HV124 - SERGEI KOROLEV – Một cuộc đời vinh quang và nghiệt ngã

Ông có thể đã chết trong một tai nạn máy bay, nhưng ông vẫn còn sống. Ông suýt bị xử bắn như một “kẻ thù của nhân dân”, nhưng ông đã thoát nạn. Ông có thể gục đổ vì đói, vì bệnh tật ở một trại cải tạo, nhưng ông không ngã lòng. Ông cũng có thể chết chìm trên Thái Bình Dương, nhưng ông ra bến muộn và còn tàu ấy đã gặp nạn trên biển…

Con người ấy đã vượt qua tất cả để tạo nên những quả tên lửa đẩy giúp nước Nga - Xô viết lập hai kỷ lục mà ngày nay lịch sử ngành Vũ trụ toàn thế giới đã ghi nhận: lần đầu tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo trái đất và cũng là lần đầu tiên đưa thiếu tá Không quân Yuri Gagarin bay vào vũ trụ.

Ông là Tổng công trình sư, cha đẻ của những tên lửa đẩy - Sergei Pavlovich Korolev.

Say mê vòm trời từ thuở niên thiếu…

Sergei Korolev sinh tại Zitomya, trong gia đình thầy giáo dạy tiếng Nga Pavel Yakovievich Korolev và vợ ông, bà Maria Nikolaevna Moskalenko, con gái của một tiểu thương. Khi cậu bé Sergei mới lên ba, mẹ cậu bỏ nhà ra đi, cậu bé sống với ông bà nội.

Sergei Korolev say mê kỹ thuật hàng không ngay từ khi còn học ở phổ thông. Đồ án đầu tiên của chiếc máy bay không có động cơ, chàng trai đã nghĩ ra và bảo vệ thành công trước hội đồng vào năm 17 tuổi.

Trong những năm còn là sinh viên, Sergei Korolev đã nổi tiếng không chỉ như một nhà thiết kế nhiều triển vọng mà còn như một vận động viên tàu lượn tài năng. Korolev đã trở thành một vận động viên tàu lượn tại Trường đại học Bách khoa Kiev, nơi ông theo học từ năm 1924 đến 1926. Mùa thu năm 1926 ông chuyển qua học tại Trường cao đẳng Kỹ thuật mang tên N.E. Bauman ở Moskva. Trong thời gian học tại đây Sergei Korolev đã sáng tạo một số mô hình tàu lượn cũng như máy bay nhẹ CK-4. Chính chiếc máy bay CK-4 này đã trở thành công trình tốt nghiệp của Sergei Korolev, còn người chỉ đạo khoa học của ông chính là công trình sư chế tạo máy bay nổi tiếng Andrei Tupolev.

Cũng trong thời gian đang học tập, Sergei Korolev còn sáng chế tàu lượn CK-3 được đặt tên là “Ngôi sao đỏ”. Đây là chiếc tàu lượn đầu tiên tại nước Nga - Xô viết nhằm giúp các phi công thực hành những chuyến bay với yêu cầu cao.

Vào tháng 9-1931, Sergei Korolev cùng nhà nghiên cứu lĩnh vực động cơ tên lửa Friedrich Sander, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hàng không nhà nước, sáng lập tại Moskva một tổ chức xã hội. Đó là Nhóm nghiên cứu động cơ tên lửa (gọi tắt là GIRD). Tại Phòng thí nghiệm của GIRD người ta đã làm ra và cho phóng thử những tên lửa đạn đạo mang khí lỏng đầu tiên của nước Nga - Xô viết. Từ GIRD, vào năm 1933 Viện khoa học nghiên cứu về tên lửa đã ra đời, Sergei Korolev là thành viên. Vài năm sau, trong phân khoa tên lửa bay mà Sergei Korolev là người đứng đầu đã sáng chế mô hình những tên lửa đẩy có cánh, tầm bay xa và những tên lửa máy bay để tấn công những mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất cùng những tên lửa đất đối không thuần túy.

Anh hùng Lao động XHCN có tiền án

Ngày 27-7-1938, Sergei Korolev nằm trong số nhiều thành viên khác của Viện phản lực đã bị bắt với cáo buộc là “những phần tử nguy hiểm”. Đến ngày 27-9-1938, Korolev bị kết án 10 năm tù và 5 năm quản thúc.

Số là, từ năm 1936 tới 1938 trong các cơ sở thử nghiệm của Viện phản lực đã xảy ra hàng loạt vụ cháy, nổ. Đây chính là nguyên cớ khởi tố những người bị coi là “phần tử nguy hiểm”. Số phận Sergei Korolev có thể trở nên bi kịch hơn, vì trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Viện phó của viện này ông luôn bất đồng quan điểm phát triển kỹ thuật tên lửa trong tương lai với Viện trưởng Ivan Kleymenov. Sergei Korolev chỉ bị giáng chức thành một kỹ sư thường. Bản thân Viện trưởng Ivan Kleymenov cùng một loạt những người ủng hộ ông đã bị xử bắn vào đầu năm 1938. Mãi tới những năm 1950 Kleymenov mới được minh oan. Và đến năm 1991, vì xét tới công lao trong việc chế tạo ra thứ “mìn tên lửa” mang tên “Cachiusa”, Kleymenov đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động XHCN.

Vào năm 1940 trong khi đang thụ án giam tại Colma và vùng Viễn Đông, Sergei Korolev được giải về Moskva để người ta xem xét lại vụ án. Thời hạn tù được giảm xuống 8 năm, còn bản thân công trình sư bị giam cầm trong cái gọi là “Tổ gián” - một thứ nhà tù đặc biệt. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của một người tù khác - công trình sư máy bay Andrei Tupolev, đang ráo riết sản xuất ra 2 loại máy bay ném bom mang ký hiệu Pe-2, Ty-2 đồng thời cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm để cho ra đời nhiều loại tên lửa tự động khác. Vào năm 1942, Sergei Korolev chuyển từ “Tổ gián” tới Cadan, làm việc tại OKB-16 thuộc nhà máy sản xuất máy bay Cadan. Ở đây ông nghiên cứu việc hoàn thiện những động cơ tên lửa để sử dụng trong lĩnh vực hàng không.

Năm 1944, Sergei Korolev được phóng thích trước thời hạn nhưng chưa được phục hồi danh dự. Và xảy ra sự trớ trêu: Ông là trường hợp đầu tiên vào năm 1956 được phong danh hiệu Anh hùng Lao động XHCN mà vẫn ghi là người có tiền án. Mãi một năm sau ông mới được phục hồi danh dự với lý do “không nằm trong nhóm những phần tử nguy hiểm”. Còn một điều lý thú khác: Ngôi sao Anh hùng Lao động XHCN đầu tiên Sergei Korolev nhận được vì có công trong lĩnh vực sáng tạo kỹ thuật tên lửa, ông đã nhận ngay trước cả khi nước Nga - Xô viết phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất - điều được coi là một trong hai thành tựu lớn nhất của nhà bác học.

“Số 7” huyền thoại ra đời phục vụ chiến tranh và chinh phục vũ trụ

Vào tháng 8-1946, Sergei Korolev được chỉ định làm Tổng công trình sư của một Ủy ban thiết kế công trình đặc biệt N 1 (gọi tắt là OKB 1) đặt tại vùng Kalinningrag thuộc ngoại ô Moskva. Ủy ban này có nhiệm vụ sáng chế và thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo hoạt động tầm xa, đồng thời cũng trực tiếp là người đứng đầu guồng máy sản xuất ra loại tên lửa này.

Dưới sự chỉ huy và giám sát của Sergei Korolev, những tên lửa đạn đạo tầm xa của Xô viết ra đời; bắt đầu từ tên lửa P-1 (tương tự tên lửa Braun-2 của Đức), kết thúc với tên lửa huyền thoại P-7. Sau cuộc thử thành công vào năm 1948, P-7 đảm nhiệm công việc thường trực chiến đấu bảo vệ xứ sở Nga.

Điều đáng lưu tâm nằm ở chỗ, giống với những tên lửa đạn đạo chiến đấu khác, P-7 hóa ra là không thành công mấy, nhanh chóng buộc phải nhường chỗ cho những thể nghiệm mới. Nhưng chính trên cơ sở của P-7, một loạt tên lửa đẩy số 7 đàn em ra đời, góp phần lớn lao vào công cuộc chinh phục vũ trụ sau này. Vài chục năm sau, những con tàu bay lên quỹ đạo của Nga vẫn thực hiện bởi những tên lửa loại này.

Một cuộc đời riêng nhiều dị nghị

Trong cuộc đời riêng Sergei Korolev, nụ hôn đầu ông gửi tặng một người bạn gái đã diễn ra trên sân thượng của một ngôi nhà. Khi đó chàng trai Sergei Korolev đang sống ở thành phố cảng Odessa. Vây quanh cô thiếu nữ Ksenhia Vintsentina, hay như bạn bè thường gọi vắn là Lialia, có rất đông những chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Sergei Korolev chỉ là một trong đám đông đó. Và chàng trai Sergei Korolev đã gắng gỏi làm mọi chuyện để cô gái xinh đẹp kia trở thành của riêng mình: chạy tốc độ cao xung quanh cô gái, bơi ra xa giữa hôm biển động trời, kể cả trồng cây chuối trên thành gờ sân thượng ngôi nhà hai tầng… Đương nhiên, những việc làm như vậy đã để lại trong tâm khảm Lialia những gì không thể quên.

Sergei Korolev học ngành hàng không tại Kiev, rồi Moskva; Lialia theo học ngành y tại Kharkov. Thỉnh thoảng đáp tàu đến thăm người yêu, Sergei Korolev vẫn kiên nhẫn với đề nghị hai người làm lễ thành hôn. Tốt nghiệp đại học, Lialia được phân công tới vùng Donbas. Sergei Korolev lại đáp tàu xuống Donbas với lời khẩn khoản hai người nên làm lễ thành hôn. Lialia vẫn kiên nhẫn khước từ, lần này với lý do làm sao có thể sống một cuộc sống gia đình thực sự khi hai người ở hai nơi cách xa nhau đến vậy. Trở xuống Donbas một lần nữa, Sergei Korolev gặp người đứng đầu bệnh viện nơi Lialia công tác và nài nỉ cho cô gái chuyển công việc lên Moskva. Và vào tháng 8-1931 hai người tổ chức lễ cưới. Ít lâu sau Sergei Korolev đưa người vợ trẻ lên Moskva.

Nhưng đã xảy ra thách đố của số phận… Hầu như vừa đạt được những gì mơ ước trong suốt 7 năm, chàng trai Sergei Korolev đã đánh mất niềm say mê với người vợ trẻ để chạy theo những bóng hồng khác. Năm 1948 Lialia thổ lộ trong những bức thư gửi bà mẹ: “Mẹ đã biết rõ mọi chuyện về mối quan hệ giữa con và anh ấy. Con gái của mẹ đã chịu nhiều điều đớn đau ngay từ trước năm 1938 (năm Korolev bị bắt giam) và dù con vẫn còn thấy gắn bó, thương yêu Sergei Korolev nhưng con đã đi tới quyết định dứt khoát… sẽ buông bỏ anh ấy, sống cuộc đời với phương châm xử thế mà anh ấy vốn đề cao: Mỗi người được quyền làm theo những gì mình muốn…”.

Sergei Korolev và Ksenhia Vintsentina quen nhau, “kết bện” trong hôn nhân lâu một phần tư thế kỷ nhưng hai người chỉ thực sự sống với nhau đâu đó khoảng 8 năm. Con gái chung của hai người là Natasa, chịu ảnh hưởng của mẹ, ngay từ năm 12 tuổi đã biết tới “sự phản bội” của cha mình. Cô bé xé vụn tất cả những bức ảnh nào của cha tình cờ lọt vào tay mình, và không muốn nhìn thấy mặt người cha. Hai cha con gặp nhau thưa thớt và coi nhau như những người xa lạ. Sergei Korolev không có mặt tham dự đám cưới của cô con gái. Theo một người chuyên viết chuyện về ngành hàng không vũ trụ, ông Iaroslav Golovanov, một lần khi Sergei Korolev gọi điện từ sân bay Baikonur để chúc mừng sinh nhật cô con gái, Natasa thoáng nghe tiếng ông vội buông ống nói và ngồi khóc.

Người vợ thứ hai của Sergei Korolev, Nhina Ivanovna Cochencova, cũng có thể kể về những đau khổ chất chồng của mình bằng tâm sự của bà vợ đầu.

Cho tới nay, những cuộc tình không suôn sẻ của Sergei Korolev vẫn thường được giải thích bởi những ý kiến trái chiều. Có người kết án ông nhẹ dạ, quen thói trăng hoa, dễ bị xao động bởi vẻ đẹp của phái yếu. Những người khác biện bạch cho ông. Họ tìm lý do ở chỗ, do công việc ông phải đi công cán liên miên, cũng lại do công việc ông luôn sống trong tình trạng căng thẳng trí não, lại còn luôn bị vây bủa bởi những mạng lưới vòng trong vòng ngoài của các cặp mắt KGB (Cơ quan mật vụ Nga). Sergei Korolev không chỉ không có điều kiện chăm sóc, vun quén gia đình mà thực ra cũng không có hoàn cảnh và điều kiện hưởng thụ thứ hạnh phúc như những con người bình thường.

Nhiều lần Sergei Korolev viết thư tựa như giãi bày những khó khăn, những thử thách, đặc biệt là nỗi cô độc ông luôn phải đương đầu cho cả bà vợ đầu lẫn bà vợ thứ hai. Nói đại thể, những thiên tài thường không may mắn trong đời sống cá nhân. Hãy nhớ tới lời của người đẹp Natalia Nicolaievna Gontsarova nói với thi hào Puskin: “Anh làm em chán ngán đến tận mang tai, ngay cả những vần thơ của anh”. Còn Sergei Korolev thì viết: “Anh không thể viết, không muốn giãi bày, ngay cả với những người anh thương yêu nhất”.

Tấn thảm kịch muôn thuở của những thiên tài!

(Theo báo Tầm nhìn, CHLB Nga)

 

_____

(*) Ngày 12-4-1961, phi hành gia Yuri Gagarin là người đầu tiên chinh phục vũ trụ. Sau đó, ngày 12-4 được Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày Hàng không và Vũ trụ thế giới.

TÔ HOÀNG