Một cán bộ lãnh đạo xuất sắc, gắn bó mật thiết với Đảng bộ và nhân dân Gia Định - TP.Hồ Chí Minh
Trưởng thành từ trong cao trào vận động Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Phạm Văn Chiêu đã tiếp tục khẳng định chí hướng cách mạng của mình:
Ông là người đề xướng và cùng tập thể lãnh đạo của tỉnh thống nhất ý chí kiên trì, quyết tâm bám chặt quê hương chiến đấu chống giặc; đã quyết định thành lập chiến khu An Phú Đông (là chiến khu đầu tiên của tỉnh Gia Định và cả miền Đông Nam Bộ) để tập hợp, sắp xếp lại đội ngũ, củng cố, xây dựng lực lượng, đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện cơ bản cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Ông đã cùng các đồng chí của mình lãnh đạo nhân dân trong tỉnh Gia Định đứng lên giành chính quyền thành công trọn vẹn trong Cách mạng tháng Tám, xây dựng chính quyền cách mạng đầu tiên trong lịch sử của tỉnh. Chính quyền đó được duy trì và vững mạnh trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà ông là Chủ tịch đầu tiên và giữ cương vị đó trong thời gian dài nhất - từ tháng 8-1945 đến tháng 2-1952.
Khi còn là thầy giáo, ông đã tập hợp được xung quanh mình những người cùng chí hướng trong “Hội ái hữu giáo viên - học sinh” (Gò Vấp), “Minh Đức văn tập” (Hóc Môn), trong những Nhóm du khảo bằng xe đạp đi Vũng Tàu, Nha Trang, ra tận Huế (thăm cụ Phan Bội Châu - Ông già Bến Ngự), tham dự đám tang cụ Phan Châu Trinh (Sài Gòn), thăm quê hương nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (Bà Điểm - Hóc Môn)…
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đứng trước muôn ngàn thử thách quyết liệt, sinh tử, Phạm Văn Chiêu (lúc này là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh) vẫn kiên trì ý chí đoàn kết, vượt qua mọi mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ để tập trung sức mạnh, lãnh đạo kháng chiến chống giặc. Tại Hội nghị thống nhất hai Đảng bộ - Giải phóng và Tiền phong (tháng 9-1946), do đại diện Trung ương Đảng chủ trì, Phạm Văn Chiêu được đề cử vào Tỉnh ủy và sau đó được cử làm Bí thư Tỉnh ủy (1946-1952), mặc dù ông vốn chỉ là một thầy giáo (trí thức, tiểu tư sản) và tuổi Đảng còn ít hơn nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy lúc bấy giờ.
Từ năm 1948 đến 1949, do yêu cầu phát triển toàn diện của cuộc kháng chiến, với tầm ảnh hưởng, uy tín rộng lớn và khả năng đoàn kết - tập hợp lực lượng của mình, Phạm Văn Chiêu đã vận động được nhiều vị trí thức, nhà giáo, thầy thuốc từ vùng địch tạm chiếm Sài Gòn - Gia Định, ra chiến khu An Phú Đông, rồi An Nhơn Tây - Phú Mỹ Hưng tham gia kháng chiến, thành lập các trường học, trạm y tế, bệnh xá, nhà hộ sinh, làm cho hoạt động của chiến khu càng thêm phong phú, sôi động.
Những năm đầu sau khi tập kết ra miền Bắc, nhiều vấn đề thuộc về lịch sử đã diễn ra trong thời kỳ kháng chiến, còn có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí thiếu khách quan, đối lập nhau, tạo nên không khí căng thẳng trong nội bộ (như vấn đề Giải phóng - Tiền phong, vấn đề tôn giáo, vấn đề cán bộ…), Phạm Văn Chiêu vẫn luôn giữ thái độ thật sự cầu thị, tôn trọng và lắng nghe ý kiến mọi người, rồi cùng bàn bạc trên tinh thần đồng chí, tháo gỡ được nhiều vướng mắc.
Trên Bia tưởng niệm đặt tại chiến khu An Phú Đông, với tình cảm sâu nặng đối với chiến khu đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của tỉnh Gia Định, Phạm Văn Chiêu đã viết: “Suốt ba mươi năm kháng chiến, đối đầu với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mấy thế hệ đảng viên Cộng sản và đồng bào chiến sĩ kiên cường bám trụ, chiến đấu anh dũng và hy sinh vô bờ bến cho độc lập tự do của Tổ quốc, và Chiến khu An Phú Đông trở thành địa danh bất tử!”.
Người cán bộ gương mẫu, người con trung hiếu
Là con út trong gia đình có 6 anh chị em, Phạm Văn Chiêu được cha mẹ và các anh chị rất thương yêu, dồn hết mọi khả năng để cho người con út, em út của mình được học hành, tiến bộ. Sau ngày miền Nam giải phóng, Phạm Văn Chiêu trở về quê hương gặp lại người thân. Các anh chị của ông giờ đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn thể hiện tình cảm với nhau như hồi còn trẻ, cùng chung sống trong gia đình với cha mẹ.
Tình cảm là vậy, nhưng ông vẫn luôn giữ đúng cương vị của mình khi xử lý các việc có liên quan đến gia đình.
Năm 1946, chính quyền cách mạng chủ trương tiêu thổ kháng chiến: tất cả các nhà ngói - tường xây đều phải phá hết, không để cho giặc chiếm làm đồn bót. Nhà của gia đình Phạm Văn Chiêu cũng thuộc diện đó. Anh em làm nhiệm vụ biết đây là nhà của cha mẹ ông Chủ tịch tỉnh thì cũng hơi do dự, chờ xin ý kiến cấp trên. Biết chuyện, Phạm Văn Chiêu yêu cầu địa phương phải thực hiện ngay việc phá dỡ nhà. Khi biết tin này, cha của Phạm Văn Chiêu chỉ lắc đầu, nói: “Tưởng sao, chớ công tao nuôi nó ăn học thành tài, làm tới chức tỉnh trưởng, mà bây giờ nó ra lịnh phá nhà của cha mẹ nó?”. Được mọi người giải thích, ông hiểu ra con trai mình “xử” như vậy là đúng. Rồi ông nói: “Nó như vậy là đứa con có hiếu đó!”.
Năm 1950, con gái ông Phạm Văn Chiêu bị địch bắt khi đi từ Sài Gòn vào chiến khu An Nhơn Tây. Do có kẻ chỉ điểm, nên địch biết cô là con gái ông “Chủ tịch tỉnh Việt Minh”. Chúng bắn tin muốn trao đổi thả cô để nhận lại một tên sĩ quan Pháp đang bị ta bắt giữ. Anh em có báo thông tin đó cho ông Phạm Văn Chiêu, nhưng ông không chấp nhận. Kết quả là con gái ông vẫn phải tiếp tục ở tù cả năm trời, cho tới khi chúng khai thác mãi mà không thu được thông tin gì của kháng chiến!
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Phạm Văn Chiêu về thăm quê nhà Long Thạnh Mỹ, gặp ông Tư là người anh ruột có một người con đang đi học tập cải tạo ngắn hạn. Ông Tư hỏi: “Chú Bảy mày có cách nào làm ơn can thiệp cho thằng nhỏ tui về sớm được không?”. Phạm Văn Chiêu vui vẻ trả lời: “Được thôi anh Tư. Lãnh nó về sớm, rồi tui vô trỏng ở, thay nó cải tạo theo đúng quy định của Ban quân quản, nghe anh Tư!”. Ban đầu ông Tư có vẻ giận, nhưng sau đó ông cũng hiểu là phải như vậy.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù là một cán bộ cao cấp chủ chốt của tỉnh Gia Định hay thủ trưởng một cơ quan cấp Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, nhưng Phạm Văn Chiêu vẫn luôn sống giản dị, hòa đồng với cán bộ chiến sĩ. Ông đã cùng đồng chí, đồng đội chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy của chiến trường, cùng chia sẻ với anh chị em từng miếng cơm gạo mốc, từng củ khoai mì ngập nước trong những tháng ngày miền Đông Nam Bộ gồng mình chịu đựng hậu quả của trận bão lụt Nhâm Thìn (năm 1952).
Những năm tháng sống ở miền Bắc trong thời bao cấp, ông không nhận phiếu phân phối mua xe gắn máy vì “không có nhu cầu”. Ông cũng từ chối “gợi ý” của đại diện Ban tổ chức Trung ương đề xuất nâng “bậc lương” và “bậc phiếu” cho ông khi về hưu. Ông nói rằng: mình đang sống như vậy là đã khá hơn nhiều anh chị em khác rồi!
Ngày trở về miền Nam, ông chỉ mang theo chiếc cặp da đựng các bản thảo của ông viết về những vấn đề có liên quan đến lịch sử cách mạng của quê hương, về cuộc kháng chiến 9 năm của nhân dân Gia Định.
Khi về lại Sài Gòn, tổ chức bố trí cho gia đình ông ở một ngôi nhà giữa trung tâm thành phố (trước Dinh Độc Lập), nhưng ông đã đề nghị bố trí căn nhà đó cho các cán bộ đương chức. Còn gia đình ông về ở nhờ tại nhà của một người bạn cũ. Sau này, Nhà nước đã “cấp” nhà đó cho gia đình ông ở, và đề nghị ông làm thủ tục để “mua lại theo diện chính sách”. Rất tiếc, cho đến khi ông (và cả bà) qua đời, các thủ tục đó vẫn chưa hoàn tất. Nghĩa là ông đã “ra đi với bàn tay trắng” theo đúng nghĩa thật của nó!
Người chồng chung thủy
Ông bà Phạm Văn Chiêu thành gia thất vào những năm 30 của thế kỷ trước và đã có cuộc sống ổn định, có thể nói là “không có gì phải đòi hỏi cao hơn” đối với tầng lớp trí thức - tiểu tư sản đương thời.
Nhưng ông đã chấp nhận từ bỏ tất cả để bước theo con đường cách mạng. Cả một quãng thời gian dài hơn 30 năm, kể từ khi ông bị Pháp bắt năm 1942 - lúc mới 35 tuổi, đến khi ra tù, rồi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, tham gia kháng chiến, tập kết ra miền Bắc, đến khi trở về miền Nam, ông đã gần 70 tuổi. Từng ấy năm trời, người đàn ông Phạm Văn Chiêu đã sống một mình, tự lực giải quyết mọi nhu cầu sinh hoạt cá nhân để bảo đảm công tác. Bản thân ông đã không bao giờ “lấy lý do này nọ” như một số cán bộ khác để “hợp lý hóa” cho việc mình có thể có thêm mối quan hệ hôn nhân khác. Suốt 20 năm sống trên miền Bắc, bất kể là mùa hè nóng bức hay mùa đông rét buốt, ông vẫn một mình vò võ “ngày Bắc đêm Nam”.
Có đồng chí lãnh đạo cao cấp - quê hương Nam Bộ, thấy hoàn cảnh đơn chiếc của ông, đã giới thiệu một người đến để “nấu cơm cho anh Bảy”, nhưng ông đã cảm ơn và cương quyết từ chối, vẫn một thân một mình cho tới khi trở về miền Nam, gặp lại người vợ đã suốt 20 năm ròng, vừa lẩn tránh kẻ thù vừa vất vả nuôi con, vừa tham gia hoạt động cách mạng mà vẫn kiên trung chờ đợi ông.
Có thể nói, cuộc đời của Phạm Văn Chiêu là sự phản ánh sinh động cuộc đời của cả một thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam - thế hệ đã được sinh ra khi đất nước đang còn là thuộc địa nửa phong kiến; khi lớn lên, phải chứng kiến cuộc sống nô lệ của người dân mất nước; rồi được giác ngộ theo lý tưởng yêu nước - cách mạng của thời đại mới, đã dấn thân vào sự nghiệp cao cả - cứu nước, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, ấm no hạnh phúc cho đồng bào; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước mọi họa xâm lăng với lời thề “Quyết hy sinh tất cả vì Tổ quốc”.
Thế hệ các bậc tiền bối cách mạng như Phạm Văn Chiêu đã cống hiến cả cuộc đời, đã hy sinh tất cả và đã làm tròn bổn phận thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc!