HV126 - Hai bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh và Trần Hữu Thung viếng Nguyễn Thi

Trong chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vinh vào dịp giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tôi được ông bạn đường, một chuyên gia nghiên cứu lúa nước, rất yêu thích và cảm thụ sâu sắc văn chương, đọc cho nghe hai bài thơ chữ Hán viết về nhà văn Nguyễn Thi. Một bài của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh và bài họa lại của nhà thơ Trần Hữu Thung, kèm theo lời bình ngắn của bạn đọc Nguyễn Duy Đối.

Như chúng ta đã biết, Nguyễn Thi và Nguyễn Trọng Oánh từng công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội; đầu những năm 60, hai người lên đường vào Nam chiến đấu trong đội ngũ Quân giải phóng. Hai người là bạn thân, là đồng nghiệp và bạn chiến đấu. Nguyễn Thi hy sinh trong trận tiến công địch để giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân. Nguyễn Trọng Oánh công tác, chiến đấu cho tới ngày toàn thắng. Bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh viết về bạn mang ý nghĩa đặc biệt.

Nguyên văn:

有此生兮有此身

儞何人也我何人

十年未覺黄粱夢

千里難搜白骨塵

膽氣有懷超世俗

忠魂終似溺迷濱

綠萍戰帽烏衣客

南望長山維白雲

Phiên âm:

Hữu thử sinh hề, hữu thử thân,

Nhĩ hà nhân dã, ngã hà nhân?

Thập niên vị giác hoàng lương mộng,

Thiên lý nan sưu bạch cốt trần.

Đảm khí hữu hoài siêu thế tục,

Trung hồn chung tự nịch mê tân.

Lục bình chiến mạo ô y khách,

Nam vọng Trường Sơn duy bạch vân.

Dịch nghĩa:

Có kiếp này chừ, có tấm thân này,

Anh là ai, tôi là ai?

Giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh,

Bụi trần xương trắng ngàn dặm khó tìm!

Lòng mang dũng khí vượt thế tục,

Anh hồn trung nghĩa nhấn chìm bến mê.

(Đâu rồi) người khách mũ tai bèo, áo đen,

Ngóng về Trường Sơn chỉ có làn mây trắng.

Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Trọng Oánh là người can trường, trong thời đánh Mỹ, khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, ông đã có mặt ở đảo Cồn Cỏ đứng trong đội hình chiến sĩ bắn máy bay, tàu chiến giặc, khi ở miền Nam, ông luôn bám sát bộ đội ở tuyến trước, là người có niềm tin phải nói rất sắt đá vào lý tưởng cách mạng. Nguyễn Trọng Oánh đã mặc áo lính từ lúc bước vào tuổi thanh niên cho tới lúc từ giã cõi đời. Luôn kiên định lập trường, Nguyễn Trọng Oánh khiến người đối thoại e ngại vì hễ nói sai một tí là ông chỉnh liền. Thơ cũng như văn của Nguyễn Trọng Oánh, trong đó tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Đất trắng, viết về chiến dịch Mậu Thân, là tác phẩm thành công nhất của ông, phản ánh đa chiều về cuộc chiến đấu, chủ đạo vẫn là âm hưởng anh hùng ca. Có thể nói nhà văn gốc Nghệ này hết sức cực đoan, trong tác phẩm cũng như đời sống hằng ngày. Nguyễn Trọng Oánh là người biết chữ Hán, thường giảng thơ cổ cho các nhà văn quân đội. Ở bài thơ chữ Hán viếng Nguyễn Thi này, chúng ta thấy ông thoáng một chút yếu đuối, đúng như nhận xét của Nguyễn Duy Đối là: “Trong nỗi đau đến tột cùng khi mất bạn nên lời thơ não nề buông xuôi. Chỉ có hai chữ tích cực là ‘đảm khí’ và ‘trung hồn’ thì xuất hiện trong thơ một cách chếnh choáng, bấp bênh”. Bình như vậy là khá xác đáng và tinh tế.

Có phải vậy không mà ngay khi đọc bài thơ ấy của Nguyễn Trọng Oánh, thi sĩ Trần Hữu Thung đã họa lại:

Nguyên văn:

讀此詩兮念此身

問心問我問同人

十年幾度懷生夢

千里何方覓骨塵

滾滾文風流惺俗

滔滔膽氣洗迷濱

長山南望憂時客

烏夾兵冠照白雲

Phiên âm:

Độc thử thi hề, niệm thử thân,

Vấn tâm vấn ngã vấn đồng nhân.

Thập niên kỷ độ hoài sinh mộng?

Thiên lý hà phương mịch cốt trần?

Cổn cổn văn phong lưu tỉnh tục,

Thao thao đảm khí tẩy mê tân.

Trường Sơn nam vọng ưu thời khách,

Ô giáp, binh quan chiếu bạch vân.

Dịch nghĩa:

Đọc bài thơ này chừ, nghĩ về tấm thân này,

Hỏi lòng, hỏi mình, hỏi đồng chí!

Mười năm bao lần ôm giấc mộng,

Ngàn dặm tìm đâu nắm xương tàn?

Văn phong dào dạt lưu cõi tỉnh,

Hùng khí cuồn cuộn rửa bến mê.

Ngóng về Trường Sơn, khách lo đời,

Áo đen, mũ chiến sĩ chiếu lên làn mây trắng.

Trần Hữu Thung đã họa không phải theo dòng cảm xúc hơi bi lụy mà bản lĩnh cứng cỏi, bình tĩnh hơn, cái nhìn sáng suốt hơn của một người từng trải. Nguyễn Trọng Oánh viết “Chung hồn mê trận tịch mê tân”, Trần Hữu Thung thì “Thao thao đảm khí tẩy mê tân”. Đúng vậy, với nhà văn-chiến sĩ sống cũng như chết là một sự cống hiến cho đất nước. Chính cuộc sống phong phú, quả cảm ấy đã là chất liệu cho các anh có những trang văn “cổn cổn văn phong lưu tỉnh tục”.

Tác phẩm văn học của Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, cũng như các nhà văn từng sống và viết ở chiến trường là sản phẩm của thời đại, được bạn đọc ghi nhận, lưu mãi trong đời. Chính cuộc sống chiến đấu ngoan cường của các anh không chỉ trên mặt trận văn học, nghệ thuật mà cả cuộc đời như những chiến sĩ tiên phong cho độc lập, thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc đã thức tỉnh bao nhiêu người, gội sạch bến mê. Phải nói rằng, Trần Hữu Thung họa thật tuyệt vời, đó là lời chia sẻ ân cần với nỗi đau của bạn, không hề có sự cao giọng, lên lớp.

“Trường Sơn nam vọng ưu thời khách/ Ô giáp, binh quan chiếu bạch vân”. Hình ảnh người chiến sĩ, nhà văn Quân giải phóng với áo bà ba đen, vành mũ tai bèo thật giản dị chiếu sáng cả vầng mây. Đó là vẻ đẹp hùng tráng, hiện thực mang khẩu khí Trần Hữu Thung, tác giả Thăm lúa thời đánh Pháp.

Có thể nói, hai bài thơ này rất hay, tuy ở bài của Nguyễn Trọng Oánh nghiêng về bi lụy, nhưng đã có bài hùng ca của Trần Hữu Thung bổ sung. Hai bài thơ còn cho ta biết thêm Nguyễn Trọng Oánh và Trần Hữu Thung đều rất giỏi chữ Hán và tình đồng nghiệp thật đằm thắm.

Tính đến năm 2018 này, nhà văn quân đội Nguyễn Thi đã hy sinh 50 năm, nhân dịp này chúng ta đọc hai bài thơ chữ Hán viếng ông cũng là để tưởng nhớ một nhà văn-chiến sĩ mà tác phẩm đã trở thành sản phẩm tinh thần của đất nước. Cảm ơn bạn Nguyễn Duy Đối đã phát hiện để bạn đọc biết được hai bài thơ chữ Hán viếng Nguyễn Thi của hai nhà thơ được mệnh danh đồ Nghệ là Trần Hữu Thung và Nguyễn Trọng Oánh.

NGUYỄN QUỐC TRUNG