗng nhớ bài Bông hoa nhỏ, bông hoa chết trong sách của đại thi hào người Nga A.C. Puskin (1780-1807), người coi như cùng thời, nhưng khác đất nước, khác hoàn cảnh lịch sử… với Nguyễn Du (1766-1820).

Trong cuốn sách tôi nhìn thấy một bông hoa nhỏ…

Nó nở ở đâu, vào lúc nào nhỉ. Vì sao có bông hoa này, vì chàng và nàng hẹn hò nhau, hay biệt ly, tặng cho nhau. Bây giờ họ sống phương trời nào… còn sống hay đã lụi tàn như đóa hoa bí ẩn này. Hai thi hào đều giàu trí tưởng tượng. “Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng” (Sóng Hồng). Chỉ là một gợi ý như là bông hoa ép trong sách hay con bướm chết trong sách, họ đã nghĩ ra, đã tưởng tượng ra bao điều. Bỏ qua vấn đề thể loại thơ (một bên Đường thi cổ điển, một bên thơ tự do), ta thấy sức mạnh của tưởng tượng và của tư tưởng của hai nhà thơ. Puskin đã đi vào hiện đại giữa chế độ Nga hoàng chuyên chế. Ông thông thạo tiếng Pháp và đã tiếp nhận những tư tưởng mới từ văn chương Pháp, văn chương châu Âu thời đó. Bài thơ là thơ tình, như là bài Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu nổi tiếng của ông. Còn Nguyễn Du là thơ trữ tình triết lý quanh một thân phận, tượng trưng là con bướm - một biểu tượng của những thân phận bạc mệnh phổ biến thời ông sống. Khúc đàn bạc mệnh đã kết thúc rồi mà oán hận còn vang vọng mãi. Vang vọng đến bây giờ “Bạc mệnh cầm chung oán hận trường 薄命琴終怨恨長”.

蝶死書中

阮攸

蕓窗曾幾染書香,

謝卻風流未是狂。

薄命有緣留簡籍,

殘魂無淚哭文章。

蠹魚易醒繁華夢,

螢火難灰錦繡腸。

聞道也應甘一死,

淫書猶勝為花忙。

Цветок

Александр Пушкин

Цветок засохший, безуханный,

Забытый в книге вижу я;

И вот уже мечтою странной

Душа наполнилась моя:

 

Где цвёл? когда? какой весною?

И долго ль цвёл? И сорван кем,

Чужой, знакомой ли рукою?

И положён сюда зачем?

 

На память нежного ль свиданья,

Или разлуки роковой,

Иль одинокого гулянья

В тиши полей, в тени лесной?

 

И жив ли тот, и та жива ли?

И нынче где их уголок?

Или уже они увяли,

Как сей неведомый цветок?

 

Con bướm chết trong sách

NGUYỄN DU (1766-1820)

Thư phòng từng đượm vị thư hương

Bỏ thói phong lưu chẳng phải cuồng

Mệnh bạc có duyên lưu sách sử

Hồn tàn không lệ khóc văn chương.

Lửa đóm khôn thiêu lòng gấm vóc

Mọt sâu dễ tỉnh mộng giàu sang

Đạo lý sớm nghe chiều chết hả

Sách đáng yêu hoa chớ bận lòng(*).

(M.Q.L. dịch)

 

Bông hoa nhỏ

PUSKIN (1780-1807)

Trong cuốn sách tôi thấy một bông hoa nhỏ

Nó bị bỏ quên, tàn tạ tự bao giờ.

Tâm hồn tôi vào giây phút đó

Bỗng chứa chan những suy tưởng lạ lùng.

 

Nó nở ở đâu, đã lâu chưa, vào một mùa xuân nào nhỉ

Bàn tay nào ngắt nó, lạ hay quen

Duyên cớ nào nó được đặt vào đây?

Để kỷ niệm cuộc hẹn hò trìu mến,

 

Hay cuộc chia ly định mệnh giữa hai người.

Hay một cuộc dạo chơi trên cánh đồng im ắng,

Hay dưới bóng rừng cây thanh vắng - một mình.

 

Chàng còn sống và nàng còn sống?

Và giờ đây tổ ấm họ nơi nao?

Hay họ cũng đã cùng tàn lụi

Như bông hoa bí ẩn này đây.

(M.Q.L. dịch)

 

_____

(*) Có tham khảo bản dịch của Quách Tấn, trong Nguyễn Du toàn tập - tập 2, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, 2015, tr.245.

MAI QUỐC LIÊN