Anh M.Q.L. thân mến,
Cám ơn anh đã gợi ý tôi viết bài về giáo dục. Nhưng tôi đã thực sự nghỉ mọi hoạt động từ năm 2014, quyết “về hưu thực sự” lần này. Do đó lâu nay, không còn thói quen ghi chép về những chủ đề mà mình quan tâm nữa. Cho nên bây giờ thực sự không còn khả năng tra cứu để viết lách gì nữa. Tất nhiên vẫn không thể thoát được những điều cần suy nghĩ, nhưng chỉ là băn khoăn, trăn trở cho riêng mình, chứ thấy rõ là không còn khả năng phát biểu gì nữa, năm nay tôi 93 tuổi rồi!
Vừa rồi, đọc Hồn Việt số tháng 5-2018, đọc ý kiến của anh và của hai vị Phong Lê và Lã Nhâm Thìn, nên tôi tâm sự với anh đôi điều trăn trở về giáo dục.
Theo tôi, hiện nay giáo dục nước nhà đang ở tình trạng khủng hoảng thật sự, một cuộc khủng hoảng “cơ bản và toàn diện”. Nói những điều bất cập, sai sót của giáo dục thì dễ, vì nó sờ sờ ra đó, ai cũng có thể phê phán, và phê phán đúng. Nhưng cái khó là làm thế nào để cải thiện, để “đổi mới cơ bản và toàn diện”?
Tôi tự đặt mình vào cương vị anh Phùng Xuân Nhạ, đang bị bao vây và phê phán tứ phía, thấy thật là bí, không biết góp ý cho anh ấy cái gì để xoay chuyển tình hình. Vì đâu có phải là mọi việc đều do ngành giáo dục chịu trách nhiệm và muốn cải thiện tình hình thì cứ gõ mạnh vào ngành giáo dục?
Điểm qua vài nét lớn:
- Giáo dục phổ thông lâu nay đã đi sai hướng, chạy theo khối lượng kiến thức, không dạy dỗ tư duy và nhân cách. Bây giờ phải xây dựng nội dung mới (chương trình và sách giáo khoa mới), xây dựng phương pháp dạy học mới, đang bị nhiều ý kiến lo lắng, không tin tưởng.
- Chương trình mới, nhưng giáo viên vẫn cũ, làm sao thực hiện, làm sao làm mới được mấy triệu giáo viên được đào tạo từ mấy chục năm trước. Những thầy giáo lâu năm tự thấy mình bất lực trước đòi hỏi cải tiến mới, và sẽ bị đào thải.
- Giáo viên bị áp lực ghê gớm từ mọi phía: Áp lực thành tích của trường, áp lực quản lý hành chính của Phòng-Sở-Bộ, áp lực đối phó các học sinh cá biệt, áp lực đòi hỏi của phụ huynh học sinh, áp lực lương tiền không đủ sống, dư luận phê phán nặng nề… Có nhà nghiên cứu đã nói về người thầy giáo Việt Nam: Căng thẳng lắm lúc phát điên!
- Đầu tư của Nhà nước rất lơ mơ. “Giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, phải đi trước một bước… lương của giáo viên được xếp ở mức cao nhất trong thang lương hành chính sự nghiệp…”. Tất cả những đường lối hay ho và đẹp đẽ đó, Đảng và Nhà nước đưa vào Nghị quyết cho vui, chứ chẳng hề có một chút quan tâm biện pháp thực hiện; 5% ngân sách dành cho giáo dục thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn không được biết đến vì do các địa phương phân phối sử dụng mà chủ yếu chỉ là trả lương cho giáo viên. Một địa phương mạnh như Hà Nội, vẫn còn nhiều lớp học 50-60 học sinh, làm sao thực hiện phương pháp giáo dục mới? Những thí điểm như VNEN thất bại là chuyện dễ hiểu. Vừa rồi Tổng thống Hàn Quốc viện trợ xây dựng viện VKIST, sẽ mời ông nguyên viện trưởng KIST của Hàn Quốc làm viện trưởng, nhưng rồi có thực hiện được việc giao quyền vượt mọi quy định cho ông ta để thực hiện như thời Park Chung Hee không?
- Những chuyện bê bối tồi tệ trong ngành giáo dục: giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh cô giáo, bạo lực hội đồng trong học sinh, phụ huynh bắt cô giáo quỳ…, dư luận phê phán ngành giáo dục xuống cấp, nhưng đó có phải chỉ là tội của ngành giáo dục? Trong tình hình nghĩa nhân của xã hội tụt dốc không phanh, trong tình hình nhiều vị Bộ chính trị, Trung ương, bộ trưởng, chủ tịch, tướng tá… lần lượt ra tòa (và sẽ còn nhiều vị hiện chưa bị phát hiện), thì việc đó ảnh hưởng xấu tốt đến tâm lý đạo đức trong nhà trường như thế nào?
- Ưu tiên đào tạo sư phạm, nhưng tốt nghiệp ra không có việc làm, điểm đỗ vào đại học Sư phạm nằm chót bảng (12 điểm, trường cao đẳng 9 điểm), trong khi điểm vào trường Công an là vượt cả điểm tối đa (>30 điểm)! Chuyện buồn không chỉ là ngành sư phạm bị xuống cấp, mà điểm đau xót hơn là tâm lý nhân dân (thể hiện qua lựa chọn của thí sinh) cho ngành Công an là ngành cao quý nhất, ngành bảo đảm tương lai nhất, ngành vớ bở nhất trong xã hội. Thể hiện một xu thế khá tệ lậu trong nhân nghĩa của toàn dân.
- Đào tạo nghề mãi chưa vươn lên được. Tỷ lệ được đào tạo (dù chỉ đào tạo cấp tốc) trong đội ngũ lao động rất thấp. Tâm lý thanh niên đổ xô vào đại học, xem thường học nghề. Chế độ tuyển dụng, chế độ lương bổng, tăng bậc… rất lạc hậu, không nhằm chất lượng công việc.
- Trong đại học, đã bắt đầu chú trọng đào tạo tư duy phản biện và khả năng mềm cho sinh viên, nhưng số trường thực sự có chất lượng không nhiều (không có trường nào lọt vào Top 300 của châu Á) không chỉ kém Singapore và ngay với Thái Lan, Malaysia… cũng kém hơn. Các bài báo quốc tế, các đăng ký phát minh còn kém khá xa.
- Cử nhân, kỹ sư thất nghiệp ngày càng nhiều. Các trường đại học bị phê phán là đào tạo kém chất lượng, kiến thức sách vở, lạc hậu, không sát thực tế, không khớp với nhu cầu của xã hội. Nhưng trong việc này, bao nhiêu phần trăm là trách nhiệm của trường, bao nhiêu phần trăm là của các cơ quan xí nghiệp sử dụng người, và bao nhiêu phần trăm là trách nhiệm của cơ chế dùng người của Đảng và Nhà nước? Nhiều Việt kiều tâm huyết về nước để góp phần đã không được tín nhiệm và giao việc xứng đáng. Việc bổ nhiệm, tăng lương… phải thực hiện đúng quy trình…
- Bê bối trong việc phong giáo sư - phó giáo sư vừa rồi, có nguyên nhân do cách làm chưa chu đáo của ngành giáo dục, nhưng nguyên nhân chính là do quan điểm phong giáo sư của ta cơ bản không giống ai, giáo sư không phải để giảng dạy - nghiên cứu khoa học, mà là một học hàm để vinh danh các quan chức. Quan điểm đó không phải của ngành giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị của ta.
Trước mớ bòng bong như thế, muốn sửa chữa, muốn đổi mới, phải tấn công trước hết vào khâu nào? Khâu nào là khâu cơ bản có thể tác động dây chuyền đến toàn hệ thống? Một mình ngành giáo dục có thể làm được gì, nếu tất cả các trở lực khách quan không được tác động? Trở lực khách quan (đối với ngành giáo dục) là những chủ trương của Đảng và Nhà nước (có những chủ trương rất đúng, rất đẹp, nhưng không thực hiện), đồng thời là những cơ chế quản lý đã thành nền nếp tới nay mà không ai có thể thay đổi. Ngành giáo dục phải cố gắng trong những mặt: chương trình và phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo giáo viên, cải tiến cơ chế quản lý, nhưng không thể nào thực hiện được các việc: tăng cường đầu tư, nâng cao đời sống giáo viên, xây dựng nếp sống nghĩa nhân cho xã hội, sử dụng tốt sinh viên tốt nghiệp…
Cho nên, thực sự tôi rất băn khoăn lo lắng. Không biết rồi ngành giáo dục của ta sẽ cải biến như thế nào để có thể vươn lên.
Đôi niềm trăn trở, viết cho anh để tâm sự cho đỡ buồn. Chúc anh khỏe và chúc Hồn Việt ngày càng có chất lượng hơn.
Ngày 7-5-2018
------------------------------------------
* Nguyên Vụ trưởng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu.