Trên chủ trương chung, việc phục hồi vốn cổ dân tộc là một điều nên làm, vì đó là tinh hoa, là truyền thống dân tộc. Nhưng có phải chăng chính chúng ta đang đi từ cực này sang cực khác: từ việc xóa sạch đến việc tôn vinh tất cả mà không có tiêu chí chọn lọc kỹ càng. Bởi không phải lễ hội dân gian nào cũng là tinh hoa dân tộc, ví như các lễ hội mang tính dã man như Đâm trâu, Chém lợn gây rất nhiều phản cảm cho du khách, nhất là du khách nước ngoài; hơn nữa xét cho cùng sự phục hồi ấy còn phải trên tinh thần của một đất nước đang tiến tới nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nên nhớ, tổ tiên ta cùng với nền văn minh lúa nước, quanh năm làm nông là chính, nên những lễ hội dân gian trong tháng giêng được bày ra mục đích để được vui chơi, giải trí bù lại suốt năm lam lũ trên ruộng đồng. Tháng giêng là tháng ăn chơi, chỉ thích hợp với người xưa nhưng đã hoàn toàn lạc hậu với thời đại ngày nay. Những lễ hội tín ngưỡng cũng thế, ngày trước, công việc đồng áng hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên việc cúng bái, cầu xin mưa thuận gió hòa là điều thiết yếu, vì nó gắn liền với cuộc sống của con người. Yếu tố tâm linh chính là sức mạnh tinh thần, là chỗ dựa giúp con người thêm nghị lực và ý chí để chống chỏi với thiên tai. Nên vấn đề chính của chúng ta là biết chọn lọc những tinh hoa cần giữ gìn và loại bỏ những gì không còn phù hợp.
Lễ hội và những biến tướng
Lý thuyết thì rõ ràng là vậy, nhưng thực thi thì quả là không đơn giản. Lễ hội hiện nay không còn đơn thuần yếu tố tinh thần mà đang bị thị trường khuynh đảo dữ dội. Bởi lễ hội chính là nguồn thu của các địa phương, cho nên tiêu chí hàng đầu của nơi tổ chức lễ hội là phải cuốn hút đông đảo người tham gia. Nhưng muốn cuốn hút được người tứ phương đến thì tất yếu không thể không có những trò vui chơi dưới hình thức cờ bạc trá hình, và những hình thức cúng bái, vàng mã, mê tín dị đoan càng phát huy tối đa. Điều 3 trong Quy chế quản lý lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ký vào tháng 8-2001 đã nghiêm cấm Tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi các hủ tục trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; Không được đánh bạc dưới mọi hình thức; Không được đốt đồ mã (nhà lầu, xe ngựa đồ dùng sinh hoạt)…, văn bản giấy trắng mực đen rõ ràng, nhưng thử hỏi có lễ hội tín ngưỡng nào tuân thủ? Quyết định này ký gần hai chục năm nay, nhưng mỗi năm dường như các lễ hội càng ngày càng phát triển thêm quá nhiều biến tướng. Tín ngưỡng dân gian của dân tộc ngày càng bị thị trường chi phối; quy định, quy chế ban hành, nhưng không ai tuân theo và cũng không thấy ai bị khiển trách, bị xử phạt. Năm nào báo chí cũng nêu hiện tượng bát nháo của các lễ hội, phỏng vấn các cơ quan chức năng, và hơn thế, những vấn đề tiêu cực trong khâu tổ chức và quản lý lễ hội đã được đưa ra bàn thảo..., với một quyết tâm rất lớn là khắc phục những hiện tượng trên.
Nhưng nhiều năm nữa đã tiếp tục trôi qua, mùa lễ hội năm nay vẫn không có gì thay đổi, và báo chí vẫn tiếp tục với những điệp khúc xưa cộng thêm những biến tướng ngày càng dữ dội hơn với biết bao hiện tượng mua thần bán thánh làm vẩn đục không khí tôn nghiêm của lễ hội. Tình trạng đánh tráo khái niệm lễ hội văn hóa với hoạt động cầu tài, cầu lộc, vay lộc, mượn lộc của người khuất mặt dường như diễn ra ngày càng nặng nề. Thay vì trước đây là một hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, người ta đi lễ đầu năm để dọn rửa tâm hồn cho thanh sạch, thuần khiết, để giữ thân tâm an lạc mà làm việc cho cả năm... thì hiện nay, người ta đến cúng bái với mục đích xin lộc, xin chức quyền, xin cái ghế quyền lực. Thậm chí người ta dẫm đạp, cấu xé nhau, đánh đập nhau vì cái gọi là tài, lộc ấy. Sự tôn nghiêm trước thánh thần không còn nữa, cũng không có niềm tin nào ngoài sự cầu cạnh đầy tính mê tín, dị đoan và mù quáng.
Ví như ngày xưa ý nghĩa của trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Nhưng ngày nay đi chùa Hương đã mang một ý nghĩa vô cùng thực dụng là cầu tài lộc, quan chức… bằng sự hối lộ thần thánh một cách thô thiển, đâu đâu cũng thấy tiền lẻ rơi khắp nơi từ những kẹt đá trên đường đi đến ngay những chốn linh thiêng nhất như bệ ngồi, cánh tay của Phật… Người ta sẵn sàng đánh nhau đổ máu, chà đạp nhau để tranh cho được cái hoa tre ở Đền thờ Thánh Gióng, cái lộc ở chùa Phúc Khánh, cái ấn Đền Trần… Đáng sợ hơn là mức độ mê tín, cuồng tín và tính tham lam, bất chấp đã thành sức mạnh của các lễ hội. Các gia đình quan chức sẵn sàng bỏ ra hằng tuần, thậm chí hằng tháng để đi các đền, chùa, miếu, lăng, phủ để cầu tài, cầu lộc, cầu quyền lực…
Lễ hội Minh thề, chống tham nhũng sao không phát huy thành cấp nhà nước?
Nhưng có một lễ hội khác, như Lễ hội Minh thề(1) là một lễ hội truyền thống, diễn ra hằng năm vào ngày 14 tháng giêng tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ, thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, tỉnh Hải Phòng. Đây là một lễ hội có sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách con người. Lễ hội này ngày nay được báo chí gọi là “Hội thề không tham nhũng” với lời thề: “Mọi người trong làng, từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”. Đây là lễ hội dành cho quan chức, nhưng nhiều năm nay, lễ hội lại quạnh quẽ và vắng vẻ nhất trong các lễ hội. Thường thì rất hiếm có quan chức to đến dự, mà nếu có đến dự thì cũng không tham gia thề vì cho rằng mình đã thề trước Đảng và nhân dân rồi, còn ở đây là lễ hội của người dân trong thôn, để cho người trong thôn thề (!?)
Trong khi đó, ông Phạm Phú Oanh, chủ lễ Hội Minh thề, cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn lễ hội truyền thống với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này có các chức sắc của xã, huyện và cấp nhà nước cao hơn cùng uống rượu thề thì sức lan tỏa còn lớn rộng nữa”(2). Lý giải việc chỉ có trưởng, phó thôn thề không tham nhũng trong lễ hội, ông Bùi Đức Thảo - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy nói: “Đây là lễ hội của làng nên chỉ có trưởng, phó thôn thề đúng theo nghi lễ của lễ hội, còn lãnh đạo huyện có mặt ở đó nhưng sẽ không tham gia thề”(3).
Nhân rộng cách ứng xử văn hóa đẹp từ Lễ hội chùa Bà Bình Dương
Trái ngược cảnh xô bồ, chen lấn mua ấn, xoa tiền lên đồ thờ tự ở các lễ hội phía Bắc thì lễ hội chùa Bà (Bình Dương) để lại những hình ảnh đẹp cho khách hành hương. Hàng vạn người đổ ra các tuyến đường trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, khu vực gần chùa Bà (còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu) để xem lễ rước cộ Bà. Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương phân luồng từ xa, không cho ô tô, xe máy vào những đoạn đường mà kiệu Bà đi qua. Trong khi đó, hàng trăm thanh niên nắm tay nhau tạo thành những bức tường ngăn cản mọi người tiếp cận kiệu Bà. Khách hành hương còn cảm thấy ấm lòng vì được phục vụ nước suối, bánh mì miễn phí. Trước khi lễ hội diễn ra, thông qua mạng xã hội, nhiều nhóm người vận động quyên góp tiền bạc để thực hiện nghĩa cử này.
Đặc biệt, để ngăn ngừa hành vi giữ xe “chặt chém”, xung quanh khu vực chùa, nhiều người dân còn tình nguyện giữ xe miễn phí cho du khách. Để chống nạn rải đinh, “chặt chém” khách hành hương, Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một đã lập điểm vá xe miễn phí ở ngã tư Chợ Đình (cách chùa Bà khoảng 1,5km), các “hiệp sĩ” đã vá xe, thay ruột miễn phí cho rất nhiều xe bị cán đinh, phần lớn là của khách hành hương đến chùa Bà…
Ở miền Nam cũng không hiếm các lễ hội tâm linh như lễ vía Bà Chúa xứ ở Châu Đốc, lễ vía Bà Đen ở Tây Ninh, nhưng nếu như ở những nơi này đây là cơ hội để “chặt chém” khách hành hương, thì nhân dân Bình Dương đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp đầy tính nhân văn và đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc với du khách, nhất là với khách nước ngoài… Giá như 8.000 lễ hội đã diễn ra trong cả nước hiện nay đều có cách ứng xử văn hóa như thế này. Tôi nghĩ đó là điều không quá khó nếu các địa phương tham gia lễ hội đồng tình dưới sự phát động, biểu dương và nhân rộng từ cấp nhà nước…
5 năm nay, TP.Hồ Chí Minh đang hình thành một lễ hội mới đầy bản sắc dân tộc là Lễ hội Áo dài với chủ đề “Duyên dáng Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh”, lễ hội gồm nhiều hoạt động nổi bật nhằm chuyển tải thông điệp về nét đẹp duyên dáng của chiếc áo dài Việt Nam qua các thời đại, phù hợp với mọi đối tượng. Trong đó, nổi bật là triển lãm “Duyên dáng áo dài Việt Nam” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cùng với đó là hội thi “Ảnh đẹp áo dài”, hội thi “Duyên dáng áo dài”, triển lãm không gian áo dài với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố áo dài”, hành trình xe đạp “Năng động áo dài”, chương trình nghệ thuật “Tinh hoa áo dài Việt”, chương trình đồng diễn và diễu hành với áo dài chủ đề “Tôi yêu Việt Nam”. Lễ hội Áo dài TP.HCM kỳ vọng sẽ tôn vinh, nâng tầm giá trị và nét đẹp của chiếc áo dài, đồng thời vinh danh các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân đã đóng góp phát triển chiếc áo dài. Lễ hội đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các Tổng lãnh sự và phu nhân các nước trên địa bàn thành phố…
Đây là lễ hội rất đẹp đang được TP.Hồ Chí Minh phát huy, với hy vọng làm đẹp cho bầu không khí lễ hội của cả nước, xóa nhòa đi hình ảnh không đẹp của nhiều lễ hội mê tín và bạo lực đang diễn ra hiện nay. Đó là một cách làm rất văn hóa để du khách nước ngoài đến với lễ hội văn hóa Việt Nam với cái nhìn đẹp hơn, ý nghĩa hơn…
_____
(1) Năm 1561, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) lập ra ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên) và quyên góp tu tạo ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự (nay là chùa Hòa Liễu - di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2013) trong làng. Sau khi tu tạo, phần kinh phí quyên góp còn dư bà đã cho mua hơn 47 mẫu ruộng để chia cho dân cày và một phần làm ruộng công. Những người sử dụng ruộng công sẽ phải trả lại một phần hoa màu theo quy định để làm quỹ dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Để đề phòng tư lợi, Thái hoàng Thái hậu cùng dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Và, lễ hội Minh thề đã ra đời và truyền lại cho đến ngày nay. Thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho lễ hội Minh thề.
(2) Theo báo Người lao động ngày 21-2-2016.
(3) Theo báo Dân Việt ngày 22-2-2018.