Sự kiện tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam được dư luận thế giới rất quan tâm và bình luận liên tục, kể cả Trung Quốc. Vì nhiều lý do. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ với dàn vũ khí gồm những tên lửa hiện đại và các tàu hộ tống có đến hơn 6.000 thủy thủ đến Việt Nam. Tháng 3 năm 1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng để chiến đấu trên chiến trường Việt Nam. Nay thì họ đến với một mục đích khác: để cân bằng lực lượng, để tuyên bố về sự có mặt của Mỹ ở biển Đông, phát đi một thông điệp cho khu vực và thế giới. Đây là một biểu hiện của chiến lược Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố ở Đà Nẵng vào dịp APEC. Nhiều tờ báo, hãng thông tấn nước ngoài cho rằng đây là một bước tiến trong quan hệ chiến lược toàn diện Việt - Mỹ. Hãng Sputnik của Nga cho rằng lực lượng hải quân của Mỹ dàn mỏng từ biển Đen đến Thái Bình Dương sẽ ít hiệu quả. Trung Quốc thì có quan điểm rằng việc thăm viếng ấy cũng là bình thường, tất nhiên là không thích sự can dự của Mỹ vào biển Đông. Trước đây tàu Trung Quốc cũng cập cảng Cam Ranh của Việt Nam. Việt Nam thì vẫn kiên trì quan điểm duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các bên, không để ai lập căn cứ quân sự trên đất nước mình, cũng không đứng về bên này chống lại bên kia. Quan hệ buôn bán với Trung Quốc là quan trọng, quan hệ láng giềng thân thiện là quan trọng. Với Trung Quốc, Việt Nam tuyên bố rằng những tranh chấp ở biển Đông phải giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nhưng Trung Quốc, như một tờ báo Anh đã viết, họ có thể đánh chiếm Trường Sa chỉ trong chớp nhoáng. Đồng thời họ tăng cường quân sự, tôn tạo các đá mà họ chiếm giữ trái phép ở biển Đông. Họ tuyên bố biển Đông với 3,8 triệu km2 mà đường lưỡi bò là một chỉ dấu, là lợi ích cốt lõi của họ. Hội nghị chính trị hiệp thương của Trung Quốc đang diễn ra dùng lô gô là đường lưỡi bò. Như vậy, vấn đề biển Đông là một vấn đề vô cùng gay go, là một cuộc đấu tranh trên phương diện pháp lý, chính trị và tất cả các mặt. Việt Nam phải đa phương hóa để giữ nước, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác. Trước mắt, Trung Quốc chưa có những biểu hiện tăng cường hơn nữa những căng thẳng về mặt ngoại giao và quân sự. Họ và ASEAN đang bước vào đàm phán để thảo luận về COC - bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mà người ta hy vọng rằng nó sẽ có tính thực chất và có những ràng buộc về pháp lý. Nhưng đó mới chỉ là hy vọng.
Chuyến thăm Ấn Độ, Bangladesh mới đây của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cả sự tháp tùng của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là một diễn biến đáng chú ý khác. Việt Nam và Ấn Độ vẫn thân thiện với nhau hàng ngàn năm nay, nay thì Ấn Độ có chiến lược hướng Đông tích cực. Họ muốn đoàn kết với ASEAN và đã gặp 11 nước ASEAN thời gian gần đây ở New Delhi. Nay thì họ mời nguyên thủ Việt Nam sang, chủ yếu là để tăng cường quan hệ kinh tế, đối ngoại (buôn bán giữa Việt Nam - Ấn Độ chỉ mới bằng 1/10 Trung Quốc). Họ ủng hộ lập trường của Việt Nam trên biển Đông. Họ muốn hợp tác khai thác dầu khí. Ấn Độ là nước đông dân, với 1,3 tỉ dân, có tiềm lực kinh tế đứng thứ 4 thế giới, phát triển mỗi năm trên 8%, họ cũng có lực lượng quốc phòng hùng mạnh. Vì vậy, việc hợp tác về an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ là việc có ý nghĩa. Họ tuyên bố trợ giúp 100 triệu USD và 500 triệu USD trong tương lai cho việc tăng cường lực lượng an ninh biển và về quốc phòng cho Việt Nam. Như vậy, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là điều hết sức có ý nghĩa. Huống chi Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đang có những hợp tác liên kết để hình thành nên một nhóm nước bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông. Ấn Độ có 50% hàng hóa chuyển tải qua eo biển Malacca. Vì thế nếu tắc đường ở biển Đông, Ấn Độ sẽ lâm thế khó. Việc Ấn Độ tham gia vào việc bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông là hợp lý, hợp pháp. Bangladesh là một nước thân thiện với Việt Nam, có 160 triệu dân, cũng ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Việt Nam trên biển Đông; Việt Nam và Bangladesh hết sức tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với nhau.
Chuyến thăm New Zealand và Australia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (và dự hội nghị ASEAN - Australia) nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên quan hệ chiến lược, là thêm một thắng lợi lớn nữa của Việt Nam. Ngoài nâng cấp quan hệ kinh tế - thương mại, giữa ta và họ còn có quan hệ quốc phòng - an ninh rất quan trọng, cùng chung lợi ích giữ cho biển Đông là một biển hòa bình, tự do đi lại… Như đã nói, Australia nằm trong “bộ tứ”: Australia, Nhật, Ấn Độ, Mỹ… chung sức gìn giữ hòa bình, tự do hàng hải.
Những ngày đầu năm, để bù lại thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước đang hối hả bắt tay vào công việc. Làm sao tranh thủ tận dụng cho hết các cơ hội được mở ra. Quý đầu 2018, chỉ số GDP tăng 7,41%, là một chỉ số rất cao. Chúng ta gia nhập hiệp định CPTPP do 11 nước trong đó có ta khởi xướng và ký kết vào ngày 8-3-2018 tại Santiago của Chile. Hiệp định tuy thiếu sự tham gia của Mỹ (tổng thống Mỹ tuyên bố mong muốn quay trở lại nhưng chuyện sẽ không phải một sớm một chiều) vẫn có ý nghĩa tích cực về nhiều mặt. Trước hết là với dân số trên 500 triệu và với tổng sản lượng bằng 14% trên toàn thế giới, với những nước tham gia như Nhật Bản, Canada, Australia, nó sẽ có tác động tích cực đến tự do buôn bán trao đổi trong châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam sẽ được hưởng lợi, có thể tăng GDP hằng năm 1,1% sau 10 năm (một cách tính khác, có thể là 3,3%).
Công cuộc chống tham nhũng đang đạt những chuyển biến tích cực, sau những vụ xét xử về ngân hàng, dầu khí và ở một số địa phương như Đà Nẵng (vụ “Vũ nhôm”). Hiện Ban Bí thư đang xử lý kiên quyết vụ mua hãng truyền hình AVG có giá trị khá thấp mà Tổng công ty MobiFone phải mua gần 9 nghìn tỉ. Đây có thể là một vụ làm thất thoát công quỹ trắng trợn mà với thời gian nó đã phơi bày hậu quả tiêu cực. Tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư là kiên quyết xử lý đúng pháp luật. Kết quả là hai bên đã hủy hợp đồng, AVG đã trả lại cả vốn lẫn lãi cho MobiFone. Nhưng sự việc vẫn còn đang tiếp tục xử lý, vì liên quan đến nhiều Bộ.
Vụ Cục trưởng Cục Công nghệ cao ở Bộ Công an dính vào tổ chức đánh bạc cũng là một vụ dư luận rất chú ý. Một vị Trung tướng Công an (về hưu) cũng bị thẩm vấn. Tham nhũng đã thâm nhập vào cả các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cho nên việc chống tham nhũng là một việc lâu dài, gian khó, nhưng kết quả khui ra được vụ này và xử lý, phải nói là một bước tiến lớn làm nhân dân tin tưởng hơn ở lãnh đạo Đảng.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng, tham nhũng là do yếu kém về kiểm soát quyền lực. Quyền lực mà không được kiểm soát thì quyền lực tha hóa, thành tham nhũng. Nhưng kiểm soát quyền lực bằng cách nào, đây là một câu hỏi lớn, và khó. Chúng ta không thể đi con đường đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lực như phương Tây để kiểm soát quyền lực (cả ở Hàn Quốc gần đây người ta xử cả hai đời tổng thống Park Geun-hye và Lee Myung-bak). Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đất nước Việt Nam. Vậy thì bằng sự lãnh đạo trực tiếp tuyệt đối của Đảng, chúng ta làm sao kiểm soát được quyền lực? Kinh nghiệm lịch sử ở các nước XHCN như Liên Xô và Đông Âu, kể cả ở Trung Quốc, thì càng tập trung mà thiếu dân chủ thì quyền lực sẽ rơi vào tay một nhóm người, thậm chí là một người. Lúc bấy giờ không có cách gì kiểm soát và kiềm chế đối với quyền lực. Chúng tôi nghĩ rằng trước mắt phải gấp rút mở rộng dân chủ, trước hết là dân chủ trong Đảng, “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi” (Hồ Chí Minh) theo một lộ trình, thực chất, thành tâm tôn trọng quyền dân “lập quyền dân, tiến lên Việt Nam” (lời bài hát của Văn Cao). Rất nhiều việc phải trưng cầu dân ý, để người dân, kể cả đảng viên thấy mình còn có quyền trong cơ chế. Nếu tất cả quyền lực tập trung vào Đảng (ở Trung Quốc hiện nay đang làm như vậy) thì người ta thấy nguy cơ là điều khó tránh. Mặt khác, ngày nay Đảng cũng đã thay đổi nhiều so với thời kháng chiến, thời Hồ Chí Minh. Mỗi lần Đại hội Đảng là mỗi lần nhân dân và đảng viên lo lắng, ai sẽ là người lãnh đạo, dẫn dắt xã hội, người đó có tốt không, có liêm chính không, có trung thành không, có trình độ không v.v… Đó là những điều nhân dân không được rõ và cũng không có cách nào thông báo cho họ rõ (báo chí nên được quyền làm việc này?). Một ông Ủy viên Bộ Chính trị đã về hưu và là một nhà thơ có thơ rằng: “Ngày mai ai sẽ dẫn dắt chúng ta/ Lá cờ đỏ có còn bay trên Ngọ môn?”. Vậy thì sự băn khoăn ấy là có thực. Gặp được người tốt, liêm khiết, trung thành, tử tế, trí tuệ… thì là may, nếu không thì ráng chịu, biết kêu ai. Như vậy phải có một thiết chế như thế nào, có thể là học tập, lai ghép nhiều mô hình khác, có được không?
Vấn đề Triều Tiên, vấn đề nóng nhất của hiện tình thế giới, đang thu hút dư luận về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến là vào cuối tháng 5. Dư luận thế giới có ý kiến phân tán. Kẻ thì hy vọng, người thì dè dặt bi quan. Cho đến bây giờ, cuộc gặp có xảy ra hay không cũng là điều chưa hoàn toàn chắc chắn. Và gặp ở đâu - có ý kiến cho rằng Hà Nội là điểm lý tưởng để hai bên gặp gỡ (!?). Nhưng Thụy Điển cũng là một nơi lý tưởng. Gặp rồi thì hai nguyên thủ của hai nước thù địch sẽ nói gì với nhau. Mỹ đòi Triều Tiên phi hạt nhân hóa, tức là dỡ bỏ vũ khí hạt nhân. Liệu Triều Tiên có chịu làm điều này, có vứt bỏ “bảo bối hộ thân” của mình? Nói như Putin, Triều Tiên thà ăn rau chứ không vứt bỏ hạt nhân. Triều Tiên đòi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, bảo đảm quyền tồn tại của họ, không tập trận chung, ký hiệp định hòa bình thay cho hiệp định đình chiến 1953 v.v… Liệu Mỹ có chịu không? Dầu sao có gặp, đối thoại vẫn hơn là không. Bao nhiêu nước đang khuyến khích theo dõi cuộc gặp này, và chúng ta phải chờ hạ hồi phân giải.
Ngày 20-3-2018