HV125 - BÚT KÝ - Biệt động Sài Gòn đi lính biệt kích Mỹ

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn. Năm 1965 khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, tôi thoát ly gia đình vào chiến khu tham gia Quân giải phóng và sau đó được bổ sung vào lực lượng Biệt động thành, hoạt động hợp pháp trong thành phố.

Sau Tết Mậu Thân 1968, trong khi đang hoạt động tại Sài Gòn tôi bị bắt lính quân dịch; thế là từ “Quân giải phóng” tôi trở thành “Lính quốc gia”. Tại Trung tâm 3 (nơi tiếp nhận thanh niên nhập ngũ) tôi được lệnh của tổ chức (qua người thân đến thăm) phải đăng vào “Lính quốc gia” để dễ bề hoạt động trong lòng địch. Tôi vào Phòng tuyển mộ, cũng nằm trong khu Trung tâm 3. Tiếp tôi là một thượng sĩ già, ở đây có nhiều lính già mang cấp bậc này.

- Mày muốn đăng lính gì?

- Lính nào “ngon”?

- “Ngon” hả? Có đủ binh chủng: Nhảy dù, Biệt động quân, Thủy quân lục chiến, Lực lượng đặc biệt. Tùy ý mày chọn.

- Theo ông, tôi nên đăng lính nào?

- Nhìn cái tướng mày, tao thấy nên đăng vào Lực lượng đặc biệt có nhiều ưu đãi, “tiền tử” lĩnh liền mặc sức ăn chơi xả láng.

Tôi nghĩ đã có lệnh đăng lính thì lính nào cũng thế thôi, nên tôi đồng ý ngay. Thượng sĩ già phát cho tôi tờ kê khai lý lịch đã in sẵn, chỉ cần điền vào chỗ trống. Sau khi xem xong tờ khai, hắn ta đổi thái độ, hỏi:

- Cậu có bằng cấp Tú tài?

- Có chứ.

- Có mang theo đây không?

- Để ở nhà.

- Vậy sao không đi sĩ quan?

- Tôi thích mạo hiểm.

- Đúng là dân chơi thứ thiệt! Cậu nhắn vềnhàsao y bằng cấp để tôi kèm vào hồ sơ sẽ có nhiều ưu đãi cá nhân.

Sau khi làm thủ tục tuyển mộ nhập ngũxong, Trung tâm 3 đưa tất cả thanh niên đủ điều kiện qua quân trường Quang Trung để huấn luyện. Kể cả những người tình nguyện đăng các sắc lính khác cũng được nhập chung vào để huấn luyện cơ bản.

Vào quân trường Quang Trung mới chính thức được gọi là tân binh, quân trang được cấp phát ngay cho mỗi cá nhân. Số tân binh cũ và mới ở quân trường này lên đến vài ngàn người, được chia ra thành nhiều tiểu đoàn lấy tên các vị anh hùng dân tộc như: Nguyễn Trãi, Lê Lai, Trần Quốc Toản… Riêng đám lính đăng được gom lại thành một tiểu đoàn gọi là “Tiểu đoàn tạp lục”. Tại đây tôi kết thân với hai người bạn là Minh Lùn và Sơn Rỗ cùng chung một tiểu đội, ngủ chung giường tầng, đi đâu cũng có nhau.

Sau 4 tuần học quân sự cơ bản, nhóm lính đăng được thông báo chuẩn bị lên đường đến địa điểm khác để huấn luyện chuyên môn.

Trước khi lên đường rời quân trường Quang Trung, chúng tôi được gặp mặt người thân. Lần thăm nuôi cuối, mẹ tôi đi cùng với Diệu (là cô giao liên) đến thăm. Bà khệ nệ xách theo một giỏ thức ăn, chúng tôi tìm chỗ vắng người ngồi trò chuyện.

Gia đình tôi bấy giờ khá đơn chiếc, tôi có ba người anh cũng đi bộ đội và một người đã hy sinh. Cha tôi cũng là cơ sở hoạt động cách mạng nội thành, đã mất sau một cơn bạo bệnh. Mẹ tôi tuổi đã gần 60, hằng ngày vẫn phải tảo tần nuôi hai em tôi đang tuổi ăn học.

Sau khi làm thủ tục đăng lính xong, tôi được lĩnh một số tiền “ưu đãi” bằng một năm tiền lương (có người gọi đó là “tiền tử”). Tôi đưa hết cho mẹ, bà chưa vội cầm, hỏi lại:

- Tiền đâu con có nhiều vậy?

- Tiền ưu đãi…

- Ưu đãi gì! Tiền “bán mạng” phải không?

- Tiền gì thì cũng là tiền của con. Má cầm về trang trải gia đình lo cho mấy em.

Số tiền 100 ngàn đồng thời đó không phải là lớn lắm, nhưng đối với những gia đình nghèo thì không phải là nhỏ. Dù tôi và Diệu nói thế nào mẹ cũng dứt khoát không nhận. Mẹ rất lo về chuyện “đăng lính” của tôi nên bà cứ dặn đi dặn lại là phải hết sức cẩn thận.

- Cuộc sống hai mặt như vậy là rất khó khăn. Con phải thật khôn khéo và đừng bao giờ để bị sa ngã.

Tôi trấn an mẹ:

- Má đừng lo. Nếu tình hình không ổn là con sẽ tìm cách trốn.

***

… Mãn khóa huấn luyện, Trung đội biệt kích được đưa về Bộ chỉ huy Delta ở Nha Trang. Nghỉ ngơi vài ngày, tất cả được lệnh hành quân ra “Vùng hỏa tuyến”.

Theo sự phân chia của chính quyền Sài Gòn thì từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau được chia thành bốn vùng chiến thuật. Vùng I gồm năm tỉnh tuyến đầu: Quảng Trị, Thừa thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi. Đây còn được gọi là “Vùng hỏa tuyến” vì là nơi thường xuyên đụng độ với lực lượng chủ lực của đối phương từ miền Bắc vào. Những người lính Việt Nam Cộng hòa nghe đến Vùng I đều ngao ngán, nơi đây đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt mang tên Khe Sanh.

Xuống phi trường Đà Nẵng, trung đội biệt kích được xe GMC đưa về Bộ tư lệnh Quân đoàn 1. Ngay trong ngày hôm ấy tất cả tập hợp tại “Phòng hành quân”, có đủ mặt sĩ quan Mỹ - Việt để nghe phổ biến tình hình và nhận lệnh đột nhập “chảo lửa” Khe Sanh.

Khe Sanh là thị trấn của huyện Hướng Hóa, nằm trong thung lũng có độ cao 400m, thuộc tỉnh Quảng Trị. Nơi đây được thế giới biết đến như là “Điện Biên Phủ thứ hai” vì những trận quyết chiến lịch sử trong năm 1968.

Từ năm 1966, để đối phó với áp lực quân sự ngày càng gia tăng của đối phương từ bên kia vĩ tuyến 17, Mỹ đã thiết lập tuyến “phòng thủ chiến lược” dọc theo trục đường 9, từ biển Cửa Việt vào đến cửa khẩu Lao Bảo. Đường 9 được Pháp xây dựng từ năm 1930 dài 84km chạy từ Đông sang Tây cắt ngang dãy Trường Sơn qua hai nước Việt - Lào. Khi lập tuyến phòng thủ, Mỹ sửa chữa lại đường 9. Xuất phát từ Đông Hà qua đồi Rockpile, cầu Đakrông, thung lũng Khe Sanh đến Lao Bảo, với ba cụm cứ điểm “mắt thần” trọng yếu là Khe Sanh - Làng Vây - Tà Cơn. Mỹ thiết lập “Tập đoàn cứ điểm” Khe Sanh nhằm mục đích cắt đứt “Đường mòn Hồ Chí Minh”, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Tuyến “phòng thủ chiến lược” này có chiều rộng 20km (từ nam sông Bến Hải đến đường 9), chiều dài 100km (chạy song song với sông Bến Hải) từ biển Đông đến Tchepone (Lào). Cách khoảng 2km có một tháp canh, cách 4km có một căn cứ (cấp đại đội hoặc tiểu đoàn). Hệ thống công sự được bố trí gồm đủ loại hầm hào, lô cốt kiên cố. Hàng chục lớp rào kẽm gai chằng chịt với đủ các loại mìn (ước tính có khoảng 20 triệu quả mìn + 25 triệu bom gài cỡ nhỏ). Đặc biệt tuyến phòng thủ này được trang bị phương tiện tối tân hiện đại gọi là “Hàng rào điện tử McNamara” như: cây nhiệt đới, máy thông minh v.v… với lực lượng bố phòng trên toàn tuyến ước tính khoảng 45.000 quân.

Vì tính chất “sống còn” của đôi bên mà trận địa nơi đây diễn ra rất quyết liệt. Trận Khe Sanh được ví như trận “Điện Biên Phủ thứ hai”.

Kết quả chung cuộc sau 170 ngày đêm (từ 21-1 đến 9-7-1968), Quân giải phóng đã tiến công vây hãm buộc quân Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh.Rút chạy khỏi Khe Sanh là thất bại nặng nề của Mỹ về chính trị và quân sự, gây hoang mang mất niềm tin trong nội bộ. Mâu thuẫn gay gắt trong giới cầm quyền và quân đội, buộc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc không điều kiện và tìm giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ba tháng sau khi rút khỏi Khe Sanh, cơ quan tình báo Mỹ nhận được nguồn tin: “Quân Bắc Việt thiết lập một binh trạm trong rừng già cách Khe Sanh 10km về hướng đông nam gần biên giới Lào. Đây là Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559”.

Để kiểm chứng nguồn tin trên, Bộ tư lệnh Mỹ phái những toán biệt kích xâm nhập vào vùng kiểm soát của đối phương.

***

Trời xế chiều. Sau nửa giờ nã pháo dọn bãi quanh khu vực tọa độ, ba chiếc trực thăng UH-1 chở trung đội biệt kích đổ xuống thung lũng X. nằm trong vùng rừng núi Khe Sanh.

Trực thăng UH-1 (còn được biết đến dưới cái tên Huey) là loại máy bay lên thẳng đa năng, được sử dụng trong việc áp tải và đổ bộ, cóthểchởđược nửa tiểu đội với đầy đủtrang bị. Nóbay làđàcách mặt đất chừng 1-2m đểcho lính biệt kích từtrên “nhy gixuống. Loại máy bay lên thẳng này được trang bịhai khẩu súng máy Minigun sáu nòng (cỡ7,62 ly) vàhai khẩu đại liên M-60 treo hai bên cửa, dưới bụng gắn thêm hai chùm rốc két hơn 10 quả(cỡ70 ly) điều khiển bằng xung điện, sẵn sàng phát huy hỏa lực tối đa đểhỗ trợkhi cần thiết.

Tham gia trận đột kích này, trung đội biệt kích được trang bị “rất bén” với súng tiểu liên báng gấp CAR-16, súng chống tăng M-72, mìn Claymore, thuốc nổ plastic, lựu đạn mi ni, máy truyền tin…, mỗi toán có một sĩ quan Mỹ đi cùng để chỉ huy.

Vừa xuống đến mặt đất đã nghe tiếng súng nổ. Dường như đối phương đã dự đoán trước nên đưa lực lượng ra chận đánh, hai bên xáp chiến dữ dội. Tôi vội lao ngay xuống một hố bom bên cạnh, thầm nghĩ nổ súng cách sao đây? - Nếu mình không bắn thì bọn chúng sẽ nghi ngờ, nếu bắn thì không khéo ta lại hại ta - Tôi đành chĩa nòng súng lên cao nổ liền một loạt. Một quả đạn cối nổ gần làm tôi choáng váng, nhìn thấy Minh Lùn đang ôm ngực, tôi vội bò lên kéo anh ta xuống hố. Minh Lùn thều thào nói:

- Tao… tao khó thở quá!

Một viên đạn xuyên qua ngực làm máu tuôn ướt đẫm vạt áo, tôi xé cuộn băng rịt vết thương cho anh ta. Ba chiếc trực thăng quần đảo trên đầu hỗtrợ cho đám lính biệt kích, phóng rốc két xuống nơi phát ra tiếng súng của đối phương, mùi khói đạn khét lẹt. Sĩ quan Mỹ Brown hét lên trong làn khói:

- Run away! (Chạy đi)

Tôi định cõng Minh Lùn cùng đi thì Brown khoát tay:

- Leave him behind! (Bỏ nó lại)

Tôi đành phải nói với Minh Lùn:

- Mày chịu khó nằm lại đây, thằng Mỹ không chịu đưa mày đi.

- Tao sẽ bị bắt! Việt Cộng giết tao mất…

- Không sao đâu, nếu mày không kháng cự họ sẽ không giết mày.

Nói rồi tôi cùng toán lính của mình chạy vào rừng, cũng vừa lúc ấy một chiếc trực thăng bị trúng đạn đâm đầu xuống đất nổ tung, khói tỏa mù mịt. Vượt khỏi tầm nguy hiểm, tôi nhìn lại toán của mình đã mất hết ba, chỉ còn lại có chín người vàtên sĩquan Mỹ. Hai toán kia cũng tứ tán không biết ở đâu. Bấy giờnghe tiếng gầm rú của hai chiếc phản lực cơ tiêm kích F-4 (Phantom) bổ nhào xuống ném bom nơi vừa xảy ra trận chiến. Tôi chợt hiểu ra! Bọn chỉ huy Mỹ biết có lực lượng đối phương ở vùng này, nên thả biệt kích xuống nhử mồi, để đối phương lộ diện mà tiêu diệt.

Từ sau sự kiện Khe Sanh, để đối phó với những toán biệt kích Mỹ xâm nhập vào vùng giải phóng. Bộ tư lệnh mặt trận đường 9 đã đưa Lữ đoàn dù 305 từ miền Bắc vào. Đây là lực lượng tinh nhuệ có nhiệm vụ lùng sục tiêu diệt những toán biệt kích từ khu vực Khe Sanh đến Tchepone (Lào).

Sau khi mở máy liên lạc với đồng bọn thì được biết hai toán biệt kích kia cũng bị thiệt hại khá nặng. Tên sĩ quan Mỹ chỉ huy toán Xứng Nùng là trung úy Thomas đã bỏ xác tại chỗ, nên hai toán nhập lại thành một và đang di chuyển đến con suối phía trước. Brown giở bản đồ xác định điểm dừng chân rồi chỉ tay về phía trước nói với Chinh:

- Let’s go straight that way! (Đi theo hướng đó)

Đó là hướng đông đi về phía biên giới Việt - Lào. Tôi đến vỗ vai Sơn Rỗ nói:

- Mày dẫn một tổ đi trước, gặp đừng nổ súng.

- Sao vậy?

- Lộ chớ sao!

Trời đã bắt đầu tối, đi trong rừng khác nào như người mù dò đường. Đến một con suối cả toán lội ngược theo dòng chảy đi lên gặp một bãi cát, Sơn Rỗ dừng lại khoát tay.

- Gì vậy?

Anh ta chẳng nói chẳng rằng, chỉ tay về phía trước. Tôi nhìn thấy thi thể một cô gái lõa lồ, bụng bị mổ banh ra, máu loang đầy mặt đất. Có lẽ trước khi chết nạn nhân đã bị hãm hiếp. Kẻ nào đã mổ bụng lấy mật cô gái này? - Chỉ có bọn biệt kích khát máu mới hành động như vậy. Chắc là toán đi trước đã làm chuyện dã man này - Tôi chỉ xác cô gái nói với Brown:

- This action is very bad! (Hành động này rất xấu)

Tên sĩ quan Mỹ nhếch mép như cười:

- Not too bad! (Không xấu lắm)

Từ bãi cát có con đường mòn dẫn lên trên đồi. Toán biệt kích vào một ngôi làng của người dân tộc thiểu số, chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà sàn. Không nhìn thấy thanh niên và phụ nữ mà chỉ thấy toàn ông già bà lão và trẻ con. Có lẽ cô gái bị giết kia là dân trong làng này, ban đêm ra suối tắm giặt chăng? Brown gặp ai cũng hỏi:

- Where’re V.C? (Việt Cộng đâu?)

Tất cả đều lắc đầu, có vài đứa trẻ chỉ ra màn đêm của rừng nói câu gì đó, cũng chẳng ai biết nó nói gì. Đi tiếp một đoạn nữa phát hiện ra một con đường bề ngang khá rộng. Brown ra lệnh nằm lại phục kích. Nghe từ xa có tiếng ô tô nổ máy, rồi tiếng người nói chuyện trên đường, họ đi thành đoàn rất đông có mang theo đầy đủ vũ khí nên toán biệt kích không dám hành động - Có lẽ đây là con đường mòn Hồ Chí Minh? - Chợt nghe tiếng súng nổ dữ dội ở hướng 3 giờ. Toán đi trước bị đối phương phát hiện bao vây đang cố gắng chống trả. Brown ra lệnh tiến đến chi viện mở đường máu cho toán bạn. Lực lượng đối phương đông hơn buộc hai toán biệt kích phải rút lên ngọn đồi gần đó cố thủ, gọi pháo bắn chung quanh thành vành đai hỗtrợ. Quân giải phóng quyết tiêu diệt bọn biệt kích này nên bao vây tứ phía không cho tên nào chạy thoát.

Lâm vào tình thế nguy kịch, hai tên sĩ quan Mỹ bèn liên lạc bằng máy vô tuyến với Sở chỉ huy hành quân, phát tín hiệu “Prairie Fire Emergency”. Đây là mật hiệu khẩn cấp dùng cho những toán biệt kích bị đối phương phát hiện tấn công. 10 phút sau đã thấy hai chiếc phản lực cơ “Thần sấm” (Thunderchief) đến bắn phá giải vây quanh ngọn đồi. Cuộc nổ súng giằng co đến tờ mờ sáng mới thấy xuất hiện hai chiếc trực thăng UH-1 đến cứu đám biệt kích. Trên đồi mọc rất nhiều cỏ tranh cao đến ngang đầu. Đối phương dùng súng phun lửa đốt cháy cỏ, khói tỏa mù mịt. Trực thăng không sao xuống được phải thả dây kéo từng tên lên. Tôi nhường cho Sơn Rỗ đi trước, anh ta móc dây vào người để trực thăng kéo lên lơ lửng trên không, máy bay chưa kịp rút dây thì đạn dưới đất bắn lên như đan lưới lửa. Sơn Rỗ đã bị trúng đạn gục luôn trên dây. Tôi nhìn thấy vậy càng thêm lo - Rút lui kiểu này dễ bỏ mạng quá! - nên vẫn còn chần chừ chưa chịu đi. Khói tan dần, một chiếc trực thăng liều lĩnh đáp xuống giữa đám cháy. Brown bị thương vào đùi không đi được. Tôi vác tên Mỹ nặng gần 100kg này lên vai chạy ra máy bay. Số còn lại chỉ năm người (có hai sĩ quan Mỹ) được bốc đi chuyến cuối cùng. Khi máy bay trực thăng vượt khỏi tầm nguy hiểm, Brown bắt tay tôi nói một câu:

- Thank you very much. (Cám ơn bạn nhiều)

***

Trở về từ “chảo lửa” Khe Sanh, toán biệt kích chỉ còn lại 10 người được đưa về Bộ chỉ huy Delta ở Nha Trang. Cuộc đột kích được đánh giá là đạt hiệu quả và tất cả đều được tưởng thưởng. Theo báo cáo của Brown và Robert (hai sĩ quan đi cùng), MACV/SOG đã xác định được chính xác tọa độ nguồn tin tình báo về căn cứ hậu cần của đối phương. Tướng Abrams - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam thay tướng Westmoreland - quyết định mở cuộc tập kích bằng “pháo đài bay” B-52 nhằm xóa sổ căn cứ này. Trên thực tế việc xác định tọa độ của hai sĩ quan Mỹ là không rõ ràng, tuy nhiên MACV/SOG vẫn tin vào báo cáo “tai nghe mắt thấy” của toán biệt kích, nên hiệu quả của đợt tập kích bằng B-52 không đạt được như ý muốn. Miền Bắc vẫn đưa người và vũ khí vào miền Nam. Con đường mòn mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh hàng đêm vẫn rì rầm tiếng động cơ của những đoàn xe đi qua.

Riêng đối với tôi vẫn còn in đậm hình ảnh cô gái bị giết bên bờ suối - Có lẽ đó là một cô Thanh niên xung phong - Bấy nhiêu cũng đủ nói lên bản chất của bọn lính đánh thuê này. Chúng xuất thân từ thành phần côn đồ lưu manh trong xã hội Sài Gòn, vào đây thú tính được khơi dậy trong những cuộc hành quân càn quét. Bọn sĩ quan chỉ huy thường rao giảng, tán dương những hành động tàn sát là nhằm “tiêu diệt kẻ thù”. Càng suy nghĩ tôi càng ray rứt - Sao ta có thể sống trong môi trường này được? - Những lời mẹ nói hôm nào còn văng vẳng bên tai tôi - Một người thanh niên bình thường, khi đã khoác lên mình bộ đồ lính ngụy với khẩu súng Mỹ cầm trên tay, thì dễ trở thành kẻ sát nhân giết hại đồng bào không gớm tay - Tôi đã hiểu vì sao khi nghe tin tôi đăng lính biệt kích lòng mẹ lo lắng không yên. Tôi phải tìm cách trở về hàng ngũ cách mạng của gia đình tôi…

Nhớ lại, tháng 3-2018

NGÔ BÁ CHÍNH