*Thưa Đại sứ, mỗi lần nhìn thấy Đại sứ mặc áo dài xưa, chúng tôi như thấy hồn dân tộc hiện về. Đại sứ lại là người có đóng góp quyết định trong việc UNESCO vinh danh đại thi hào Nguyễn Du, việc UNESCO vinh danh các công trình văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết: thế giới, UNESCO thực sự nhìn nhận văn minh, văn hóa Việt Nam như thế nào? Họ có như Arnold Joseph Toynbee, nhà sử học người Anh, nhìn văn minh văn hóa Việt Nam là một nền văn minh độc đáo, riêng biệt, không phải hòa tan vào văn minh văn hóa Trung Hoa?
- Đại sứ PHẠM SANH CHÂU: Trước tiên phải khẳng định rằng Tổ chức UNESCO không phải là tổ chức đánh giá, phân loại và xếp hạng các nền văn minh hay văn hóa. Khác với các định chế tài chính như Ngân hàng thế giới, Tổ chức tiền tệ quốc tế, Tổ chức hợp tác OECD hay các tổ chức xếp hạng khác trên lĩnh vực kinh tế, UNESCO tin rằng không có nền văn minh nào lớn hơn nền văn minh nào. Không có nền văn hóa nào mạnh hơn, rực rỡ hơn hay tích cực hơn nền văn hóa nào. Tất cả các nền văn minh, tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng, đều sáng tạo, độc đáo và đặc biệt. Cách đánh giá này khác hẳn cách đánh giá một quốc gia khi xem xét các yếu tố quy mô dân số, diện tích lãnh thổ hay sức mạnh kinh tế. Chính vì niềm tin vào sự bình đẳng giữa các nền văn hóa mà UNESCO đã cho rằng không thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá so sánh bản sắc của các nền văn hóa. Vì vậy thông qua Công ước 2005, UNESCO khuyến khích gìn giữ và phát triển các biểu đạt văn hóa khác nhau, qua đó tôn vinh sự đa dạng và đặc biệt coi trọng bản sắc văn hóa của dân tộc hoặc nhóm người yếm thế, bị thiệt thòi hơn. Bằng Công ước 1972, UNESCO đã xếp hạng các di sản của quốc gia thành Di sản thế giới và bằng Công ước 2003, UNESCO đã vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dựa trên một loạt các tiêu chí được xây dựng bằng các văn kiện pháp lý quốc tế có tính ràng buộc.
* Họ cho cái gì là mạnh nhất, tích cực nhất, rực rỡ nhất trong nền văn hóa đó?
- Đã là bản sắc thì chắc chắn phải có đặc thù riêng, giống như “chứng minh thư nhân dân” xác định đặc điểm khác biệt của người này so với người khác. Bản sắc văn hóa Việt Nam tập hợp một loạt các đặc điểm nổi bật giúp cho người nước ngoài dễ dàng nhận diện được con người và văn hóa Việt và qua đó phân biệt với các nước khác.
Theo cá nhân tôi, một trong những độc đáo tạo nên bản sắc văn hóa Việt chính là tấm lòng Ân nghĩa. Hiếm có dân tộc nào mà ân nghĩa như dân tộc Việt. Nó thấm sâu vào đời sống của người dân đến mức trở thành sức mạnh tâm linh. Một trong những đặc trưng của văn hóa Việt là văn hóa làng mà sức mạnh của văn hóa làng một phần thể hiện qua việc thờ Thành Hoàng làng. Từ lòng ân nghĩa, biết nhớ ơn và tri ân người có công với làng mạc nơi mình sinh ra và lớn lên rồi phong họ thành Thần để bảo vệ cho làng mình, rồi hằng năm tổ chức lễ hội để tưởng nhớ họ. Trên thế giới lễ hội có nhiều, ghi công đức cũng có nhiều nhưng gần như làng nào cũng phải có Thần hộ mệnh và luôn được tri ân ít nhất một lần trong năm thì không phải nước nào cũng có như ở Việt Nam.
Tấm lòng tri ân các vị có công với nước, với dân tộc còn được thể hiện qua các giá hầu đồng trong nghi lễ hầu Thánh của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, một Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh năm 2016. Sự ân nghĩa đó không chỉ là quá khứ mà hiện hữu trong đời sống hiện tại, trong bữa cơm giỗ ông bà tổ tiên, trong sự hối hả ngày trở về vào dịp Tết. Vượt lên tất cả, Ân nghĩa trở thành chính sách xã hội đối với người có công với cách mạng, những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Thử hỏi xem có bao nhiêu nước trên thế giới này họ ưu tiên người có công với Tổ quốc ngang hàng với khách hạng Thương gia và khách hạng Nhất.
Bản sắc Ân nghĩa đó thấm đậm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, luôn biết ơn và coi trọng sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế dành cho cuộc kháng chiến cứu nước, thống nhất Tổ quốc và công cuộc tái thiết đất nước ngày nay. Đọc các bài phát biểu đối ngoại của lãnh đạo Việt Nam, gần như không bài nào không có chữ Cảm ơn. Ân nghĩa là ở chỗ đó. Nó không chỉ là quá khứ, hiện tại mà cả ở tương lai, nó không chỉ được thực hành mà nó là chính sách quốc gia, đối nội cũng như đối ngoại, vì nó là một phần của cốt cách, tâm hồn người Việt Nam.
* Thường là UNESCO vinh danh các công trình văn hóa phi vật thể thuộc về nghệ thuật truyền thống. Tuồng của ta, nhất là tuồng Khu 5 - tuồng thầy, khai sinh từ thời các chúa Nguyễn, là một dạng văn hóa đặc sắc. Một chuyên gia về sân khấu của Ba Lan nói rằng: “Tôi đã gặp Shakespeare trên sân khấu tuồng Việt Nam”. Ngày trước, có những diễn viên tuồng lỗi lạc như Nguyễn Nho Túy được tôn vinh là “con rồng trên sân khấu tuồng”. Tuy có ảnh hưởng nước ngoài, tuồng vẫn là một sản phẩm đặc sắc của sân khấu Việt Nam. Tại sao nó không được tôn vinh, hoặc đặt vào dạng “phải bảo vệ khẩn cấp”?
- Tôi hoàn toàn nhất trí rằng tuồng ở Khu 5 (Bình Định, Quảng Nam...) là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam và có tiềm năng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Con đường để đi đến sự vinh danh đáng tự hào đó không phải quá phức tạp nhưng cũng không hề đơn giản. Trước tiên phải tạo ra nhận thức chung rằng tuồng là một loại hình nghệ thuật của cộng đồng, phát sinh từ cộng đồng. Nó được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy giá trị từ trong cộng đồng. Điều đó có nghĩa là không có sự can thiệp của Nhà nước, nó vẫn có sức sống mãnh liệt, vẫn tồn tại và mang lại niềm hạnh phúc cho cộng đồng. Đặc biệt quan trọng nó không phải là một sản phẩm văn hóa mang tính thương mại. Thứ hai, nó cần phải là Di sản phi vật thể của quốc gia, được đăng ký trong hệ thống kiểm định và lưu trữ quốc gia. Và cuối cùng các tỉnh Khu 5 cần biết cách xây dựng hồ sơ trình UNESCO và Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của mình sẵn sàng vào cuộc để giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế để họ khuyến nghị UNESCO vinh danh.
* Sau Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du của Việt Nam được UNESCO vinh danh, hiện ta sẽ đề cử những nhân vật nào khác? Trần Nhân Tông, vị hoàng đế hai lần lãnh đạo Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, nhà văn hóa vĩ đại, nhà thơ, Phật hoàng sáng lập Thiền phái độc đáo - dân tộc, kết hợp Phật giáo và nghĩa vụ quốc gia theo Nho giáo; có thể nói ở thế kỷ 13 thế giới chưa ở đâu có người như vậy. Chính phủ ta nên đề nghị UNESCO vinh danh Trần Nhân Tông. Ý Đại sứ nghĩ thế nào?
- Cứ hai năm một lần vào dịp Đại hội đồng của mình, UNESCO lại tôn vinh một cá nhân hoặc một sự kiện có đóng góp vào việc tạo lên dấu ấn trong lịch sử phát triển của nhân loại trên những lĩnh vực thuộc UNESCO. Kể từ khi Việt Nam gia nhập UNESCO năm 1951, đến nay đã có 3 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh và Nguyễn Du. Đây là những người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam và Việt Nam còn rất nhiều vĩ nhân nữa đã góp phần to lớn tạo nên dấu ấn trên lĩnh vực văn học, giáo dục và khoa học trong lịch sử Việt Nam và có ảnh hưởng ở phạm vi toàn cầu và xứng đáng được vinh danh.
Trong số đó phải kể đến Phật hoàng - Hoàng đế Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí về sự cống hiến xuất sắc, cá nhân đó chỉ có thể được vinh danh vào năm tròn kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh và năm kỷ niệm đó phải là năm chẵn chia hết cho số 50. Rất tiếc Phật hoàng Trần Nhân Tông đã bị lỡ cơ hội được UNESCO vinh danh vào năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của ông (1308) và chúng ta phải đợi đến năm 2057 mới có thể làm hồ sơ để UNESCO vinh danh ông nhân 750 năm ngày mất, đồng thời 800 năm ngày sinh của ông (1258). Từ quy định này chúng ta đang tìm xem những danh nhân nào của Việt Nam xứng đáng được UNESCO vinh danh trong thời gian tới. Chúng ta đặc biệt vui mừng đang làm hồ sơ để UNESCO vinh danh Nhà giáo Chu Văn An tại Đại hội đồng UNESCO vào tháng 11-2019 nhân dịp 650 năm ngày mất của ông (1370). Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam mà Ban thư ký chính là Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao đang phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Ban vận động UNESCO vinh danh Chu Văn An đang hoàn tất hồ sơ để trình Ban thư ký UNESCO vào tháng 1-2019. Nếu mọi việc suôn sẻ, năm sau dân tộc ta lại có thêm một vĩ nhân nữa được UNESCO vinh danh. Đó chính là Nhà giáo Chu Văn An, người có công lao to lớn cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam. Ông được suy tôn là người Thầy mẫu mực của muôn đời, là ông Tổ của Nho giáo Việt Nam và là hiền triết bất khuất kiên trung mà bài vị và tượng của ông đã được nhà vua đưa vào thờ cúng ở Văn Miếu ngang hàng với Khổng Tử, nhà hiền triết vĩ đại của Trung Hoa.