Văn học so sánh manh nha từ cuối thế kỷ 18 và chính thức được coi là bộ môn khoa học vào khoảng cuối thế kỷ 19 ở phương Tây, nhưng lại là một ngành học trẻ, được du nhập và phát triển ở nước ta khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ 20. Với những ưu điểm nổi trội của mình, văn học so sánh đã được các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm. Song vì là ngành học mới, nên các công trình nghiên cứu về nó ở nước ta còn khiêm tốn. Vì vậy, cuốn sách Văn học so sánh - một khoa học kết liên phức hợp (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017) của Lưu Văn Bổng là một công trình giá trị, mà giá trị trước hết là đã góp phần bổ khuyết vào khoảng trống ấy.
Công trình dày 620 trang, gồm 2 phần chính với 20 chương đi vào những vấn đề cốt lõi của văn học so sánh, đã đáp ứng được những yêu cầu tìm tòi của người nghiên cứu.
Từng vấn đề của văn học so sánh như Chủ đề - Mô típ - Huyền thoại; Thể loại - Hình thức - Phong cách; Trào lưu - Trường phái; Ảnh hưởng - Đối thoại - Tiếp nhận; Văn học so sánh và nghiên cứu dịch thuật; Thi pháp thơ so sánh; Văn học so sánh và văn hóa, văn học dân tộc; So sánh thi pháp lịch sử và di sản Hán - Nôm… được tác giả trình bày lý luận xen lẫn ứng dụng một cách tỉ mỉ, công phu cho thấy sự lao động khoa học nghiêm túc, tâm huyết và có trách nhiệm của tác giả. Có thể nói, thành quả của một đời dày công nghiên cứu văn học so sánh(*) của tác giả từ những nguồn tài liệu lâu đời nhất trên thế giới, đã giúp cuốn sách xứng đáng được các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu đặt ở vị trí dễ cầm nhất trên kệ sách nhà mình.l
_____
(*) Lưu Văn Bổng là tác giả của chuyên luận Những bình diện chủ yếu của văn học so sánh (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004) và chủ biên Văn học so sánh - Lý luận và ứng dụng (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001).