HV124 - Việt Nam và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

LTS: Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn cầu, tạp chí Hồn Việt đã có cuộc phỏng vấn TS Hoàng Lê Minh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông. Hy vọng những kiến thức mà ông cung cấp sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc cách mạng làm thay đổi về căn bản phương thức sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội...

* HV: Xin tiến sĩ cho biết những nội dung chính của cuộc cách mạng 4.0?

- TS HOÀNG LÊ MINH: Trước tiên tôi xin được dùng thuật ngữ đúng hơn khi nói về “cuộc cách mạng 4.0” hiện đang được giới báo chí, truyền thông cũng như bạn đọc của tạp chí Hồn Việt là các chuyên gia, các nhà khoa học xã hội quan tâm: cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN-4).

Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, người giành huy chương
vàng toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam

Tại sao chúng ta nói về CMCN-4, bởi vì trong lịch sử phát triển nhân loại cận đại (từ đầu thế kỷ 18), chúng ta đã chứng kiến ba cuộc cách mạng lớn trong sản xuất công nghiệp, với nội hàm quan trọng nhất là sự thay đổi mang tính cách mạng của công cụ và phương thức sản xuất: máy móc thay thế sức người trong sản xuất ra của cải vật chất, phục vụ đời sống:

+ Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (CMCN-1) diễn ra đầu thế kỷ 18 với nội hàm chính là phát minh động cơ hơi nước (đốt trong bằng than đá) và quá trình cơ khí hóa công cụ sản xuất để thay thế sức lực con người hay động vật (cơ khí hóa sức lao động).

+ Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (CMCN- 2) bắt đầu cuối thế kỷ thứ 19, khi xuất hiện các động cơ điện, các hệ thống điều khiển sản xuất bằng điện (điện khí hóa).

+ Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (CMCN- 3) từ những năm 1960 của thế kỷ 20 cho tới ngày nay, với nội hàm chính là sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin (tin học, người máy rô bốt) trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp, tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất (tin học hóa tự động hóa).

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN-4) bắt đầu định hình từ những năm 2010, xuất phát từ CHLB Đức là một quốc gia phát triển với nền sản xuất công nghiệp có trình độ tự động hóa cao.

Nội hàm chính của CMCN-4 là quá trình tin học hóa, tự động hóa diễn ra trong hầu hết hoạt động của dây chuyền sản xuất công nghiệp. Kết quả của quá trình nói trên là sự hình thành các hệ thống thông tin (còn gọi là không gian dữ liệu hay không gian số) dùng để lưu trữ toàn bộ các thông tin (nội dung số hóa) có liên quan tới dây chuyền sản xuất công nghiệp, máy móc, thiết bị, quy trình điều khiển, giám sát, cơ chế điều hành, quản lý… Từ đó một thực thể hoàn toàn mới, chưa từng có trong các cuộc CMCN trước đây đã xuất hiện, với tên gọi hệ thống không gian số - thực tại (CPS: Cyber-Physical Systems) để kết nối máy móc, thiết bị, dây chuyền (là các thực thể vật lý) với hệ thống điều kiển (không gian dữ liệu số). CPS chính là trái tim, là linh hồn chính của CMCN-4, có chức năng điều khiển tự động các dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Về bản chất, các hệ thống CPS được vận hành bằng các công cụ tin học (các thiết bị, máy tính, mạng kết nối thông tin, các phần mềm xử lý dữ liệu thông minh bằng trí tuệ nhân tạo…), qua đó nhiều công đoạn mang tính quyết định trong sản xuất công nghiệp trở nên hoàn toàn tự động, không cần tới sự can thiệp của con người. Ngày nay, các hệ thống CPS có tại nhiều nhà máy thông minh (4.0) đã đủ khả năng tự ra quyết định quản lý toàn bộ các công đoạn sản xuất, từ khâu điều phối cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, chuẩn bị năng lượng cần thiết để sử dụng, tuân thủ các điều kiện, điều khiển các quy trình sản xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hoàn thiện thành phẩm, đóng gói, lưu kho, tiêu thụ.

Nếu như ở giai đoạn CMCN-3 (tin học hóa, tự động hóa) vai trò của con người trong việc ra quyết định vẫn còn cần thiết và chưa thể thay thế, thì tới giai đoạn CMCN-4 (số hóa thông tin, kết nối không gian số - thực tại, sử dụng phần mềm xử lý dữ liệu và trí tuệ thông minh nhân tạo), con người sẽ không cần phải tham gia trực tiếp vào quá trình điều hành các dây chuyền sản xuất công nghiệp nữa. Quá trình tự động hóa (sử dụng rô bốt) trong CMCN-4 sẽ diễn ra một cách hết sức sâu rộng, sẽ làm thay đổi về căn bản phương thức sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, thay đổi cả quy luật cung - cầu trong kinh tế thị trường, nhu cầu về nguồn nhân lực và đào tạo ngành nghề. Đó chính là nội hàm, là mục đích và thành quả quan trọng nhất mà CNCN-4 đã, đang và sẽ mang lại cho tương lai của nhân loại, trong đó có Việt Nam.

* Vậy CMCN-4 sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến lĩnh vực nào của đời sống kinh tế - xã hội và ảnh hưởng cụ thể là như thế nào?

- Tất nhiên CMCN-4 sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất tới lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất chế tạo thiết bị, máy móc, hàng hóa tiêu dùng (xe hơi, năng lượng, y tế, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao…), cũng như trong thương mại, tài chính, thông tin - truyền thông, giáo dục, đào tạo, cung ứng các dịch vụ và tiện ích cho con người, cho cộng đồng, xã hội.

Các lĩnh vực và hoạt động khác mang tầm ảnh hưởng xã hội rộng lớn như quản lý nhà nước (chính trị), văn hóa - nghệ thuật - thể thao - giải trí... cũng sẽ chịu tác động to lớn của CMCN-4, tuy nhiên sẽ không diễn ra ngay mà sẽ chậm hơn một vài nhịp…

Ảnh hưởng cụ thể nhất của CMCN-4 là sự phân hóa giữa các quốc gia, giữa các tầng lớp xã hội (giàu - nghèo) sẽ ngày càng có khoảng cách lớn hơn. Tuy nhiên cuộc sống của con người nói chung sẽ được cải thiện nhiều hơn, hàng hóa và dịch vụ sẽ ngày càng phong phú, có giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo hơn. Quy luật cung cầu thị trường trong CMCN-4 sẽ được tuân thủ tốt hơn, sẽ không còn diễn ra các cuộc khủng hoảng do sản xuất thừa hoặc thiếu hàng hóa, kể cả dịch vụ, tài chính - tiền tệ. Lý do là các phương thức sản xuất và điều hành trong các cuộc CMCN trước đây ít nhiều còn mang tính chất duy ý chí, đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt hàng hóa với số lượng lớn, giảm giá thành, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ các quy tắc về kinh tế, gây ra khủng hoảng, đổ vỡ.

Ảnh hưởng tiếp theo của CMCN-4 là sự thay đổi về ngành nghề lao động, nhu cầu nhân lực. Liên quan đến chủ đề này đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước có các nghiên cứu và bài viết rất chuyên sâu, tôi chỉ xin được trích dẫn lại ở đây.

Theo một nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) vào năm 2013, hai chuyên gia Frey và Osborne đã phân tích và dự đoán từ 702 ngành nghề, xếp chúng theo xác suất về mức độ hệ thống không gian số - thực tại (CPS) có thể thay cho con người.

Sau đây là 10 ngành nghề dễ dàng thay thế nhất:

1. Nhân viên tiếp thị qua mạng

2. Nhân viên thư viện

3. Nhân viên định giá bảo hiểm

4. Trọng tài thể thao

5. Nhân viên tư vấn pháp lý

6. Người quản lý khách sạn, nhà hàng, quán cà phê

7. Người môi giới bất động sản

8. Nhà thầu lao động nông nghiệp

9. Thư ký, trợ lý hành chính ngành luật, ngành y

10. Người hành nghề chuyển phát nhanh

Và 10 ngành nghề sau khó có hệ thống CPS nào thay thế được:

1. Chuyên gia trị liệu

2. Biên đạo múa

3. Bác sĩ và phẫu thuật viên

4. Nhà tâm lý

5. Nhà quản lý nguồn nhân lực

6. Chuyên gia phân tích dữ liệu

7. Nhà nhân chủng học, khảo cổ học

8. Kỹ sư hàng hải, kiến trúc sư hải quân

9. Người quản lý kinh doanh

10. Giám đốc điều hành

Ảnh hưởng cuối cùng, nhưng có lẽ cũng là ảnh hưởng sâu sắc nhất mà cuộc CMCN-4 đang mang lại sẽ là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về vai trò của con người, đặc biệt trong giới trí thức và lãnh đạo, thay đổi cách đánh giá về tài năng nghệ thuật, tài năng sáng tạo, tài năng lãnh đạo, quản lý, tài năng khoa học - công nghệ… nhất là ở lĩnh vực mà máy tính, rô bốt, các hệ thống CPS không thể (hay chưa thể) đạt tới, đơn giản chỉ vì không thể thu thập đủ thông tin, đủ dữ liệu để số hóa, để xây dựng hệ thống không gian ảo kết nối thực tại (CPS) là nội hàm chính mà CMCN-4 cần phải có.

* Người ta nói “con người đã chết” khi diễn ra CMCN-4, chắc chắn đó chỉ là một cách nói nhưng những sự thay đổi to lớn trong nhiều lĩnh vực công nghệ do CMCN-4 đem lại làm cho con người có thể mất việc làm, dư thừa nếu không được đào tạo. Ông đánh giá nhận xét vấn đề này như thế nào?

- CMCN-4 diễn ra càng rộng, những công việc tay chân đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ năng, hoặc những công việc trí óc nhưng làm theo khuôn mẫu, theo quy trình chắc chắn sẽ ngày càng được tự động hóa, rô bốt hóa, làm mất cơ hội kiếm việc làm của con người. Tuy nhiên CMCN-4 cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề mới, đòi hỏi trí tuệ cao hơn, khả năng sáng tạo cao hơn của con người. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, các chuyên gia đã đưa ra bộ tiêu chí cần thiết cho số đông người lao động trong CMCN-4, được chia thành ba khối, bao gồm khối các năng lực nhận thức (trí tuệ) và thể chất (sức khỏe), khối kỹ năng chuyên môn, xử lý công việc, và khối các khả năng ứng phó đa chiều liên quan tới xử lý các mối quan hệ xã hội, thích ứng với hệ thống, thông hiểu kỹ thuật, giải quyết các vấn đề phức tạp, quản lý nguồn lực.

Nhìn chung, để có thể thích nghi với sự thay đổi do CMCN-4 mang lại, các kiến thức và tư duy cơ bản về toán học và tin học là hết sức cần thiết cho tất cả mọi người và hầu hết các ngành nghề. Làm việc với các hệ thống CPS đòi hỏi người lao động phải quen thuộc với các con số thống kê, các dự báo, các công cụ phân tích dữ liệu và thông tin, sử dụng thành thạo máy tính, trao đổi thông tin, cũng giống như người nông dân phải quen với cái cày cái bừa, người thợ mộc phải quen với cái cưa cái đục, người công nhân phải quen với cái đe cái búa trong các thời đại CMCN trước đây.

* Rô bốt có thể làm thơ, làm nhạc nhưng chắc chắn những sản phẩm đó không thể dùng cho con người văn minh. Ngược lại, văn học nghệ thuật cần phải hay hơn, tinh diệu hơn, để đáp ứng những nhu cầu phức tạp của con người. Ông nghĩ về điều này như thế nào?

- Tôi đồng ý với quan điểm máy móc, phần mềm không thể thay thế cảm hứng và sự sáng tạo của con người trong văn học nghệ thuật, thi ca, âm nhạc. Tuy nhiên các công cụ (phần mềm) thông minh thời đại CMCN-4 có thể giúp ích rất nhiều cho các văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà soạn nhạc, họa sĩ, kiến trúc sư để họ tăng thêm khả năng sáng tạo, bứt phá, để không bị coi là sáo rỗng hay bắt chước máy móc. Năng lực và nhu cầu cảm nhận nghệ thuật của con người trong thời đại máy tính, tin học phát triển của CMCN- 4 sẽ càng đặt ra nhiều đòi hỏi hơn cho giới văn nghệ sĩ, là các ngành nghề mà không dễ bị thay thế bởi các hệ thống CPS thông minh.

* Lĩnh vực khoa học xã hội sẽ có thể bị tác động như thế nào bởi CMCN-4?

- Tôi không phải nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực xã hội nên không dám đưa ra nhận định cá nhân, nhưng có một điều chắc chắn là một khi nhân loại sẽ thay đổi trước các tác động của CMCN-4 như đã trình bày ở trên (quá trình gia tăng khoảng cách và phân hóa giàu nghèo, nâng cao giá trị con người trước máy móc thiết bị…) thì các nhà khoa học xã hội sẽ có thêm rất nhiều việc để làm, để nghiên cứu, sáng tạo và để được xã hội tôn vinh…

Tuy nhiên thực tế sẽ là câu trả lời liệu quá trình thay đổi tư duy và nhận thức của con người từ cuộc CMCN-4 có diễn ra ngay hôm nay, hay sẽ phải chậm hơn một vài năm, thậm chí một vài thập kỷ?

Có một điều tôi tin tưởng là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, tác phẩm để lại dấu ấn cho nhân loại nói chung và cho đất nước, dân tộc chúng ta nói riêng sẽ không cần chờ tới ngày CMCN-4 thành công, mà đã, đang và sẽ ra đời ngay trong giai đoạn chuyển tiếp vào cuộc CMCN-4 này.

* Việt Nam là nước đang tụt hậu về nhiều mặt. Làm sao chúng ta có thể đuổi kịp và tận dụng CMCN-4? Chúng ta cần phải làm gì? Lĩnh vực nào cần phải đi trước, đẩy nhanh tốc độ để đi tiên phong đột phá? Giáo dục, khoa học - công nghệ đã đành rồi, nhưng còn những ngành gì nữa?

- Đúng là Việt Nam chúng ta đang ở ngã ba đường của cuộc CMCN-4, khi mà thế giới đang có những động thái mạnh mẽ để thay đổi, để sáng tạo, để phát triển nhanh thì chúng ta vẫn còn loay hoay trong lựa chọn con đường nào tốt nhất để phát triển kinh tế -xã hội: Cho tới nay Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, vào đầu tư nước ngoài, nguồn vốn ODA, nợ công cao. Năng lực điều hành còn chậm và chưa thực tế trong ban hành các chính sách để phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và năng suất lao động trong các ngành sản xuất, dịch vụ, nâng cao khả năng quản lý, điều hành… Đó là chưa kể các vấn nạn và nhức nhối trong xã hội, giáo dục, y tế, tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên tôi vẫn thấy có nhiều điểm sáng cho phát triển ở Việt Nam, thấy nhiều cơ hội mới và không mới nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng được mà không phải nơi nào trên thế giới cũng có được.

Trước tiên đó là vị thế về chính trị - xã hội - dân số - quốc gia của Việt Nam đang là lý do hội tụ của nhiều cơ hội về đầu tư, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thị trường (kể cả các thị trường là “thiên đường đen” như rửa tiền, trốn thuế, đánh bạc, buôn lậu xuyên quốc gia...).

Thứ hai, đó là tiềm năng, là khả năng của con người Việt Nam chúng ta, bằng trí tuệ và thực lực đang có, cũng có thể tạo nên những làn sóng, những cú hích mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh, cho các phát minh, thành tựu mới về khoa học - công nghệ… Điều này là hoàn toàn có cơ sở, nhất là sau chiến thắng xứng đáng của đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam trên đấu trường châu Á giải tỏa rất nhiều tâm lý tự ti dân tộc.

Thứ ba, tôi tin tưởng tư duy của con người nói chung và của lãnh đạo Việt Nam trong thời đại CMCN-4 cần thiết và bắt buộc phải đổi mới, giống như đã xảy ra với các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây (khi nước ta khi bắt đầu mở cửa, bắt đầu tiếp cận với nền văn minh phương Tây, với các tiến bộ khoa học công nghệ, trình độ sản xuất công nghiệp tiên tiến mà các cuộc CMCN-1 và CMCN-2 đem tới).

* Là người đã từng học tập, sinh sống và làm việc ở Nga hàng chục năm, xin tiến sĩ cho biết một vài cảm xúc và nhận xét về nước Nga dưới thời Putin hiện nay?

- Tháng 9 năm 2017, tôi có dịp trở lại nước Nga sau gần 26 năm xa cách. Thật là một chuyến đi “về nguồn” rất thú vị và đầy cảm xúc. Chỉ sau ít ngày ở Nga, được ăn các món ăn Nga, được đi bộ trên các đường phố, các ga tàu điện ngầm, các công viên với nhiều di tích lịch sử và cảnh đẹp thơ mộng của nước Nga, được tiếp xúc, nói chuyện với bạn bè người Nga bằng tiếng Nga mà không gặp trở ngại (tôi đã không dùng tiếng Nga từ sau khi rời khỏi Nga năm 1991), tôi mới thực sự cảm nhận được một cách trọn vẹn: trong trái tim tôi, trong tâm hồn tôi vẫn thấm tràn dòng máu của nước Nga, của văn hóa Nga từ thời sinh viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học làm việc ở Nga.

Nước Nga của Putin năm 2017 quả thực rất ổn định, vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng bất chấp sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây, hoàn toàn không như dự cảm ban đầu của tôi khi trở lại nước Nga sau hàng chục năm xa cách.

Cảnh vật đường phố một số nơi tuy có thay đổi, mở rộng, nhưng thủ đô Moskva đối với tôi vẫn là một thành phố - công viên xanh với các đường phố rộng rãi, các tòa nhà to lớn, hoành tráng mà không một thành phố châu Âu nào có được.

Là người hiểu biết và đam mê công nghệ, tôi quan tâm tìm hiểu hạ tầng công nghệ thông tin, các dịch vụ viễn thông - Internet, dịch vụ công cộng dành cho khách du lịch, cho dân cư thành phố ở Nga. Có thể thấy hạ tầng mạng lưới và hệ thống quản lý mạng, bảo đảm an ninh mạng để cung cấp các dịch vụ viễn thông - Internet tại Moskva và những thành phố Nga mà tôi ghé thăm thật sự là hoàn hảo. Khách tham quan có thể truy cập Internet công cộng (wifi) miễn phí trên nhiều đường phố, trong các cửa hàng, khách sạn lớn (đăng ký sử dụng bằng cách nhắn tin từ một số điện thoại di động). Băng thông truy cập Internet ổn định, thường xuyên trên 40 Mbps, có địa điểm lên tới gần 100 Mbps.

Tôi còn quan sát nhiều hệ thống camera giám sát an ninh được bố trí dày đặc trên các đường phố, trong các ga tàu điện ngầm, tại những địa điềm công cộng. Hệ thống xe đạp điện cho khách tự thuê trong các khu phố trung tâm, được quản lý hoàn toàn tự động bằng thẻ thông minh, cũng có ở rất nhiều nơi trong thành phố. Với hạ tầng và ứng dụng CNTT chất lượng cao, được quản lý chặt chẽ và bảo mật rất tốt tại nước Nga, chúng ta cũng không khó để hiểu vì sao nước Nga vẫn đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các công nghệ chế tạo, sản xuất vũ khí thông minh phục vụ an ninh - quốc phòng. Đây là những dầu ấn rõ ràng nhất về cuộc CMCN-4 đang diễn ra trên đất nước Nga của Putin. Người Nga đã và đang làm công việc quan trọng nhất, quyết định nhất cho vận mệnh của dân tộc Nga: tiếp tục tin tưởng và lựa chọn nhà lãnh đạo tài giỏi của thời đại CMCN-4 - Tổng thống Vladimia Putin.

 

HỒN VIỆT thực hiện