Năm 1972, khi dựng xong bộ phim Tội ác của giặc Mỹ ở miền Nam Việt Nam tại Xưởng phim Giải phóng trong chiến khu (R), chúng tôi được tháp tùng Đoàn đại biểu Điện ảnh Giải phóng miền Nam dự Festival Á - Phi - Mỹ Latinh tổ chức tại thủ đô Tasken, nước Uzbekistan. Cấp trên trao cho đoàn chúng tôi một bộ phim 16 li đen trắng về cuộc chiến đấu giải phóng ở Quảng Trị, coi đây là món quà xương máu của nhân dân miền Nam Việt Nam tặng thế giới.
Anh Tolia, người thông dịch tiếng Nga - Việt, đón đoàn ở sân bay và đưa về khách sạn Tasken. Vừa xách va li vào phòng nghỉ thì mấy phút sau có tiếng gõ cửa rất gấp. Đứng trước mặt tôi là anh Tanaka, người quay phim và cũng là đạo diễn cho hãng NHK (Nhật Bản). “Tôi biết các bạn là đoàn của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam vừa sang. Đoàn đại biểu điện ảnh Nhật muốn chụp một bức ảnh hữu nghị với đoàn Việt Nam các bạn” - anh nói. Làm sao mà từ chối lời yêu cầu đầy tình cảm đó. Nhưng chúng tôi cho anh biết là chúng tôi không có máy ảnh. Tanaka bảo sẽ biếu hữu nghị Đoàn điện ảnh Giải phóng cái máy Canon hiện đại kèm hộp phim Fuji có đến mấy chục cuộn trong đó.
Quá đột ngột chưa biết xử trí ra sao, nhưng tôi chợt nhớ trước khi lên máy bay ở Hà Nội, khi đi lãnh quần áo lễ tân thì tôi có xin nơi đây cả chục chiếc lược làm từ các mảnh máy bay B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội để làm quà biếu. Đây là cơ hội để có dịp nói với các bạn thế giới về cuộc đối đầu khốc liệt giữa một dân tộc nghèo Việt Nam áo vải chân đất mà dám chống lại một siêu cường như nước Mỹ. Vì thế tôi lấy ra một chiếc đi đến một nữ diễn viên Nhật, thay mặt đoàn tặng cho cô chiếc lược có ghi đầy đủ số liệu và ngày tận số của chiếc máy bay trên ấy. Cả đoàn Nhật ồ lên khi được Tolia thông dịch rằng đây là chiếc lược làm từ xác máy bay Mỹ, thế là mỗi người xin một chiếc cho các phu nhân ở nhà, còn cô diễn viên mở chiếc sắc đeo bên người lấy ra một vật gì đó và xòe tay về phía đoàn chúng tôi. “Cái gì vậy?” - tôi hỏi. Cô diễn viên nói đó là chiếc bật lửa gaz, cô biếu đoàn Việt Nam. Từ đó tôi có ý thức đi đâu cùng đoàn Nhật thì luôn cầm trong tay chiếc bật lửa kỷ niệm ấy của cô diễn viên Nhật - cô luôn hút thuốc lá mà bây giờ thì không còn chiếc bật lửa, còn tôi không hút thuốc thì lại có lửa, một điều trái khoáy mà đáng nhớ đời…
Đoàn điện ảnh Giải phóng chúng tôi hết sức danh dự khi ông Chủ tịch Hội Điện ảnh Tasken đưa đoàn chúng tôi lên sân khấu và tuyên bố: “Thưa các bạn, chúng ta thật vinh hạnh trong Festival này có mặt đội ngũ quay phim từ tiền tuyến chống đế quốc Mỹ. Họ mang đến đây một bộ phim rất ngắn nhưng vô cùng quý giá. Nếu đánh giá về mặt tư liệu chiến tranh thì các bạn sẽ không bao giờ thấy hối tiếc khi được xem những thước phim ngắn súc tích của một đội quân thay mặt cho thế giới đương đầu với đế quốc Mỹ cho chúng ta thanh bình”.
Bộ phim được chiếu trong sự im lặng tột cùng của khán giả. Khi đèn sáng lên thì một người Âu đã có tuổi đến trước mặt chúng tôi, ông nói tiếng Nga và xưng là nhà văn Marquez của Colombia, là tác giả của tiểu thuyết Trăm năm cô đơn. Ông chỉ nói hai câu: “Tôi vừa ở Sài Gòn sang đây. Bộ phim của các bạn tuy ngắn nhưng là một tư liệu quý vô giá, nó chứng tỏ không chỉ có Quảng Trị mà là cả Sài Gòn… Sài Gòn sẽ thất thủ”.
Sau đó bộ phim được trao giải đặc biệt là một chiếc bình pha lê cực kỳ đẹp và Chủ tịch Festival nói rằng “Đây là cả tấm lòng trong sáng tuyệt trần như pha lê về một nền điện ảnh tiên phong cho cả thế giới”. Trong những ngày đại hội, đoàn chúng tôi được mời tham dự một cuộc tọa đàm về văn học điện ảnh, mà chủ tịch tọa đàm này là nhà thơ lớn của cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của Liên bang Xô viết - nhà thơ Simonov, tác giả bài thơ nổi tiếng Đợi anh về.
Quả là cơ hội quý giá để chúng tôi được diện kiến ông, một tác giả vừa xa mà lại vừa hết sức gần gũi… Tôi vinh hạnh được biết tên ông từ năm 1951 khi tiểu đoàn 307 từ Khu 8 được điều về chiến trường U Minh, Tây Nam Bộ. Một hôm tôi chèo xuồng đi công tác ghé lại một quán hàng ở Thới Bình, và chợt nhìn thấy trước thềm nhà chủ quán có một dãy sạp báo. Tôi tò mò lại coi, đó là những tờ báo kháng địch, trong đó có tờ Brùm (tờ báo trào phúng và phê phán nổi tiếng trong thời chống Pháp), đặc biệt là có bài thơ Đợi anh về. Ở miền Nam từ năm 1945 đến 1951 này, đâu có tác giả nào có bài thơ quá lãng mạn như vậy. Đọc kỹ tôi mới biết đây là tác phẩm đặc sắc đầy tính lãng mạn yêu nước của nhân dân Liên Xô mà tác giả tên là Simonov, và người dịch là nhà thơ Tố Hữu. Tôi còn nhớ những câu đầu sao mà thương quá: “Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có dài lê thê/ Em ơi em cứ đợi/ Dù tuyết rơi gió thổi/ Dù nắng cháy em ơi…”. Và con người huyền thoại với bài thơ tuyệt tác ấy bây giờ đang ngồi trước mặt chúng tôi!
Thành phần buổi tọa đàm gồm có đoàn Ấn Độ, đoàn Nhật Bản, đoàn Việt Nam Giải phóng và đoàn Mỹ. Nhà thơ Simonov mở đầu bằng lời cảm phục khi ông xem những thước phim đạn lửa ở Quảng Trị có bóng dáng những chiếc xe tăng của Liên Xô. Chúng tôi chưa hề quen với loại hình tọa đàm kiểu này, cả ba còn chưa biết phải nói gì, thì Simonov đề nghị đoàn Việt Nam phát biểu trước, và một lần nữa tôi phải gồng mình. Nói gì đây? Tôi chợt nhớ đến bài thơ Đợi anh về của Simonov có mặt ở chiến trường U Minh năm 1951 mà tôi thấy, tôi đọc và cố thuộc lòng nó… nên tôi chộp lấy đó làm đề tài phát biểu. Bây giờ đến lượt nó gây bất ngờ cho các đoàn phim, đặc biệt là với nhà thơ Simonov.
Tôi kể rằng bài thơ lịch sử ấy đã có mặt trên chiến trường U Minh ở cuối trời tổ quốc chúng tôi từ năm 1951, người dịch bài thơ chính là nhà thơ Tố Hữu, và tôi đọc một đoạn cho mọi người nghe. Tôi theo dõi thái độ của Simonov, ông đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cuối cùng ông sang bắt tay đoàn miền Nam Việt Nam. Tolia dịch lại đại ý lời ông nói: “Thật không thể nào ngờ bài thơ Đợi anh về của tôi đã đến được với Việt Nam quá xa xôi cách trở. Và thật hạnh phúc cho tôi biết bao khi có một người lính chiến Việt Nam lại nhớ bài thơ ấy, tôi coi đó là phần thưởng tinh thần vô giá với đứa con đẻ ra ở xứ sở Bạch Dương lại được một chiến sĩ ở cực nam trái đất nhận được”.
Tôi liền nhờ Tolia nói rằng: “Thưa đồng chí Simonov, thời chống Pháp ở Nam Bộ Việt Nam, không chỉ riêng bài Đợi anh về của đồng chí, chúng tôi còn được biết và hát nhiều bài hát Liên Xô. Người chuyển tải những ca khúc bất hủ ấy là một nhạc sĩ tại Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến tên Nguyễn Văn Hựu. Năm 1949, một lần anh Hựu tình cờ bắt được sóng phát thanh của Đài phát thanh Bắc Kinh có chương trình ca nhạc của Liên Xô. Anh đã sung sướng quá vì có thêm nguồn âm nhạc hùng tráng và rất lãng mạn trong chiến tranh từ xứ sở Bạch Dương đến với rừng tràm U Minh. Anh Hựu dùng phương pháp chính tả âm nhạc (dictée musicale) để ghi nhanh theo ca khúc, thẩm định nhiều lần rồi in ấn và phát hành. Thật thú vị là từ ấy trên sóng phát thanh của đài Nam Bộ đến khi chấm dứt chiến tranh với Pháp đã chuyển đi rất nhiều giai điệu tuyệt vời của Liên bang Xô viết như Kachiusa, Kalinka, Chiều trên hải cảng, Thời thanh xuân sôi nổi, Tổ quốc Nga yêu dấu, Chiều Moskva… Đó là nguồn hỗ trợ tinh thần yêu nước, yêu đời của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Việt Nam cho đến tận ngày nay”. Simonov nghe xong, ông ôm chúng tôi vào lòng với sự cảm mến: “Thật tuyệt vời!... Bây giờ tôi mới biết… Cảm ơn Việt Nam… Cảm ơn các bạn… Tuyệt vời!”.
Ông Chủ tịch Festival hỏi chúng tôi muốn đi tham quan đâu, chúng tôi đề đạt với ông rằng chúng tôi thật lòng ước ao được đến Moskva để viếng Lênin. Vì biết đâu đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, khi chúng tôi trở về chiến trường chống Mỹ. Có lẽ lời đề đạt đã gây sự xúc động nơi ông, ông vui vẻ nói: “Cũng công bằng thôi, vì các đồng chí đang đứng trên tuyến đầu chống đế quốc. Cả thế giới đang trông chờ và hy vọng Việt Nam sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ. Các bạn sẽ được đến với Lênin”. Sáu ngàn cây số trên máy bay đến Moskva, và suốt 10 ngày được tận mắt nhìn thấy và sống với Moskva, là những ngày thật đáng nhớ. Ở đây, chúng tôi chợt nhớ đến một người, một Hồng quân Liên Xô có mặt trong hàng ngũ vệ quốc đoàn chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ: Platon Alexandrovich, mà anh em thường gọi là Thành Nga.
Là một cán bộ chính trị cấp đại đội của Hồng quân Liên Xô, chẳng may Platon bị quân Đức bắt làm tù binh. Chúng đưa ông và đồng đội về Đức, sau đó cho mặc quân phục Đức sang đánh Pháp. Đến lượt phát xít Đức đại bại thì đồng minh tặng số quân Đức này cho De Gaulle. Pháp liền biến những đơn vị tù binh này trở thành quân viễn chinh đưa sang tái chiếm Đông Dương. Trong một lần cùng lính Lê dương tấn công quân phiến loạn (cách gọi của lính Lê dương đối với Việt Minh), Platon thu được xấp tài liệu trong căn nhà dưới rừng dừa bạt ngàn có 3 tấm ảnh Lênin, Stalin và Hồ Chí Minh. Vậy là đã rõ Việt Minh đứng về phía nào, Platon đã tìm cách móc nối và chạy sang hàng ngũ kháng chiến chống Pháp. Ông lập gia đình với một phụ nữ Việt lai Pháp và có một cô con gái tên là Janine Hồng Minh.
Từ năm 1946 đến 1950, Platon lấy tên là Nguyễn Văn Thành và lập rất nhiều chiến công, thu rất nhiều vũ khí khi ông giả trang là sĩ quan Pháp đi kiểm tra vũ khí và bố phòng đồn bót dọc các trục giao thông toàn tỉnh Bến Tre, làm quân địch hoang mang mà không làm sao đối phó được với tài biến hóa của Thành Nga. Từ năm 1950 trở đi, Thành Nga về tiểu đoàn chủ lực 307. Đến 1952, người đảng viên của Hồng quân Liên Xô này được Trung ương Cục miền Nam thay mặt Trung ương Đảng ở Việt Bắc kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản). Cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết, hai cha con Thành Nga xuống tàu Ba Lan Kilinsky tập kết ra Bắc, vinh hạnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và tặng quà trước khi lên xe lửa về lại tổ quốc Xô viết. Thành Nga về Moskva làm việc tại Ban tiếng Việt Đài phát thanh Moskva, giúp Ban tiếng Việt phiên dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và ngược lại. Con gái Janine của anh tốt nghiệp đại học được sang Hà Nội học tiếng Việt.
Chúng tôi gặp lại nhau tại Moskva trong nỗi vui mừng khôn xiết. Thành Nga nói: “Hôm nay tôi đưa các đồng chí ra ngoại ô Moskva, các đồng chí hãy nhìn xem, ở đó có một nông thôn Nga hao hao giống Việt Nam. Chao ôi, tôi nhớ quê ngoại của Janine quá. Nhìn dòng nước giữa hai hàng cây và vài ngôi nhà Nga, tôi liên tưởng đến cảnh vật ở rừng U Minh mà tôi nhớ nhất là cảnh chèo xuồng đi bắt ba khía... Ôi, cái giống ba khía xào tỏi ăn với cơm nguội, đúng không? Ừ phải, ăn với cơm nguội mà phải ăn bốc chứ ăn đũa là trật”.
… Chuyến đi năm ấy đã lưu lại trong chúng tôi một ký ức tự hào về Liên bang Xô viết, nơi ngọn lửa vĩnh cửu vẫn mãi rực cháy sưởi ấm tâm hồn nhân loại yêu chuộng hòa bình.