HV126 - Hồi ấy ở Genève

LTS: Nhà báo Kỳ Ân với nhà báo Ngô Điền thuộc tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở Bắc Kinh sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1-10-1949). Năm 1954, ông Kỳ Ân được cử sang Genève (Thụy Sĩ) phục vụ công tác báo chí cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị Genève bàn về chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau đó ông về nước và đầu thập niên 1960, ông làm Trưởng phòng Biên tập Xưởng phim truyện Việt Nam. Sau đây là lời kể của ông về những kỷ niệm trong thời gian ông phục vụ đoàn ta ở hội nghị Genève, nhà văn Dương Linh ghi lại.

…Tôi đang ở Bắc Kinh cùng với anh Ngô Điền thuộc tổ phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam. Một hôm, tôi nhớ hình như là ngày 30-4-1954, tôi được Đại sứ quán gọi lên thông báo cho biết tôi được cử đi Genève làm công tác báo chí phục vụ phái đoàn ta sẽ dự hội nghị Genève về chiến tranh Đông Dương sắp khai mạc hơn một tuần sau đó. Cùng đi còn có hai đồng chí bên Bộ Công an làm nhiệm vụ riêng của họ.

Vậy là chúng tôi bay ngay sang Moskva và gặp đồng chí đại sứ ở đây dặn dò mọi việc khi sang một nước tư bản, câu cuối cùng đồng chí dặn “Không được tiếp xúc với ai mà mình chưa quen biết. Không rõ việc gì cứ hỏi cảnh sát”. Thú thật cả ba chúng tôi rất lo lắng vì đây là lần đầu tiên chúng tôi đến một một nước tư bản rất nổi tiếng về du lịch và… đồng hồ.

Dặn dò xong đồng chí đại sứ cho xe đưa chúng tôi ra sân bay để kịp chuyến bay sang Genève. Ngồi trên máy bay chúng tôi cũng chẳng nói gì với nhau, mỗi người lặng lẽ suy nghĩ riêng mình. Theo tôi biết, hai đồng chí bên Bộ Công an cũng chưa từng đi ra nước ngoài bao giờ.

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Genève - một phi trường quá rộng lớn trong tầm mắt của tôi. Và khi ra đến phòng chờ, người đông đủ mọi màu da chủng tộc, có lẽ phần lớn họ đi du lịch. Nhìn quanh không thấy một cảnh sát nào, chúng tôi phân vân không biết hỏi ai để tìm phương tiện đi về trụ sở đoàn đã được Trung Quốc thuê sẵn từ tháng 1-1954. Đúng lúc ấy có một người còn trẻ, ăn mặc lịch sự, nở nụ cười dễ mến hỏi chúng tôi bằng giọng Nam Bộ: “Bên nhà mới sang hả ta?”. Cả ba chúng tôi nhìn nhau - vì đã được dặn dò không được nói chuyện với ai chưa quen biết nhưng trong trường hợp này tôi đành lên tiếng: “Vâng, xin hỏi muốn về địa chỉ 21, đại lộ Tự Do bên hồ Genève, ông chỉ giúp cho”. “Có ngay! Các anh đợi một chút”. Anh ta đi nhanh ra ngoài, vài phút sau, một chàng thanh niên người Thụy Sĩ đến chào chúng tôi: “Xin mời các ông ra xe”.

Vậy là chỉ mươi phút sau đó, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở phái đoàn - một biệt thự sang trọng nằm ngay bên hồ Genève, có anh em ta ở từ trước. Buổi chiều lập tức họp tổ Đảng chung của hai phái đoàn Việt Nam, Trung Quốc mà tổ trưởng là đồng chí Cơ Bằng Phi (sau này làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc). Chúng tôi báo cáo lại chuyện ở phi trường buổi trưa mới đến. Cơ Bằng Phi nói: “Ngày mai các đồng chí sẽ biết người đó là ai”. Đúng là vào sáng hôm sau, Cơ Bằng Phi cho biết người đó tên là Trần Văn Hữu, quê tỉnh Bến Tre, Nam Bộ, du học ở Pháp, không có bằng cấp nào nhưng nói giỏi bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa và làm phiên dịch cho cơ quan Liên hiệp quốc ở Thụy Sĩ, có vợ người Thụy Sĩ và hai con nhỏ một trai một gái, khuynh hướng chính trị là tiến bộ ủng hộ Việt Minh chống Pháp. Sau này hàng trăm nhà báo ở các dải lục địa đến theo dõi đưa tin về hội nghị Genève, danh sách họ có đầy đủ hồ sơ lý lịch, khuynh hướng chính trị, được phía Trung Quốc đưa cho ta trước để khi tiếp xúc trực tiếp với họ ta luôn ở thế chủ động khi bị phỏng vấn. Phải nói là thời bấy giờ tình báo của Trung Quốc có mạng lưới rộng khắp cả thế giới.

Phái đoàn ta ở một biệt thự rất đẹp, nền nhà lát bằng gỗ quý bóng nhoáng, trồng hoa đầy hàng rào và có vườn cây to bóng mát phía sau. Trước cổng, chính phủ Thụy Sĩ có bố trí một vọng gác với một tiểu đội lính thay phiên nhau trực bảo vệ suốt 24/24 giờ. Đầu tháng 5, đồng chí Phạm Văn Đồng và các đồng chí phụ tá sang đến và cờ đỏ sao vàng được thượng lên ở cổng. Buổi sáng chào cờ đầu tiên, nhìn ra phía bên kia đại lộ thấy một chiếc xe du lịch dừng lại và vợ chồng Trần Văn Hữu với hai đứa con bước ra đường chào cờ cùng với chúng tôi rồi mới đi, cử chỉ đó không qua mắt đồng chí Phạm Văn Đồng. Sau đó tôi có báo cáo chuyện gặp Hữu ở sân bay và được biết Hữu là người yêu nước, có cảm tình ủng hộ Việt Minh. Đồng chí Đồng rất vui và nói, có thể sau này anh ta sẽ giúp chúng ta nhiều việc khi cần đến.

Sáng hôm sau, đồng chí Molotov, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đến gặp đồng chí Phạm Văn Đồng. Bước vào phòng khách, đồng chí hỏi chúng tôi có kiểm tra nhà này không, đồng chí công an phụ trách bảo vệ báo cáo là đã cho anh em lục soát rất kỹ kể cả trần nhà. Đồng chí Molotov lắc đầu mỉm cười nói, không thể kiểm tra bằng phương pháp thủ công mà phải kiểm tra bằng kỹ thuật máy móc tinh vi mới được. Đồng chí cho gọi ngay hai kỹ thuật viên Liên Xô đến dùng máy rà soát và lấy được hai máy ghi âm cất giấu rất tinh vi. Kiểm tra xong, đồng chí hỏi có máy hát không để mở lớn khi đồng chí hội đàm với đồng chí Phạm Văn Đồng, chúng tôi báo cáo không có. Đồng chí nói với đồng chí Đồng: “Chúng ta ra vườn cây sau nhà nói chuyện đi”. Sau Molotov, đồng chí Chu Ân Lai cũng đến gặp đồng chí Phạm Văn Đồng và cũng đều ra vườn sau nhà nói chuyện.

Khi đến trụ sở phái đoàn, đồng chí Phạm Văn Đồng nhanh chóng nhận ra lính gác Thụy Sĩ không chào khi đồng chí đi xe ra, nên hôm sau khi xe ra đến cổng đồng chí giở nón chào lính gác trước, anh lính vội rập chân nghiêm bồng súng chào đáp lễ. Từ đó thành thói quen khi nghe tiếng còi xe hơi đoàn ta ra, lính gác vội vàng bồng súng chào trước. (Ở đây xin nói thêm, lúc ấy bên Thụy Sĩ người ta không biết Việt Nam là nước nào, ở đâu, nên tiểu đội lính gác dửng dưng làm nhiệm vụ được giao, không quan tâm gì đến chúng ta). Một hôm, sau 11 giờ trưa, ông Phạm Văn Đồng ra đứng ngoài ban công, làm như vô tình (thật ra là có ý) vẫy tay gọi anh lính gác vừa thay ca đến nói: “Sắp đến giờ ăn cơm, tôi muốn mời anh dùng bữa với tôi cho vui. Anh đồng ý chứ?”. Anh lính trẻ tỏ ra rất xúc động khi được một lãnh đạo cao cấp của phái đoàn mời cơm, và cũng tò mò muốn hiểu biết về một dân tộc còn xa lạ này. Vừa ăn vừa nói chuyện bằng tiếng Pháp, ông Đồng vắn tắt kể chuyện dân tộc Việt Nam và cuộc chiến đấu chống Pháp, bảo vệ nền độc lập vừa giành được, sau gần 100 năm nô lệ. Sau bữa ăn, ông Đồng còn đưa anh lính gói quà gồm bánh kẹo, trái cây cho vợ con anh lính ở nhà, theo tục lệ của người Việt Nam. Một lần nữa, anh lính tỏ ra rất cảm động trước sự đối xử thân mật của ông Đồng.

Sau đó câu chuyện ăn cơm với ông Đồng được lan truyền trong đội lính gác, rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc văn minh, có lịch sử lâu đời và hiện đang chống Pháp để bảo vệ nền độc lập thống nhất tổ quốc mình. Từ đó, họ có thiện cảm và hết sức giúp đỡ ta. Như một hôm anh nhà bếp ta vô tình làm trầy một góc nhỏ trên sàn nhà, nhờ họ báo cho chủ nhà biết để gọi người sửa chữa, họ vội bảo đừng báo, để họ gọi bạn lính công binh của họ đến sửa cho, chứ nếu báo chủ nhà, họ sẽ bắt bồi thường cả nền nhà thì các anh đâu có tiền trả nổi. Thật hú vía! Mà cũng thật cám ơn tấm lòng của họ.

Hằng ngày bộ phận nhà bếp của đoàn ta đều sang phái đoàn Trung Quốc nhận hàng, họ cấp cho từ thịt cá, rau củ đến trà, cà phê tiếp khách, ta không mua cái gì ở thị trường Thụy Sĩ cả. Cả đoàn ta chỉ có 2 chiếc xe hơi, một dành cho đồng chí Phạm Văn Đồng, một dành cho nhà bếp nên khi bắt đầu hoạt động tuyên truyền báo chí cần thêm xe thì được Trần Văn Hữu nhờ bạn bè người Thụy Sĩ của Hữu đem đến, giúp cho đoàn ta 5 chiếc xe hơi để lại nhà xe cho ta kiểm tra, họ gọi taxi ra về. Cứ như vậy, sáng họ đi taxi đến làm việc, đến giờ nghỉ chiều, họ để xe lại và về theo taxi suốt thời gian trước và sau hội nghị mà không lấy một đồng bồi dưỡng nào của ta. Thật là hiếm có những người bạn tốt của Hữu như vậy.

Lúc này, phái đoàn ta lập bộ phận báo chí để thông tin tuyên truyền cho hội nghị do nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh phụ trách. Công việc nhiều mà người ít, nên Hữu gọi bạn thân quen là du học sinh người Việt ở Paris sang giúp. Họ đến hơn 50 người mà ta chỉ cần độ 20, nên họ ở lại Genève chơi một thời gian rồi về nước Pháp chớ không một người nào đến giúp cho phái đoàn Ngụy Bảo Đại cả. Nhân đây xin nói thêm, Pháp chỉ thuê cho phái đoàn Ngụy Bảo Đại ở ngoại ô Genève, ví như đoàn ta ở bờ hồ Hoàn Kiếm còn Ngụy ở tận dưới Ngã Tư Sở vậy.

Ngày 7-5-1954, tin quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, hơn 1 vạn quân Pháp bị bắt làm tù binh, trong đó có cả tướng De Castries và Bộ tham mưu của ông ta. Tin này gây chấn động thế giới, nước Pháp để tang 3 ngày sự thất bại bi thảm này. Ở Genève chúng tôi hết sức vui mừng. Cả tiểu đội lính gác cũng chung vui với đoàn ta. Ngày 8-5-1954, khai mạc hội nghị Genève về chiến tranh Đông Dương tại “Lâu đài Các dân tộc” bên bờ hồ Genève. Ông Phạm Văn Đồng bước lên diễn đàn hội nghị với tư cách là người chiến thắng, đọc bài diễn văn tám điểm nêu rõ lập trường chính phủ ta về giải quyết chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được hội nghị hoan nghênh nhiệt liệt (tất nhiên phái đoàn Pháp và bè lũ tay sai cúi đầu im lặng vì cú sốc Điện Biên Phủ quá lớn). Bài diễn văn đó tôi ra bưu điện Genève điện về Bắc Kinh để sau đó chuyển về Việt Bắc cho chính phủ ta. Số tiền phải trả cho bưu điện Genève bằng số tiền mua một chiếc xe hơi Hoa Kỳ loại tốt nhất ở Thụy Sĩ. Cứ đà này thì không thể chấp nhận được, thế nên phái đoàn Liên Xô hằng ngày đều có máy bay đi lại Berlin, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Đức, họ cho tôi được tháp tùng sang Đức và mọi liên lạc về Bắc Kinh được các đồng chí Đức ở Bưu điện Berlin ủng hộ không lấy một đồng nào.

Đến ngày 20-7-1954 ta ký với Pháp Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đoàn Mỹ tham dự hội nghị nhưng không ký để không vướng vào pháp lý khi thay chân Pháp sau này. Cả đoàn Ngụy Bảo Đại cũng không được mời ký vì ta không chấp nhận tư cách đại biểu của họ. Nội dung hiệp định được công bố rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin báo chí. Trước khi rời Genève về nước, đồng chí Phạm Văn Đồng mời cơm vợ chồng Trần Văn Hữu, cảm ơn nhiệt tình của họ ủng hộ hết mình đoàn ta suốt một thời gian trước và sau hội nghị, và đồng chí tặng vợ chồng Hữu bộ đồ trà tiếp khách của đồng chí. Hữu nói với ông Đồng vì hoàn cảnh không thể về nước tham gia kháng chiến, nhưng lòng anh luôn hướng về tổ quốc, sẵn sàng cống hiến hết mình khi đất nước cần đến. Hữu cũng nhờ ông Đồng chuyển lời anh kính thăm Hồ Chủ tịch, người cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Đồng còn dặn chúng tôi trên tinh thần tiết kiệm, cái gì mang về nước được thì mang về, cái gì còn lại thì tặng cho đơn vị lính gác. Nhưng trước đó mấy ngày biết chúng tôi sắp về nước, vợ con lính gác đến giúp đỡ chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ biệt thự; nên tôi hội ý với các đồng chí trong đoàn không mang cái gì về mà tặng hết cho vợ con đơn vị lính, cám ơn những gì họ giúp ta trong suốt thời gian hội nghị. Và thật cảm động khi chia tay, tất cả lính gác và vợ con họ đều khóc đầy nước mắt như chia tay người thân nhất của mình mà hơn hai tháng trước họ chẳng biết chúng ta là ai…

7-5-2018

 

 

Đọc xong câu chuyện này, chúng tôi vừa khâm phục nhà văn Dương Linh đã ghi lại súc tích, chân thực một chuyện kể của một người bạn. Xúc động nhất là chuyện cho ta biết những bước đầu dựng nước, ngày đồng chí Phạm Văn Đồng và phái đoàn ta từ Việt Bắc qua Genève. Ta gần như tay không - “tay không mà dựng cơ đồ”! Thương cảm quá! Và tấm lòng của Việt kiều bên ấy với Tổ quốc. Tình người tràn ngập những ngày ấy, cả với các anh lính gác Thụy Sĩ. Tình báo Trung Quốc cũng rất kinh. Không thể không rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử!

H.V.

DƯƠNG LINH ghi