HV126 - MAI THẢO - Ân hận khôn nguôi

Trong bài viết trước đây về thơ Thanh Tâm Tuyền, chúng tôi có kể mấy chục năm trước trong bữa ăn gia đình ở Sài Gòn, thân phụ mình(1) hay nói về hiện tượng một số nhà văn nhà thơ nổi tiếng không vì giá trị thực sự của văn thơ mà vì giỏi kéo bè kéo cánh tự thổi phồng mình và giỏi quảng cáo mê hoặc người đọc. Nhân vật được người nhắc đến nhiều nhất trong những dịp đó là nhà văn Mai Thảo.

Cũng như trường hợp Thanh Tâm Tuyền, vì một số lý do, cái tiếng tăm không xứng đáng của Mai Thảo đến nay vẫn còn gây hoang mang trong văn giới và nơi quần chúng độc giả. Chúng tôi xin góp phần làm rõ sự thực về thành tích của nhân vật văn học này.

Trước năm 1975, Mai Thảo coi như chỉ viết văn xuôi. Về giá trị của văn xuôi Mai Thảo, từ lâu đã có những nhận định xác đáng, trong đó có cả nhận định của chính ông.

Năm 1989 Mai Thảo tâm sự: “…Tôi vẫn ân hận mãi mình không phải là nhà thơ toàn phần”(2). Tức là “tôi” tiếc mình đã viết văn xuôi.

Năm 1996 Bùi Vĩnh Phúc phát biểu: “Truyện dài của Mai Thảo (...) nhìn ở một góc độ khách quan và thành thật nhất (...) không có một ‘chiều sâu’ tư tưởng nào”(3). (Hầu hết tác phẩm của Mai Thảo là truyện dài).

Năm 1997 Nguyễn Xuân Hoàng, người đã cộng tác chặt chẽ với Mai Thảo từ trong nước và tiếp quản tờ Văn ở Mỹ sau khi Mai Thảo qua đời, trả lời phỏng vấn: “Về văn thơ [anh], tôi chỉ thích thơ còn văn tôi không thích gì hết (...). Chính Mai Thảo (...) ngồi uống rượu kỹ (...) mà mình nói về văn của anh ấy là anh ấy [bảo] vứt đi hết cả, chỉ nhận có thơ thôi”(4). Để ý là chỉ đến cuối đời và khi nói chuyện với những người nào đó, Mai Thảo mới nói thật, chứ chúng tôi không nghe khi còn trẻ ở Sài Gòn ông có bao giờ tự sổ toẹt văn xuôi mình.

Năm 1998 Nguyễn Quốc Trụ “tạp ghi”: “Mai Thảo (...) một nhà văn thời thượng, vô sắc (...). Đọc nhàm chán (...). Sau vài trang, người ta nhận ra sự hời hợt, cẩu thả (...). Ai cũng biết điều này: Trước 1975, hầu hết truyện của Mai Thảo là tiểu thuyết đăng báo”(5).

Chúng tôi có tự hỏi, không biết liệu những phát biểu vừa dẫn trên đã có phần nào được động viên bởi nhận định tuy còn sơ lược nhưng rất dứt khoát về Mai Thảo mà thân phụ mình trình bày trong quyển “Tổng quan” (1986) của bộ sách Văn học miền Nam hay chăng? Dù sao, trong hai quyển “Truyện 1” và “Ký - bút - kịch” xuất bản cùng năm 1999, người bàn khá kỹ về văn xuôi Mai Thảo:

“Trong lối diễn đạt (...) có một cách thế kiêu kỳ: hoặc hoa hòe hoa sói, kiểu cách ưỡn ẹo, hoặc tối tăm rối rắm (...). Khi không phải diễn đạt những ý tưởng thực sự cao xa bí hiểm, thiết tưởng chẳng cần vận dụng đến những cách nói quá rắc rối cầu kỳ. Nghe cứ như “dọa dẫm” thiên hạ! (...). Kẻ tìm cái đẹp hình thức đi xa dần nội dung, đi tới chỗ tạo ra những công trình rổn rảng mà rỗng tuếch (...). Thường những nhà văn duy mỹ (...) thận trọng đến tỉ mẩn (...). Mai Thảo thuộc ngoại lệ; ông là người duy mỹ vội vàng (...). Vũ khí nặng dùng bao nhiêu vẫn giữ được sức phá mạnh. Nhưng chữ nghĩa lớn dùng nhiều quá, đâm nhàm, giảm hiệu lực (...). Câu viết ngắn lẽ ra là câu cô đọng (...) dồn nén một cảm xúc mạnh. Đàng này (...) nó ngắn gần như vô cớ. Riết rồi người đọc có cảm tưởng gặp phải những dậm dọa vớ vẩn”(6).

Người viết thứ văn như thế là người thế nào? “Ở Mai Thảo, cái cảm nhận xuất sắc hơn cái suy tưởng (...) những [tác phẩm] chất chứa tư tưởng (...) phần lớn là... ba hoa thiên địa (...). Ông không phải là người của tư tưởng (...). Mai Thảo (...) sở trường về cái cảm hơn là cái nghĩ”(7).

Tóm lại, đó là một người không giết bò giết trâu gì cả mà lại dùng đao to búa lớn! Đi tìm cái đẹp mới mẻ, nhưng không hề chịu mất nhiều thời gian!

Sách Văn học miền Nam có in một số câu, đoạn văn của Mai Thảo để minh họa. Sau đây xin lược trích lại:

“Chúng là một sự kiện đông đặc đang trườn lên, đang lách đi, đang chìm chìm nổi nổi” (cá dưới sông!). “Người bà ngoại mà tuổi già là một mặt phẳng trong suốt với cánh tay đã đụng hờ vĩnh viễn” (?!). “Cuộc sống của thành phố ở chung quanh anh đang nói lên dần dần những tiếng động, những miền sáng chói” (?!). “Từ rất xa, nhỏ như một âm thanh sợi chỉ nhọn hoắt, tiếng còi cấp cứu đuổi gấp theo những vòng bánh lăn miết tới tận cùng tốc lực, lớn dần thành một rú thét kín trùm” (một chiếc xe cứu thương đang chạy tới). “Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một im lặng lớn nằm giữa một lắng đọng đầy” (một đứa trẻ bấm chuông cửa một ngôi nhà lạ). “Chủ nhật, bảy ngày một lần, một cái hội nhỏ, chứa đựng một bình sung sướng hồn nhiên đầy ắp, kéo dài đủ hai mươi bốn tiếng đồng hồ” (ngày chủ nhật đối với học trò). “Cái sự đất được thăng hoa như vậy, chính là bởi vì cái trạng thái tụ đọng ngọt ngào của lớp bóng mát bên trên đan kết kỳ diệu bởi muôn ngàn ngón múa của tre cù điệp điệp” (mặt đất ở một làng quê). “Giếng đá Xuân Cầu là một công trình khoa học và đại số tuyệt hảo” (!). “[Xuân Cầu] nay là dấu tích của một mùa xuân tâm thể kỳ lạ” (?!). “Chính ở đó mà tuổi trẻ chúng ta đã phảng phất khởi dấy những đường viền hoài nghi thứ nhất. Chính là ở đó, đã lăn đi, trên triền núi hồn người những vòng lăn tâm thức đầu tiên” (?!). “Cuộc sống không chuyển lưu theo một đường kính nào” (?!). “Từng huyền sử hoang đường gẫy cánh lần lượt hiện hình (...). Chết hết là một phi lý. Nó trở thành tình nhân đời. Bằng tấm gương trong hành lang hữu người” (?!). “Việc phải tới đã tới. Nghìn cổ hoang đường chết” (!). “[Quê hương thơ là] nơi những viễn du tâm thể còn nằm trong mơ tưởng của đời người” (?!). “Hay lượn vòng tròn như một đường bán kính” (?!). “Hóa nghĩ về Hà Nội. Những hình ảnh mờ nhạt. Thấp thoáng sương khói. Ngoài ấy đã vào dĩ vãng. Những chân trời núi rừng. Hà Nội” (câu ngắn mà lỏng). “Từ những tầng đáy niệm ấy, tôi đã tìm đến anh. / Kỷ niệm. / Tôi nhớ lại những ngày cuối cùng” (để ý viết hai chữ đã xuống hàng!) v.v…

Làm mới chữ nghĩa là như trên ư? Thà đem chữ nghĩa ra giết quách, viết văn như người bình dân nói chuyện với nhau.

(Xin đừng quá chú ý đến một số từ Hán Việt kỳ lạ, vì cuối đời Mai Thảo tâm sự: “Điều tôi ân hận nhất là không biết chữ Hán”(8)).

***

Mai Thảo nghĩ không giỏi (và đọc rất ít) nên viết truyện không sâu sắc. Nhưng Mai Thảo cảm xúc dồi dào, mạnh mẽ, tại sao văn xuôi của ông lại không chứa được bao nhiêu những lời thực sự gợi cảm? Vì muốn cảm xúc hiện ra thành lời gợi thì nhà văn phải vật lộn với chữ nghĩa, tốn nhiều thì giờ, mà Mai Thảo thì quá “vội vàng”.

Mai Thảo làm sao mà phải vội thế? Mọi người đều biết, ông có đặc biệt đam mê vài sở thích sống. Hẳn có người nhớ ngay đến Nguyễn Tuân. Vâng, quả thực văn chương và sở thích sống không nhất thiết đố kỵ lẫn nhau. Nguyễn Tuân đi hát cô đầu, ở luôn nhà hát, viết Chiếc lư đồng mắt cua hay tuyệt, la cà trong tiệm thuốc phiện đến hóa nghiện, viết Ngọn đèn dầu lạc Tàn đèn dầu lạc cũng rất hay, rồi đi Hồng Kông “vẽ nhọ bôi hề”, viết Một chuyến đi cũng là tuyệt tác. Trường hợp Mai Thảo, ai bảo bạn bè, đánh bạc, nhảy đầm không thể diễn thành văn hay, khổ nỗi ông quá lu bù viết thứ tác phẩm dễ ăn khách để trước đăng báo sau in sách kiếm tiền cung cấp cho sở thích sống, mà thỉnh thoảng rảnh rỗi có sáng tác vì nghệ thuật thì căn cứ vào kết quả, ông điển hình dường như rất sốt ruột, chỉ muốn cho chóng xong, hẳn để còn tiếp tục sống theo sở thích! Với nhà văn, chữ nghĩa chân chính là vợ, tác phẩm giá trị là con. Trong Mười đêm ngà ngọc (tên một tác phẩm của Mai Thảo), không ăn ở với vợ cho ra ăn ở đêm nào, làm sao có con?! Nguyễn Tuân có đêm quậy náo Khâm Thiên, có đêm “đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng (...) đi vào cái đêm làm việc của mình”, có lúc bỏ Hà Nội về một tỉnh lẻ thuê nhà ở tạm để tập trung viết v.v…(9). Chính nhờ đã dành thì giờ “ăn ở” với “vợ” hết mình hết mẩy như thế mà ông mới có được nhiều “đứa con” vô cùng dĩnh ngộ đấy chứ. Văn Nguyễn từ Ngọn đèn dầu lạc tới Chùa Đàn thì khỏi nói, mà văn sau khi theo kháng chiến tuy cố ý viết xuề xòa đi cho hòa đồng với quần chúng nhưng cũng không hề trở nên dễ dãi quá. Thực ra, Nguyễn Tuân viết về kháng chiến rất hay, chỉ khi đụng đến chính trị thì lời văn mới có lúc hóa nặng nhọc, vất vả, do ông không sở trường về chính trị. Văn Nguyễn kém hay nhất cũng không “có vấn đề” như văn Mai Thảo điển hình đâu.

***

Liên hệ đến Mai Thảo, có một nỗi oan cần làm sáng tỏ. Bị oan ở đây, không phải là văn nghiệp ông, mà là văn chương chữ nghĩa Việt Nam. Nó mang tiếng là được Mai Thảo tận tụy phục vụ, nhưng trên thực tế:

- Như vừa nêu trên, Mai Thảo viết thật nhiều những tác phẩm vô giá trị để kiếm tiền chứ không đầu tư thì giờ cố viết cho hay. Tận tụy với văn chương mà làm như vậy sao? Chắc có người muốn nhắc tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền. Tập ấy quả sáng tác có không vội vàng, nhưng nó là ngoại lệ hiếm hoi.

- Mai Thảo không đọc bao nhiêu: “Ông nhiều lần nói thẳng: ông đọc, trước hết, là đọc những gì do bạn bè ông viết (...) hình như [Mai Thảo] chẳng biết một lý thuyết, một quan niệm văn học nào cho đến nơi đến chốn. Nói chuyện với ông, tôi thấy ông hay lẫn lộn các khái niệm, các trào lưu rất khác, rất xa nhau”(10). Tận tụy với văn chương là như thế sao?

- Mai Thảo nổi tiếng khen bừa bãi, hễ cái gì của bạn bè là tấm tắc, khen qua để được khen lại. Như thể hai mươi năm “qua lại” ở Sài Gòn chưa đủ, qua Mỹ ông đóng thêm kịch “Áo thụng vái nhau” với Nguyên Sa đặc biệt tai tiếng. Tận tụy với văn chương lẽ nào lại thế?

Lại chắc có người muốn nhắc chuyện Mai Thảo làm báo văn nghệ. Thiết tưởng ba sự kiện Mai Thảo viết vội vàng, đọc rất ít, khen bừa bãi chúng dứt khoát chỉ cùng một hướng: ông đã làm báo chủ yếu vì lợi ích cho chính mình chứ không phải để phục vụ văn chương chữ nghĩa.

Rút cuộc, văn chương chữ nghĩa Việt Nam đã nhận được từ Mai Thảo rất ít ngoài những lời yêu quý nghe thật sướng tai!

***

Có lẽ nên nói qua về tập thơ Mai Thảo sáng tác chủ yếu ở hải ngoại. Cái tên! Có thể nghĩ là một trò đùa văn chương, nhưng e không phải đâu. Vì đùa là hồn nhiên, mà “Có lẽ khó lòng bắt gặp một Mai Thảo hồn nhiên. Bất cứ lúc nào ông cũng điệu”(11). Một người khác gặp Mai Thảo cũng nhận xét: “Tôi có cảm tưởng trong cuộc sống, Mai Thảo ít biết đùa”(12). Chúng tôi muốn thêm rằng, trong văn chương hình như Mai Thảo chưa bao giờ đùa. Gần suốt đời hết sức xa lạ với đùa, có lẽ nào khi đặt tên cho tác phẩm quan trọng nhất của mình, bỗng đi đùa? Chúng tôi lại sực nhớ thân phụ mình mấy lần viết Mai Thảo có vẻ cố ý dùng chữ to lời lạ để “dọa dẫm thiên hạ”, nhớ những cái tên rất kêu của các tác phẩm Mai Thảo và nhớ cả vài câu chuyện nho nhỏ về Mai Thảo ngoài đời được nghe kể khi xưa. Thiết nghĩ Ta thấy hình ta những miếu đền chính là sáng kiến đỉnh cao của một người hay trộ!

Tuy nhan đề vớ vẩn, thi tập này có một số bài giá trị. Nội dung chủ yếu là hoài niệm quá khứ và trăn trở hiện tại. Tuổi không còn trẻ, bệnh tật, cô đơn tạo hoàn cảnh giúp cái cảm vốn đã giỏi càng thêm giỏi, rồi thì giờ rộng rãi giúp sáng tạo khỏi vội vàng. Tưởng tượng một “cái bóng gầy” trong đêm trắng đem trải nghiệm cuộc sống ra thong thả rang, xay, rồi dùng luôn lòng mình làm một cái phin, kiên nhẫn ngồi đợi thơ nhỉ ra từng giọt... “Cà phê” này ngon. Nhưng nói chung mùi hương không tân kỳ, mà giọt nối giọt cũng cơ bản theo những nhịp hoàn toàn cổ điển. Nhâm nhi thưởng thức, không khỏi ngỡ ngàng, là của cái người năm xưa hò hét “Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu”(13) đây sao?!

***

Hồi trước 1975, Thanh Tâm Tuyền làm rất nhiều thơ mà thơ hay trọn bài cực hiếm. Lý do là “thái độ đối với thơ không chỉnh” (lời tự thú). Mai Thảo viết vô số văn xuôi mà văn phẩm hay trọn cũng cực hiếm. Ông “ân hận mãi” mình đã không tập trung làm thơ. Thiết tưởng Mai Thảo viết văn xuôi cũng có thể thành công. Cái lý do cơ bản khiến ông thất bại không phải là chọn nhầm văn thể, mà là, y như trường hợp bạn ông, một thái độ không chỉnh đối với văn chương chữ nghĩa.

Ngoài chính bản thân họ, có “ai” khác phải chịu trách nhiệm về thành tích gần như con số không của hai văn thi nhân nổi tiếng này chăng? Có đấy. Hóa ra cái “văn nghệ tự do” ở một vùng đất nước một thời nó cũng có khuyết điểm là tạo ra hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi cho tiêu cực nảy sinh và lớn nhanh như thổi!

Tháng 1-2018

 

_____

(1) Nhà văn Võ Phiến (HV)

(2), (8), (10), (12) Nguyễn Hưng Quốc, “Vài ghi nhận về Mai Thảo”, Hợp lưu (Mỹ), số 38, năm 1998.

(3) Bùi Vĩnh Phúc, bài đăng trên tạp chí Hợp lưu (Mỹ), số 16, dẫn theo VP.

(4) Nguyễn Xuân Hoàng trả lời Đỗ Quyên trong Nhìn cây thấy rừng, NXB Văn nghệ (Mỹ), 1997.

(5) Nguyễn Quốc Trụ, “Tạp ghi”, tạp chí Văn học (Mỹ), số 147, tháng 7-1998.

(6), (7), (11), (13) Võ Phiến, Văn học miền Nam, NXB Văn nghệ (Mỹ), “Tổng quan” (1987), “Truyện 1” (1999), “Ký - bút - kịch” (1999).

(9) Nguyễn Tuân, Các nhà văn nói về văn, tập I, NXB Tác phẩm mới, 1985.

THU TỨ (Hoa Kỳ)